*. Thứ Nhất: Giữ "Tính Độc Lập" cho Môn Phái:


Với tất cả toàn chí toàn tâm, chúng ta phải có đủ quyết tâm và khéo léo giữ vững TƯ THẾ ĐỘC LẬP của môn phái trong mọi sinh hoạt, trên hành trình Tổ Quốc - Sư Môn, từ Dân Tộc đi vào Nhân Loại.

Bởi vì "Tính Độc Lập" của một cá nhân hay tập thể, từ xưa đến nay, từ đông sang tây vẫn luôn là nguyện vọng chánh đáng là yêu cầu tất yếu cho mọi sự ổn định và thăng tiến lâu dài. Nhất là giúp cho việc hoàn thiện nhân cách, xây dựng thanh danh của tập thể ngày mỗi được ổn cố và phát huy đúng mức hơn. Hơn nữa, muốn cho môn phái luôn được sống vững và sống mãi trong lòng chúng ta, trong lòng dân tộc và nhân loại, nhất thiết phải được khởi đầu từ tư duy kiên cố này và tư thế vững chắc này.

Cho được vậy, trước hết đòi hỏi chúng ta phải có đủ thành khẩn hướng về tiền đồ chung cùng với lòng yêu môn phái như chính bản thân mình ! Kế tiếp lại phải biết yêu bản thân mình vì đại cuộc, cùng biết giữ thân mình cho đại cuộc! Một khi đã biết yêu bản thân mình vì đại cuộc và biết giữ thân mình cho đại cuộc, tất chúng ta sẽ biết sống độc lập với lợi danh, đôc lập với lòng tự ti - tự tôn - tự mãn, để tự thắp sáng được lòng mình trong những giờ phút gay go nhất.

Ngoài ra, nếu muốn giữ vững "Tính Độc Lập" cho Môn Phái mà chúng ta lại không dám sống độc lập với các thói quen vị ngã thường tình của con người, thì việc giữ vững "Tính Độc Lập" cho môn phái sẽ vô cùng bấp bênh. Cho nên việc rèn tập thói quen sống độc lập với các thường tính vị kỹ - vị ngã cũng là một ý thức vô cùng triệt để góp phần gạn lọc tư duy, xây dựng và giữ gìn "Tính Độc Lập" cho Môn Phái.

Nhưng chỉ thắng phục được thói quen vị kỹ - vị ngã không thôi chưa đủ, chúng ta lại còn cần phải đủ sức đương đấu cảnh giác trước các căn bệnh trầm kha của thời thế, như: thụ động - cầu an - a dua - tự trói - mất gốc v.v... Tác hại của những căn bệnh nầy vô cùng nguy hiểm, nó có thể thiêu rụi cả công trình tu dưỡng bản thân và thanh danh bao đời của tập thể. Nếu như chúng ta không đủ năng lực phòng chống nó bằng chính liều thuốc: "dám sống vì đạo nghĩa, biết dấn thân vì đạo nghĩa, biết vì đạo nghĩa giữ thân", thì sớm muộn gì hồn tính, chí khí và tư cách ở đời của chúng ta cũng sẽ bị gặm mòn tiêu tan trong cuộc sống, làm thế nào ta có thể gìn giữ "Tính Độc Lập" cho môn phái đây?! Cho nên muốn gìn giữ vững vàng "Tính Độc Lập" cho môn phái ta cần phải biết sống độc lập với những căn bệnh hiểm nghèo kể trên của thời thế !

*. Thứ Hai: "Gìn Giữ Biểu Tượng Tinh Thần của Môn Phái"

Thưa quý thầy và quý môn hữu!

Tụ điểm thứ 2 trong Hướng Đi Chung của chúng ta, đó là phải đồng tâm hiệp lực gìn giữ những Biểu Tượng Tinh Thần của Môn Phái, bằng chính quyết tâm GIỮ GỐC & VUN GỐC. Nghĩa là phải tiếp tục củng cố vững vàng Giếng Mối Tinh Thần của môn phái ta, bởi đó chính là thực chất và uy thế vô hình ổn định nhân tâm. Khi NHÂN TÂM có ổn định thì THẾ ĐẠO mới có thể tụ thành và tồn vững trong lòng đời.

Bởi vậy ngay trong thời trình này, chúng ta cần biết giữ sự thanh tỉnh và sáng suốt nhìn thằng vào đại cuộc Sư Môn, chớ để cho ngôi vị và hư danh nhất thời làm mờ tối lòng mình, khiến cho phải nghi kỵ và xa cách lẫn nhau ! Vả lại bên trong những sắp xếp và đàng sau những vị trí - vai trò, vẫn còn đó ân tình mến thương và kỷ cương trên dưới giữa anh em - thầy trò - huynh đệ, thì đó là đại trí - đại phúc cho môn phái chúng ta.

