TÌM HIỂU VÀ CHỨNG MINH VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO
ĐÃ LẤY MÔN VÕ VÀ VẬT CỔ TRUYỀN LÀM NỒNG CỐT.


Trước nhất chúng ta hảy tìm hiểu những nét đặc trưng của nền võ thuật Vovinam - Việt Võ Đạo. Ngay từ khởi đầu, Võ Sư Sáng Tổ, dựa trên những yếu quyết căn bản của nền võ học cổ truyền Việt Nam và gia truyền, đã thực hiện một cuộc cách mạng lớn lao trong việc truyền bá và giảng dạy võ thuật. Người đã canh tân, cải tiến phương pháp huấn luyện thành ra một phương thức rất khoa học, đơn giản, đã đi từ phân thế - ghép bài - học tấn – và té ngã hoàn toàn khác biệt với phương pháp của võ cổ truyền. Và cùng với sự nghiên cứu và thái dụng, kết hợp với sự hóa giải các tinh hoa của các võ phái khác trong giai đoạn 1940, Vovinam - Việt Võ Đạo đã trang bị thêm các thế vật ở mọi tư thế mà không hề lệ thuộc vào trang phục, cùng với các phương pháp té ngã trên sàn đá rắn mà vẫn bảo đảm an toàn cho người môn sinh. Ngoài ra để đối ứng với phương thức tấn công bằng các lối đấm đơn giản của bộ môn Quyền Anh, Võ Sư Sáng Tổ cũng đã hoàn thiện thêm phần phản đòn thực tiển các lối đấm của Quyền Anh bằng các thế phản đòn đơn giản và hiệu quả. Trong giai đoạn nầy Vovinam - Việt Võ Đạo đã đặt căn bản kỷ thuật trên các phương pháp té ngã, quăng quật, cùng với các bộ phản đòn đấm đá ngang bằng sổ ngay, tốc chiến tốc thắng.

Và từ năm 1954 trở đi, cùng với sự cọ sát với các võ phái khác đã du nhập vào Việt Nam (miền Nam Việt Nam) và nổi tiếng trên trường quốc tế như Võ Trung Hoa; Taekwondo, Hapkido (Đại Hàn); Judo, Aikido, Karaté (Nhật)…, để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, Vovinam - Việt Võ Đạo đã phải tiếp tục thể hiện chính mình bằng những nét đặc thù độc đáo và vô cùng hiệu quả của nền võ thuật Việt Nam qua việc bổ sung các thế chiến lược, kỷ thuật giao đấu, các thế khóa gở, tóm bắt, đấu vật, tay không đoạt võ khí. Trong giai đoạn nầy trở đi, phần căn bản của Vovinam, ngoài phần đã đề cập ở trên (từ năm 1940 trở đi) đã hơi thiên về sự giao đấu mãnh liệt để tạo sức chịu đựng bền bĩ và lòng dũng cảm coi thường sự đau đớn gian khổ.

Cho đến ngày hôm nay, để phù hợp với thời đại khoa học kỷ thuật ngày càng tiến bộ nhưng lại mang đến các chứng bệnh về tâm, thể, mãn tính; đồng thời đáp ứng được nhu cầu tập luyện nhẹ nhàng, linh hoạt mà bổ ích, Vovinam - Việt Võ Đạo đã bổ sung và hoàn chỉnh them các bài Nhu Khí Công. Về hình thức thì Nhu Khí Công cũng tương tự như các bài Thái Cực Quyền, nhưng thực chất thì lại khác hẳn. Trong khi Thiền Định hay Yoga lấy tĩnh tọa để làm chủ và hít thở theo nhịp 2, 3, 4 (tĩnh luyện) thì Thái Cực Quyền hay Nhu Quyền, Dịch Cân Kinh lại là các môn động luyện, lấy sự hít thở điều hòa tương ứng với sự vận động nhẹ nhàng mềm mại của quyền pháp. Còn đối với môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo thì các bài nhu khí công là sự kết hợp cả hai phần “Điều khiển hơi thở theo nhịp 2 thì, 3 thì, 4 thì ngay trong lúc thể hiện bài quyền. Múa quyền dùng ý điều khiển hơi thở hít vào (nạp khí) là cương, thở ra (xã khí) là nhu, thể hiện rõ nguyên lý “Cương Nhu Phối Triễn”.

