Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, trên đảo Phú Quốc cũng có đền thờ, Thuyền trưởng đã tới dâng nhang và chụp hình, kiếm lại hình cũ mà hổng thấy nên post tạm hình nầy.
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Quản Lịch hoặc Quản Chơn, sinh năm 1838 tại Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Bữa nay, kỷ niệm 140 năm ngày ông hy sinh (1868 - 2008), Thuyền trưởng sưu tầm, edit và post một số thông tin về người anh hùng dân tộc.
Ngay từ khi Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, Nguyễn Trung Trực đã tham gia bảo vệ đồn Chí Hoà dưới quyền của Lãnh Binh Trương Định. Trong lúc triều đình hèn hạ ký hoà ước dâng đất cho Pháp thì Nguyễn Trung Trực vẫn cùng nghĩa quân chiến đấu. Ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt cháy tàu Hy vọng (L' Espérance) trên vàm Nhật Tảo. 17 lính Pháp bị thiệt mạng.
Sau chiến công Nhật Tảo nầy, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Quản Cơ (bậc võ quan hàng chánh tứ phẩm.). Đồng thời cũng được lịnh dời quân ra Phú Yên. Nhận rõ âm mưu phá hoại kháng chiến của triều đình, ông đã cương quyết chống lịnh.
Ngày 16 tháng 6 năm 1868, vào lúc 4 giờ sáng, ông đã chỉ huy nghĩa quân kết hợp với nội ứng tấn công đồn Rạch Giá. Đồn Rạch Giá bị nghĩa quân phóng hoả đốt cháy rực trời. Nghĩa quân giết chết 5 võ quan Pháp và 67 lính, thâu trên 100 cây súng.
Sau nhiều lần thất bại, quân Pháp dồn lực lượng tấn công nghĩa quân. Pháp điều tên Việt gian Trần Bá Lộc từ Cái Bè đến Rạch Giá để đối phó với Nguyễn Trung Trực (Ôi! Bên cạnh những anh hùng, đời nào cũng có những tên phản bội, bán nước), chúng bắt mẹ ông và treo giải thưởng đầu ông 500 đồng (tiền ngày xưa). Vợ ông bị bịnh hậu sản. Đứa con nhỏ bị chết do thiếu sữa. Trong trận chiến đấu cuối cùng ngày 19/9/1868, Nguyễn Trung Trực bị thương và ngất đi, lỡ sa vào tay giặc. Ngày 27/10/1868, Pháp hành quyết Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá.
Người dân lục tỉnh và cả nước tôn thờ Nguyễn Trung Trực là anh hùng dân tộc. Câu nói lịch sử của ông còn lưu truyền. “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây!”. Hàng năm vào những ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch, hằng trăm nghìn đồng bào cả nước về Rạch Giá dâng nhang tưởng niệm ông, coi ông là người cha tinh thần. Rất nhiều huyền thoại được kể về võ công và tài trí tuyệt vời của ông. Người dân chài Rạch Giá coi ông như thánh thần bảo vệ họ khi ra khơi. Có nhiều ngư dân kể lại, nhờ ông báo mộng mà họ né được nhiều cơn bão.
Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của Nguyễn Trung Trực, một nhà thơ đương thời là Huỳnh Mẫn Đạt đã tặng ông bài thơ, trong đó có câu:
"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần."
Dịch là:
Sông Nhật Tảo lửa hồng rực cháy, tiếng vang trời đất,
Đồn Kiên Giang lưỡi kiếm tuốt ra, quỷ thần sợ khóc.