27.10.2010 23:03

Xem hình
Kính thưa quý quan khách, quý thân hữu, quý phụ huynh,
Các võ sư, huấn luyện viên, môn sinh, và cựu môn sinh các cấp.

Nhân danh huynh trưởng của Vovinam Việt Võ Đạo Texas, chúng tôi xin trân thành cảm tạ quý vị đã đến đây dự lể Truy điệu người lãnh đạo Vovinam Việt Võ Đạo, Võ sư Lê Sáng. Chúng tôi cũng xin cảm tạ quý vị đã gọi điện thoại, gửi điên thư, đang báo…chia buồn với chúng tôi trong mấy tuần qua về sự ra đi của Võ sư Chưởng Môn.

Thưa quý vị,

Sự ra đi của Võ sư Lê Sáng là một mất mát to lớn đối với môn phái Vovinam Việt Võ Đạo và riêng cá nhân, tôi mất đi một người anh mà tôi hoạt động sát cánh trong nhiều thập niên, một người anh mà tôi quý mến về đức độ, về tài năng, và lý trí. Một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã chia xẻ sự đau buồn thật to lớn của chúng tôi.

Thưa quý vị,

Nhiều nhà nghiên cứu, võ sư cũng như thân hữu đã viết về công lao to lớn của Võ sư Chưởng môn Lê Sáng không những đối với Vovinam Việt Võ Đạo còn đối với nền văn hóa, giáo dục của Việt nam.

Để tưởng nhớ đến người đã khuất, với tư cách một môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo, chúng tôi xin nói về tài năng đặc biệt ít người có đó là “Sự sáng tạo võ thuật của Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng”. Nhiều người sẽ nói rằng chưởng môn một môn phái, nhất là môn phái Vovinam Việt Võ Đạo thì tất nhiên võ nghệ phải tuyệt luân. Thưa nói như vậy cũng đúng. Võ sư là người học võ, dạy võ hiển nhiên là giỏi võ. Thưa quý vị theo tôi sự giỏi võ và sự sáng tạo võ thuật nhiều khi không đi đôi. Nhiều người đi học võ, dạy võ mà không hề sáng tạo ra một đòn thế mới nào cả. Chưởng môn Lê Sáng lại khác, võ sư đã:


* Hệ thống hóa kỹ thuật võ học.
* Hệ thống lý thuyết võ đạo.
* Cầm cân nẩy mực về đường hướng, tôn chỉ và mục đích Môn phái.


Ngoài ra võ sư còn dạy võ, nghiên cứu võ thuật của thế giới đồng thời sáng tạo nhiều bài bản và đòn thế cho Môn phái.

Với sự thông minh, óc sáng tạo, phong phú và bén nhậy cùng sự học hỏi liên tục, võ sư Lê sáng đã cống hiến cho Vovinam Việt Võ Đạo bao nhiêu bài bản mới trong suốt mấy thập niên trong nhiệm vụ Chưởng môn.

Sự sáng tạo của Võ sư theo một tiến trình rất khoa học: khởi đầu bằng nhu cầu, Võ sư đã sưu tầm, quan sát, suy nghĩ rồi đặt ra những tiêu đích và từ đó sáng tạo ra những đòn thế mới. Tiếp theo là đem những đòn thế này để thử nghiệm và điều chỉnh cho hoàn hảo trước khi phổ biến đến các môn đồ.

Thật vậy, nếu nhìn vào chương trình huấn luyện thời Võ sư Sáng lập Môn phái Nguyễn Lộc mà chúng tôi đã được thụ huấn cũng như sách sử Môn phái để lại, chúng tôi thấy chương trình từ Tự vệ nhập môn đến Cao đẳng gồm có:


* Các đòn thế cơ bản, phản thế cơ bản
* Các thế khóa gỡ
* 4 bài song luyện
* Bài vật
* 21 đòn chân chia ra làm 3 trình độ: trình độ 1 đánh từ đầu gối trở xuống, trình độ 2 đánh lên ngang ngực và trình độ 3 đánh từ ngực lên đến cổ và đầu.
* Ngoài ra có những thế kiếm, gậy (côn), dao găm, mã tấu cơ bản, tay không đoạt súng …


Ngày nay, đòn thế, bài bản của Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo quá nhiều, quá phong phú và hoàn chỉnh. Tính sơ sơ có tới 20 bài quyền, 30 thế chiến lược, 28 thế vật căn bản…ngoài những bài bản đã có từ thời Võ sư sáng lập Vovinam Việt Võ Đạo Nguyễn Lộc. Sự sáng tạo đó đa phần do công lao của Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng.