Hãy dốc toàn tâm, toàn chí làm cho sống lại, làm cho mạnh hơn và làm cho bền vững mãi mãi niềm cảm thông cao khiết, tình anh mà có lẽ suốt mấy thập kỷ lao đao đã qua nó đã hầu như vắng bóng..

Nhưng tại sao chúng ta phải cần giữ vững và vun đấp đạo nghĩa Sư Môn cùng Giềng Mối Tinh Thần cho Môn Phái ?! - Bởi vì đó chính là Cốt là Hồn của Môn Phái ! Nếu do bất cứ lẽ gì để cho nó mai một đi trong cách sống - xử và hướng hoạt động của chúng ta, thì sẽ không còn môn phái nữa ! Có chăng chỉ là cái xác vô hồn mà thôi!

Mặc khác nó chính là tiếng gọi ân tình hết sức thiêng liêng của một người dân có nước, một người con có cha, một học trò có thầy, một môn sinh có Tổ có nguồn. Nói chung lại là của một con người có gốc. Chính tiếng gọi thiêng liêng nầy nếu vẫn ngày đêm thúc giục lòng ta, thay vì là những tiếng thét hờn của tối tăm và phẩn nộ hay những tiếng thở dài ngán ngẫm của chán nản bi quan, tất ân tình sẽ được đan kết, cương kỷ sẽ được lập lại, vận hội môn phái dù chưa đến hồi hanh thông cũng không đến nổi lâm phải cảnh bạo phát bạo tàn ! Nên nhớ, chỉ có những kẻ có cách nghĩ của những người máy, hoặc rất nghèo nàn những giá trị tinh thần, mới vô cảm, đập đổ và đã phá những Biểu Tượng Tinh Thần dẫn đạo dòng sống của Vovinam Việt Võ Đạo mà thôi !

Trong tang lễ hùng bi nầy, đã có biết bao môn đồ hội tụ hoặc hướng về ! Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải ý thức rõ rệt rằng, trong suốt quá trình hoạt động hơn 70 năm trời qua, chúng ta đã có được những biểu tượng tinh thần và những tụ điểm đồng quy vô cùng quý báu, đó là có cùng chung một Sáng Tổ Nguyễn Lộc, một Chưởng Môn Lê Sáng, một màu võ y trùng dương bát ngát, và một tính đạo tuyệt vời của phối triển cương nhu, thì tinh thần GIỮ GỐC và Ý Chí Vun Gốc, hầu nêu cao được Giềng Mối Tinh Thần cho Môn Phái chính là một trong những tụ điểm đồng quy vô cùng then chốt, ảnh hưởng lớn lao đến sự tồn vong của tập thể, nên là một trọng điểm không thể thiếu được trong Hướng Đi chung.

*. Thứ Ba: Nêu sáng Lý Tưởng Việt Võ Đạo, làm trọng tâm cho mọi phát triển.

Thưa quý Thầy và quý Môn Hữu !

Điểm đồng quy thứ 3 trong Hướng Đi chung mà chúng ta cần hội ý sâu xa, đó là những ưu tư về trọng tâm phát triển của chúng ta thực ra cốt để làm gì? Di chí của Sáng Tổ Nguyễn Lộc và công trình vun đắp của Chưởng Môn Lê Sáng nhắm xây dựng một nền võ thuật và võ đạo cho dân tộc và nhân loại, đương nhiên phải trở thành kim chỉ nam chung cho mọi sống - xử và phát triển của tầng tầng lớp lớp thế hệ môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo.

Đó chính là Lý Tưởng Việt Võ Đạo, nhằm hoàn thiện con người, giúp ích và hiến ích cho nhân quần xã hội bằng con đường võ thuật - võ đạo và chủ hướng Cách Mạng Tâm Thân. Cho nên chúng ta phải cần nắm cho chắc trọng tâm phát triển là cốt để quảng bá Lý Tưởng Việt Võ Đạo, chớ không phải mượn lý tưởng Việt Võ Đạo và niềm tự hào dân tộc làm bình phong cho các cuộc phát triển có nhu cầu và chủ đích riêng.

Vả chăng nếu chỉ chạy theo công cuộc phát triển nhất thời mà phải chôn vùi tâm nguyện của Sáng Tổ lại bỏ qua hay không tiếp nối nổi công trình vun đắp của Chưởng Môn, khiến cho chủ hướng Cách Mạng Tâm Thân, hệ thống triết luận về Nhân Sinh Quan - Vũ Trụ Quan của Môn Phái, nhất là đặc tính nhân bản và giáo dục của Vovinam Việt Võ Đạo bị dần dà mai một đi thì công cuộc phát triển ấy sẽ dẫn chúng ta về đâu? ! Sẽ dẫn môn phái về đâu?! Cho nên lý tưởng Việt Võ Đạo phải cần được coi trọng và cần được phổ cập sâu rộng trên khắp nẽo đường phát huy môn phái.

