Các Cô dâu Việt trên xứ Hàn và rào cản hoà nhập

Các vụ cô dâu Việt bị sát hại tại Hàn Quốc làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của chính phủ CP Hàn Quốc trong việc phá bỏ các rào cản hòa nhập cho người nhập cư.

Nhắm mắt làm ngơ?

Ngày 24/5, một nông dân Hàn Quốc đã đâm chết người vợ Việt Nam trong khi đứa con chung của họ, mới 19 ngày tuổi, vẫn đang nằm bên cạnh. Người đàn ông này kết duyên với vợ thông qua mai mối.
Năm 2010, một cô dâu Việt khác cũng bị chồng giết chỉ sau khi cưới được 1 tuần. Năm 2008, một cô dâu Việt nhảy lầu tự tử vì bị chồng và mẹ chồng ngược đãi.

Ảnh trái: Cô dâu Hoàng Thị Nam (bị sát hại ngày 24/5/2011) và chồng. Ảnh phải: bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ ruột của nạn nhân. Nguồn: PLTP



Các hành vi tàn nhẫn này cho thấy Hàn Quốc đang nhắm mắt làm ngơ trước những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu và những cản trở trong hòa nhập cuộc sống.

Những người mai mối hôn nhân vì lợi nhuận hoạt động mà không được giám sát chặt chẽ, còn các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này lại không thể phối hợp đồng bộ với nhau.

Hoặc có thể là họ không muốn làm như vậy. Hàn Quốc "nổi tiếng" là quốc gia khó chấp nhận người nhập cư và đa dạng hóa nền văn hóa của mình.
Tuy nhiên, thực tế là số lượng các cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc đang ngày một tăng. Trên các thân xe lửa, giữa các biển quảng cáo của thẩm mỹ viện hay lớp học tiếng Anh là những tấm áp phích nhỏ của các công ty môi giới với lời hứa hẹn về mối "lương duyên" với những phụ nữ tử tế từ các nước láng giềng.

13 năm trước, Nguyễn Ngọc Cầm, hiện 35 tuổi, từ Việt Nam tới Hàn Quốc làm dâu.

Trong một buổi phỏng vấn, cô nói: "Ban đầu mọi việc thật khó khăn. Khi mới đến đây, tôi không biết nói tiếng Hàn và không quen với văn hóa Hàn".
Cô cho biết chính phủ Hàn Quốc không hề giúp đỡ gì: "Tôi phải tự thân vận động".
Theo ước tính của Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc, trong số 1,2 triệu người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, có trên 100.000 người là cô dâu trong các gia đình Hàn.

Trong số đó, cô dâu Việt chiếm 19,5% và Philippines 6,6%. Trung Quốc chiếm tỉ lệ đông nhất với 30,4%.
Nhưng ngoài việc tính toán, ghi chép số liệu, các cơ quan chức năng của chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa có tác động đáng kể nào để làm xoa dịu quá trình thay đổi này. Sự thiếu phối hợp giữa ba bộ - giới tính, giáo dục, và sức khỏe - chịu trách nhiệm giúp đỡ các gia đình đa dân tộc cho thấy khó có thể làm được gì.

Những người môi giới hầu như cũng không làm gì để chuẩn bị cho các cô dâu này. Ngoài vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, cả hai người nam giới bị kết tội sát hại vợ nói trên còn từng gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần - và thông tin này không hề được công khai cho hai phụ nữ xấu số trước khi họ quyết định lấy chồng.

Rào cản văn hóa đồng nhất

Trong một đám tang tổ chức bên ngoài Bộ Bình đẳng Giới Hàn Quốc ngày 2/6 vừa qua, những người biểu tình đã giăng các tấm áp-phích với nội dung: "Những kẻ môi giới: các người có biết mình đã làm gì không?"
Nhưng không chỉ có những người phụ nữ mới chịu khổ. Các gia đình đa dân tộc thường nghèo khó và con cái họ thường không được học hành đầy đủ như những đứa trẻ Hàn Quốc.

Theo một điều tra của chính phủ nước này, gần 60% các gia đình đa văn hóa sống ở mức cận nghèo; thu nhập hộ gia đình của họ dưới mức 2 triệu won (1,850USD)/tháng, trong khi mức thu nhập hộ gia đình trung bình ở Hàn Quốc là 3,3 triệu won (3,065USD)/tháng.
Cũng theo số liệu của chính phủ, 80,8% trẻ em trong các gia đình đa dân tộc thuộc nhóm tuổi 7 - 12 được đi học. Nhưng chỉ có 26,5% là theo học tới cấp phổ thông trung học - đây là tỉ lệ thấp hơn rất nhều so với mức trung bình tại Hàn Quốc, một xã hội thuộc hàng có học vấn nhất trên thế giới.
Kim Hee-kyung, giám đốc tổ chức Cứu giúp trẻ em Hàn Quốc, cho rằng không chỉ những người nhập cư mới cần được giúp đỡ hòa nhập, mà chính người dân Hàn Quốc cũng phải học cách chào đón các nền văn hóa khác.

Ông nói: "Chúng tôi liên tục kêu gọi chính phủ tập trung nhiều hơn vào việc giáo dục cho các trẻ em Hàn. Đã tới lúc cần phải giáo dục cho trẻ em thuộc nhóm đa số, chứ không chỉ dừng lại ở những cộng đồng thiểu số nữa. Nhưng chính sách của chính phủ chỉ tập trung vào việc hòa nhập các cộng đồng này vào xã hội Hàn Quốc; họ không chấp nhận sự đa dạng".

Cái khó của vấn đề là xã hội Hàn Quốc chỉ muốn duy trì hình ảnh một nền văn hóa đồng nhất.

- "Chúng ta cần phải loại bỏ cái quan niệm đã tồn tại hàng thế kỷ về đất nước Hàn Quốc với một xã hội đồng nhất, đơn văn hóa, đồng thời chấp nhận thực tế rằng chúng ta đang ngày càng trở nên đa dạng hơn", Lee Chan-boum, Hội đồng Hình ảnh Quốc gia, một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh Hàn Quốc trên quốc tế, nói.

Người Hàn Quốc thường tin rằng - và đây cũng là điều họ được dạy ở trường học - dân tộc họ đã sinh sống ở bán đảo này từ xa xưa và mặc dù bị thực dân chiếm đóng, cũng như đã trải qua nhiều hình thức can thiệp khác của nước ngoài, nhưng nền văn hóa thuần khiết và độc đáo của họ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Hiện tại chính phủ vẫn chưa có chương trình nào nhằm giáo dục người dân Hàn Quốc chấp nhận những nền văn hóa khác, trong khi theo lời ông Kim Hee-kyung của tổ chức Cứu giúp Trẻ em thì đây là bước tiếp theo cần phải thực hiện.
Ông Kim nói: "Thường thì trẻ em lai không nhận ra rằng chúng khác biệt; chúng bị người khác phân biệt. Chính phủ mới chỉ khuyến khích trẻ em học tiếng Hàn mà không khuyến khích học tiếng Việt. Thông qua hành động này, trẻ em sẽ có suy nghĩ rằng người Việt kém hơn người Hàn. Rồi dần dần, các em bắt đầu có tâm lý ghét bỏ mọi thứ có nguồn gốc từ Việt Nam".

Steven Borowiec
Diệp Phong (theo Global Post)
(Source: Tuan Viet nam)