SƯ KẾ NỔI LOẠN Ở MIỀN NAM; LÊ VĂN DUYỆT TRỞ LẠI GIA ĐỊNH ĐỂ ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH: PHÁT HIỆN HUỲNH CÔNG LÝ THAM NHŨNG

Sự kiện vua Gia Long đem Lê Văn Duyệt về Huế và sự kiện vua Minh Mạng, sau khi lên ngôi vẫn giữ Lê Văn Duyệt ở lại kinh đô... là một điều rất tế nhị. Sau khi củng cố được nội bộ triều đình ở Huế, thì tình hình ở miền Nam gặp nhiều chuyện rắc rối, quan trọng nhất là vụ sư Kế (người Miên) nổi loạn... Vì thế, Tháng Năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng phải cho Lê Văn Duyệt trở lại làm Tổng Trấn Gia Định để ổn định tình hình:

“Tháng Năm, Canh Thìn (1820), cho Chưởng Tả Quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng Trấn thành Gia Định. Phẩm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II Kỷ, quyển 3, bản dịch, Viện Sử Học Hà Nội, 1963, trang 96)

Trong dịp này, ông được mang theo 2,000 lính từ Bắc thành và Thanh, Nghệ là những người mà ông đã thu phục trước đây, theo ông vào Gia Định. Vua cho gọi Hiệp Tổng Trấn Gia Định là Trịnh Hoài Đức về kinh để làm Thượng Thư Bộ Lại thay thế Nguyễn Hữu Thận (Thượng Thư Bộ Lại qua làm Thượng Thư Bộ Hộ).

Trong thời gian Lê Văn Duyệt ở Huế (1816-1820), chức Tổng Trấn Gia Định (Nam Kỳ Lục Tỉnh) được trao cho Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu làm phó... Trịnh Hoài Đức là Thượng Thư Bộ Lại ở Huế cũng được tăng cường vào làm Hiệp Tổng Trấn (coi về hành chánh). Về sau cả Trương Tấn Bửu và Trịnh Hoài Đức đều được gọi về Huế, Gia Định không có chức phó tổng trấn. Huỳnh Công Lý được làm phó tổng trấn. Nguyễn Huỳnh Đức chết, triều đình chưa kịp cử người thay thế, lợi dụng lúc tình thế lộn xộn, Huỳnh Công Lý đã có hành động tham nhũng, vơ vét của dân và cả quân lính cũng bị bóc lột... Sư Kế là một người Miên đã lợi dụng tình trạng bất công trong xã hội, kết hợp những người bất mãn, nổi lên đánh chiếm nhiều nơi, tiến đến uy hiếp thành Nam Vang:

“Nhà sư nước Chân Lạp tên là Kế làm loạn. Kế lấy bùa chú làm mê hoặc dân phiên (người Miên), người theo ngày càng đông, bèn họp đảng mưu loạn, tự xưng là Chiêu Vương, lấn cướp các đạo phủ Quang Hóa, Quang Phong, Thuận Thành (thuộc Trấn Phiên An). Dân Hán (Việt và người Hoa) sợ chạy tan cả. Phó Tổng Trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý nghe tin báo tức thì sai Trấn Thủ Phiên An là Đào Quang Lý đem quân đi đánh. Lại báo cho vua Phiên phái Ủy An Phủ (tên một chức quan ở nước Chân Lạp) là Tham-vi-đô-chân góp sức đánh bắt. Quang Lý không đánh được giặc, Tham-vi-đô-chân lại bị giặc bắt, giặc càng hung hăng, giữ núi Ba-cầu-nam để hoành hành cướp bóc”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, quyển IV, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1963, trang 125)

Qua đoạn văn trên trích từ các tài liệu lịch sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lại, chúng ta thấy được tầm mức quan trọng của “Giặc Thầy Chúa” tức vụ sư Kế nổi loạn như thế nào. Quan quân Việt Nam không đánh dẹp được, quan quân nước Chân Lạp (Miên) cũng bị giặc bắt, dân Việt và người Hoa cũng phải bỏ chạy (di tản). Bọn “sư Kế” tha hồ tung hoành ngang dọc, vào ra xem như chốn không người, không còn chính quyền, không còn lực lượng của triều đình để duy trì an ninh trật tự cho dân chúng nữa. Trước tình thế đó, vua Minh Mạng phải nghĩ đến một người có tài quân sự cũng như chính trị vào bậc nhất miền Nam (đất Gia Định) và có thể nói được cũng là bậc nhất của Việt Nam lúc đó, một người không xuất thân khoa bảng như những bậc đại thần khác dưới triều Minh Mạng, nhưng thực học và tài ba thì không ai bằng. Đó là Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Như đã trình bày trên, vua Minh Mạng đã cho Lê Văn Duyệt trở lại miền Nam (Tổng Trấn Gia Định) với quyền hạn tuyệt đối về mặt quân sự, hành chánh, chánh trị: “Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đã đến Gia Định, sai Huỳnh Công Lý tiến đánh dẹp, gởi hịch cho nước Chân Lạp thêm quân để làm thế đánh hai mặt. Công Lý đánh nhau với giặc, giặc thua chạy, bèn dẫn quân về”. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, quyển IV, bản dịch, Viện Sử học Hà Nội, 1963, tr. 125)

