VÕ THUẬT VIỆT NAM TRƯỚC THỀM XUÂN MỚI: -
CẦN LẮM NHỮNG CÚ HÍCH

HÀ HUY TƯỜNG

Suốt hơn một thập kỷ qua tại các đấu trường SEA Games, cao hơn một chút là ASIAD, các võ sĩ Việt Nam đều tự khẳng định nhận định của người hâm mộ trong và ngoài nước: Võ thuật luôn là “mỏ vàng: của Thể thao Việt Nam. Thế nhưng, vẫn còn thấy thiếu những cú hích quan trọng.

XÃ HỘI HÓA - KHÓ VÀ KHÔNG KHÓ

Xã hội hóa thể thao - đó là giải pháp tích cực để “bơm máu” cực tốt cho phong trào trên cả nước. Tuy vậy, biết thế nhưng để làm được đúng chất xã hội hóa của khái niệm này vẫn là bài toán chưa có lời giải với võ thuật Việt Nam. Đưa điều này bàn với những nhà hoạch định võ thuật có tâm huyết với sự phát triển của thể thao Việt Nam đều nhận được những nhận xét chung:
- Khó mà dễ, dễ mà khó.

Quả thực như thế, TTVN có thể tự hào với Taekwondo - môn võ thuật mà Liên đoàn của môn này có những bước đi rất chuẩn mực, qua đó giúp phong trào phát triển rộng khắp và có chất lượng rất cao, nhưng mới đây cũng phải trầy trật làm mới kiếm nổi 200.000 USD vào phút chót để được đăng cai Vòng đấu tuyển chọn VĐV Olympic Bắc Kinh 2008 khu vực châu Á tại NTĐ đa năng Phú Thọ.

Kế đến là Judo - môn võ thuật có sự phát triển tương đối tại nhiều trường trung học trên cả nước, đặc biệt là phía Nam nhưng cũng không thể để tìm ra khoản tiền 500.000 USD để có thể đăng cai giải Trẻ thế giới vào tháng 11-2008 tại TPHCM, và cuối cùng kế hoạch này phải bị hủy bỏ, nhất là sau khi cố Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam và Đông Nam Á Hoàng Việt Hùng - Chủ tịch LĐ Võ thuật TPHCM đột ngột qua đời ngay sát thềm SEA Games 24.

Còn tất cả các môn võ thuật còn lại, dấu ấn xã hội hóa đều khá mờ nhạt hoặc chưa thể thực hiện được công tác này.



Đáng chú ý nhất là việc Vovinam Việt Nam đã có cái bắt tay khá tốt với nhà đài (kênh VTC9 Let's Việt) trong việc tổ chức thường xuyên giải CLB mạnh toàn quốc tranh Cúp Let's Việt lần 1 (9-2008) và giải lần 2 (diễn ra vào 11 buổi chiều chủ nhật bắt đầu từ 30-11-2008), đặc biệt lần đầu tiên giải được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC9 Let's Việt đã gây được tiếng vang lớn. Theo Tổng Giám đốc kênh VTC9 Trần Minh Tiến, nhiều khả năng giải sẽ còn mở rộng hơn nữa trên phạm vi quốc tế để chung tay đưa Vovinam - môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam bay cao và xa hơn trên trường quốc tế.

Chính vì thế, đã đến lúc, không chỉ có thành tích tốt ở các đấu trường quốc tế là đủ, mà người hâm mộ còn cần lắm nhiều phong trào mạnh mẽ mà khởi nguồn từ hệ quả của công tác xã hội hóa để làm bệ phóng tốt hơn để võ thuật Việt Nam tấn công những sân chơi cao hơn.

LẤN SÂU HƠN ĐỂ MẠNH HƠN VÀ CAO HƠN

Thành tích của Võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế thời gian qua là điều không ai phủ nhận, nhưng chưa thể vui ngoài một Trần Hiếu Ngân từng mang vinh quang về cho Tổ quốc bằng tấm HCB ở Olympic Sydney 2000 thì chưa có võ sĩ nào khác tái lập kỳ tích ấy tại Athens 2004, sao thế ? Hỏi cũng là để tự trả lời:

- Võ thuật Việt Nam vẫn chưa tạo được một cú hích thực sự để đạt đến mục tiêu cao ấy trong khi thực lực là hoàn toàn có thể. Bằng cách nào, đó chính là sự đầu tư thấu đáo bằng chiến lược đầu tư dài hơn (dù tốn kém) và kế hoạch đào tạo chuyên biệt cho một vài cá nhân vượt trội. Thực tế, trong năm qua, Taekwondo - môn thể thao trọng điểm cho mục tiêu giành huy chương Olympic chưa được quan tâm đúng mức, tệ hơn là kế hoạch của BHL đề ra từ đầu năm không được đáp ứng trọn vẹn; hay như Judo cũng có chiến lược đưa “Nữ hoàng Judo Đông Nam Á” - võ sĩ được đánh giá vượt tầm khu vực là Văn Ngọc Tú đi tập huấn chuyên biệt một thời gian dài tại nước ngoài, nhưng cho đến nay, kế hoạch ấy vẫn còn bỏ ngỏ.


Nguyễn Hoàng Ngân

Tuy vậy, tin vui đầu Xuân mới báo về khi một “Nữ hoàng Đông Nam Á” khác ở môn Karatedo nội dung Kata Nguyễn Hoàng Ngân (ĐKVĐ thế giới 2008, vô địch liên tiếp 3 kỳ SEA Games 22, 23 và 24) sẽ được đưa đi tập huấn chuyên biệt tại Nhật Bản - quốc gia sản sinh môn võ thuật này. Hay như các võ sĩ Vovinam - được cọ xát ở giải Let's Việt quá chất lượng cùng hàng loạt giải quốc tế (VĐTG, VĐ châu Á) và trong nước (VĐQG, trẻ QG, giải các khu vực, giải Quân đội mở rộng lần 2.) sẽ tạo một lực lượng hùng mạnh để lần đầu tiên góp mặt cùng các môn võ thuật đỉnh cao giành huy chương về cho TTVN tại ASIAN Indoor Games 2009 (và cả SEA Games 25 tại Lào khi môn võ này nhiều khả năng được đưa vào chương trình thi đấu chính thức - PV).

Với Taekwondo, sau khi giành tấm HCV đầu tiên ở giải quyền thế giới, nội dung quyền sẽ góp mặt cùng các võ sĩ nội dung đối kháng để sẵn sàng làm nhiệm vụ giành huy chương cho Taekwondo Việt Nam nếu SEA Games 25 có thêm nội dung quyền. Quyền Anh nữ đang có quá trình phát triển rất tốt, sự đầu tư thích đáng trong năm mới sẽ là cú hích thực sự để hướng tới tấm HCV ở SEA Games 25 - tấm HCV đầu tiên trong lịch sử quyền Anh Việt Nam trên đấu trường SEA Games. Và thậm chí, những chuyển động mạnh mẽ của đội tuyển Muay Thái (TPHCM đã có lực lượng và đã giành được huy chương ở giải quốc tế King's Cup Thái Lan 2007) và Kick - Boxing cũng báo hiệu có thành tích tại đấu trường quan trọng của TTVN trong năm 2009: ASIAN Indoor Games lần 3-2009 vào tháng 11 tới.