Một điểm nữa cũng xin nhắc lại ở đây là tuy sáng tác nhiều nhưng Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng không bao giờ đi ra ngoài nguyên tắc cản bản võ thuật của môn phái đó là Nguyên tắc Cương Nhu Phối Triển với biểu tương Cây Tre.

Để dẫn chứng cho những điều nói trên, chúng tôi xin ghi lại một, hai thí dụ mà tôi được biết:

Vào năm 1964, một hôm anh em chúng tôi trong đó có Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng ngồi chấm “giao đấu tự do” tại võ đường Hùng Vương, đường Vĩnh Viễn, Saigon, thấy các môn sinh trong khi giao đấu thường ngưng để suy nghĩ, để nhớ lại cần ra đòn nào để phản công đối phương cũng như để rút vào thế thủ. Tôi không nhớ là vị giám khảo nào, có thể là Võ sư Trần Huy Phong, Võ sư Nguyễn Văn Thư hay vị võ sư nào khác đã nói: “ đánh võ mà phải ngưng để nhớ đòn thế thì chỉ có nát xương”. Võ sư Chưởng môn Lê Sáng lúc đó chỉ cười cười. Ít lâu sau chúng tôi được triệu tập và Võ sư Chưởng môn cho chúng tôi biết là đã sáng tạo ra những đòn thế mới những đón thế này nếu môn sinh tập luyện kỹ có thể vừa thủ vừa công bằng cách đánh ra nhiều đòn liên tiếp để đối phương tránh né không kịp. Đó là các thế đánh liên hoàn mà hiện nay Vovinam Việt Võ Đạo gọi là “đòn chiến lược” và có tổng cộng là 30 đòn. Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng không ngưng ở đây, võ sư nói ‘nếu chỉ tập luyện các đòn chiến lược riêng rẽ thì môn sinh dễ chán và khi chuyển đòn cũng khó khăn’ nên để tiến xa hơn nữa Võ sư Lê Sáng đã sáng tạo từ các đòn chiến lược số 10 đến số 20 thành bài Ngũ môn quyền và đòn chiến lươc số 11 đến số 21 thành bài Thập thế bát thức.

Một thí dụ nữa:

Sau ngày Võ sư Chưởng Môn từ trại cải tạo của chính quyền cộng sản về lại Saigon sau 13 năm “tù mà không tội”, tôi có viết một lá thư riêng với tư cách của một người em ở xa, về: “Quan niệm của người Tây phương đối với võ thuật và võ đạo”. Vì lá thư này, tôi bị mang tiếng là quá phóng túng, tự do, xa rời Việt Võ Đạo. May thay tháng 4, năm 1993 trong một chuyến công tác do nhu cầu của sở làm tại Singapore và Việt Nam, tôi được hội kiến với Võ sư Chưởng Môn tại Saigon để giải thích thêm về lá thư trước đồng thời tôi cũng không bỏ được tính “hay có ý kiến” là trình Võ sư Chưởng Môn về “xã hội động” của các quốc gia kỹ nghệ Tây phương. Sau những ngày giờ năm tháng vận lộn với cuộc sống, chạy theo kim đồng hồ - mà danh từ thời thượng là “sống theo vòng quay của đô thị” - giới trung và cao niên chú trọng nhiều đến “thể tĩnh” nên họ tập thiền, tập yoga, tập zen….Tôi không biết sự trình bầy của tôi có được Võ sư Chưởng Môn nghe hay không hoặc giả các võ sư khác tại hải ngoại có cùng ý tưởng với tôi trình bầy với Võ sư Chưởng Môn hay chính Võ sư Chưởng Môn quan sát, chiêm nghiệm hoặc cả 3 ba trường hợp trên mà ít lâu sau Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo có thêm 4 bài Nhu khí công quyền mang số 1, 2, 3 và 4. Nhu khí công quyền chuyên luyện về cách điều hòa hơi thở (khí công) và là một phương pháp thể dục dưỡng sinh.

Thưa quý vị,

Trước khi dứt lời, một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe. Ngoài ra tôi cũng không quên cảm ơn các võ sư, huấn luyện viện và môn sinh các cấp – đặc biệt Võ sư Nguyễn Thế Hùng, Trưởng ban Tổ chức, Võ sư Võ Trung, Quản nhiệm võ đường Hoa Lư này cùng quý vị phụ huynh, thân hữu đã bỏ công, góp của cho sự thành công của buổi lễ truy điễu ngày hôm nay.

Xin trân trọng kính chào quý vị.

Võ sư Ngô Hữu Liễn