Về việc đánh dẹp giặc “sư Kế” là công lao của nhiều người, nhưng người vạch kế hoạch, chỉ huy toàn bộ và là niềm tin cho quân sĩ chiến đấu, đạt thắng lợi... phải nói là Lê Văn Duyệt. Ta hãy nghe lời dụ (lời răn dạy của vua gởi cho ác quan và toàn dân) của vua Minh Mạng như sau:

Năm Nhâm Ngọ (1822), Minh Mạng thứ 3, Tháng Giêng, truy xét công dẹp giặc ở nước Chân Lạp. Vua dụ rằng:

“Trước đây tội thần Huỳnh Công Lý phụng mệnh trấn thủ Gia Định, làm việc ngang trái để đến nỗi bọn nghịch nước Chân Lạp mưu nhòm ngó, giết chóc dân luôn và cất quân chống cự. Đến khi trẫm sai Lê Văn Duyệt vào trấn thủ, tùy cơ phân phái biền binh đi đánh bắt, không bao lâu mà bình định xong, báo tin thắng trận về triều. Tuy đã thi ân ban thưởng cho quân sĩ, nhưng nghĩ việc điều khiển chỉ huy là do mưu của ngươi (tức Lê Văn Duyệt), triều đình nghị công thù lao há nên để sót. Vậy thưởng cho Lê Văn Duyệt gia một cấp quân công, những văn võ tòng chinh ai thực là có công lao thì cũng phải xét rõ đệ sách tâu lên để giao bộ nghị công”. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, q. IV, bản dịch, sđd, tr.32) Truyện "Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt Giết Phó Tổng Trấn Huỳnh Văn Lý " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Miền Nam là vùng đất mới, người tứ xứ đến lập nghiệp, gồm đủ mọi hạng người, anh hùng, trộm cướp, lưu manh đều có... Nhưng nhờ ông cai trị rất nghiêm nên mọi người được yên ổn làm ăn, kinh tế phát triển. Nơi nào ở trong nước có loạn lạc, vua đều sai Lê Văn Duyệt đến để ổn định. Ông đã khôn ngoan chiêu dụ được dân về với triều đình mà không cần đem quân đi đánh dẹp. Ông thu phục được những người có tội ra đầu thú, cho làm lính dưới quyền của mình. Ông lại được vua trao trách nhiệm đào kinh Vĩnh Tế... Vì vậy ông được vua ban cho “đai ngọc” là một trường hợp đặc biệt chỉ dành cho tước vương, ngay chính các hoàng tử từ tước công trở xuống cũng chưa từng được ban cho “đai ngọc”. Minh Mạng đã hết lời ca tụng ông như sau:

“Trẫm nghĩ khanh khi xưa đi theo vua (Gia Long) đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên (Miên) nên sai khanh làm tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét dân lậu thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước tới nay các hoàng tử tước công, chưa từng đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa”. Truyện "Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt Giết Phó Tổng Trấn Huỳnh Văn Lý " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, tập 6, bản dịch, Viện Sử học Hà Nội, 1963, tr. 178-179).

Không những sử sách của ta mà các tài liệu ngoại quốc để lại, cũng chứng minh rằng Lê Văn Duyệt là người có nhiều tài năng và công trạng đối với quốc gia và dân tộc. Chính vì vậy, dân chúng và quân lính mới đặt tin tưởng vào Lê Văn Duyệt. Nhờ hậu thuẫn của dân và lính mà ông đã đạt được nhiều thắng lợi tại miền Nam. Năm 1822 một phái đoàn Anh Quốc do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Định. Trong dịp này, Crawfurd thú nhận:

“Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt, trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng”.
(Nguyễn Thanh Liêm: Tìm hiểu văn hóa Đồng Nai-Cửu Long, đăng trên tập san Tìm Hiểu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long, số 2 trang 31)

Crawfurd cũng đã nhận xét về sinh hoạt của thành phố Sài Gòn dưới thời Lê Văn Duyệt, như sau:

“Thành phố Saigun (Sài Gòn) không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun (Sài Gòn) độ 3 dặm. Dinh tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông Hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha thứ cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.”

“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị tổng trấn của họ.”

“Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng Giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng Biển Đông”. (sđd, tr.32)



Phải chăng Lê Văn Duyệt đã dùng “Thượng phương kiếm” với quyền “Tiền trảm hậu tấu” đối với Huỳnh Công Lý?

Lê Văn Duyệt đã làm được những điều tốt đẹp cho dân, cho nước như thế, nên dân và lính đã đặt niềm tin nơi ông. Họ đã chờ đợi ông trở lại Gia Định để tố cáo những hành vi tham nhũng của Huỳnh Công Lý, Phó Tổng Trấn Gia Định, đã làm trong thời gian ông vắng mặt...

