Một người đánh cá ở sông Đà, đoạn dòng Nậm Mu đổ ra, khi quăng chài, đã kéo lên một thi thể đang bị phân hủy, không còn ra hình hài một con người nữa. Một số bộ phận trên cơ thể đã bị biến mất...


Món ăn khoái khẩu của "quái vật" cá chiên là xác động vật.


Khi thủy điện Sơn La khởi công, cũng là lúc các kỹ sư địa chất gói ghém hành lý ngược dòng Nậm Mu làm công việc liên quan đến địa chất để xây dựng thủy điện Huổi Quảng và thủy điện Bản Chát, đặc biệt là thủy điện Nậm Nhùn rất lớn trên đầu nguồn sông Đà.


Dòng nước dữ sông Đà.
Tôi đã từng có thời gian suốt nửa tháng lội núi băng rừng, cưỡi thuyền ngược thác dữ theo những người lính địa chất và được chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng, những hi sinh thầm lặng của những người làm địa chất nơi rừng xanh núi đỏ.
Chiếc U-oát cũ rích long sòng sọc như bu gà nhảy chồm chồm trên con đường đá hộc lởm chởm từ xã Ít Ong vượt qua dãy núi đá vôi Pi Toong sừng sững. Đoạn đường chấm dứt ở bản Cun thuộc xã Chiềng Lao (Mường La). Từ đây, muốn đến địa điểm sắp xây dựng thủy điện Huổi Quảng, nơi giáp ranh giữa huyện Mường La và huyện Than Uyên của Lai Châu, phải đi thuyền đến thác Nà Cương, rồi cứ cuốc bộ ngược sông Nậm Mu.

Cá chiên - "quái vật" sông Đà. (Ảnh sưu tầm).
Đứng trên dãy núi Hua Trai cao lừng lững kéo dài từ Trạm Tấu về, nhìn xuống thung lũng, thấy gương mặt dòng Nậm Mu xếp chồng lên nhau những nếp nhăn dài. Nó dềnh lên trong mắt sự hoang vu, mông muội trong cái ánh sáng lấp lánh của những câu chuyện cổ xưa. Doi cát nhô ra, buổi chiều tím lại, trời lạnh cắt da cắt thịt mà các cô gái Thái vẫn khỏa trần dưới sông khoe làn da lên màu men sứ nguyên sơ đến lạ lùng.
Anh Huỳnh Phong, Phó giám đốc Xí nghiệp khảo sát xây dựng điện I, trông qua dễ nhầm là gã sơn tràng cả đời ăn bờ ngủ bụi, bảo: “Sông Nậm Mu đẹp lắm, nhưng thác thì dữ dội, chẳng năm nào nó không nuốt mất vài mạng sống của ông lái đò, của những trẻ nhỏ, kể cả những người lính địa chất đã quá dạn dày với núi sông, rừng thẳm. Kẻ chìm sông lạc suối ở Nậm Mu không tìm thấy xác, trôi ra sông Đà là bị thủy quái ăn thịt ngay”.

Anh Phong và anh Nhân là những người chứng kiến cái chết đau lòng của 1 kỹ sư.
Nói rồi, anh Phong dẫn tôi trượt từ sườn Hua Trai xuống bản Nà Lếch, nằm bên sông Nậm Mu. Ven sông mùa nước cạn, những bãi cát lấp lánh, bãi cỏ gianh rậm rì. Anh vạch bụi cỏ gianh, một nấm đất buồn thảm nhô ra, mấy cọng hương vung vãi, mốc thếch. Lâu lắm rồi không có bàn tay người chăm sóc ngôi mộ. Trên tấm bia gỗ khắc dòng chữ đơn sơ: Phạm Văn B, sinh năm 1978, mất năm 2004, quê quán TP. Hạ Long.
Phạm Văn B là một kỹ sư khoan năng động, xốc vác, có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng theo chân lớp kỹ sư già đi hết cánh rừng này đến dòng sông khác để chia sẻ cái nhọc nhằn mà lớp cha chú đã trải qua. Nhớ lại cái chết bi tráng của B ai cũng thương xót, nuối tiếc.

Mưu sinh trên sông Đà.
Đó là một buổi chiều tối tháng 5/2004, khi anh em kỹ sư địa chất chuẩn bị dọn cơm trong căn lều bên sông Nậm Mu thì Phạm Văn B, chàng kỹ sư trẻ tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất khóa 43, cứ nằng nặc đòi sang bên kia sông kiểm tra lại mũi khoan xem có an toàn, có thành công như mong đợi không. Sớm mai anh được về phép sau mấy tháng xa người vợ mới cưới, nên anh muốn sang sông kiểm tra mũi khoan lần cuối cho an tâm.
Khi anh em đang ăn cơm, một cô bé gái người Thái nước mắt ngắn dài vào lều báo: “Chú B bị lũ cuốn trôi mất rồi!”.
Mọi người chạy thục mạng ra bờ sông, nhưng chỉ thấy dòng sông đỏ au cuồn cuộn. Những súc gỗ đen ngòm lao vùn vụt trong dòng nước xiết. Nhìn dòng nước ấy, người khóc lóc xót thương, người chỉ biết than trời!

