Truyền thống vẻ vang dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam

Mỗi lễ hội… một dấu son lịch sử

1. Lễ hội lớn nhất trong các lễ hội dân tộc vẫn là Quốc lễ Hùng Vương hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương. Quốc lễ diễn ra trọng thể nhất ngày 10/3 âm lịch hàng năm, ở khu di tích lịch sử Đền Hùng, trên đất tổ Phong Châu, Phú Thọ, kinh đô đầu tiên của nước Việt (thời đó quốc hiệu là Văn Lang). Nhiều tỉnh thành khác như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng v.v…bao nhiêu năm nay cũng đồng tổ chức giỗ tổ vào ngày đó.



Lễ Rước kiệu trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương



Biểu diễn võ thuật, cờ người trong ngày Giỗ tổ thu hút rất đông khán giả đến xem

Trong ngày hội lớn, đồng bào khắp nơi nô nức “về nguồn” tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nên đất nước và nhắc nhau đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

2. Cổ Loa có thể xem là kinh đô thứ hai của nước Việt (Âu Lạc thuở ấy). Hàng năm, ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch Lễ hội Cổ Loa bắt đầu. Nhân dân Cổ Loa, nhân dân thủ đô thời nay, Thăng Long - Hà Nội, và nhiều địa phương trong nước lại hành hương về đây, dâng hương tưởng niệm vua Thục Phán An Dương Vương, tham gia các nghi lễ, cuộc thi và trò chơi dân gian phong phú.

Đến Lễ hội Cổ Loa, ta sẽ được chứng kiến các dấu tích kiến trúc quân sự và thành cổ hai ngàn năm xưa, hình dáng Giếng Ngọc cổ tích, các loại vũ khí - dao, kiếm, tên, nỏ, và cả bức tượng không đầu của nàng công chúa Mỵ Châu bất hạnh. Tất cả đều gợi lên cho mọi người những ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ khác nhau: Khâm phục sự tài giỏi, khéo léo và ý chí chống ngoại xâm của tổ tiên xưa; bàng hoàng với mệnh đời bi thảm nàng công chúa, và xót đau mệnh nước thuở mới phôi thai.



Lễ hội Cổ Loa

3. Nhà Trần, một triều đại phong kiến với 14 đời vua, hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho muôn đời sau hào khí “Đông Á”, được tưởng niệm và tôn vinh trong Lễ hội Đền Trần khai mạc hàng năm, ở quê hương Nam Định. Lễ Khai Ấn bắt đầu vào giờ Tý (23 giờ) ngày 14 tháng giêng âm lịch, là “linh hồn” của Lễ hội Đền Trần, tái hiện sự tích lịch sử vua Trần mở tiệc khao quân và phong chức cho các quan, quân lập công sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất.

Lễ hội này, đặc biệt ghi ân vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, Trần Quốc Tuấn, hay Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương, đã có công lớn lãnh đạo quân 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của nước Đại Việt.

Vị danh tướng văn võ song toàn đó được toàn dân Việt đời đời sùng kính phong Thánh: Đức Thánh Trần, lập bàn thờ Người trong hầu hết các đền chùa cả nước.

Ngoài Nam Định (quê hương các vua Trần), ở Tp. Nha Trang (nơi có di tích lịch sử Trần Hưng Đạo đã được xếp hạng), và cả ở nơi địa đầu biên giới giáp với nước Trung Hoa, thành phố Lào Cai, lễ hội tưởng niệm Trần Hưng Đạo cũng được tổ chức rất trọng thể, gọi là Khai hội đền Thượng Bái Vọng với lễ dâng hương và rước kiệu Đức Thánh Trần tại nơi thờ người, trên đồi Hỏa Hiệu xưa, bên con sông Nậm Thi gần biên giới cùng nhiều trò chơi dân gian khác với sự tham gia của đông đảo dân địa phương và khách du lịch trong ngoài nước.



Hội nghị Diên Hồng

4. Một lễ hội tầm quốc gia được tổ chức sớm nhất, ngay những ngày đầu mùa xuân, đầu năm mới, chính là Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa, ở giữa thủ đô Hà Nội. Cứ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch, hàng năm, cả nước lại hướng về đất Thăng Long - Hà Nội, nơi nhân dân thủ đô tưng bừng kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Và đồng thời hướng về miền Trung, Tây Sơn, Bình Định, quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, ở đó cùng diễn ra Lễ hội Chiến thắng Đống Đa của những người dân “đất võ”.

Hình ảnh vị anh hùng dân tộc, một thiên tài kiệt xuất quân sự, Hoàng đế Quang Trung được tái hiện trong tư thế oai phong lẫm liệt đánh tan quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789), giải phóng và thống nhất đất nước.



Tượng đài vua Quang Trung

Cũng như với vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thế kỷ XIII và bao vị anh hùng cứu nước khác trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, sự tôn vinh vua Quang Trung; anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII, cũng là tôn vinh truyền thống quật cường của dân tộc Việt Nam, cứ mỗi khi vận nước lâm nguy, toàn dân lại sẵn sàng đứng lên, sát cánh bên nhau, đương đầu với những đội quân xâm lược đến từ ngoại bang to hơn và đông dân hơn, cho đến khi quét hết chúng ra khỏi cõi bờ.

5. Ở những nơi xa xôi cách trở, ngoài hải đảo giữa biển Đông, trên vị trí tiền tiêu biên giới, những người con dân nước Việt không thể tham gia trực tiếp, họ vẫn hướng về và theo dõi, qua phương tiện truyền thông, những lễ hội lịch sử, truyền thống trên đất Mẹ.

Điều thú vị và đặc biệt, riêng trên hòn đảo Lý Sơn, từ bao đời trước vẫn duy trì một lễ hội có cái tên gọi đặc biệt: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (một lễ khao quân). Lễ diễn ra trong những ngày 20 và 21/4 với các hoạt động như: Cầu siêu tại Âm Linh Tự dành cho những âm linh tử trận ở Hoàng Sa để bảo vệ đảo, lễ hội hoa đăng và phóng sinh tại cầu cảng Lý Sơn; lễ thanh minh và tế ngoại đàn; lễ thả thuyền khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền…

Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa thực sự mang ý nghĩa sâu sắc, là một hình thức sinh động khơi dậy lòng yêu nước và giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

Điểm qua những lễ hội đặc sắc nhất trong nhiều lễ hội truyền thống lịch sử giống như lần theo những dấu son khắc họa hành trình hàng ngàn năm của dân tộc, ôn lại các sự tích anh hùng của tổ tiên bao đời có công xây đắp và giữ gìn đất nước cho chúng ta ngày nay.

Tất cả trở thành những bài học lớn sống động nhất, sâu sắc nhất và thiết thực nhất cho mọi thế hệ, bây giờ và cả mai sau: Những bài học về “dựng nước và giữ nước”.