Mùa xuân từ tay ngoại


TTO - Lúc nhỏ, những ngày được nghỉ học, tôi luôn luôn “hộ tống” bà ngoại trong mọi việc. Bà ngoại trồng cây, tưới hoa, thậm chí bơi xuồng đi ruộng, tôi cũng đòi theo.

Tôi hay nhõng nhẽo: “Ngoại cho con đi đi, con vén lục bình cho ngoại bơi xuồng nhanh hơn”. Thế là ngoại cười đồng ý. Nhưng đến khi ngồi yên vị trên chiếc xuồng thì tôi cứ nghêu ngao hát hết bài này đến bài khác cho ngoại nghe. Đó là một trong những chiêu “hủy hợp đồng dễ thương” của tôi!

Đến ruộng, ngoại hết nhổ cỏ, bón phân rồi tỉa bắp…, còn tôi cứ lon ton theo ngoại và tiếp tục làm ca sĩ.

Có một điều lạ là lúc nào về, bà cũng chất đầy xuồng những nhánh cây khô: có nhánh mỏng mảnh, có nhánh to bằng cánh tay của tôi… Tôi thắc mắc trong đầu: “Sao ngoại lại đem mấy cây khô về nhà làm gì cho nặng xuồng, ngoại bơi thêm khó. Ngoại chở một mình tôi thôi là được rồi!".

Nhưng tôi chỉ dám hỏi ngoại: “Ngoại ơi, mình đem mấy cành cây về làm gì vậy ngoại, nó chết rồi, đâu có mọc thành cây được đâu?”. Ngoại cười, hù tôi: “Ngoại đem về làm củi, sẵn làm roi mây luôn. Con mà lì là ngoại đánh đòn". Ngoại nói xong, tôi nhìn lại đám cây khô lớn có, nhỏ có mà tự hứa với mình là sẽ “phải hiền ngoan hết mực”.

Về đến nhà, ngoại không nghỉ ngơi chút nào. Ngoại đem đám cây khô đó chặt ra từng đoạn nhỏ, mỗi đoạn bằng mấy gang tay, sau đó ngoại trải ra phơi. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, cái sân đầy ắp “roi mây”, làm tôi dù vui chơi chạy nhảy nhưng bụng vẫn lo lo.

Sau khi phơi dưới sân mấy ngày, ngoại gom tất cả cây khô bó lại thành bó rồi chất vào một góc mà ngoại gọi là vựa củi. Dường như ngoại “cưng” vựa củi lắm, lâu lâu ngoại lại nêm thêm cây cho vựa củi được chắc chắn, hễ trời chuyển mưa là ngoại chạy lấy bao nilông trùm cho vựa củi khỏi ướt.

Một rồi hai đến nhiều thật nhiều vựa củi như vậy xuất hiện, tôi nghĩ thầm: “Dù mình có lì thì đâu có lì đến mức cần nhiều roi đến vậy!".

Cho đến ngày đưa ông Táo về trời, bà ngoại gọi tôi: “Ra lấy cho ngoại một bó củi”. Tôi vừa chạy đi lấy củi mà vừa lo: “Mình phạm tội gì đây?”. Tôi khép nép đưa ngoại bó “roi mây”, ngoại cầm lấy rồi nói: “Ngồi xuống nướng bánh tráng để đưa ông Táo với ngoại”. Nghe ngoại nói mà tôi như mở cờ trong bụng, vừa mừng là mình không bị đòn, vừa vui vì thế nào cũng được chia phần bánh với ông Táo.

Rồi những ngày giáp tết, vựa củi của ngoại cứ vơi dần để bếp trong nhà càng ngày càng ấm lên. Ngoại đốt củi làm mứt chuối ngào gừng cho mấy cậu về quê có cái ăn cho vui.

Củi nào to một chút thì ngoại dùng để hầm khổ qua dồn thịt và nấu thịt kho rệu. Ai cũng mê hai món này của ngoại hết. Còn củi nào to thật to thì ngoại chụm lửa nấu bánh tét để mấy đứa cháu về chơi có cái đem đi.

Giờ tôi mới hiểu vì sao hằng ngày ngoại chỉ nấu bằng lá khô - “dễ cháy nhưng mau tàn” - còn nấu bằng củi lửa sẽ bền hơn, giữ nóng được lâu hơn, món ăn sẽ ngon hơn.

Cứ thế, bếp của ngoại lúc nào cũng rực lửa để nấu những món ngon đãi con cháu. Cái lửa rực rỡ đó được ngoại góp nhặt từng chút một trong những ngày bình thường. Để trong những ngày tết lửa của ngoại réo rắt vui mừng đón con cháu về.

Tết năm nay, bếp nhà mình lại ấm hơn rồi ngoại ơi, vì ngoại có thêm bốn đứa cháu mà! Con thương ngoại nhiều lắm!

HỒNG THẮM