Câu hỏi 13 : Thế nào là bạn đồng môn, đồng đạo ? phải cư xử với nhau ra sao ?
Đáp : Bạn đồng môn là những người cùng theo một môn phái, cùng chung một mái trường, song chưa có sự cố kết về tâm hồn : bạn đồng đạo thì ngoài yếu tố cùng môn phái, cùng mái trường còn phải chung một quan niệm xử thế, cùng một nếp sống, cùng một tư tưởng, triết thuyết, cùng một ý thức hệ tinh thần.
Bạn đồng đạo vừa có tình anh em ruột thịt, vừa có tình bạn đồng chí, do đó phải luôn luôn tôn trọng cá tính của nhau, với thái độ bao dung, nâng đỡ che chở và khuyến khích lẫn nhau ( khi không còn chung chí hướng thì đường ai nấy đi, chớ không chống đối, thanh toán lẫn nhau ).

Câu hỏi 14 : Khi thấy bạn đồng môn đánh nhau bị thua, ta tới can thiệp mới biết bạn trái, có nên bênh bạn đánh người hoặc để người đánh bạn cho chừa nết xấu đi chăng ?
Đáp : Trước hết phải can 2 người, nhã nhặn, chững chạc xin lỗi người dùm bạn; Sau đó giải thích cho bạn thấy lỗi lầm mà sửa đổi. Nếu bạn còn ngoan cố không chịu lỗi, phải trình lên người trên để sửa trị. Trường hợp đối phương thấy họ phải và đã thắng thế nên bất chấp lời xin lỗi và can ngăn của mình cứ xông vào đánh tiếp, thì bắt buộc mình phải can thiệp trong tinh thần tự vệ cứu bạn.

Câu hỏi 15 : Thế nào là kẻ thù ? trường hợp nào có thể tha thứ kẻ thù ?
Đáp : Kẻ thù là người đối nghịch với ta hoặc về tình cảm hay hành động, làm thiệt hại danh dự hay quyền lợi của ta. Tuy nhiên, ta có thể tha thứ cho kẻ thù khi họ đã hối lỗi hoặc thất thế, hoặc có nghĩa khí, đởm lược ( có thể đưa ví dụ hàn tín luồn khố anh hàng thịt, Ngũ Tử Tư và Thân Bao Tự, Gia Cát Lượng - Lỗ Túc - Chu Du, Dương Hổ ( tướng Thục ) - Lục Kháng ( tướng Ngô ) v.v....

Câu hỏi 16 : Khi bắt buộc phải đối phó với kẻ thù, ta phải có thái độ và cách đối xử ra sao ?
Đáp : Phải biểu lộ tinh thần thượng võ của người môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo : Hào hiệp, khoan hòa, xét lại cường độ của thù hận mà trừng trị tượng trưng, rồi tha thứ, hòa giải để cảm hóa họ.

Câu hỏi 17 : Động cơ nào thúc đẩy người trong một nước phải yêu thương, bao bọc giúp đở lẫn nhau ?
Đáp : Đó là tình nghĩa đồng bào, một tình cảm tự nhiên phát sinh từ :
- Ý thức quốc gia dân tộc
- Ý thức liên đối cộng đồng tinh thần và vật chất
- Tình yêu quê hương đất nước.

Câu hỏi 18 : Tổ quốc là gì ? Hai tiếng tổ quốc đã gợi lên trong lòng ta những gì ?
Đáp : Tổ quốc là nước tổ, bao gồm quốc gia - lịch sử - dân tộc và di sản tinh thần, truyền từ thời lập quốc.
Danh từ tổ quốc đã gợi lên trong tâm hồn ta :
- Những tình cảm sâu đậm về nguồn góc và nồi giống.
- Những hình ảnh thiêng liêng cao quý của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
- Trách nhiệm bảo vệ và làm phong phú di sản tiền nhân.

Câu hỏi 19 : Môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo phải làm gì để nêu cao danh dự tổ quốc ?
Đáp : Môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo phải cố gắng học hỏi để trở thành những công dân ưu tú, tiến bộ, tận tụy làm việc để phục hưng và phát triển xứ sở, bảo vệ hữu hiệu những truyền thống hào hùng, cao đẹp của tiền nhân.

Câu hỏi 20 : Câu '' Tứ hải giai huynh đệ '' gợi cho ta ý niệm gì ?
Đáp : Câu '' Tứ hải giai huynh đệ '' gợi cho ta ý niệm :
- Tình nhân loại : không kỳ thị địa phương, chủng tộc, tôn giáo
- Tình cảm thâm hậu của vấn đề nhân sinh
- Đức tính cao đẹp : liên tài, quảng giao, bao dung, độ lượng và hào hiệp

Câu hỏi 21 : Môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo quan niệm ra sao về tình nhân loại ?
Đáp : Môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo phải quan niệm rằng :
Tình nhân laọi là cứu cánh tốt đẹp nhất của con người đối với tha nhân, và luôn luôn coi mọi người đều bình đẳng trong mọi trách nhiệm và quyền lợi. Môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo yêu nước, giữ độc lập cho quốc gia, nhưng không quá khích, không suy tôn nòi giống mình là thượng đẳng mà coi rẻ, chà đạp nòi giống khác.
Phục vụ dân tộc và đồng bào là khởi điểm của tình thần phục vụ nhân loại. Chấp nhận mọi quan niệm văn hóa - chính trị - xã hội v.v.... giữa các quốc gia, trên căn bản bình đẳng và tương thân tương trợ. Hơn nữa, người môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo phải đấu tranh cho hòa bình quốc tế, đem lại niềm an vui công chính cho toàn thể nhân loại.