Đón xem mưa sao băng Leonids

TTO - Mưa sao băng Leonids sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng 18-11. Tại Việt Nam, những người yêu thích thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Leonids từ 2g sáng 18-11, khi chòm sao Sư Tử bắt đầu xuất hiện ở chân trời đông.

Nếu như những dự báo của các nhà thiên văn là chính xác, người dân các nước châu Á sẽ có dịp chứng kiến một hiện tượng thiên văn kỳ thú khi có thể có tới hàng trăm vệt sao băng xuất hiện trong một giờ. Đây là đợt mưa sao băng đẹp nhất trong những năm gần đây.

Sao băng Leonids thường gây ấn tượng cho người xem với những sao băng to và sáng được ví như những quả cầu lửa (fireball). Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), năm nay cực điểm của sao băng Leonids được dự báo vào khoảng 4g44 rạng sáng 18-11 giờ Việt Nam, và người dân ở Trung và Đông Á có thể quan sát rõ nhất.


Một sao băng lớn còn gọi là fireball của trận mưa sao Leonids. Leonids cũng là trận mưa sao nổi tiếng với nhiều fireball xuất hiện - Ảnh: Space

Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc từ một sao chổi ngắn hạn tên là Tempel-Tuttle có chu kỳ 33 năm. Vào khoảng giữa tháng 11 hàng năm, Trái đất di chuyển trên quĩ đạo của mình quanh Mặt trời, cắt vệt bụi do sao chổi Tempel-Tuttle tạo ra, hàng loạt các mảnh vật chất nhỏ gồm bụi và băng bị Trái đất hấp dẫn và bốc cháy tạo thành vệt dài khi xuyên qua bầu khí quyển. Đó chính là sao băng Leonids nổi tiếng.

Trong những năm gần đây, mưa sao băng Leonids đã suy yếu rất nhiều trở thành một trận mưa sao băng trung bình nhỏ, nhưng năm nay theo dự báo sẽ có sự đột biến bất thường có thể lên đến 130 hoặc thậm chí 500 vệt sao Leonid trong một giờ ở châu Á. Đặc biệt vào sáng 18-11 lại là ngày đầu tháng âm lịch, vì thế người dân khu vực này có thể yên tâm ngắm sao băng do không bị ánh trăng làm mờ.

Tại Việt Nam, những người yêu thích thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Leonids từ 2g sáng 18-11, khi chòm sao Sư Tử bắt đầu xuất hiện ở chân trời đông. Các bạn nên quan sát bao quát vùng trời phía đông từ chân trời lên đến đỉnh đầu, và nếu dự báo là chính xác thì các sao băng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều khi chòm Sư Tử lên cao dần và đạt đỉnh điểm vào khoảng 4 - 5g sáng.

Tuy nhiên tại miền bắc, theo dự báo trời nhiều mây mù, do đó những người yêu thích thiên văn ở đây có thể không quan sát được rõ mưa sao băng.

Những điều cần lưu ý khi quan sát sao băng:

- Nên chọn nơi quan sát không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn và không bị che chắn ở vùng trời phía đông. Ánh đèn thành phố sẽ làm giảm đáng kể các sao băng thấy được, nếu có điều kiện các bạn nên về các vùng quê hoặc lên núi cao để có thể thực sự chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của mưa sao băng.

- Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến việc quan sát: các sao băng không thể quan sát được nếu có mưa hoặc mây nhiều.

- Khi quan sát nên nằm thay vì ngồi, để mắt bạn có thể bao quát được vùng trời rộng hơn.

- Không nên tập trung nhìn về chòm sao Leo mà nên nhìn bao quát cả vùng trời phía đông.

Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC)

NGUYỄN ANH TUẤN