“Hãy yêu cái yêu của người khác, hãy ghét cái ghét của người khác nếu các bạn muốn được cảm tình của người mình giao tiếp”, George Sand, nhà văn nữ nổi tiếng của Pháp vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã nói như vậy.

Dù có uẩn khúc trong tình yêu nhưng G.Sand luôn là một phụ nữ gây được tình cảm không những nơi các độc giả yêu chuộng tiểu thuyết của bà, mà hầu như tất cả ai giao thiệp với bà đều rất hâm mộ tính dịu dàng, lòng chân thật và một tâm tình cởi mở nơi nhà văn nữ tài hoa này.

Tôi còn nhớ cuối năm 1959 trong cái giá rét u ám của khu La tinh, nơi quy tụ những người cầm bút, nghệ sĩ và những “clochards - những trí thức sống không nhà như hành khất”, bà ân cần nói với một sinh viên đến từ Châu Á.

- Người Châu Á của các bạn rất khéo léo trong việc giao tiếp, vì thế luôn tạo được cảm tình nơi người khác. Tôi học được nơi các bạn đức tính tôn trọng tình cảm riêng tư của nhau.

Các bạn trẻ, chắc chắn các bạn nhận thấy một sự thật hiển nhiên là chỉ có một người quá kém đối xử mới ngây thơ đụng chạm đến tình cảm của người mà mình đối diện hoặc đối thoại.

Trên đời này, không ai trong chúng ta lại không biết rằng câu “Le moi est haissable” - cái tôi là đáng ghét” vì ngụ ý của nó là bất cứ ai cũng quá tôn trọng mình.

Tại sao chúng ta không nắm ngay cốt lõi của vấn đề là chúng ta muốn ĐẮC NHÂN TÂM thì cần làm một việc tối cần thiết là tôn trọng cái “cần tôn trọng của người khác”.

Nói thì dễ nhưng thực hiện được việc xem ra không dễ nhưng thực sự không phải đơn giản như chúng ta nghĩ. Lý do là mỗi người đều “quá tôn trọng mình” muốn vượt qua vạn lý trường thành ngăn cách giữa cái cá nhân là điều đòi hỏi vừa là ý chí quyết thắng lợi trên trường đời, vừa là nghệ thuật thu phục lòng người.

Với quyết tâm thì dù mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, dù gian khổ thế nào cũng phải tiến đến đích. Và để thành công trong việc thu phục nhân tâm thì chỉ với quyết tâm không đủ, còn cần đến nghệ thuật để thực hiện việc chiếm được cảm tình của người mình giao tiếp nữa.

Trên ba mươi năm trước ông bạn kinh tế B.V Tài, tốt nghiệp ở Pháp về, một người bạn lớn hơn tôi trên 10 tuổi đã từng nói:

- Nếu chúng ta cứ buộc người khác nghe theo ý chúng ta, hoan nghênh việc chúng ta làm, vỗ tay khen điều chúng ta nói thì chúng ta là… vua rồi.

Tiếc một điều chúng ta không là vua, vì thế chúng ta cần phải nghe người khác nói, cần phải tôn trọng tình cảm của người khác bộc lộ ra nếu chúng ta không muốn người đó quay lưng bỏ đi.

Ông Tài là một người học giỏi, có bằng cấp cao, ông sống giản dị, được cảm tình mọi người. Tôi đã học được ở ông rất nhiều điều, mà điều tôi cho là quan trọng hơn tất cả chính là biết tôn trọng tình cảm của người khác.

Đừng bao giờ trên đời này chúng ta lại có một lần nào dại dột thốt ra một câu tương tự như:

- Anh sái lắm.

- Anh làm bậy lắm.

- Có điên mới làm việc đó.

- …

Anh A làm việc đó vì anh quyết định phải làm như thế. Lý do rất dể hiểu là anh, với cương vị và hoàn cảnh sống, anh thấy việc cần làm và anh đã làm.

Chị B đã quyết định như thế và chị đã hành động như chị đã quyết tâm.

Chúng ta không phải anh A, không phải chị B, chúng ta đừng chê họ kém sáng suốt khi làm những việc họ đã làm, họ đã thất bại.

Tôi nhớ có một người bạn vì lời hứa anh cần tôn trọng mà cuộc đời anh phải trải qua một thời gian khá dài đầy bi thảm. Anh tâm sự với tôi:

- Tôi biết vì giữ lời hứa tôi sẽ gặp việc không tốt cho đời tôi. Nhưng nếu tôi không giữ lời tôi không trọng lời hứa thì tôi đã hứa để làm gì.

Đúng như thế, bất cứ ai dù thương yêu hay oán ghét điều gì đều có lý do riêng của người ấy. Chúng ta cần tôn trọng tình cảm của mọi người.

Chỉ có bạo chúa mới bắt trăm họ yêu cái yêu của mình, ghét cái ghét của mình, để cuối cùng rồi bạo chúa cũng phải bị tiêu diệt.

Tôi nhớ có người bà con lớn tuổi, được nhiều người tôn trọng nói:

- Nếu có ai đó nói với tôi con chó là con mèo, mà tôi biết chắc đó không phải là con mèo, tôi không cần cãi lại Tôi chỉ nói “vậy à”.

Không phải tôi khuyên các bạn “ba phải”, nhưng một điều tôi muốn nói cùng các bạn là chúng ta không cần gì phải nhọc công, tốn nước bọt để chỉ cho người khác thấy cái sai của họ khi không cần thiết.

Vì ai cũng quá tôn trọng mình nên chỉ có bậc chính nhân quân tử mới chấp nhận rằng mình đã làm một việc gì đó không đúng, chớ chưa phải là sai.

Nhưng dù có thắp đuốc đi tìm trọn một ngày chúng ta chưa chắc tìm được một người luôn luôn đủ can đảm chấp nhận rằng mình đã làm điều này, điều nọ không đúng khi có người chỉ cho mình thấy.

Tại, vì, bởi,…là những tiếng luôn trên đầu môi chót lưỡi mọi người để biện hộ cho việc làm không đúng của mình.

Nếu sự thật là thế, một sự thật quá phũ phàng, thì chúng ta nên chấp nhận. Và chúng ta nên tôn trọng tình cảm của người khác như chúng ta muốn người khác tôn trọng tình cảm của chính chúng ta.

Anh C yêu chị X vì lòng anh muốn như vậy, vì đôi mắt anh “hạp nhãn” trước nét ngoại hình của chị X, vì anh tìm thấy ở đối tượng tất cả các đức tính mà anh thích.

Nếu chúng ta thấy chị X không được ở điểm này, điểm khác thì đấy là “không được” đối với chúng ta. Và không bao giờ chúng ta nói ra những nhận xét ấy, chúng ta chỉ nói được khi anh C hỏi ý kiến những câu đại loại như:

- Tôi nghĩ anh rất khéo chọn.

- Anh vốn rất giỏi nhận xét người.

Các bạn thử nghĩ hai câu phải vô thưởng, vô phạt không? “khéo chọn” hoặc “rất giỏi nhận xét” là việc riêng của anh C. Và anh ấy hoàn toàn hưởng trái ngọt hay uống chén đắng do tự anh đưa lên miệng anh, chớ không phải do chúng ta.

Còn chúng ta đưa ra một vài nhận xét về “người đẹp” của anh ấy - dĩ nhiên là một mẫu người lý tưởng - mà ác hại thay lại làm phật lòng thì chúng ta chuốc lấy ác cảm do chính chúng ta gây ra.

Sưu tầm