Chó chết, chó bệnh vẫn bị làm thịt và bán như “đặc sản cầy tơ”



HÀ NỘI - “Mỗi ngày, hàng tấn thịt chó ‘made in’ Cao Xá Hạ (xã Ðức Giang, huyện Hoài Ðức, Hà Tây) được mang đi khắp các nhà hàng Hà Nội. Trong số đó, một lượng không nhỏ thịt được lấy từ những con chó chó chết, chó bệnh, chó bị đánh bả...” Báo Thanh Niên mở đầu một bài viết như vậy về sự không lương thiện của những người làm thịt chó để bán, bất chấp sự nguy hiểm đối với sức khỏe và sinh mạng của khách ăn.

Chuyện làm thịt chó chết, chó bệnh để bán cho người ta ăn không phải đây là lần đầu tiên bị nêu ra trên báo. Trước đây, từng thấy báo chí trong nước nói đến nhưng không có gì thay đổi.

Báo Thanh Niên ngày 27 Tháng Mười Một, 2006: Khắp làng Cao Xá Hạ vang tiếng chó sủa. Chó được nhốt trong chuồng sắt, đủ cả chó nội (nguồn hàng truyền thống là Nghệ An, Hà Nam, Thanh Hóa) và chó nhập ngoại (Thái Lan, Lào hoặc Campuchia).

Khoảng 60 năm trước, làng Hạ xuất hiện người mua chó đầu tiên. Ban đầu cũng chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, hai bên là hai chiếc sọt sắt được làm thép dây, trong để thêm chiếc thòng lọng bện bằng dây thừng, có cán “chế” bằng ống tuýp sắt, lái chó rong ruổi hết làng này qua làng khác tìm mua từng con.

Theo bà Thanh, một phụ nữ từng có thời gian dài gắn bó với nghề buôn chó, cho biết do nghề lúc đó chưa phát triển nên việc thu mua chó sống là rất khó khăn: “Ðạp rạc cả cẳng, ngày cũng chỉ mua được vài ba con. Chính vì vậy mà đã có không ít người vì lợi nhuận đã mua cả chó bệnh, chó ốm, rồi cả chó chết do ăn phải bả... Kể cũng liều, nhưng đâu có sao!”

Còn theo ông Chu, người trước cũng ở làng, nay chuyển sang bán bia hơi trên Hà Nội, thì những chú chó bị nghi có bệnh hay ăn phải bả sắp chết sẽ được cắt tiết tức thì và cái đầu phải cắt lìa khỏi cổ trước khi vặt lông, vì sợ những chiếc răng có bám độc sẽ truyền sang tay người mổ. Cỗ lòng cũng phải vứt bỏ. Ông Chu lý luận: “Chó ăn phải bả, độc tố còn nguyên trong khúc lòng. Do vậy, chỉ cần bỏ nguyên cỗ lòng đi là có thể ăn vô tư”.

Chưa hết, những con chó xấu số chỉ còn da bọc xương, tưởng như vứt bỏ cũng được cánh buôn chó mua về vặt sạch lông. Không đem đi thui rơm vội, họ mang xác con chó chôn xuống đống cát sau vườn, đợi qua một ngày sẽ bới cát tìm lại xác con chó, lúc này đã trở nên mập mạp, to béo do hút hơi ẩm. Tới lúc đó con chó mới được mang thui rơm - vàng ươm.

Nói đến mẹo này, ông Chu cười khà khà đắc ý, đây là một trong những tuyệt chiêu đã giúp ông qua mặt không ít đối thủ vốn được liệt vào loại sành sỏi: “Nhìn con chó đẹp mã đến vậy nằm chễm chệ trên chiếc mẹt bày trong chợ, đến mấy thằng bạn trong nghề với nhau còn không phát hiện ra nói gì đến các thượng đế lâu lâu mới làm miếng thịt chó”... Ông Chu bảo thủ thuật đó dân trong nghề gọi là “tân trang” chó chết. Theo ông Chu, hơn 70% lượng thịt chó đang được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội có nguồn gốc từ làng Hạ. Thôn Hạ có 360 hộ thì trên 50 gia đình theo nghề buôn chó. Mỗi ngày, trung bình làng “hóa kiếp” cỡ 5 tấn chó hơi.

Nghề buôn bán thịt chó đã thực sự phát triển, thế nhưng vẫn chưa có một khu sản xuất, giết mổ tập trung. Chính vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đang ở mức báo động. Số người dân làng Hạ mắc những chứng bệnh có liên quan tới đường hô hấp ngày một gia tăng. Hầu hết các hộ làm nghề này đều áp dụng kiểu giết mổ thô sơ, tất cả chất thải như lông, phân chó đều đổ thẳng ra cống, rãnh của làng. Bầu không khí làng Hạ bây giờ là sự pha trộn giữa lông chó khô lẩn quẩn với mùi hôi bốc ra từ cống rãnh và những chiếc lồng nhốt chó.

(trích báo Người Việt on line)