Cao nguyên rộn rã tiếng cồng chiêng cho Festival quốc tế

Tiếng cồng chiêng vang lên, những thiếu nữ dập dìu với điệu múa xoang và ghè rượu cần. Khắp các buôn làng Gia Lai, người dân tộc Gia Rai và Ba Na đang náo nức chuẩn bị cho Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất diễn ra tại đây. VnExpress.net ghi lại hình ảnh này.


Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai sẽ diễn ra từ 12 đến 15/11 với nhiều hoạt động: trình diễn cồng chiêng, phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng, phục dự Lễ Pơthi (bỏ mả)... Dự kiến, khoảng 3.000 người từ 34 tỉnh, thành đến tham gia. Ngoài ra còn có các đội cồng chiêng quốc tế đến từ nhiều nước trong khu vực. Gia Lai ước chừng sẽ có 30.000 lượt khách dịp này.

Nhiều đội tuyển ở các huyện trong tỉnh Gia Lai đang tích cực tập luyện chuyẩn bị cho Festival. Trong ảnh là đội cồng chiêng ở xã Kông Lơng Khơng, huyện K'bang.

Các cô gái tỏ ra thích thú cùng điệu múa mừng lúa mới với tiếng chiêng rộn rã.

Với số lượng cồng chiêng lên đến hơn 5.600 bộ và hơn 700 đội cồng chiêng sinh hoạt tại các buôn làng, Gia Lai đang là một trong những tỉnh lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất ở Tây Nguyên. Một số gia đình còn lưu giữ được 5-9 bộ cồng chiêng. Họ coi những vật dụng này như những "bảo bối" của dòng tộc để lại. Trong ảnh là một bộ cồng chiêng của làng Mrông Yố (xã Iaka, huyện Chư Păh).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Gia Lai, không phải ai biết đánh chiêng là có thể chỉnh được. Cả tỉnh có rất ít nghệ nhân chỉnh chiêng đạt đến độ tinh xảo. Trong ảnh là ông Rơ Chăm Uek (74 tuổi), một trong hai nghệ nhân giỏi.

Để tiếng chiêng chuẩn khi vang lên, ông Rơ Chăm Uek cho biết sau mỗi lần đánh phải ngồi chỉnh lại sao cho ăn khớp với nhau.

Đa phần những người trong dàn chiêng cổ truyền là người già hoặc trung niên. Thanh niên chỉ đánh những chiêng phụ, chiêng đánh theo.

Người Ba Na hay Gia Rai ở Tây Nguyên không chỉ coi cồng chiêng là loại nhạc cụ mà còn là phương tiện giúp con người hiểu nhau hơn.

Ngoài các cuộc liên hoan cồng chiêng ở các cấp nhằm bảo tồn di sản văn hoá cồng chiêng (2 năm ở cấp xã và huyện; 4 năm ở cấp tỉnh), ngành văn hoá tỉnh còn khuyến khích các lễ hội sử dụng loại nhạc cụ này.

Một buổi Lễ bỏ mả (Pơthi) phục dựng ở huyện Chư Păh. Đây được xem là nghi lễ vĩnh biệt những người đã mất gồm nhiều bước như lễ bàn giao của, đập trâu rồi cắt đầu để lên giàn tế, rước thần linh từ giọt nước về để đưa người chết đi... trong đó không thể thiếu tiếng cồng chiêng.

Sau mỗi buổi lễ, người dân lại quây quần bên các ghè rượu để chung vui.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm: văn hoá, kiến trúc, tập tục, nếp sinh hoạt... của cộng đồng. Ngoài đưa nội dung dạy trình diễn cồng chiêng vào các trường nội trú, Gia Lai cũng vận động học sinh học sinh, sinh viên mặc trang phục của dân tộc mình.

Hoàng Anh