Một nét đặc biệt nữa của môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo chính là phuơng thức “ Một thành ba ó ba thành một”. Việc nầy có ý nghĩa là 1 hệ thống kỷ thuật khi phân tích và triễn khai ra, sẽ thành ba hệ thống khác nhau; và cả ba hệ thống nầy đều xuất phát chung từ một nguồn gốc hệ thống kỷ thuật. Với phương thức nầy, từ các đòn căn bản lẻ sẽ được ghép lại thành quyền và cùng phối hợp lại để thành các bài đối luyện hay song luyện, song đấu. Đây là một nét sáng tạo rất độc đáo của Vovinam - Việt Võ Đạo đã đóng góp vào kho tàng võ học của nhân loại. (Trích tham khảo từ luận án võ học của Võ Sư Nguyễn Văn Sen – 1992- Phần I- Nền Tảng Võ Học Vovinam - Việt Võ Đạo.)

Ngoài ra khi nghiên cứu về kỷ thuật của Vovinam - Việt Võ Đạo, chúng ta dễ dàng nhận thấy những nét kỷ thuật đặc trưng của nền võ học Việt Nam, ví dụ như các bộ tấn ( từ trung bình tấn, đinh tấn, tam giác tấn, hồi tấn, độc cước tấn, tọa tấn, xà tấn…). Ngoài ra Vovinam - Việt Võ Đạo còn có những nét kỷ thuật riêng biệt, độc đáo không hề thấy ở các võ phái khác. Đó là các kỷ thuật chém quét, chém triệt, chém đá, chỏ - triệt, chặn - triệt,….mang dấu ấn rõ rệt và riêng biệt của Vovinam - Việt Võ Đạo, đồng thời thể hiện rõ nét đặc thù của nền võ vật của dân tộc Việt Nam trong suốt hằng ngàn năm qua, kể từ thời của hai vị nữ vương Hai Bà Trưng.

Nói đến võ vật, căn cứ theo tài liệu lịch sử của Viện Sử Học thì Vật Việt Nam đã có từ thời kỳ Hai Bà Trưng vào những năm 40, nghĩa là đến nay đã có được một chiều dài lịch sử hai ngàn năm. Căn cứ theo bài viết “ Vật Cổ Truyền Việt Nam Trong Lịch Sử Và Giai Thoại” của Võ Sư Phan Quỳnh, “Đấu vật là một hoạt động dùng sức, không có phương tiện, dụng cụ nào ngoài tài khéo léo, nhanh nhẹn, nghệ thuật, dẽo dai và sức lực nhằm thi thố tài năng quật ngã nhau giữa hai đối thủ gọi là Đô hay Đô Vật.” Khác với đánh võ bàn tay luôn luôn cứng, khi giao đấu các đô vật hai bàn tay mở xòe và mềm mại hầu dễ dàng cầm, nắm, quăng quật.

Võ vật dân tộc là một di sản văn hóa, một môn thể dục thể thao truyền thống, có tác dụng tốt trong việc rèn luyện sức khỏe, ý chí, long dũng cảm, tài nhanh nhẹn, tháo vát, sức chịu đựng gian khổ. Ngay từ thời xa xưa, khi xuất hiện bộ môn nầy ở nước ta, vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện quân, rèn tướng vì bao nó bao gồm các phương pháp luyện sức, đo tài, chọn người ra giúp dân, giúp nước. Điều nầy đã được thể hiện ngay trong phong cách, kỷ thuật và lối chơi.
Như thế Võ Sư Sáng Tổ đã nghiên cứu một cách sâu sắc nền võ vật dân tộc Việt Nam để rồi từ đó đã kiện toàn phần phản đòn cơ bản thực tiễn bằng các thế kỷ thuật giản dị và vô cùng hiệu quả. Đây chính là yếu quyết của Vovinam - Việt Võ Đạo - dựa trên nền tãng kỷ thuật chiến đấu vững vàng và khoa học của môn võ vật dân tộc Việt Nam - để mà từ đó hình thành nên một hệ thống và chương trình giáo khoa kỷ thuật của môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo ngày nay. Để chứng minh cho nhận xét nầy, chúng ta hảy thử tìm hiểu về các thế phản đòn cơ bản bao gồm cả ba trình độ 1, 2, 3; các thế khóa gở trình độ 1, 2,3; các thế tay không đoạt vũ khí (dao, búa rìu và mã tấu); các đòn chân tấn công (1- 21) và các bài vật 1, 2, 3 (bao gồm từ số 1 đến 28), để rồi từ đó mới có thể đưa ra phần kết luận chính xác cho câu nói - Vovinam Việt Võ Đạo đã lấy môn Võ và Vật Cổ Truyền Việt Nam làm nồng cốt, sau đó nghiên cứu các môn võ khác trên thế giới để thái dụng, hóa giải và nhất là để cải tiến nền kỷ thuật của mình ngày một hoàn chỉnh và hữu hiệu hơn.”