VÕ SƯ NGUYỄN VĂN CHIẾU MỘT LÒNG VỚI VOVINAM




Vovinam - Việt võ đạo (VVN) do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 - 1960) sáng tạo tại Hà Nội năm 1938. Khoảng giữa thập niên 50, môn võ này mới được giới thiệu ở đất Sài Gòn. Sau khi ông Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng (sinh năm 1920 ở Hà Nội) nối nghiệp. Cùng với người phụ tá đắc lực là võ sư Trần Huy Phong (sinh năm 1938 tại Nam Định, qua đời năm 1997 tại TP. Hồ Chí Minh) và một số võ sư khác, võ sư chưởng môn Lê Sáng đã đào tạo nhiều học trò có tài năng đồng thời đưa VVN vươn lên một bước phát triển mới… Từ sau năm 1975, võ sư Nguyễn Văn Chiếu là người cầm chịch VVN tại Việt Nam…
Tôi và võ sư Nguyễn Văn Chiếu (sinh năm 1949) quen nhau khoảng năm 1967 khi các môn sinh trung đẳng VVN tại Sài Gòn thường được môn phái cử đi biểu diễn ở các nơi trong và ngoài thành phố mà những kỷ niệm sâu sắc nhất thường được chúng tôi nhắc lại sau này là lần đến Cần Thơ và Long Khánh. Cuối năm 1969, tôi rời thành phố đi dạy học còn anh được phân công ra Cam Ranh huấn luyện VVN. Một năm sau, chàng thanh niên mới vừa 21 tuổi này lại đến nơi xa hơn - TP. Quy Nhơn (Bình Định). Tuổi đời còn trẻ lại phải đảm đương nhiệm vụ xây dựng nền móng cho phong trào VVN trên “miền đất võ”; nhưng với năng lực, cần cù, siêng năng, cẩn thận, nói ít làm nhiều, anh anh đã thành công trong công việc khai phá môn võ này tại đây và từng bước mở rộng phong trào ra vài khu vực lân cận. Trong dịp đến Quy Nhơn vào năm 1990, các học trò của anh - võ sư Đinh Văn Hòa, Trương Quang Bính, Đỗ Thị Ngọc Long, Nguyễn Thị Lạc… đã chỉ cho tôi những địa điểm anh từng mở lớp và thường nhắc đến anh với tấm lòng đầy quý mến.
Các anh chị còn vui cười “bật mí” rằng:” Hồi đó, tụi em từng mai mối cho thầy một vài cô gái Bình Định để giữ chân thầy luôn nhưng tại thầy “kén” quá nên việc chẳng thành”. Còn võ sư Nguyễn Công Hóa (Lâm Đồng) kể lại:”Tuy thầy trò ngang tuổi nhau hoặc có khi lớn hơn thầy vài tuổi nhưng chúng em kính nể và quý thầy lắm vì thầy chăm lo dạy dỗ tụi em chu đáo lại rất nghiêm. Thầy cấm tụi
em không được hút thuốc, ăn mặc phải đàng hòang”. Chẳng những thế, anh còn gây được cảm tình và sự ủng hộ của các võ sư Bình Định cao niên. Sau này, người con trai thứ của anh mang tên Nguyễn Bình Định, phải chăng chính miền biển xa xôi xinh đẹp này đã lưu lại trong hồn anh những năm tháng xa nhà, gặp nhiều khó khăn nhưng đầy tình nhân ái…
Năm 1988, tôi trở lại TP. Hồ Chí Minh. Trong một dịp tình cờ, tôi và anh hội ngộ. Qua trò chuyện tôi mới biết anh đã rời Quy Nhơn về thành phố vào năm 1975, xin làm nhân viên Phòng TDTT của một quận vùng ven, rồi nỗ lực vận động mở lớp dạy VVN vào cuối năm 1976. Và từ cái nôi này phong trào đã tỏa ra khắp thành phố. Thú thật, sau 18 năm xa cách môn phái, bận rộn với “cơm, áo, gạo, tiền”, cộng với đôi chút e dè, tôi vẫn ngỡ là mình sẽ không còn có sinh hoạt trở lại. Nhưng rồi với sự động viên của anh, tôi đã xiêu lòng, và nhiều anh em khác cũng rơi vào trường hợp như tôi. Hơn 10 năm sát cánh bên anh để chung lo công việc của Hội VVĐ TP. Hồ Chí Minh, tôi càng thấy rõ hơn tấm lòng của anh đối với môn phái - nhiệt tình cống hiến bằng tất cả năng lực của mình. Gần 30 năm qua, xong công việc cơ quan, anh lại đến ngay với lớp tập, rồi đi chấm thi ở các tỉnh, tổ chức các giải VVĐ ở thành phố, toàn quốc và quốc tế….
