Phương Pháp Huấn Luyện Đòn Chiến Lược


Ðể huấn luyện một đòn chiến lược, mỗi võ sư, mỗi huấn luyện viên đều có thể có mỗi phương pháp giảng dạy riêng, miễn sao đạt được mục đích huấn luyện. Nghĩa là phải truyền đạt như thế nào để cho võ sinh hiểu nhanh, nắm đúng, có sự hăng say trong tập luyện và áp dụng được trong đời sống một cách như mong muốn.

Với muôn vàn phương pháp huấn luyện khác nhau, sau đây tôi chỉ xin nêu ra một phương pháp huấn luyện đòn thế chiến lược để các đồng môn tham khảo.
Và với bài viết này, tôi xin kính tặng võ sư Lư Quang Ðức, Hồng Ðai đệ I cấp chủ tịch hội Vovinam Việt Võ Ðạo Khánh Hòa. Người đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện kỹ thuật của môn phái.
  1. GIỚI THIỆU HỆ THỐNG ÐÒN THẾ CHIẾN LƯỢC:
    1. Giới thiệu hệ thống đòn chiến lược môn phái.

      Bất cứ một môn phái võ thuật nào cũng đều có những hệ thống võ thuật riêng và cũng được giảng dạy theo bản sắc riêng của môn phái mình.

      Trong hệ thống kỹ thuật của môn phái Vovinam Việt Võ đạo cũng có những bài bản riêng và hướng dẫn cho võ sinh tập luyện từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ những đòn thế căn bản có các thế đánh từng động tác một và được ghép lại thành một chuổi động tác liên hoàn, như các lối đấm, các lối đá, các lối chém... được ghép lại thành các bài quyền, các bài song luyện ... và cũng chính từ những đòn căn bản đó các đòn chiến lược được ra đời và được biên tập thành một hệ thống đòn thế chiến lược, một trong những hệ thống kỹ thuật quan trọng của môn phái.

      Trong hệ thống kỹ thuật của môn phái bao gồm có 30 đòn chiến lược được gọi từ đòn chiến lược số 1 đến đòn chiến lược số 30. Ðược chia ra theo chương trình huấn luyện của từng cấp đai, được sắp xếp từ dễ tới khó, từ đơn giản tới phức tạp, từ 2 - 3 động tác trong một đòn thế chiến lược lên đến 8 động tác trongmột đòn thế chiến lược, về kỹ thuật được cấu tạo rất đa dạng, có động tác hư, có động tác thực (hư chiêu, hữu chiêu), tấn pháp được sử dụng linh hoạt để có thể di chuyển, phối hợp các thế đánh trong đòn chiến lược được linh hoạt. Và để bắt đầu làm quen với các đòn thế chiến lược trong hệ thống đòn chiến lược của môn phái. Trước hết chúng ta tìm hiểu nghĩa chiến lược là gì? Mục đích, ý nghĩa khi tập luyện một đòn thế chiến lược?
    2. Ðịnh nghĩa chiến lược:

      Chiến lược ở đây có thể được hiểu như sau:
      • o Chiến: Chiến đấu, tranh nhau, đánh nhau.
        o Lược: Chọn lọc, tinh lọc, tinh giản.
      Như vậy chiến lược có thể định nghĩa: Là sách lược, là những đòn thế đã được chọn lọc, ghép lại thành một chuỗi động tác liên hoàn dùng để chiến đấu.
    3. Mục đích - yêu cầu:
      • Mục đích: Mục đích tập luyện của một đòn chiến lược là:
        • Làm cho võ sinh có được một thể lực sung mãn, một thân thể khỏe mạnh (rèn luyện thể chất).
        • Tạo cho võ sinh có chịu đựng dẻo dai, ứng biến linh hoạt.
        • Tạo cho võ sinh có được một khả năng tự tin trong chiến đấu và tự vệ hữu hiệu.
      • Yêu cầu: (đối với võ sinh)
        • Phải tập trung tư tưởng, lắng nghe lới giảng dạy.
        • Nắm nhanh, nằm vững phương pháp tập luyện và kỹ thuật đòn thế chiến lược.
        • Ra sức luyện tập: Nhanh mạnh, chính xác và đúng kỹ thuật.
  2. PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN ÐÒN CHIẾN LƯỢC:
    1. Bước chuẩn bị:

      Trước khi giảng dạy một đòn thế chiến lược, huấn luyện viên nên có sự chuẩn bị trước, chọn những động tác khá cho võ sinh tập trước để khi bước vào tập luyện đòn thế chiến lược sẽ được dễ dàng tạo sự hưng phấn cho võ sinh hăng say tập luyện hơn, chẳng hạn trong đòn chiến lược số 2, số 3, cho tập trước động tác đá quét - chém; trong đòn chiến lược số 4 cho tập trước bước đạp...
    2. Phân tích - giảng dạy đòn thế chiến lược:

