Cảm niệm ngày Giổ Đầu VS Chưởng Môn - VS Phạm Hữu Độ


Hôm nay 19 tháng 9 năm 2011, là ngày giỗ đầu Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng.
Tôi thành tâm thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến “Người Anh Cả”cũng là “Người Thầy Khả Kính” trong suốt thời gian luyện tập VOVINAM.

Xin ghi lại đôi giòng kỷ niệm.

Trở lại thời gian của những năm 1954-1955, lúc phòng tập chuyển từ đường Võ Tánh (Frere Louis) về số nhà 58 đường Thủ Khoa Huân (Aviateur Garos).
Võ sư Sáng Tổ vẫn thường xuyên chỉ dạy cho các lớp võ sinh luyện tập.




Vì luyện tập trên sàn xi măng, nên các võ sinh theo các lớp nhập môn không đủ sức chịu đựng thường bỏ cuộc rất sớm, chỉ còn lác đác vài người nên phải ghép lại thành một lớp. Thời khóa biểu cho các lớp thường là thứ hai-thứ năm, hoặc thứ ba-thứ sáu ,hoặc thứ tư-thứ bảy.

Sau nhiều lần ghép lớp nhóm của tôi gồm có Trần Trọng Bách (tức VS Trần Huy Phong), Nguyễn Văn Thư, Ngô Hữu Liễn, Đặng trần Dũng, Nghiêm Hiền, Nghiêm Hùng, Trần Thế Phượng, Đàm Gia Tuấn (không phải Nguyễn Gia Tuấn), Nuôi tức Phúc, Thông tức Vũ, Tống, Một...

Ngay từ thời gian đầu, thường thì Sáng Tổ dạy các đòn thế mới, khi Người vắng mặt thì Võ Sư Trưởng Lê Sáng đứng lớp ôn tập cho các em. Tôn chỉ của Sáng Tổ là vào đòn phải nhanh, đúng và phải đẹp; cho nên trong giờ ôn tập, chẳng may cho bạn nào được VS Trưởng gọi ra làm mẫu thì cả tuần lễ sẽ biếng ăn và mất ngủ vì đau nhức khắp nơi.
Thời gian sau thì Sáng Tổ ít đứng lớp hơn, VS Trưởng được ủy nhiệm trực tiếp hướng dẫn lớp chúng tôi. Lúc này thì vì những lý do riêng nên một vài bạn đã nghỉ không đến lớp như Tống, Tuấn, Dũng, Liễn...

Khi phòng tập Thủ Khoa Huân đóng cửa chỉ còn lớp chúng tôi được chuyển về tư gia của Sáng Tổ trên đường Nguyễn Khắc Nhu và được tập luyện trực dưới sự hướng dẫn của Người. Kỷ niệm ở đây là trong lúc luyện đòn chân cặp bụng Nguyễn Văn Thư đập đầu xuống sàn gạch hoa ngất xỉu đã được Sáng Tổ cứu sống.

Một thời gian sau , gia đình Sáng Tổ di chuyển về khách sạn Everest, Sáng Tổ đã yếu nhiều, nhóm chúng tôi theo Võ Sư Trưởng tiếp tục luyện tập tại căn nhà trên đường Lê Quốc Hưng bên Khánh Hội. Chính tại nơi này, trước buổi tập, Võ Sư Trưởng đã truyền đạt “lời chỉ dạy sau cùng của Sáng Tổ” cho lớp của chúng tôi.

Lời Võ Sư Trưởng:
- ” Trong nghệ thuật luyện võ, các em đã trải qua hai giai đoạn. Từ lúc nhập môn qua thời kỳ đơn luyện và song luyện, đó là giai đoạn “võ đã thấm vào da thịt”, thời kỳ cao cấp các em vừa trải qua là giai đoạn “võ đã thấm vào máu”; da thịt có màu vàng, máu có màu đỏ. Để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển sắp tới, kể từ nay trong mỗi buổi luyện tập các em sẽ được mặc quần đùi màu đỏ.”

Ngày chúng tôi được phép mặc quần đùi đỏ cũng là ngày Sáng Tổ qui tiên. Chính nhóm anh em chúng tôi đã được phân công đứng hầu quan tài của Người quàn tại cao ốc Everest, cũng chính Võ Sư Trưởng đã dẫn đầu cho anh em chúng tôi khiêng linh cữu Sáng Tổ đến nơi huyệt mộ.

Chúng tôi lại tiếp tục theo Võ Sư Trưởng luyện tập trình độ “cao đẳng” tại võ đường trên đường Trần Hưng Đạo, tức là sàn nhảy cũ của phòng trà Moulin Rouge . Có hai kỷ niệm phải ghi nhớ ở nơi này, chính ở đây Võ Sư Trưởng đã ký “giấy chứng nhận cho phép mở phòng tập” với tư cách là Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam, và cũng là thời gian khai mở phòng tập Vĩnh Viễn.



Viết lại những giòng này để tưởng nhớ đến công ơn của “Đại Huynh Trưởng” đồng thời là “Bậc Thầy Khả Kính” đã dìu dắt anh em chúng tôi một quãng đường “không ngắn” của đời học võ. Để cho các môn đồ khắp nơi thông suốt thêm về lịch sử của môn phái; đồng thời cũng muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đó vì vô tình hay cố ý ,vì những ý đồ riêng tư đã quên đi cội nguồn và ân nghĩa của “bậc Thầy đã khuất”.


Kính cẩn,
Phạm Hữu Độ
Môn đồ VoViNam 1954-1961