Một con cá chiên cỡ trung bình.
Cô bé người Thái kể rằng, em nhìn thấy chú B cứ đi đi lại lại bên sông để tìm chiếc bè (anh em địa chất phải căng dây cáp qua sông Nậm Mu, rồi chân dẫm vào bè, tay lần dây cáp mới qua được con sông hung dữ này), nhưng chắc nước lớn cuốn bè trôi mất rồi. Không có bè, B liều mạng bám vào sợi dây cáp bơi qua sông.
Thế nhưng, khi ra đến giữa dòng thì lũ bất chợt đổ về. Lũ quật anh như cơn bão quật trái cây trên cành. Sức thanh niên trai tráng cũng đâu địch lại với lũ Nậm Mu. B mất hút trong dòng nước đỏ lòm quái quỷ.
Cả đêm hôm ấy, anh em địa chất chạy dọc hai bên bờ sông, đèn pin soi loang loáng mặt nước, chỉ mong tìm được xác B nguyên vẹn cho đỡ tủi thân, nhưng chạy cả chục cây số, ra đến tận sông Đà mà vẫn không tìm thấy B đâu.

"Quái vật" vào... nhà hàng đặc sản.
Đồng bào Thái ở ven sông Nậm Mu có bao nhiêu lưới, móc câu đều giăng kín sông, nhưng chẳng câu được gì, xác B vẫn mất tăm, mất tích trong dòng nước.
Hơn nửa tháng sau, một người đánh cá ở sông Đà, đoạn dòng Nậm Mu đổ ra, khi quăng chài, đã kéo lên một thi thể đang phân hủy, không còn ra hình hài một con người nữa.
Người dân dọc sông Đà, phần chảy qua Lai Châu, Sơn La đã quen với việc gặp những xác chết bị cá xâu xé như thế. Loài cá lăng, chiên khổng lồ, lừ đừ như quả bom dưới nước nào có tha thứ gì. Những xác chết, động vật thối rữa là khoái khẩu của chúng.

Loài "quái vật" này rất phổ biến trên sông Đà.
Anh em địa chất đắng lòng nhận ra chàng kỹ sư B qua chiếc áo đã rách tơi tả, chiếc áo mà vợ mua cho B vẫn giữ gìn, vẫn gối đêm đêm trong giấc ngủ đơn côi giữa rừng già. Quá đau đớn, quá khủng khiếp! Người nhà nhìn thấy thảm cảnh này sao mà chịu được! Nghĩ vậy, anh em địa chất mang B lên bãi cỏ gần nơi làm việc chôn để tiện hương khói. Buổi làm tang ma chôn B cũng chỉ có mấy chén rượu tiễn biệt và chứa chan nước mắt.
Sau khi B chết, mấy lần anh em thay nhau về phép tìm gặp vợ B, nhưng không ai đủ can đảm để nói ra sự thật thảm khốc ấy. Cái chết của B quá bi thương, khủng khiếp. Anh Phong và các lãnh đạo Xí nghiệp đều là bậc cha chú, mấy lần định nói sự thật, song khi gặp vợ B ở công ty đều tránh vì không biết phải nói thế nào. Chuyện B chết, lại bị “quái vật” cá lăng, cá chiên sông Đà xâu xé cả cái cơ quan ấy đều sụt sùi kể cho nhau nghe, trong khi phải nửa năm sau vợ B mới biết.
Sau chuyến ngược sông Đà theo những kỹ sư địa chất, tôi tìm gặp vợ B, sống cô độc trong một căn phòng gác hai của một dãy nhà chung cư nằm ở ngoại vi thị xã Hà Đông. Vợ B là Phạm Hồng P, công tác cùng cơ quan với chồng.
Căn nhà trọ độ 25m2 mà có cảm giác rộng thênh thang. P ngồi bó gối ở góc phòng với đôi mắt buồn rười rượi. Tôi ngồi bên P mà không dám hỏi nhiều về B, bởi cứ nhắc đến là P không kìm lòng được.

B

Một thanh niên ở Quỳnh Nhai săn được cá chiên sông Đà.

và P cùng làm ở phòng Kỹ thuật địa chất. Mặc dù làm cùng cơ quan, song cả năm gặp nhau được vài lần. Trước ngày cưới một tuần, B vẫn còn lặn lội ở sông Nậm Mu. Chưa trọn tuần trăng mật đã lại khăn gói lên đường, rồi sự việc không may ập đến.
P nói trong nước mắt: "Cưới xong một tuần thì anh ấy nằng nặc đòi đi. Anh bảo không có ai theo dõi mũi khoan thì không yên tâm. Anh ấy mất hồi tháng 5 mà đến tháng 11 em mới biết".
Suốt nửa năm không thấy tin tức chồng, trong lòng như có lửa đốt. Như có linh tính mách bảo, P bắt xe khách, xe ôm rồi đi bộ vào tận Huổi Quảng. Không giấu được nữa, nên anh em địa chất phải nói thẳng chuyện B chết với P. Lúc tìm thấy chồng thì mộ chồng đã xanh cỏ rồi. 24 tuổi, chưa có mụn con, P trở thành góa phụ.