Tự luyện Thiết Sa chưởng

GS Hàng Thanh Phương Thái Không Đại Sư [IMG]

Nhà Xuất Bản Võ Thuật - 1972 -

Lời Tựa

Rừng văn, biển võ… Người có chí đến mấy học hết trăm năm chưa gọi là cùng. Một vị Thiền Sư nói với các môn đệ rằng : "Về võ học, học ít biết ít, học nhiều biết nhiều, vô cùng vô tận". Xem thế quả kiến văn của ông vượt hẳn nhiều vị võ sư đồng đạo hiện thời. Xét lại nhân tài đương thời quả khó phân khó định, kẻ cao chiêu này, người giỏi thế nọ, bài bản, môn trường dị biệt. Học trò ai khen thầy nấy là lẽ thường. Nhưng gẫm công phu hàm dưỡng cho có căn bản thì mấy ai được mười phần hiểu biết hay sở luyện đến nơi đến chốn để có thể làm rạng danh môn phái bằng con đường chân chánh.

Sách xưa có dạy luyện quyền đến già đời mà không luyện công phu thì đến cũng coi như chỉ đạt được có mấy thành. Đến nay điều dạy bảo nầy được chứng nghiệm quá rõ, nhiều vị lão sư thân hữu đã thú nhận rằng mình lão nhược lắm rồi phải chi lúc nhỏ chịu luyện công phu thì lúc già đời cũng còn hữu dụng. Tình cảnh các võ sư VN cũng trong hoàn cảnh như thế, chẳng mấy người có công phu để mà dưỡng lão. Về phần truyền bá lại càng ít ỏi hơn, trong khoảng 40 đến 50 cuốn sách viết về võ học các môn phái trong đó có Quyền sư Phan Chấn Thanh, Giáo sư Hàng Thanh đã chiếm hơn 30 quyển rồi, các tác giả khác hoặc viết hoặc dịch thuật mỗi người một hai quyển, tất cả đều cũng chỉ chuyên chú trình bày cách thức luyện tập các bài bản Thập bát ban võ nghệ, tuyệt không thấy trình bày một bộ môn luyện tập công phu chân truyền. Âu đó cũng là một thiếu sót lớn lao cho nền võ học nghệ thuật bản xứ và thế giới nói chung.

Vì nhận thấy chỗ khiếm khuyết có lẽ còn lâu mới có người bổ túc tôi mạo muội đứng ra thu góp trình diện cùng đồng đạo chút tài liệu, ý những mong sự đóng góp nầy làm được lợi ích phần nào cho chư huynh đệ đồng đạo võ lâm trên đường học luyện võ nghệ thênh thang. Đó là việc trình bày PHƯƠNG PHÁP LUYỆN THIẾT SA CHƯỞNG, môn công phu rất dễ luyện, hợp với tất cả môn sinh mọi môn phái, mà sự thành công trên phương diện công phu đả thương được coi như hoàn toàn hiệu quả mỹ mãn. Người luyện thành công phu nầy ắt là không đến nỗi mang tiếng là uổng phí cuộc đời luyện tập như những vị võ sư cao niên thường than phiền. Một điều đáng lưu ý để tránh sự hiểu lầm, cuốn sách nầy một phần công lao phải kể là của Hồ quyền sư xứ Hương Cảng, thứ đến tôi soạn lại và thêm thắt đôi điều, bớt đi đi chỗ cho được như ý và tiện việc cùng bổ ích trong lúc nghiên cứu học hành của môn sinh. Tôi nghĩ với tôn chỉ nhằm giúp đời truyền bá nghệ thuật nên không ngần ngại cho ấn hành trong lúc chưa kịp diện kiến cùng Hồ võ sư để thảo luận. Tôi mong rằng chư huynh đệ và Hồ tiên sinh niệm tình bỏ điều chê trách.
PHƯƠNG THÁI KHÔNG Đại sư Cẩn bút

MỤC LỤC

1.- Nguồn gốc môn Thiết Sa Chưởng
2.- Sự quan hệ giữa luyện quyền và luyện công
3.- Sự quan hệ về tuổi tác khi luyện Thiết Sa Chưởng
4.- Cách dùng thuốc khi luyện Công phu
5.- Ba yếu tố quan thiết cần biết khi khởi sự luyện công
6.- Các trường phái Thiết Sa Chưởng
7.- Chương trình 100 ngày luyện Thiết Sa Chưởng

a. Phép hành công :
1) Phách pháp
2) Xuất pháp
3) Thiết pháp
4) Án pháp
5) Điểm pháp

b. Phép dùng thuốc :
1) Kỵ yếu
2) Dư công
3) Thi công

8.- Bí quyết và cách sử dụng chưởng :
1) Phách chưởng
2) Xuất chưởng
3) Thiết chưởng
4) Ấn chưởng
5) Chỉ, điểm

9.-Hổn nguyên chưởng pháp
1) Cách luyện Hổn nguyên chướng pháp
2) Hành công

10.- Khẩu quyết chưởng pháp :
1) Khí chí đan điền thố
2) Toàn lực chú chưởng tâm
3) Án thực thủy đụng lực
4) Thố kinh tuy khai thanh
5) Thôi nghi triều thượng khởi
6) Khẩn bức đoạn mã đăng
7) Tam tự : triêm, ấn, thố
8) Đô dụng tiểu thiên tinh

11.- Bí quyết dùng thuốc khi luyện chưởng : (Gồm 9 bài thuốc ngâm tẩm)
12.- Cách khám và trị người luyện công bị thương :
1) Nội thương
2) Ngoại thương

13.- Phần thắc mắc quan trọng của môn đồ võ lâm khi luyện thiết sa chưởng