Mỗi lần tổ chức giải là mỗi lần anh lôi tôi cùng đi xin kinh phí và tiền tài trợ bất kể lúc trời đang mưa gió hay nắng chang chang… Có lần tôi đến nhà anh để chuẩn bị cho một giải thi đấu và chứng kiến cảnh tượng: mâm cơm vừa dùng xong còn đặt nơi góc nhà, anh đang ngồi trước máy vi tính lên danh sách VĐV, vợ và 2 con đang viết thẻ, dán hình…. Vậy mà mấy năm qua, anh còn phải gánh chịu biết bao lần cái cảnh”trên đe dưới búa” bởi các nghi kỵ, hiểu lầm trong nội bộ. Trước nhiều thử thách dồn dập, bản thân anh đôi lúc cũng cảm thấy buồn chán nhưng rồi anh vẫn lao vào công việc bởi:” Bản thân mình chỉ cần không làm điều gì trái với lương tâm là đủ rồi, mọi việc sẽ từ từ sáng tỏ”. Nhân đây cũng xin phép anh được nhắc lại sự việc này. Sau chuyến đơn thân độc mã đi tập huấn VVĐ tại Tây Ban Nha, anh thố lộï:”Trong thời gian ở nước ngoài, có lúc tôi lo không biết có gặp lại vợ mình không vì cô ấy bị bịnh tim. Ơû nhà, có đêm tôi và gia đình phải cấp cứu, khi tôi đi lại rơi vào lúc cô ấy không được khoẻ, nhưng biết phải làm sao hơn khi môn phái đang cần…”. Sẽ thiếu sót nếu nói về anh mà không nhắc đến chị. Sáng sớm, phải phụ mẹ buôn bán, xong lại đến trường quay quần với các em học sinh, chiều về còn lo thêu đan để kiếm thêm thu nhập, tối đến chăm sóc 2 con học hành bởi vì mãi 9 giờ đêm anh mới về đến nhà sau khi lớp võ đã tan hàng. Giờ đây, 2 con của anh đều có nghề nghiệp ổn định.
Từ cuối thập niên 90 đến nay, anh thường được mời sang các nước châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha…) hằng năm để chấm thi, tập huấn. Nhiều môn sinh người nước ngoài đều bày tỏ lòng mến phục anh bởi sự giản dị, nhiệt tình và nhất là sự vững vàng về chuyên môn và kỹ thuật. Võ sư Patrick Levet (Pháp) từng thổ lộ: “Tôi đã tìm được một ông thầy có trái tim lớn”. Nhiều học trò của anh hiện đang tích cực phát triển VVĐ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đà Lạt, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Nội…và cả ở Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức…. Mỗi khi bạn bè hữu sự, anh thường quan tâm giúp đỡ. Có lần anh vừa mổ mắt xong và vẫn đang nằm viện; vậy mà nghe một võ sư trong Hội bị bệnh, anh đã nhờ học trò chở đến bệnh viện để thăm hỏi… Ngôi nhà riêng của anh thường là nơi trú ngụ của nhiều VĐV châu Âu khi đến TPHCM dự Hội diễn quốc tế nên được anh em gọi vui là “mái nhà chung châu Âu”.
Với nhiệm vụ một cán bộ lãnh đạo Trung tâm TDTT cấp quận, anh đã tích cực tham mưu cùng Quận ủy, Ủy ban để xây dựng cơ sở hạ tầng và góp phần lãnh đạo phong trào tại đây có một bước tiến đáng mừng. Những đóng góp đó của anh đã được đền bù bằng chiếc Huy chương vì sự nghiệp TDTT do Tổng cục TDTT trao tặng năm 1997. Để có thể tiếp tục phục vụ cho ngành TDTT và môn phái VVN có hiệu quả hơn, anh còn gắng sức học tập và đã tốt nghiệp Cử nhân TDTT loại khá cũng như đạt yêu cầu trong kì thi thăng Hồng đai tam cấp (7 đẳng) do võ sư chưởng môn Lê Sáng làm chánh chủ khảo nhân Lễ tưởng niệm lần thứ 38 cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc quá vãng và kỷ niệm 60 năm thành lập môn phái.
Tất nhiên, anh cũng có những thiếu sót nhất định của một con người bình thường nhưng bao trùm lên trên, đó là một con người dễ mến, khiêm tốn, chăm chỉ và âm thầm tận tâm tận lực phục vụ cho ngành TDTT nói chung và VVN nói riêng.

(Duy Phương theo vovinam.org.vn)