Láng giềng lạnh ít để tôi lạnh nhiều

TT - Gần đây, xã hội quan ngại về đời sống cộng đồng xóm giềng ở các đô thị ngày càng khép kín, trơ lạnh và thậm chí vô cảm. Đã có nhiều ý kiến đồng tình với nhận định trên, tuy nhiên vẫn có nhiều chứng minh theo chiều ngược lại.

Bà con ở P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trong một lần cùng nhau quét dọn rác khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: C.QUỐC

Cư dân trong khu phố tôi đang ở nhiều người là cán bộ, công chức, rất ít người là lao động phổ thông, thành ra nếp sinh hoạt nếu nhìn vào thì ai cũng nghĩ không cởi mở như những xóm lao động. Nếu nhìn bề ngoài có thể hình dung về một cộng đồng sinh hoạt kiểu “đèn nhà ai nấy tỏ”, tuy nhiên bà con nơi đây thể hiện tình láng giềng theo một cách khác. Nhà bác N. vừa có bà cụ nhập viện đêm trước thì trưa hôm sau nhiều nhà đã biết tin đến tặng hộp sữa, cân cam và những lời thăm hỏi ân cần. Còn hai thứ bảy nữa anh H. mới tổ chức đám cưới cho con trai nhưng mọi nhà trong khu phố đã nhận thiệp mời trân trọng, rồi hẹn nhau “bữa đó ngồi chung bàn cho vui nghen!”.

Nhà tôi và nhà chị M. là láng giềng với nhau đã trên 20 năm. Hai cháu gái nhà tôi và hai cháu gái nhà chị chơi với nhau từ hồi nằm ngửa đến ngày vào đại học. Cháu H. nhà chị M. học giỏi, là học sinh trường chuyên của tỉnh, đậu vào một trường đại học lớn, còn cháu G. nhà tôi chỉ đậu vào trường cao đẳng. Ngày biết kết quả đại học, cháu H. cứ sang nhà tôi để an ủi bạn, dù cháu không nói gì nhiều nhưng tình cảm của cháu dành cho bạn thật chân thành.

Chắc chắn một điều trong sự sẻ chia dù không chủ ý nhưng cháu H. đã dành cho cháu G. một tình bạn hơn mức bạn bè bình thường, đó là tình bạn láng giềng. Mỗi dịp nghỉ tết hay hè, cả N. - chị gái của H. và D. - chị gái của G., dù một người đang du học bên Pháp và một người đang học đại học ở Sài Gòn, khi về thăm nhà đều có quà cho đứa em hàng xóm.

Với ý nghĩ có lẽ do cuộc sống tỉnh lẻ đỡ bon chen nên lòng người còn trong sáng và chân thành với nhau chứ còn ở các thành phố lớn, cuộc mưu sinh khắc nghiệt và gấp gáp hơn, liệu người ta còn đủ thời gian và tình cảm cho tình láng giềng, tôi vào TP.HCM thăm con gái đang trọ học nhà người dì ở chung cư Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.

Lúc theo con gái vào nhà giữ xe của chung cư, tôi được con gái giới thiệu với người giữ xe. “Ủa, ba bé ngoài quê mới vào chơi hả?” - người giữ xe, một phụ nữ trạc ngoài sáu mươi, niềm nở với tôi như với người thân lâu ngày chưa gặp. Hỏi ra mới biết hai đứa cháu nội của bà từ tầng một cứ chạy lên tầng ba chơi với hai dì cháu nhà tôi. Nhà bà và nhà dì T., nơi con gái tôi trọ, như chỗ họ hàng với nhau dù T. mới dọn về đây vài năm. Chung cư trong hình dung của tôi là những dãy hành lang dài hun hút và những cánh cửa đóng im lìm, suốt ngày mọi người đi làm, nếu có ở nhà cũng ít khi ra ngoài. Có cảm giác mỗi căn hộ nơi đây là một thế giới ngăn cách.

Nhưng không, dù thời gian gặp nhau không nhiều, chỉ là một cái gật đầu, một nụ cười xã giao trong mỗi lần gặp nhau ở cầu thang hay trước cửa nhà mình nhưng hàng xóm chung cư vẫn nghĩ về nhau. Cư dân nơi đây phần nhiều là người nhập cư. Thi thoảng nhà này bưng sang tô mì quảng, nhà kia gửi lại hũ mắm tôm Huế. Mỗi dịp về quê hoặc có bà con đến thăm, họ chia nhau vài quả trứng, xâu trái cây hay gói mè xửng... Hình như tâm thế tha hương xích họ gần lại với nhau hơn.

Tôi cũng có dịp đến thăm nhà người quen ở một khu phố Sài Gòn toàn những nhà đúc cao tầng, nhà nào cũng kín cổng cao tường, tôi cứ nghĩ không ai quan tâm đến ai. Nhưng tôi đã lầm. Nhà tôi đến thăm có một cháu bé bị bệnh, hàng xóm biết chuyện có người sang hỏi han, có người bày cách đi bác sĩ này, bệnh viện nọ.

Rồi lâu lâu tôi mới về Sài Gòn một lần, nhưng mỗi lần về thì những người hàng xóm nơi nhà người quen của tôi biết chuyện hỏi han, xem tôi như người quen lâu ngày trở lại. Tôi cảm thấy thật ấm cúng. Sài Gòn dù đông đúc, ai cũng có việc của mình, thời gian ít ỏi dành cho nhau nhưng không vì thế mà không còn láng giềng.

Có thể những gì tôi chứng kiến không phải là tất cả, song tôi nghĩ tình thân láng giềng không bị cách biệt bởi không gian và thời gian, dù ở một khu đô thị mới toàn nhà biệt thự cách biệt mà nếu chủ nhà thân thiện với nhau trong nếp nghĩ lẫn hành động thì nghĩa láng giềng cứ vun bồi chứ không đợi ở nơi san sát nhau, ngày ngày chạm mặt nhau mà gây gổ với nhau cũng chẳng còn ý nghĩa gì.

Chuyện hàng xóm thì vô số những buồn vui. Không cứ gì phải đổ lỗi cho sự biến động của đời sống. Cũng không thể trách giận nhau nếu mỗi người biết trân trọng đời sống cộng đồng, biết nghĩ về nhau thì tình hàng xóm mãi luôn bền chặt như câu ca dao: Lạnh lùng chi láng giềng ơi/ Láng giềng lạnh ít để tôi lạnh nhiều.

BÙI DIỆP (TP Phan Rang, Ninh Thuận)