Gặp lại danh ca Thanh Tuyền sau 30 năm


Hơn 40 năm đi hát nhưng giọng ca của Thanh Tuyền vẫn ngọt ngào
Thanh Tuyền là một nữ danh ca từng làm “xiêu đổ” người yêu nhạc ở miền Nam trước 1975. Sau hơn 30 năm xa xứ, lần đầu tiên chị mới quay trở về để hát tại Việt Nam. Đêm diễn đầu tiên của chị diễn ra tại phòng trà Văn Nghệ, TP. HCM vào tối qua (10. 12).

Vừa về nước được một ngày là chị đã “sát cánh” ngay cùng ban nhạc để luyện tập. Tuy sức khỏe không tốt do khí hậu thay đổi nhưng “khi bước lên sân khấu là tôi lại thấy… sung liền”, ca sĩ Thanh Tuyền bộc bạch. Nghe tin chị về Việt Nam biểu diễn, nhiều khán thính giả quá bất ngờ và thích thú. Thanh Tuyền không ngờ bao nhiêu năm xa quê mà khán giả vẫn còn nhớ và yêu thương mình đến thế. Đây là lần đầu tiên được hát lại tại quê nhà, còn thực ra năm nào Thanh Tuyền cũng về Việt Nam âm thầm làm từ thiện. Chị còn phối hợp với báo Thanh Niên tham gia mổ mắt cho người nghèo trong chương trình “Nguồn sáng cho đời”, tài trợ chi phí mổ tim cho trẻ khuyết tật, tặng học bổng. Ngay sau khi kết thúc chương trình biểu diễn tại phòng trà Văn Nghệ lần này, chị cũng sẽ dành thời gian đi trao quà cho trại phong Bến Sắn với số tiền hơn 60 triệu đồng.

“Ba mươi năm một đoạn đường/Xa rời quê mẹ dặm đường cách xa/Ra đi nước mắt chan hòa/Nhớ người ở lại mặn mà yêu thương/ Nhớ gì như nhớ quê hương/Tôi luôn trên vạn nẻo đường mang theo…”. Lời thơ của chị mở đầu cho ca khúc “Tiễn biệt” phải chăng là tiếng lòng xa xứ bao nhiêu năm nơi đất khách quê người khiến người nghe rất xúc động.

Tôi là người VN, chất bình dân đã ăn sâu vào người rồi. Đời người có vạn điều thay đổi, nhưng cội rễ thì không thể thay đổi.

“Trên đường về Việt Nam, ngồi ở phi trường tự dưng trong người đã bật ra những câu thơ như thế. Tính tôi tình cảm lắm, nhiều lúc ở nước ngoài nằm nhớ nhà tôi hay khóc một mình và được hát tại quê nhà đối với tôi như một giấc mơ. Tại sao đi diễn khắp nơi như Nga, Ba Lan, Mỹ… tôi lại không về diễn ở đất mẹ, nơi sinh ra và nuôi mình khôn lớn. Khán giả vẫn còn thương yêu Thanh Tuyền nhiều lắm mà. Nhớ gì như nhớ quê hương…, tôi quyết định phải trở về…”, nữ danh ca rưng rưng. Rồi chị “lội” ngược dòng tháng năm: “Ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, nhà tới 15 anh chị em mà tôi là chị cả nên gánh nặng tất cả như đè lên đôi vai gầy guộc. Túng thiếu đủ thứ. Hình ảnh cô học trò nhỏ nhắn Thanh Tuyền đã được nhạc sĩ Thanh Sơn viết riêng cho ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng”. Và như một định mệnh, tên tuổi tôi từ đó nổi tiếng gắn liền với bài hát này và ông chủ hãng đĩa đã dám trả tiền cát-sê cho tôi là một chiếc… xe hơi khi mới tròn 18 tuổi, lúc đang học lớp đệ tứ”.

“Sau này qua Mỹ, ban đầu vợ chồng tôi tay trắng, phải làm lại từ đầu bằng đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhiều hôm các con thèm một bữa ăn ngon cũng nhịn. Cho đến năm 1982, tôi mới đi hát trở lại thì đời sống mới dễ chịu hơn”.

Khán giả thắc mắc nhiều về nghệ danh Thanh Tuyền của chị?

Tên cúng cơm của tôi là Phạm Thị Như Mai nhưng vì là con gái Đà Lạt, nơi có nhiều suối nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông quyết định đặt cho tên đi hát là Thanh Tuyền, nghĩa là trong sáng như một dòng suối. May mà tên này… hay và dòng suối thường xuyên có nước nên Thanh Tuyền cũng ăn nên làm ra.

Chị có thể “bật mí” chút xíu về tổ ấm hiện nay của mình?

Tôi hạnh phúc vì có 4 người con đều trưởng thành cùng 2 cháu nội và 3 cháu ngoại. Ông xã đã nghỉ làm việc, ở nhà quán xuyến hết mọi việc để cho tôi chú tâm đi hát.

Lần đầu tiên về Việt Nam hát phục vụ khán giả quê nhà chắc chị có rất nhiều cảm xúc?

