Phụ nữ thường mong ước điều gì nhỉ? Xinh đẹp? Trẻ mãi không già? Có nhiều tiền? Gì nữa không biết...


Hôm nay, ngoài chợ, các bà bán hàng hỏi nhau xôn xao: "Này, 20/10 là ngày gì ấy nhỉ mà sao nhiều người cầm hoa thế?" Rồi lại có người trả lời: "Chẳng biết nữa, cứ bán được hàng là tốt rồi".

Than ôi! Họ cũng là những người phụ nữ đấy, nhưng mà không xa hoa đài các như những quý bà xinh đẹp đi thi hoa hậu hay gì gì hậu đi nữa, không bóng bẩy mượt mà như các cô nhân viên văn phòng để được tặng hoa và biết vì sao được tặng hoa... Thế nhưng, họ đều là phụ nữ.


Đã là phụ nữ, một nửa của thế giới, thì không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi. Có lẽ, nên bổ sung thêm một câu nữa là: "chỉ có phụ nữ không có điều kiện làm đẹp mà thôi".

Từ những bà, những chị thôn quê, suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", từ những chị công nhân bận rộn trên công trường, hay những bà, những chị lam lũ bán hàng... đến những quý bà, quý cô đài các cao sang đều có nhu cầu làm đẹp, đều luôn mong muốn mình đẹp hơn. Phái đẹp là thế.

Nhưng vì sao thế nhỉ? Phụ nữ làm đẹp có phải để họ tự ngắm mình không? Không phải, là vì mong ước một thế giới ngày càng đẹp hơn đấy chứ.

Thế mà, đối với đa phần chị em, phần lo toan cuộc sống mưu sinh: gia đình, con cái, bố mẹ, người thân sao cho yên ấm mọi bề là quan trọng hơn tất cả, rồi mới đến phần làm đẹp, phần dành cho bản thân. Ngay cả phần làm đẹp này, cũng không chỉ dành cho bản thân họ. Như thế mới biết, sinh ra là phụ nữ đã đi kèm với hai chữ "hy sinh".

Có một lời bình luận khá thấm thía về sự hy sinh của người phụ nữ Việt như thế này: Ở một làng nọ, có bà tới khi chết, đăng tin buồn thì dân làng mới biết tên thật của bà ấy. Bởi vì, cả đời bà, khi còn bé thì bị cha mẹ gọi bằng tên tục như "cái Hĩm" hay "cái Tý". Lớn lên đi lấy chồng thì người ta gọi bà bằng tên của chồng. Đẻ được đứa con thì lại gọi bà bằng tên của con. Như thế, suốt đời bà đã sống nhưng có ai biết được tên thật của bà, đến khi bà qua đời thì mới được gọi một lần tên thật. Cho nên các cụ gọi đó là "tên cúng cơm". Chắc là tên để con cháu gọi bà khi thắp nhang cúng cơm bà ấy thật.

Thế đấy, người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh và sự hy sinh vô bờ bến cho gia đình, cho con cái, cho xã hội thật nhiều chuyện kể không hết. Ngay cả các sách kinh điển về kinh tế cũng luôn dành hẳn một chương viết về vai trò đặc biệt của phụ nữ trong sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển chính là tiền đề của tăng trưởng và phát triển xã hội (*).

Phụ nữ có mong muốn vươn lên không? Có chứ, thậm chí là khát vọng của phụ nữ là đằng khác. Nhưng họ vướng phải rào cản gì? "Glass ceiling" - Tấm trần kính. Họ nhìn thấy những tầm cao hơn, họ vươn lên nhưng va phải tấm trần kính, thế là lại rơi xuống. Những "tấm trần kính" đó là gì? Nhiều lắm, trong đó có rào cản xã hội, những quan niệm cổ hủ từ nghìn đời về vai trò phụ nữ nơi xó bếp, khó mà xoá nhòa chỉ bằng vài câu khẩu hiệu, đã bị ăn sâu vào tiềm thức của mọi người.

Thế nên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ nhiều thập kỷ nay đều đặt mục tiêu vì sự phát triển của phụ nữ. Thế nên, bên cạnh ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3 hàng năm, phụ nữ Việt Nam lại còn có thêm ngày 20/10, kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930) để làm ngày Phụ nữ Việt Nam nữa.

Thưa các bà, các chị bán hàng ngoài chợ, ngày 20/10 là ngày như thế đấy. Trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội là làm cho chính những con người như thế biết về ngày phụ nữ của mình, biết về câu chuyện bên cạnh việc lo toan mưu sinh cho gia đình, con cái, họ còn có một ngày của riêng họ. Để họ biết họ quan trọng đối với xã hội như thế nào, họ quan trọng với gia đình ra sao. Để họ biết họ cũng cần quan tâm đến chính mình, để xã hội được đẹp hơn, giàu có hơn, văn minh hơn, nhân bản hơn, con người yêu thương nhau hơn...

Phụ nữ mong ước điều gì nhỉ? Họ mong ước được giải phóng thật sự. Mà đến giờ chuyện đó vẫn chưa thực sự xảy ra và họ đã và đang phấn đấu để chuyện đó sớm xảy ra.

Có phải thế không hả các bà, các mẹ, các cô, các chị, các em gái?

Vài lời tâm sự nhân ngày 20/10/2009