Võ thuật và cái đạo của người học võ


Hà Anh Chiến

Hai khái niệm võ thuật và thể thao như hai vòng tròn giao nhau, có những điểm chung và có những khoảng chênh.
Thể thao là hoạt động rèn luyện thân thể nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, thể lực, tinh thần sảng khoái và minh mẫn. Hoạt động này được nâng tầm thành các cuộc thi giữa các thí sinh (vận động viên) với nhau, nhằm mục đích nâng cao hơn nữa thể trạng của con người, đúng như khẩu hiệu của Olympic: “Cao hơn, nhanh hơn, xa hơn”.
Hoạt động thể thao vô cùng phong phú và đa dạng, đó là sự đúc kết từ những hoạt động sản xuất, vui chơi hằng ngày của con người mà trở thành môn thể thao: Chạy nhanh, chạy xa, bơi lội, nhảy cao, nhảy xa, thể dục nhịp điệu, thể hình… Rồi đến các môn thể thao có dụng cụ: Bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, bi - a, cờ vua, thể dục dụng cụ… cho tới các môn thể thao hiện đại: đua xe đạp, đua mô tô, đua ô tô, quần vợt, bắn súng, chơi gôn… Bất kỳ hoạt động nào, trò chơi nào có tính rèn luyện sức khỏe đều có thể trở thành môn thể thao. Xét ở điểm này thì võ thuật và thể thao có sự gặp nhau và có thể coi võ thuật là một môn thể thao được ưa chuộng.
Tuy nhiên, hoạt động thể thao đang bị “thành tích hóa” và trong đó có võ thuật, những người tập luyện võ thuật nhằm mục đích thi đấu thể thao không được gọi là võ sinh mà gọi là vận động viên. Và những người dạy dỗ, hướng dẫn thì được gọi là Huấn luyện viên. Họ chú trọng vào rèn luyện chuyên môn chứ không chú trọng đến vấn đề võ đạo. Nếu có cũng chỉ là những quy tắc đạo đức cơ bản của một Vận động viên thể thao mà thôi. Trong các cuộc thi thể thao, võ thuật đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh không đẹp của những “con nhà võ”. Đó là hình ảnh các vận động viên đuổi đánh trọng tài, ban giám khảo, hay là các vận động viên lao vào đánh nhau sau khi trận đấu kết thúc. Đó là chuyện trong sân thi đấu, còn ra ngoài đời cũng không khá khẩm hơn khi những vận động viên này cậy sức khỏe, cậy võ ra vẻ ta đây gây lộn đánh nhau. Hình ảnh của những người học võ đang bị bóp méo do những người chỉ chú trọng học võ thuật để thi đấu tranh thắng thua mà không coi trọng về võ đạo.

Những hành động kia không phải là võ thuật. Võ thuật trước hết phải là võ đạo, là cái đạo của người học võ, cái đạo của con người sống trong trời, đất, được thể hiện một cách sinh động qua bản sắc văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế-xã hội, và cốt cách con nhà võ, cùng với quá trình giáo dục, tự giáo dục, tu tâm, dưỡng tính gắn với các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng ngay từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời.
Võ thuật là cả một hệ thống bao gồm võ đạo, võ lý, võ y, võ thuật và võ nhạc. Và những người học võ phải có trong mình bản lĩnh cùng một cái tâm hướng đạo. Đó là sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức làm người, sống phải cao thượng, trung với nước hiếu với dân, trung thành với môn phái, làm những điều hay việc nghĩa. Và trong thời đại ngày nay thì một người học võ giỏi trước hết phải là một người công dân tốt, có một cuộc sống bình dị, mà tài nghệ võ thuật là sức mạnh ẩn tàng bên trong con người giàu lòng vị tha, khiêm tốn.
Võ thuật trọng nhân nghĩa và sống hướng tới Trí - Tín - Nghĩa - Hiệp - Dũng, đây chính là tinh thần và mục đích của người võ sĩ đạo chân chính. Chữ "Tín" ở đây muốn nói lên từ cái tâm của con nhà võ, lời nói phải đi đôi với hành động. Không hại người, không ỷ mạnh hiếp yếu, luôn bảo tồn võ đạo, uy tín môn đồ, mọi việc đều xử sự một cách trong sáng, chính nghĩa, không làm điều phi nghĩa, thất nhân, thất đức - đó là "nghĩa". Còn "hiệp", "dũng" là những đức tính không thể thiếu được của con nhà võ, luôn sẵn sàng diệt gian, trừ ác, thấy sự bất bình chẳng tha.
Phân biệt rõ hai khái niệm này là để chúng ta hiểu rõ và nhìn nhận lại các hoạt động võ thuật thể thao đang diễn ra trên khắp thế giới. Tránh đi cái nhìn lệch lạc về võ thuật. Bởi võ thuật không đơn thuần là thể thao mà võ thuật là văn hóa, là đạo đức, lối sống. Biết rằng thông qua hoạt động thể thao, võ thuật được quảng bá rộng rãi, Karate-Do và Judo của Nhật Bản, Taekwondo của Hàn Quốc, May Thái của Thái Lan, Wushu của Trung Quốc, Vovinam của Việt Nam…Nhưng điều quan trọng là phải biết giữ gìn bản sắc truyền thống của võ thuật, đừng “thể thao hóa” võ thuật…

Sưu Tầm