Thư này được viết ra để gởi đến những người anh em tôi, người huấn luyện viên Vovinam Việt Võ Đạo trong thế kỷ 21. Có thể bạn là những người mà tôi đã từng hân hạnh gặp mặt hay chưa một lần gặp gỡ, hoặc có thể bạn đang còn huấn luyện hay đang tạm nghỉ vì một lý do nào đó. Nhưng từ trong tâm tôi vẫn nhìn thấy được bạn mang trên mình chiếc áo màu đại dương với hào khí ngất trời đang đón xe đò hay đang rong ruổi trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ để về một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào đó cho kịp giờ bắt đầu một lớp võ; hay bạn đang đứng trong một lớp võ nhỏ bé thiếu thốn tiện nghi ở Việt Nam; hoặc bạn đang xẻ núi đốn rừng để làm bãi tập ở các trại tỵ nạn hoặc bạn đang ở trong hội trường của một nhà thờ, hay một trường học nào đó ở hải ngoại; hoặc nếu may mắn hơn trong nhà hay trong võ đường riêng của bạn. Làm sao nói hết sự cảm phục và thương yêu bạn bởi vì sau những hoàn cảnh thay đổi đến tận cùng đầy khắc nghiệt của lịch sử dân tộc ta bạn vẫn còn đó không thay đổi với thời gian, trung thành với lời hứa cũ, vẫn tiếp tục con đường mà có lúc chúng ta không biết phải đi đâu về đâu.


Tôi xin được mạn phép gởi đến bạn những người anh em tôi một vài cảm nghĩ để cùng nhau chia sẻ những băn khoăn trăn trở của những người đang làm công việc khai phá những vùng đất mới cho nền võ đạo Việt Nam.

1. Mục đích dạy võ:

Mục đích dạy võ của Môn Phái phải được khẳng định để từ đó chúng ta có thể tìm ra hướng đi cho chính chúng ta. Dạy võ theo như tôn chỉ và mục đích của Môn Phái Vovinam ngoài phần bảo tồn, phát huy và quảng bá võ thuật Việt Nam, chúng ta còn huấn luyện môn sinh về ba phương diện võ thuật, võ lực và võ đạo. Có nghĩa là chúng ta phải dùng võ thuật làm phương tiện để giáo dục môn sinh trở thành người khỏe mạnh có ích cho mình và mọi người.

Dĩ nhiên chúng ta phải dạy võ thật giỏi thật tiến bộ, nhưng song song với điều đó chúng ta phải dạy môn sinh có một đời sống tinh thần cao thượng, sống cho mình, để cho người khác sống và sống cho người khác. Nếu chúng ta chỉ chú trọng dạy võ thuật cho môn sinh thật giỏi chẳng bằng chúng ta chỉ cần bỏ ra vài chục hay vài trăm đồng để mua một cây dao hay cây súng bỏ túi đâu cần phải bỏ ra 5, 10, 20 năm hay cả đời đổ mồ hôi trên sân tập.

Trong giai đoạn hiện tại chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân của môn phái vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó, nghĩa là khi chúng ta huấn luyện môn sinh không những dạy cho môn sinh những thay đổi về thân thể mà chúng ta còn phải dạy cho môn sinh những giá trị cao thượng về tinh thần để áp dụng trong đời sống thực tiễn hằng ngày.


2. Phải luôn học hỏi

Cuộc sống tự nó là một dòng chảy, nếu chúng ta dừng lại, chúng ta sẽ bị già nua và đào thải. Trong thế kỷ 21 khi mà sự phát triển xã hội đã tiến bộ một cách vượt bực về mọi mặt, chỉ trong một thời gian ngắn đã có những tiến bộ kỳ diệu hơn cả hàng ngàn năm lịch sử của loài người. Chúng ta có vô số điều để học hỏi nhằm bổ túc giúp cho Vovinam phát triển và mở rộng việc hiện đại hóa Vovinam bằng cách giữ lấy truyền thống và phong phú hóa bằng những kiến thức tiến bộ hiện nay.

Đã hết thời mà chúng ta đi dạy võ bằng cách nhìn theo thầy hoặc đàn anh của chúng ta dạy như thế nào chúng ta dạy như thế đó mà chúng ta phải luôn luôn tự hỏi "Tại sao?", "Làm sao?", "Làm thế nào?". Những kiến thức về giáo dục thể chất và tinh thần hiện nay đã được nghiên cứu một cách rộng rãi và vô cùng tiến bộ. Do đó tâm chúng ta phải mở rộng để có thể học hỏi những điều tốt đẹp hơn. Sau đây là một câu truyện nhỏ được trích ra từ cuốn giai thoại thiền "Góp Nhặt Cát Đá" nhưng nó là một bài học lớn đáng cho chúng ta suy gẫm:

Nan-in, một Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm.

Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa: "Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa."

"Giống như cái tách này" Nan-in nói, "ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ khi ông cạn cái tách của ông trước?"

Muốn học hỏi chúng ta cần dẹp bỏ những thành kiến có sẵn và mở rộng lòng để đón nhận những điều mới cần học hỏi. Bởi vì như một danh nhân đã nói: "Không có một người nào mà chúng ta không thể học hỏi một điều gì đó nơi họ."
3. Giữ cái tâm ban đầu

Hầu như cái gì trong cuộc sống đều biến đổi theo thời gian, những gì mà ta thích ngày hôm nay ngày mai chúng ta sẽ bớt thích đi. Võ thuật cũng như vậy, làm thế nào để chúng ta giữ được niềm tin và sự cố gắng của buổi ban đầu. Một trong những đặc tính quan trọng của võ thuật là khổ luyện, có nghĩa là sự lập đi lập lại một động tác đến vô tận. Muốn được như vậy chúng ta cần có sự thích thú và đam mê vào công việc mình đang thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có một môi trường sinh hoạt thích hợp. Ví dụ, trong sinh hoạt môn phái, ở bất cứ một cấp đai nào, chúng ta cũng cần một môi trường tập luyện phù hợp từng đẳng cấp. Đặc biệt những người ở cấp cao hơn ngoài môi trường tập luyện thông thường, chúng ta cần phải có những lớp chuyên luyện hay những nhóm nghiên cứu nhằm trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm và những điều mới lạ.

Thưa các bạn, còn rất nhiều điều tôi muốn chia sẻ trao đổi với các bạn. Song trong sự hạn hẹp của bài viết này tôi xin mạn phép được dừng ở đây. Chúng ta là đồng môn, bởi thế chúng ta có cùng một niềm tin và lý tưởng vào tương lai của môn phái để xây dựng một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hy vọng tình đồng môn sẽ là chất keo gắn bó mọi môn sinh Việt Võ Đạo ở khắp mọi nơi trên thế giớị, và nếu chúng ta có cơ duyên, một ngày nào đó chúng ta có thể sẽ làm được một điều gì đó tốt đẹp hơn cho dân tộc và nhân loại.