- Danh ca Thanh Tuyền tên thật là Phạm Thị Như Mai, quê quán tại Đà Lạt. - Chị có 4 người con, trong đó con gái Shayla theo nghiệp mẹ.

- Chị đặt tên cho cháu nội đầu lòng là Hà Tiên, để kỷ niệm ca khúc cùng tên rất nổi tiếng của chị.

- Thanh Tuyền sẽ biểu diễn tại phòng trà Văn Nghệ (14 Lam Sơn, Q.BT, TP.HCM) vào các đêm 10, 11, 12, 13.12.2009 và 17, 18, 19, 20.12.2009 với nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi như Nỗi buồn hoa phượng, Dấu chân kỷ niệm, Đà Lạt hoàng hôn… và hát theo yêu cầu của khán thính giả.
Lúc trên máy bay, nhìn xuống cửa sổ thấy mình đang đi vào không phận của VN là tôi đã run run xúc động rồi. Lần nào cũng vậy hết. Sài Gòn đổi thay nhiều, năng động và nhộn nhịp hơn. Hát cho “người nhà” mình nghe đó là điều hạnh phúc vô tận.

Chị vẫn giữ nét bình dân mộc mạc, dù đã hơn 30 năm sống xa quê hương?

Vì tôi là người Việt Nam mà, cái chất bình dân ấy đã ăn sâu vào người mình rồi. Đời người có thể sẽ có vạn điều thay đổi, nhưng cội rễ dễ gì đổi thay. Tôi thường nói với các con, dù các con có hòa nhập thế nào, nói tiếng Mỹ lưu loát thế nào… thì trong mắt người bản xứ các con vẫn là người Việt Nam, và các con phải tự hào mình là một người tóc đen da vàng.

Và cái chất nhạc buồn nao lòng của Thanh Tuyền vẫn không thay đổi?

Đó là dòng nhạc phù hợp với mình, mình thích và khán giả cũng thích. Tôi yêu dòng nhạc quê hương, và có lẽ, dòng nhạc này cũng yêu tôi nên tôi mới có thể còn hát được tới bây giờ. Nếu có thay đổi, thì là trong cách hát. Ngày xưa mình còn hồn nhiên, cuộc sống còn vô tư thì tiếng hát rất trong trẻo. Bây giờ cuộc sống mình thăng trầm theo cuộc đời bể dâu, tiếng hát cũng mang nhiều ray rứt theo, có âm đục âm trong chứ không phải lúc nào cũng trong veo nữa.

Hơn 40 năm đứng trên sân khấu, có bao giờ chị thấy cảm xúc của mình bị nhạt phai đi nhiều theo năm tháng?

Chưa bao giờ. Vì mỗi khi bước lên sân khấu tôi đều nghĩ rằng “biết đâu đây sẽ là lần cuối cùng mình còn hát được”, nên tôi luôn hát hết sức, hết lòng, đem cả con tim mình ra mà hát. Lúc mới qua Mỹ, cuộc sống còn chật vật, tôi đâu có nghĩ mình sẽ được quay lại với nghề, vậy mà chớp mắt một cái đã thấy thêm 30 năm đi hát nữa rồi. Đó là số phận! Và tôi rất trân trọng nó.

Nếu bạn muốn làm ca sĩ thì trước hết phải tự hỏi bản thân có dám sống chết với nghề hay không đã. Đừng hời hợt, hát như trả nợ để cho xong bài hát. Khi hát tình ca, nhắm mắt lại là tôi đã thấy cả một quãng đời yêu đương mà mình đã trải qua, thấy lại từng kỷ niệm hạnh phúc, từng nỗi dằn vặt xót xa khi bị người yêu bỏ… Hát một bài về quê hương, tôi cảm nhận rõ hình ảnh từng con đò, mái lá, hàng cau…

Về Việt Nam lần nay không thấy chị có ông xã hay gia đình đi cùng như một số nghệ sĩ hải ngoại khác?

Mấy chục năm nay tôi vẫn quen đi hát một mình như vậy rồi. Ông xã chỉ ủng hộ tinh thần. Những năm tháng bôn ba ở xứ người, cứ cuối tuần là lại xuôi ngược một mình đẩy va-li đi hát thôi. Có những chuyến bay khuya, sân ga thường vắng hoe, nhất là vào những ngày cận Tết hoặc thời khắc giao thừa thì cũng có chút bùi ngùi, nhưng đó chính là những giây phút tôi cảm thấy mình được ung dung tự tại nhất.

Chị có kế hoạch lâu dài tại Việt Nam không?

Ở tuổi này rồi, cứ tới đâu hay tới đó. Tôi không tính trước hay lo xa chuyện gì cả. Vì bây giờ mình đi hát là để trả ơn đời, là vì cái nghiệp mình quá say không thể dứt ra được, chứ từ lâu rồi tôi không nghĩ tới chuyện làm băng đĩa hay tổ chức show nữa. Tôi mong mình có đủ sức khỏe để có thể hát cho khán giả của mình.

Công Sơn – Thúy Vy