“Phó Tổng Trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý làm trái phép, bị quân dân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột nhiễu dân, làm con mọt nước. Tuy dùng phép buộc tội nhưng dân đã khốn khổ rồi”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, quyển V, bản dịch, Viện Sử Học Hà Nội, 1963, tr. 150)

Nhiều nguồn tin không chính thức nói rằng Lê Văn Duyệt, sau khi khám phá ra Huỳnh Công Lý tham nhũng, đã dùng “Thượng phương kiếm” với quyền “Tiền trảm hậu tấu” chém Huỳnh Công Lý (Phó Tổng Trấn Gia Định Thành) rồi gởi đầu về cho vua Minh Mạng. Huỳnh Công Lý vừa là người có công đánh giặc, có công đào sông (?) và có con gái là một trong những bà phi sủng ái của vua Minh Mạng. Làm như vậy, Lê Văn Duyệt đã tỏ ra là một người lạm quyền. Trong tài liệu “Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs” (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận) của Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1885, Nguyễn Đình Đầu lược dịch, nhà xuất bản Trẻ, TP. HCM, 1997, trang 32) có kể lại rằng trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế, Huỳnh Công Lý đã có liên hệ bất chính với những bà vợ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định... nên Lê Văn Duyệt đã chém đầu Huỳnh Công Lý, không những về tội tham nhũng, lộng quyền mà còn có chuyện liên hệ với vợ Lê Văn Duyệt nữa... Nhưng đọc lại các tài liệu chính sử của triều đình, chúng tôi không thấy nói đến chuyện này:

“Sai đình thần hội bàn. Đều nói: “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét là tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm Sự Bộ Hình là Nguyễn Đình Thinh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển V, bản dịch, sđd, trang 150, 151)

Đoạn văn trên đây cho chúng ta biết nhiều chi tiết: Sau khi nhận được báo cáo của Lê Văn Duyệt gởi về, triều đình ra lệnh tống giam Huỳnh Công Lý vào ngục và cử quan Thiêm Sự Hình Bộ là Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định thu thập dữ kiện và lấy lời khai của các nhân chứng (vì lý do có nhiều nhân chứng ở Gia Định, nên không thể mời họ ra Huế để lấy lời khai được). Khi hồ sơ đã được trình lên vua, số tiền tham nhũng của dân lên đến trên ba vạn quan. Vua Minh Mạng rất buồn, nói: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng, bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng Trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển V, bản dịch, sđd, trang 170, 171)

Vua sai Trương Tấn Bửu vào làm Phó Tổng Trấn Gia Định thay Huỳnh Công Lý (bị tội):

“Lấy Khâm sai chưởng dinh lãnh Trung Quân Phó Tướng Thự Lý Ấn Vụ là Trương Tấn Bửu lãnh chức Phó Tổng Trấn Thành Gia Định và khiến 200 người các đội thuộc Vệ Tín Trực đi theo. Từ khi Huỳnh Công Lý bị tội, vua từng hỏi các đại thần rằng: “Chức Phó Tổng Trấn Gia Định có nên đặt lại không”? Nguyễn Văn Nhân đáp: “Việc ngoài trấn rất nhiều, tổng trấn nắm đại cương mà thôi, không có chức phó không được”. Vua cho là phải. Đến nay sai Tấn Bửu đi. Tấn Bửu là người trọng hậu, giản dị và trầm tĩnh, tuổi hơn 70, khi bệ từ, vua dụ rằng: “Người lão thành từng trải thì hẳn không đến nỗi như Công Lý. Nhưng nếu một mực rộng rãi thì tôi tớ làm bậy, tội đến chủ nhà, há chẳng nên tự răn sao?” Truyện "Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt Giết Phó Tổng Trấn Huỳnh Văn Lý " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển VIII, bản dịch, sđd, trang 202, 203)



Phát hiện thêm bằng chứng tham nhũng của Huỳnh Công Lý tại Huế

Trong khi quan Thiêm Sự Bộ Hình là Nguyễn Đình Thinh đang tiến hành lấy lời khai của các nhân chứng ở Gia Định thì phát hiện thêm một bằng chứng tham nhũng nữa tại Huế liên quan đến Huỳnh Công Lý... Trong thời gian ông làm Tả Thống Chế Quân Thị Trung, ông đã bắt lính xây dựng nhà riêng ở bên bờ sông Hương, ngay bên cạnh kinh đô mà nhà vua không biết. Vua bèn ra lệnh tịch thu nhà ấy, bán lấy tiền giúp cho cấm binh. Sự việc này đã được các sử quan nhà Nguyễn ghi lại như sau:

“Lý làm Tả Thống Chế Quân Thị Trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh”.
(Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ II kỷ, quyển IX, bản dịch, sđd, trang 223)

Rồi nhân đó, dụ rằng: “Từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn, cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép được đón xa giá mà tâu”. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sđd, trang 223) “Vua còn dụ rõ cho các đại thần nên lấy việc Lý làm răn”. (sđd, trang 132)