      Nêu rõ đòn chiến lược có bao nhiêu động tác cả thảy, trong đó có bao nhiêu động tác tay, động tác chân. Tấn pháp, nhãn pháp... được sử dụng trong đòn chiến lược đó...
      1. Giai đoạn 1: (huấn luyện viên đánh mẫu)
        • Ðánh mẫu có mục tiêu không chống đỡ (mời phụ tá hay 1 võ sinh của lớp)
          Huấn luyện viên trình bày hết đòn chiến lược bằng từng động tác một, được đánh chậm vào mục tiêu trên cơ thể người đứng mẫu.
        • Người đứng mẫu đứng yên trong tư thế thủ, không chống đỡ.
          Huấn luyện viên trình bày đòn chiến lược không có người đứng mẫu
        • Huấn luyện viên đánh chậm từng động tác, sau đó đánh nhanh một lần liên tục hết đòn chiến lược (có thể trình bày từ 2, 3 lần trở lên để cho võ sinh nằm vững).
        • Bước 1: Cho võ sinh tập
          • Cho võ sinh tập rời, tức không có đối thủ.
          • Tập chậm từng động tác một theo lời hô cho đến khi thuần thục.
          • Tập ghép từ 2 đến 3 động tác trở lên cho một lần hô.
          Ví dụ: đòn chiến lược số 1: Hô một: Võ sinh đánh 2 động tác liền: chém, đấm; hô 2,: Võ sinh đánh chỏ.

          Hay đòn chiến lược số 21: Hô một - võ sinh đánh 4 động tác liền: Ðấm trái, đấm phải, đấm móc, phạt ngang; Hô 2: Ðá, đấm, quạt ngược, chỏ.
          • Khi võ sinh đã thuần thục cho đánh nhanh hết đòn chiến lược trong một lần hô.
          • Cho võ sinh xoay cặp vào nhau, tập đánh có mục tiêu cố định, không chống đỡ bằng cách:
        • Ðánh chậm có vận lực vào mục tiêu trên cơ thể, từ từ chạm mục tiêu và dừng lại.
        • Ðánh nhanh, có độ dừng an toàn khi gần mục tiêu.
      2. Giai đoạn 2: (HLV đánh mẫu)
        • Ðánh mẫu có mục tiêu di động, chống đỡ (đánh đuỗi chiến lược)
          • HLV trình bày từng động tác một (với người mẫu)
          • Có đỡ, gạt, né tránh theo quy ước.
        • HLV trình bày nhanh hết một đòn chiến lược có đỡ, gạt, né tránh và có kết thúc hiệu quả (té, ngã)
        • Bước 2 (Cho võ sinh tập)
          • Cho võ sinh xoay cặp vào nhau, tập đánh đuỗi với nhau.
          • Theo lời hô từng động tác một.
          • Tập đánh ghép từ 2, 3 động tác trở lên torng một lần hô.
  3. ÁP DỤNG ÐÒN THẾ CHIẾN LƯỢC TRONG GIAO ÐẤU:


    Mục tiêu quan trọng nhất của tập luyện một đòn thế chiến lược là phải áp dụng được trong giao đấu và phải có hiiệu quả, vì vậy HLV phải phân tích, hướng dẫn từng kỹ thuật đễ võ sinh hiểu rõ, từ đó mỗi lần tập luyện có chủ đích, có sự hăng say sáng tạo và đưa đến sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

    Ví dụ: Phân tích đòn chiến lược số 1.
    1. Chém trái vào vùng mặt đối thủ (mũi, trán, thái dương)
    2. Nếu đối thủ đưa tay lên đỡ, gạt thì vùng thân trước đối thủ bị bỏ trống, một khoảng trống từ ngực trở xuống. Vì thế ta lập tức đấm thấp vào vùng bụng...
    3. Và lập tức kết thúc bằng đánh cho triệt.
    Có thể huấn luyện cho võ sinh tập luyện áp dụng một đòn thế chiến lược theo các bước tuần tự như sau.
    • Cho võ sinh tập đánh nhanh đòn thế chiến lược trong tư thế thủ di động tại chổ, theo hiệu lệnh hô.
    • Cho võ sinh tập đánh gió đòn chiến lược theo tự luyện, di chuyển rộng: Tới, lui, qua trái, qua phải.
    • Xoay cặp vào nhau: Một người cầm tấm chắn một người tấn công đòn chiến lược vào tấm chắn: Di động và không di động (không trúng người).
    • Xoay cặp vào nhau, đánh tự do với một đòn chiến lược theo quy ước.
    • Cho tập giao đấu với một đòn chiến lược theo quy ước trong một diện tích giới hạn.
  4. KẾT LUẬN:


    Lúc ban đầu, mọi người học võ đều có mục đích riêng, có người nói học võ để khỏe mạnh, kảo dài tuổi thọ, sống lâu, học võ để tự vệ để có đủ lòng tự tin, bản lãnh khi cần dùng đến...Nhưng có lẽ chung quy vẫn là phải sử dụng được hiệu quả trong giao đấu thì mới có sức thuyết phục. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, võ thuật là một môn TDTT đươc dùng để thi đấu trong giao hữu quốc tế.

    Với phong trào phát triển ngày một vững mạnh, môn phái Vovnam Việt Võ Ðạo cũng đã ra đời luật thi đấu đối kháng và cũng là một trong những hệ thống thi đấu tranh giải hằng năm của môn phái. Vì vậy vai trò người HLV rất quan trọng, người HLV phải có kiến thức võ học, phải biết truyền đạt và hướng dẫn cho võ sinh tập luyện sao cho có hiệu quả và nhất là phải tập cho võ sinh có sự tư duy trong chiến thuậït, ra sức tập luyện nhuần nhuyễn mới có thể hoàn thiện được cho chính bản thân mình, từ đó mới có thể sử dụng hữu hiệu, mới có thể đóng góp cho công cuộc phát triển môn phái trong tương lai.
Võ Sư Nguyễn Quý