Xin một chữ “Nhường”

Hầu như ai cũng biết và thuộc lòng câu thành ngữ “một câu nhịn, chín câu lành”. Từ tuổi ấu thơ, cha mẹ cũng đã dạy ta thực hành nhiều về sự nhường nhịn giữa các anh chị em trong gia đình, nhịn các em nhỏ, hay nhường các cụ già... Nhưng trên tất cả các điều đó việc thực hành câu thành ngữ này vẫn là một câu chuyện dài.

Trong cuộc sống, “câu nhịn” bị bỏ quên quá nhiều để rồi nhiều vấn đề bị trầm trọng hóa, phải tốn rất nhiều công sức khắc phục sau đó. Gây gổ đánh nhau, làm mất sự hòa khí trong gia đình, hạnh phúc gia đình bị lung lay, an ninh xã hội bị đe dọa,… phần lớn vì sự không nhường nhịn mà ra.

Bên cạnh số người thường “quên” nhường nhịn trong hành vi ứng xử thì có rất nhiều người chỉ thực hiện được nó trong những tình huống quá rõ ràng. Đẹp biết bao khi một cậu thanh niên nhường chỗ ngồi cho một cụ già trên xe buýt. Nhưng tại sao cũng chính cậu thanh niên đó khi tham gia giao thông thì lại tranh giành với người khác để vượt qua đường trước, có khi chỉ là nửa bánh xe? Phải chăng cậu thanh niên ấy không được giáo dục đúng mức về sự nhường nhịn? Hay là cậu ta chỉ quen nhường những người yếu hơn (cụ già) trong một tình huống rất rõ và không gian hẹp (trên xe buýt) vì ở đó có nhiều người nhìn thấy hành vi của cậu ta? Còn khi vượt đường, những người lái xe khác đều là những người mạnh, nếu không giành đường thì họ lại giành của mình, ai cũng giành đường như nhau, có ai chê trách ai đâu mà phải nhường? Hầu như các giả thuyết trên đều đúng ở một khía cạnh nào đó.

Anh thanh niên chưa được dạy đầy đủ về hành vi nhường nhịn của mình. Ngòai việc biết xấu hổ khi không nhường người khác thì cậu ta cần phải hiểu thật đúng và đầy đủ tình huống nào thì sự nhường nhịn được xem là bắt buộc. Phải chăng cậu ta không biết rằng nhường đường nhau để mọi người cùng qua đường an tòan, đúng luật giao thông là điều nên làm? Không hẳn thế. Có lẽ ở đây những yếu tố quan trọng đó là sự không bị giám sát (trong không gian rộng có biết ai với ai đâu mà sợ người ta chê cười?), thiếu bản lĩnh, không tự giác và thói quen ăn theo đám đông (ai cũng làm vậy mà). Tất cả những điều này đã phá thủng nền tảng giáo dục về sự nhường nhịn của cậu thanh niên để rồi cậu ta lại giành đường như những người khác.

Khi anh ta giành đường để vượt ngã tư, nếu không có gì xảy ra mọi việc lại diễn ra ở 1 ngã tư khác, với những con người tham gia giao thông khác. Tất cả đều xa lạ, không ai dám sát, và trong đó tâm lý ăn theo đám đông lại lên ngôi. Thực ra anh thanh niên ấy không hiểu rằng những người giành đường kia, cũng như anh ta, họ đang làm theo đám đông và bị đám đông che dấu giúp họ sự xấu hổ của hành vi giành giật. Những hành vi đó cứ thế được thực hiện rồi dần dần thành thói quen xấu. Nhiều người mất sự xấu hổ khi không nhường nhịn. Một số khác lấy vẻ hào nhoáng bề ngòai hay dùng sự bận rộn để nguy biện cho hành vi giành giật đáng xấu hổ của mình.

