Đến lớp, Thanh chọn chỗ ngồi khuất, trong giờ học không phát biểu, không nói chuyện, hết giờ học cô xách cặp ra về. Vì thế mà hai năm đại học, Thanh cũng chỉ nhớ tên vài người.





Nhiều sinh viên khi về nhà lại đối mặt với bốn bức tường

Với nhiều sinh viên, ĐH là môi trường lý tưởng để thể hiện cái tôi mạnh mẽ thì số khác lại lặng lẽ thu mình vào “vỏ ốc”.
“60 % sinh viên sống khép kín”, đây là kết quả nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên khoa Giáo dục học, ĐH KHXH và NV, ĐH QG TPHCM.

Họ không phải là những sinh viên hư hỏng bỏ học hay trốn tiết, vẫn cắp cặp đi học 5 ngày/tuần nhưng cả bốn năm ĐH mà “không ai biết mặt đặt tên”.

Mặc dù đăng ký vào một trong những khoa năng động nhất của trường nhưng Nguyễn Thị Thanh, sinh viên năm II, ĐH KHXH và NV chưa một lần có mặt trong các hoạt động của lớp. Thậm chí, những lần lớp tổ chức liên hoan 20/10 Thanh cũng tìm lý do vắng mặt. Chọn chỗ ngồi khuất, trong giờ học không phát biểu, không nói chuyện, hết giờ học cô xách cặp ra về. Vì thế mà hai năm ĐH Thanh cũng chỉ nhớ tên vài người.

“Không hiểu sao mỗi khi định mở lời nói chuyện với ai đó mình lại cứng họng không nói được. Mình cũng muốn hoà đồng nhưng mọi người lắm nhưng không thể”, Thanh bộc bạch. Cô cho biết, tính nhút nhát, lối sống thu mình theo cô từ cấp I.

Khác với Thanh, trong suốt những năm cấp III, Lê Văn Dương, HV Bưu chính viễn thông, luôn sôi nổi trong tất cả các hoạt động của lớp. Đồng thời, Dương còn là một lớp trưởng gương mẫu, cán bộ Đoàn giỏi nhưng lên ĐH cậu hoàn toàn “thay tính đổi nết”.

“Cậu ấy lầm lì ít nói, ít giao tiếp. Cùng lắm chỉ nói chuyện với vài ba bạn xung quanh. Những khi lớp bàn luận cậu ấy cũng không đưa ra ý kiến. Không tham gia các buổi thăm quan, dã ngoại. Cứ như thể cậu ấy “vô hình” trên giảng đường, khác hẳn trước đây”, Giang, bạn học cùng lớp ĐH đồng thời cũng là bạn thân cấp III của Dương cho biết.

Trường hợp như Thanh và Dương hiện nay khá phổ biến trong giới sinh viên. Thế nên mới có những câu chuyện sinh viên học chung bốn năm vừa ra trường gặp lại nhau “nhìn cậu quen quen”.

Cú sốc mang tên “giảng đường”

Theo Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH KHXH & NV, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lý, ĐH Quốc Gia Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới chuyện nhiều sinh viên năng động bỗng chốc thu mình do “cú sốc giảng đường”.

Sự thay đổi đột ngột về môi trường sống, học tập, các mối quan hệ xã hội gây nên “cú sốc tinh thần” khiến nhiều sinh viên sinh tính tự kỷ. Đặc biệt đối với những sinh viên tỉnh lẻ, lại thiên về lối sống tình cảm. Những sinh viên này thấy không đủ tự tin để hoà đồng vào môi trường mới. Họ chọn cho mình lối sống khép kín để giấu đi cảm giác mặc cảm. Số khác không bắt kịp với sự thay đổi “chóng mặt”, không kịp thích nghi nên chọn cách “yên lặng”. Đây là cách sống thiếu sự năng động, tích cực và không hòa nhập vào nhịp sống của xã hội.

Theo Thạc sĩ Hà, lối sống thu mình của sinh viên có thể lý giải từ đặc tính của người Việt: “Tính cá nhân của người Việt rất cao, họ coi trọng cái tôi hơn là cái ta. Vì thế nhiều sinh viên không quan tâm đến người khác, cũng chẳng hào hứng với những hoạt động chung”.

Một nguyên nhân khác, theo thầy Hà, có nhóm sinh viên tự coi mình là nhất, nhìn bạn bè bằng “nửa con mắt”. Những sinh viên này như những con nhím “xù lông”, không tham gia, không giao du với bạn trong lớp vì cho rằng “không xứng đẳng cấp”. Có thể ở giảng đường họ “câm lặng” nhưng ở môi trường khác họ lại hoạt bát, vui vẻ, sôi nổi.

“Đừng vì thấy người ta khép kín mà bỏ mặc. Nếu tập thể lớp gần gũi hơn, quan tâm hơn, tìm cách xoá bỏ mặc cảm cho những sinh viên ấy. Có thể cho sinh viên ấy cơ hội để thể hiện cái tôi, rất có thể “những chú ốc” sẽ chui ra khỏi vỏ để hoà nhập với cộng đồng”, Thạc sĩ Hà nhấn mạnh.