Tuổi thơ tôi
Nhân tối Giáng sinh ngồi đọc bài "Mùi quê hương" trong mục bạn đọc viết, tôi đang ở xa quê mà lại thấy nhớ quê hương da diết, và những kỷ niệm tuổi thơ như sống lại. Tôi ngồi một mạch và viết bài viết này, hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, nghịch ngợm mà tươi đẹp. Rất mong bài này của tôi sẽ được đăng, để tôi có cơ hội được nghe nhiều phản hồi và nhiều chia sẻ, cảm nhận của mọi người về tuổi thơ, chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ quê, những cảm xúc về tuổi thơ rất đáng trân trọng!
Tuổi thơ - hai tiếng thiêng liêng mà chắc hẳn mỗi lần nhắc đến ai cũng bồi hồi cảm xúc với những dư âm đi theo suốt cuộc đời, bên ta cả khi hạnh phúc, khi đau khổ, khi buồn khi vui….
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng, tôi còn nhớ như in hồi đó tôi, anh trai tôi cùng một nhóm trẻ con suốt ngày ra mương xúc tép, làm cần câu cá. Bắt về rồi dấu mẹ, cho vào chảo rán lên ăn, lúc đấy mới thấy ngon làm sao, thành quả của cả buổi trưa trốn ngủ ra ngoài mà. Mang cái rổ đi, chọn chỗ nào mà nước có nổi bọt khí lên là nghiêng nghiêng cái rổ, úp xuống, dậm dậm chân quanh đó cho cá chui vào rổ và hớt lên, những con tép trắng bạc, lấp lánh dưới ánh mặt trời và nhảy tanh tách trong rổ, mấy đứa nhìn nhau cười khoái trí.
Có hôm còn lấy trộm mũ cối của bố và nón của mẹ đi để úp bướm. Những trưa mùa hè, càng nắng to thì ngoài cánh đồng càng có nhiều bươm bướm, bướm trắng, bướm xanh, bướm vàng, bướm tím biếc, bướm đen bay rợp cả những con mương nho nhỏ. Cứ men theo triền mươn mà úp, mà đuổi bắt bướm, thích lắm. Bắt được một túi mang về, hai anh em hì hục bắt từng con một ra xem, con nào đẹp và ko bị rách cánh thì đem ép khô làm kỷ niệm. Mà ép bướm là cả một nghệ thuật, ép làm sao để nó khô mà vẫn giữ nguyên màu sắc, không bị mốc. Có trưa bị mẹ bắt quả tang, mẹ mắng, hai anh em nem nép ra về, nhưng chiều mẹ đi một cái là mấy đứa trẻ con cùng xóm lại ríu rít rủ nhau đi, chỉ cần huýt sáo một cái là lại tụ tập đầy đủ, bắt bao nhiêu cũng không thấy chán. Sao mà đam mê thế ko biết???
Mùa lúa nếp, khi lúa đang có đòng, đi học về qua cánh đồng, hái đòng đòng ăn vừa thơm vừa ngọt. Đợi khi lúa gần chín, đang ương ương thôi, ra ruộng hái trộm khoảng 20 chục bông lúa nếp về, rang lên cho nó nổ lách tách như bỏng ngô, sau đó cho vào cối giã cho chầy vỏ thóc bên ngoài, lộ lớp vỏ xanh xanh trắng trắng ra thì thôi, rồi đem sẩy hết vỏ đi, còn lại được một bát cốm còn ấm hơi nóng, quyện mùi thơm lúa nếp, ngon và dẻo.
Thích nhất là hì hụi làm, giờ được hưởng sản phẩm, nên thấy ngon lắm, mà hồi đó còn nấu bếp củi, làm xong tay chân nhọ nhem, mặt mũi cũng thế, nhưng vui lắm, không biết chán là gì.
Mùa ve thì bắt ve cho nó kêu, nghe hay hay và thích nghịch, bóp bóp cái bụng nó cho nó kêu. Khổ nhất là đi bắt ve mà nghe nhầm, rồi bắt nhầm ve cái là ve ko biết kêu. Thấy có mấy con ve đậu cùng đó và thi nhau kêu, nhưng vì thế mà không biết con nào kêu con nào ko, cho nên cứ rình một con, mà khi bắt được nó xuống thì lại hóa ra ve cái, động thế nào nó cũng ko kêu. Vậy là mất công cả buổi trưa rình bắt ve.
Lại còn có trò chơi, xe bọ xít, bị bọ xít đái cho vàng tay mà vẫn ko sợ, lấy vỏ lon bia cắt 1 mảnh hình chữ nhật, uốn uốn cho nó cong hình xe đua, gắn 1 ít nhựa đường đen đen lên xe, và bắt một con bọ xít, vặt hết 8 chân của nó đi, gắn con bọ xít vào chỗ nhựa đường cho nó dính chặt vào xe, rồi tung tung cho nó bay và cái xe theo đó mà phi vù vù theo tốc độ bay của nó. Bọ xít cứ bay và xe chạy từ đầu sân đến cuối sân. hai xe bọ xít thi với nhau xem xe nào về nhất. Hồi đó tôi cũng đam mê trò này, học rồi cũng tự làm xe cho mình, tự đi bắt bọ xít về thi với anh trai.
Có biết bao trò chơi, còn rất nhiều, rất nhiều nữa: chơi ô ăn quan, có lần bội thu mua hết cả ruộng vườn của đối phương, có lần lại thua thảm hại, bán hết cả ruộng vườn, nhà cửa,...con gái còn hay chơi nhảy dây, chơi chắt, chơi que nữa, chuyền dơn, chuyền kép, chơi du đẩy, đóng vai những phim hoạt hình mà mình yêu thích, diễn kịch đủ trò không biết ngại là gì...
Những trò chơi hay và vui thật, ngồi nghĩ lại mà như vừa mới chơi hôm qua thôi, vẫn còn nguyên một ký ức còn vang tiếng cười, còn mới nguyên như trang giấy trắng.
Làng quê bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, và nhà mình cũng vậy, bản thân mình cũng đã trưởng thành rồi, nhưng vẫn luôn hoài niệm. Hoài niệm ký ức tuổi thơ không bao giờ quên và không được phép quên.
Vẫn biết sống là hướng tới tương lai, nhưng đôi khi con người ta lại sống vì quá khứ, vì những kỷ niệm dịu êm, cho người ta nguồn năng lượng và niềm tin để sống. Quá khứ cho ta những khát khao mà hướng tới tương lai.
Nguyễn Thị Kiều Vân