PHẦN BA : TRÌNH ĐỘ LAM ĐAI NHẤT CẤP THI THĂNG LAM ĐAI II CẤP


1.Hỏi: - Ý nghĩa các màu đai của Vovinam - Việt võ đạo?
Đáp: a) Xanh : Biểu thị màu hy vọng, với ý nghĩa người võ sinh bắt đầu luyện tập võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
b) Đen : Biểu thị màu nước, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã bắt đầu chuyển vào bản thể, tạo nền tảng cho căn cơ tu dưỡng của người môn sinh Việt võ đạo.
c) Vàng : Biểu thị màu đất (màu da), với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm vào da thịt trở thành bản thể vững chắc của người môn sinh Việt võ đạo.
d) Đỏ : Biểu thị màu lửa (màu máu), với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm vào máu, tỏa sáng hướng đi của người môn sinh Việt võ đạo.
e) Trắng : Biểu thị màu tinh khiết (màu xương tủy), chân tịnh, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm sâu vào xương tủy, đạt đến độ cao siêu vô hạn của người tượng trung cho tinh hoa môn phái.

2. Hỏi: - Hãy giải thích ý nghĩa phù hiệu và kỳ hiệu Việt võ đạo?
Đáp: - a) Về màu sắc : Phù hiệu và kỳ hiệu Việt võ đạo có 4 (bốn) màu :
- Xanh : Trỏ âm tố, tượng trưng cho biển cả và hy vọng,
- Đỏ : Trỏ dương tố, tượng trưng cho lửa sống, sự đấu tranh hào hùng và kiên quyết,
- Vàng : Màu vinh quang hiển hách,
- Trắng : Màu của thanh khiết chân tịnh, cao cả và thâm viễn tuyệt vời.
b) Về hình nét :
- Phù hiệu: Nền vàng, nửa trên vuông, nửa dưới hình tròn ghép lại tượng trưng cho ngưyên lý Cương Nhu phối triển của Việt võ đạo biểu thị cho sự toàn chân, toàn thiện.
- Chung cho cả kỳ hiệu : Vòng tròn nhỏ xanh đỏ ở trong biểu thị cho âm và dương, vạch s màu trắng ở giữa bao hàm ý nghĩa tương thôi, tương giao, tương sinh và thường dịch trong vũ trụ. Vòng tròn lớn bao quanh vòng tròn nhỏ màu trắng biểu tượng cho Đạo thể với sứ vụ phối hợp điều hòa, khắc chế, bao dung. Bản đồ màu vàng là hình thể bản đồ Việt Nam, biểu thị nguồn gốc xuất phát của môn phái Vovinam - Việt võ đạo.
c) Kích thước kỳ hiệu :
- Nền vàng, chiều ngang bằng 3/5 chiều dài.
- Vòng âm, dương, đạo bằng 1/3 chiều ngang.

3. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ nhất của Việt võ đạo sinh?
Đáp: - Điều tâm niệm thứ nhứt nói về hoài bảo và mục đích học võ của Việt võ đạo sinh, đó là đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.

4. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ hai?

Đáp: - Điều thứ hai nói về nghĩa vụ của Việt võ đạo sinh đối với môn phái và dân tộc, đó là trung kiên phát huy môn phái và xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích.

5. Hỏi: - Muốn phát huy môn phái, Việt võ đạo sinh phải làm gì?
Đáp: - Muốn phát huy môn phái, Việt võ đạo sinh cần phải:
a) Dày công khổ luyện để trở thành võ sư , huấn luyện viên trực tiếp truyền bá võ thuật và võ đạo cho quần chúng,
b) Thực tập tinh thần Việt võ đạo trong đời sống hàng ngày, nghĩa là :
- Trong gia đình: Là người cha từ, con hiếu, anh hiền, em thảo,
- Với bạn bè: Giữ tín nghĩa,
- Với xã hội : Là người công dân tốt.

6. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ ba?
Đáp: - Điều thứ ba nói về tình đoàn kết trong môn phái. Muốn có đoàn kết, Việt võ đạo sinh phải đồng tâm nhất trí, đối với người trên phải tôn kính, đối với đồng đạo phải thành thực thương mến nhau.

7. Hỏi: - Tại sao tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể?

Đáp: - Tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể vì nó là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự hùng mạnh hoặc tan rả của một đoàn thể.

8. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ tư ?
Đáp: Điều thứ tư nói về võ kỷ và danh dự võ sĩ, đó là tuyệt đối tôn trọng kỷ luật môn phái và luôn luôn nêu cao danh dự võ sĩ.

9. Hỏi: - Kỷ luật Việt võ đạo là kỷ luật gì?

Đáp: - Kỷ luật Việt võ đạo là kỹ luật tự giác, nghĩa là tự mình hiểu và tôn trọng kỷ luật, trông gương người mà thực hiện. Người trên muốn hướng dẫn người dưới điều gì thì người trên phải làm gương trước, tuy nhiên đã trông gương người trên, đã nhắc nhở rồi mà người dưới không tuân hành thì phải chịu hình thức kỷ luật hoặc đào thải.

10. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ năm?

Đáp: - Điều thứ năm nói về ý thức dụng võ của Việt võ đạo sinh là luôn tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.