Cố võ sư Trần Huy Phong
TRỌN ĐỜI CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VOVINAM

Thời trẻ, võ sư Trần Huy Phong tên Trần Trọng Bách sau đó đổi lại là Trần Quốc Huy. Lúc sinh tiền, thầy thường được nhiều môn đệ gọi bằng 2 tiếng thân tình là “thầy Ba”.

Thầy sinh ngày 14 -11 -1938 tại tỉnh Nam Định. Vào Sài Gòn, thầy bắt đầu theo học Vovinam - Việt Võ Đạo (VVN) cùng võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc lúc 16 tuổi. Khỏe mạnh, có năng khiếu và chuyên cần luyện tập, thầy sớm trở thành một môn đệ giỏi của Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng.

Trong thời gian các môn võ bị hạn chế phổ biến ở miền Nam (1960-1963), thầy vừa dạy Toán bậc trung học đồng thời cùng một vài võ sư khác vẫn âm thầm mở các lớp dạy ở một số trường như: Saint Thomas, Hào Vũ, Thăng Long… Khi môn phái bắt đầu hồi phục (1964), võ sư Trần Huy Phong được tín nhiệm vào chức vụ phụ tá võ sư Chưởng môn, tham gia hoạch định chiến lược phát triển môn phái. Hai năm sau, võ sư Trần Huy Phong cùng võ sư Phùng Mạnh Chữ tức Mạnh Hoàng thành lập võ đường Hoa Lư. Năm 1968, thầy đảm nhận nhiệm vụ Tổng đoàn trưởng Tổng đoàn Thanh niên Việt võ đạo chuyên lo phát triển phong trào trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh và hoạt động cứu trợ, cứu tế… Đến năm 1973, thầy được võ sư Chưởng môn phân công làm Tổng cục trưởng Tổng cục huấn luyện. Trong thập kỷ 80 đến giữa thập kỷ 90, thầy lại tiếp tục góp tay hồi phục các lớp tập trong nước và phát triển VVN ở ngoài nước.
Trong hơn 40 năm gắn bó cùng môn phái, võ sư Trần Huy Phong đã hy sinh cuộc sống cá nhân để dành trọn cuộc đời mình chung tay góp sức đưa môn phái VVN từ những ngày còn non trẻ trên đất Sài Gòn đến giai đoạn phát triển rộng rãi và mạnh mẽ đến nhiều nước ở châu Âu. Hiện nay, rất nhiều học trò của thầy vẫn đang tiếp tục công cuộc quảng bá VVN ở trong và ngoài nước. Ham thích đọc sách báo, tuy trầm tính nhưng quyết đoán, tác phong làm việc nghiêm túc, nhưng vẫn cởi mở, gần gũi và thường giúp đỡ mọi người, võ sư Trần Huy Phong đã tạo sự cảm mến trong lòng nhiều thế hệ võ sư, huấn luyện viên và môn sinh VVN. Qua những đóng góp cho môn phái, thầy đã được võ sư Chưởng môn Lê Sáng phong tặng Hồng đai đệ ngũ cấp (tương đương đai đen 9 đẳng) từ năm 1989 và là người có đẳng cấp cao nhất trong môn phái VVN, sau võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Và đánh giá về những cống hiến to lớn của võ sư Trần Huy Phong cho môn phái, võ sư Chưởng môn Lê Sáng đã khẳng định cùng nhiều võ sư cao đẳng: “Sau thầy (Chưởng môn Lê Sáng), thầy Trần Huy Phong là người có công lớn nhất trong quá trình xây dựng và phát triển môn phái”.
Bên cạnh võ nghiệp, võ sư Trần Huy Phong còn quan tâm đến công tác văn hóa - giáo dục. Thầy là sáng lập viên và đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Trung tâm giáo dục Tâm Thể trường Đại học Dân lập Hùng Vương ở TPHCM.
Nhưng chẳng may, khoảng tháng 8-1994, thầy phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo. Dù phải chống chọi với bệnh tật trong hơn 3 năm, võ sư Trần Huy Phong vẫn lạc quan, chú ý đến công việc và luôn hy vọng chóng bình phục để tiếp tục đóng góp cho đời, cho môn phái. Tuy phải sang thủ đô Paris, Pháp 3 lần để điều trị nhưng căn bệnh ác nghiệt đã cướp đi hơi thở cuối cùng của thầy vào lúc 19 giờ 35 phút ngày 13 - 11 - 1997 (nhằm ngày 14 tháng 11 năm Đinh Sửu) tại TPHCM và sau đó được hỏa táng tại An dưỡng địa Bình Hưng Hòa. Mải mê lo việc môn phái nên võ sư Trần Huy Phong lập gia đình muộn - mãi đến năm 1996, thầy mới kết hôn cùng cô Đặng Thị Xuân Loan. Tuy không có con nhưng hàng năm đến ngày giỗ thầy, đông đảo bạn bè, thân hữu và môn đệ đều tề tựu về chùa Bửu Thành (Q. 10, TPHCM), thắp nén hương tưởng nhớ và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn về người bạn, người đồng môn, người thầy kính mến…