Tôi đã chứng kiến nhiều người ăn mặc lịch sự, trông có vẻ có học thức (mà có khi có học thức thật) đi loanh quanh bên ngoài các hàng dài đã được xếp sẵn tại quày bán vé. Họ không muốn xếp nối tiếp vào cuối hàng vì ngại đợi lâu. Họ đi loanh quanh để tìm người “thương lượng” và chen vào giữa với nhiều lý do nghe rất hợp lý. Nếu để ý kỹ hơn, những người mà người này chọn để thương lượng thường là các em nhỏ hoặc những người nhìn có vẻ chân chất, giản dị vì họ nghĩ rằng những người ấy sẽ ít khi chỉ trích họ? Họ đã đánh mất đi hình ảnh đẹp ở nơi công cộng dù họ có thành công hay không trong cuộc “thương lượng” của mình.

Một tình huống đáng buồn khác về hành vi giành giật không đáng có mà tôi vẫn tự hỏi: “đó có phải là hành vi vô thức?”.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm ngoái, cán bộ coi thi phải tập trung sớm để nghe phổ biến và chuẩn bị các nghiệp vụ trước khi lên phòng thi. Tôi đến cổng trường trước giờ điểm danh chừng vài phút. Khi tôi rà xe đến bàn sóat vé để lấy vé thì bánh xe trước của một ai đó từ phía sau trờ tới giành mất chỗ của tôi. Tuy bất ngờ và khó chịu nhưng tôi cũng đành lắc nhẹ tay lái sang phải để cho người này vào trước.

Càng bất ngờ hơn khi tôi phát hiện đây là một nữ cán bộ coi thi, chị ta cũng không có một thái độ gì với tôi hay với người soát vé ngòai dáng vẻ vội vã. Sự việc càng “ly kỳ” hơn khi liên tiếp hai chiếc xe máy khác trờ tới để nối đuôi chiếc xe đã giành phiên của tôi. Nhìn lại phía sau tôi thấy cũng chỉ có những chiếc xe đó thôi. Đâu có đông lắm đâu mà cần phải giành giật nhau như thế. Mà dù có đông hơn thì các vị cũng cần biết rằng phiên của tôi đã bị “đánh văng” ra ngòai một cách thô thiển ở chiếc xe đầu tiên, các vị nên thông cảm và nhường cho tôi cơ hội chứ ở phiên kế chứ? Tôi cũng có nguy cơ trễ như các vị kia mà. Thật là hài hước khi cả ba vị đó đều là nữ còn tôi là một nam thanh nhiên. Tôi muốn nhắc tình huống này để khẳng định rằng chỉ tốn chưa đầy 30 giây cho một anh thanh niên lấy được vé, cho xe vào trong, và các vị ấy sẽ không đợi quá lâu. Hơn nữa, nếu cần tôi cũng đủ sức mạnh để giành lại phiên của mình kìa mà. Sao họ không nể tôi nhỉ - hay là tôi “non” hơn họ?

Để dằn cục tức trong người, tôi tự nhủ “không khí mùa thi có khác” rồi ung dung bước vào phòng điểm danh. Cũng không trễ là mấy vì người ta điểm danh đến ba lần. Mà có trễ hơn một tý thì lên bàn thư ký trình diện là được kia mà. Tôi cứ tự hỏi “không biết các vị kia có nhận thức được hành vi mình vừa làm là gì không? Hay họ cứ vô tư miễn là mình không bị đánh dấu trễ vào dánh sách điểm danh là được?” Họ có biết tôi đang nghĩ gì về họ khi thử so sánh hình ảnh của họ vừa rồi với hình ảnh mà tôi liên tưởng về một vị cán bộ coi thi nghiêm nghị mà các sĩ tử phải kính nể trong vài phút tới. Dù họ có để ý hay không, rõ ràng tôi đã phải vất vả để dằn cục tức của mình xuống chứng tỏ tôi cũng chưa thể nhịn được trong tình huống này chăng?

“Một câu nhịn, chín câu lành”, câu thành ngữ dễ thuộc dễ nhớ mà khó thực hành đến thế sao?

Minh Quang