Cái vòng tay biến mất

Hồi còn nhỏ, bài học đầu tiên tôi được học là vòng tay trước ngực khi chào hoặc khi nói chuyện với người lớn. Gặp ai, mạ tôi thường nhắc: Vòng tay thưa chú (cô, dì, chú, bác...) đi con. Khi trẻ con có lỗi, người lớn thường bắt đứng nghiêm, vòng tay lại.

Đi học, mỗi khi trả lời, học trò chúng tôi đều vòng tay lại, thưa thầy rồi mới nói.

Tôi quen đến mức lớn rồi vẫn không bỏ, gặp người lớn tuổi hơn đều vòng tay thưa.

Thế mà không biết từ bao giờ, tôi không còn thấy trẻ con vòng tay nữa. Hỏi ra, thì ở các lớp mẫu giáo, nhiều nơi cô vẫn dạy các em vòng tay, nhưng về nhà, có lẽ vì không được bố mẹ giám sát, nhắc nhở thành ra các em nhanh quên. Càng lớn lên người ta lại càng quên. Vì nhà trường cũng như gia đình cũng không lấy đó làm trọng. Cái vòng tay từ đó ít khi nhìn thấy trong đời sống.

Bật ti vi lên, nếu đang chiếu phim nước ngoài giữa chừng, thấy cung cách chào nhau của họ, đã biết ngay là phim nước nào. Hàn có kiểu của Hàn, Nhật có kiểu của Nhật, Trung Quốc có kiểu của Trung Quốc, Lào, Thái... đều có kiểu riêng...

Tôi rất phục cách ứng xử của họ, nếu là nhân viên, dù bị sếp mắng đến đâu, dù trong lòng thế nào đi nữa, khi sếp đi cũng phải cúi đầu xuống... Kể cả dân xã hội đen cũng thế, bị đánh te tua, máu mồm đang chảy cũng không lau, đầu cúi xuống...

Không như ta.

Người Bắc là người được coi là có khuôn phép nhất. Mỗi bữa ăn đều mời cả nhà ăn cơm. Nhưng lũ trẻ bây giờ ranh mãnh lắm, nó không nói mời ông xơi cơm, mời bà xơi cơm... mà nói ông cơm, bà cơm... Không nói thưa chú con về mà nói chú về. Nói thì nói nhưng mặt nhìn tận đẩu đâu trông rất ngứa con mắt. Tôi ghét nhất điểm này. Có gì đó như là sự đãi bôi cho xong việc.

Học sinh ra đường, gặp thầy, không có chuyện đứng nghiêm vòng tay thưa thầy như hồi xưa mà vẫn ngồi trên xe đạp, xe máy, hét lên chào thầy nhưng mặt cứ vác lên.

Lễ phép không phải là làm cho xong việc. Lễ phép là đạo đức.

Một lần, lâu lắm rồi mới thấy lại, một sinh viên về chỗ tôi thực tập, gặp ai trong cơ quan cũng vòng tay thưa chú, thưa anh, thưa chị... Tôi sửng ra một lúc, thấy lòng mình rưng rưng như thể gặp lại một điều gì đó từ trong sâu thẳm, vô cùng thân quen.

Cứ nghĩ, sao người ta bỏ dạy con, bỏ dạy học trò vòng tay? Kiểu vòng tay là kiểu chào duy nhất chỉ VN có, sao lại bỏ? Thật tiếc.

Có những chuyện rất nhỏ, như cái vòng tay, hay đưa cho người lớn hơn mình cái gì cũng phải đưa hai tay, mắt nhìn vào người đối diện, nhỏ thôi nhưng nó định hướng hẳn cho con người ta một cách ứng xử, một cách nghĩ... và cuối cùng là một nền tảng rất vững vàng để từ đó, dù có "hội nhập" thế nào đi nữa, thì ta vẫn có giá trị trong con mắt thế giới. Mất những cái đó, ta còn gì?

Và nếu duy trì, ta lại có một nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Đó cũng là “thương hiệu” Việt vậy!

Nguyễn Thế Thịnh