Trên đây chính là phần đạo lý cần thông tỏ trước tiên.

Về mặt lợi ích thì khi đã biết cùng nhau dọn lòng hướng theo lý tưởng và sống cho lý tưởng, chính là chúng ta đã biết tự tạo cho mình nguồn năng lực phấn đấu vô biên. Chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận diện được nhau - kể cả những phần tử tuy chung đường nhưng khác đích. Khi có cùng chung lý tưởng, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông - gần gũi dù cho kẻ chân trời người góc biển. Nhất là nhờ biết tận hiến cho lý tưởng cao cả, chúng ta sẽ ngày càng được hoàn bị thêm hơn về năng lực biết "Tự Hóa Giải" mình.

Nhờ đó trên bước đường phát huy Môn Phái, ta sẽ tránh được rất nhiều sự sai lệch và những khó khăn khó bề giải quyết do chính mình tạo ra. Chúng ta sẽ tiết kiệm và tích lũy được nhiều thì giờ - khí lực trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì phải hoang phí nó cho những nổ lực kêu gọi đoàn kết, hoặc theo kiểu "Đoàn Kết Sau Lưng Tôi", hoặc tranh biện đôi co về những phải - trái - đúng - sai, chúng ta sẽ dùng khoảng thời gian và khí lực ấy cho việc nâng cao trình độ nhận thức để hoàn thiện chính mình hơn, nhất là khả lực "Tự Hóa Giải" nơi lòng. Khi đã đạt đến một căn bản nào đó, thì những chướng ngại tự tâm tức khắc triệt tiêu, bao khó khăn của ngoại cảnh cũng dần được giải tỏa theo từng bước đại hùng trường chinh của Môn Phái hướng về chân lý tưởng.

Lời xưa có nói: " Đại Trượng Phu năng dung nhân, vô vi nhân sở dụng. Tư bẩm yếu cương, cương tắc hữu lập". (Có nghĩa là bậc chính nhân cần bao dung người, không để người phải bao dung mình. Tư chất, cốt cách, tinh thần phải mạnh mẽ cương nghị. Đủ mạnh mẽ cương nghị mới thành lập được).

Huống chi chúng ta là những môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo, vẫn thường đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái.. Để tập rèn "thường dũng", chúng ta đã phải trải qua bao năm tháng lăn lóc trên sàn đá dắn cho hoa tha nhân rộ nở giữa dòng đời, từ ý thức sống và lòng nhân ái của chúng ta. Rồi cũng đã phải trải qua bao tháng năm lăn lộn cùng cuộc sống, đối chọi cùng nguy cơ, mới tạo nên được cuộc sống ngày nay. Như vậy chắc là "chất thép" của đôi tay và "đức nhân" của trái tim từ ái cũng đã được luyện rèn không ít. Thì chẳng lẽ ngay trong hiện cảnh này, chúng ta lại không cố gắng tập rèn thêm "đại dũng" để đủ bình thản đối diện với đêm đen, khi vầng thái dương không còn chói lọi, và tà dương sau cơn ráng chiều chói chang đã vừa lụn tắt, thanh thản nghĩ ngơi nghìn thu trong lòng đại cuộc ?! Chẳng lẽ chúng ta không dám quyết định cho mình một hướng đi chung ?!

Hởi các môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo trên toàn thế giới!
Hởi các Chư Hiền Đệ, Chư Huynh Đệ, chư Đồng Môn mến thân!

Trong phút giây nghìn thu vĩnh biệt nầy, xin tất cả hãy dọn lòng bái biệt bậc thầy cao cả của chúng ta, và cung tiễn Chưởng Môn về cùng Sáng Tổ !

Xin tất cả hảy cùng dọn lòng chiêm ngưỡng một ánh sao băng
Xin hãy đặt tay lên tim, ánh nhìn thật thẳng và cùng hô to:

- Chúng con xin bái biệt Thầy - (4 lạy)
- Chúng con xin cung tiễn Thầy - (4 lạy)
- Chúng con xin kính nghiêm lễ Thầy (Nghiêm lễ - Lễ )

Đất Việt, ngày 2/10/2010
Môn đồ - Nghĩa tử của Chưởng Môn Lê Sáng
Võ sư Nguyễn Văn Nhàn
- Nguyên Cục Trưởng Cục Huấn Luyện Miền Tây trước 1975
- Nguyên Võ sư Trưởng Đại Phong Trào Âu Châu trước 1990.