Duy Tư về Tuổi Trẻ Việt Nam



Lời Ban Biên Tập: Bài viết này được trích từ một đặc san phát hành 1974. Mời các bạn cùng đọc vì những tâm tư này bộc lộ một lối suy nghĩ mang tính xây dựng và hoài bảo thiết tha dành cho đất nước, áp dụng cho cả hiện tình xã hội Việt Nam ngày nay.

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, cựu Tổng Thư Ký Liên hiệp Quốc U Thant đã khóc thương cho dân tộc Việt nam bằng những giọt nước mắt chân tình: đó là một dân tộc suốt ba chục năm nay chưa được hưởng không khí hòa bình.
Ba mươi năm? Thời gian quá thừa thãi cho Ehrenbourg, thi hào Nga bị thanh trừng, người từng được Stalin khen là "một Ehrenbourg mạnh bằng 5 sư đoàn" than phiền rằng: những đóa hoa đã rụng nhiều mùa, những cây non đã trưởng triển và đã chết già, những người lính thiện chiến năm xưa đã trở thành nông dân già cần mẫn hôm nay; và trẻ sơ sinh của chúng ta đã biết cầm súng giết người chỉ vì chúng đã trở thành những người lính thiện chiến. Bản văn viết ra sau 8 năm Đệ Nhị Thế Chiến, chớ không chờ ba mươi năm như chúng ta. Với ba mươi năm, chúng ta có gần 4 lần thế hệ thanh niên, nếu tính trẻ tuổi sung sức là 8 năm, hoặc 2 lần thế hệ thanh niên quân dịch, nếu tính tuổi động viên của một người lính trẻ nhất là 17 tuổi.

Điều buồn nhất cho dân tộc ta là những người trẻ tuổi lớn lên, đi lên, hoàn toàn vì lý do nghĩa vụ chớ không phải vì lý do tự nguyện. Ở Đây hay ở Kia, những người thanh niên giết lẫn nhau, chỉ vì họ có nghĩa vụ phải giết nhau. Nếu không có chiến tranh và nạn qua phân lãnh thổ, rất có thể họ sẽ là bạn thân tâm đắc. Nhưng họ đã giết nhau. Và họ đã được hiểu là, đó là nghĩa vụ chiến tranh cần thiết.

Tuổi trẻ Việt nam chúng ta lớn lên trong cảnh lịch sử đau thương đó, với nghĩa vụ chiến tranh và hòa bình mang nặng trên vai, và sự ngơ ngác tràn ngập tâm hồn. Tới nay, dầu đã có hòa bình giả tạo, tức "phi chiến phi hòa", với những suy trầm, bất ổn cố hữu : kinh tế đi xuống và các chương trình giáo dục thường có tính chất tạm bợ và hay thay đổi. Mức sống "phồn vinh giả tạo" đã qua, khi viện trợ chiến tranh chấm dứt, làm nhiều gia đình khủng hoảng. Nước nghèo, dân đói nẩy sinh ra tệ nạn tham nhũng hối lộ, vì ai nấy đều muốn tranh sống nên đòi hỏi ưu quyền. Nhưng đau xót nhất vẫn là sự băng hoại cùng cực của niềm tin. Tuổi trẻ ngơ ngác, rồi bất mãn, vì sự nghi ngờ thiện chí của cha anh. Rồi nẩy sinh ra một hiện tượng mới: tuổi trẻ không tin nữa, và sẵn sàng nổi loạn. Đã có biết bao trường hợp tuổi trẻ nổi loạn vì bất mãn, khi thấy cha anh bất lực. Để làm chi? Để lại rơi vào sự bất mãn khác, do những cạm bẩy chánh trị bày sẵn. Loạn lạc, tham nhũng vẫn còn nguyên, tuy nhiều xương máu của tuổi trẻ Việt Nam đã đổ ra để mong cứu vãn.

Tuổi trẻ Việt Nam không có chiếc đũa thần để dập tắt chiến tranh, không cần làm chánh trị để diệt tham nhũng. Tuổi trẻ Việt Nam hãy cùng Việt Võ Đạo, làm Cách Mạng Tâm Thân để cứu vớt xã hội, cải tạo con người. Tuổi trẻ Việt Nam hãy gieo rắc ánh sáng Việt Võ Đạo ở khắp nơi, tận thôn xã hẻo lánh, tận rừng sâu âm u và khắp mọi nơi trên thế giới.

"Cách Mạng Tâm Thân". Một cuộc cách mạng chỉ nghĩ tới sự xây dựng, sự nuôi dưỡng, không máu chảy xương rơi, không phân biệt giai cấp và màu da chủng tộc. Nếu tuổi trẻ Việt Nam cùng với toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới cũng làm Cách Mạng Tâm Thân, cùng đi trên con đường mà Việt Võ Đạo đã chỉ hướng, thì đâu có chiến tranh, đâu có tham nhũng, bất công, bóc lột, thối nát, và phần tử xấu xã hội cũng hết đất tốt để gieo mầm ...

Nào tuổi trẻ Việt Nam chúng ta hãy nhất quyết làm cuộc Cách Mạng Tâm Thân bằng bàn tay thép và trái tim từ ái, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, không ngừng nghỉ...

Một viên gạch muốn tốt phải nung lâu, và khi tất cả những viên gạch cùng tốt sẽ xây dựng được tòa nhà vững chắc bất chấp mọi gió mưa, bão tố.

Một thế giới muốn thái bình, văn minh, một quốc gia muốn an lạc, tiến bộ, một con người muốn giải thoát đau khổ, kém hèn, tìm được ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc làm người, phải liên tục thực hiện cách mạng tâm thân. Đó là cuộc cách mạng của nhân loại hòa đồng, của yêu thương, tự cứu để cứu rỗi.

Trần Văn Trọng

Môn sinh Trần Văn Trọng mang Hoàng Đai III vào thời gian này