Lòng Biết Ơn

Nhớ lại thời ấu thơ khi Mẹ tôi cho tôi một món quà, tôi mừng quá, cầm và chạy vội đi mất. Mẹ tôi liền gọi lại và nói tôi:
- “Con biết con cần phải làm gì khi con nhận được quà không?”

Tôi sững người lại nhưng hiểu ý Mẹ, tôi liền nói:
- “Con cám ơn Mẹ.”

Từ đó tôi học được lòng biết ơn quan trọng như thế nào trong cuộc sống, và tình yêu của người ban tặng lớn lao hơn món quà vật chất bao nhiêu lần. Nếu lòng biết ơn quan trọng như vậy, thì sự vô ơn có hậu quả như thế nào?

Trong đời sống con người có một số điều giết chết lòng biết ơn:

- Điều thứ nhất là sự tự cao. Ai nghĩ rằng, tôi chỉ trở thành người thực sự, khi tôi tự làm mọi chuyện và vì thế tôi không cần phải cám ơn ai, thì cuộc đời người đó sẽ không có hai từ biết ơn.

- Điều thứ hai là “sự dĩ nhiên.” Trong cuộc đời này mọi sự đều là dĩ nhiên: Dĩ nhiên là tôi phải được hưởng phúc lợi xã hội. Đương nhiên tôi được người khác chú ý. Đương nhiên là người kia sẽ tặng tôi một cành bông hồng. Nếu mọi chuyện đều dĩ nhiên như vậy, thì lòng biết ơn sẽ bịt giết chết, và rồi tình yêu cũng tiêu đời nhà ma.

- Điều thứ ba là sự tình cờ. Nếu mọi sự đều là tình cờ thì đâu cần biết ơn. Vậy thử hỏi xem tôi sinh ra là do sự tình cờ hay do tình yêu của cha mẹ, vì thế tôi chính là hoa quả của tình yêu hay của tình cờ? Rồi ánh sáng sưởi ấm cuộc sống tôi cũng là tình cờ hay sao?

- Điều thứ bốn phá hủy lòng biết ơn là “một đòi hỏi sai lầm”: Tôi có quyền được sở hữu tất cả và có quyền nhận được mọi sự một cách nhưng không.

Ngoài ra, nếu quan sát kỹ, sẽ nhận ra con người vô ơn là một con người sống trong một hoang đảo, một người cô đơn, một người tự xây bức tường thành cao và kiên cố trước bất cứ tương quan nào. Ngoài ra, họ cũng lạ lẫm với chính mình nữa, vì họ đã từ chối người khác. Còn người biết ơn là người mở rộng vòng tay. Một người luôn coi trọng người khác và quý những tương quan. Thực sự lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người, qua nhịp cầu đó tôi đến với anh, chị đến với em. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng chia sẻ.

“Cám ơn” hai tiếng nói rất đơn sơ nhưng chứa đựng một sứ điệp rất cao quý. Sứ điệp của tình người với người, sứ điệp của lòng khiêm nhường và của sự tôn trọng.

Chẳng phải là vô lý và vô nghĩa khi từ nhỏ cha mẹ đã dạy con mình hai tiếng cám ơn. Chúng ta thử mường tượng xem một đứa bé lớn lên trong một môi trường không có hai tiếng cám ơn, nơi đó lòng người không rung động trước những hành động cao cả, thì thử hỏi xem em bé đó sẽ trở thành một con người như thế nào? Hai tiếng cám ơn gắn liền với đời sống ấu thơ, nhưng hai từ này cũng gắn bó với người trưởng thành. Người ta có thể đánh giá một con người qua hình ảnh là người đó có biết cám ơn và có tỏ lộ lòng biết ơn hay không. Vì thế thật là đau đớn khi bị mắng là kẻ vô ơn, là “đồ ăn cháo đá bát”.

Lòng biết ơn giúp cho tương quan được sâu sa hơn, giúp cho tình yêu được triển nở hơn, giúp cho thế giới được đỡ thê lương hơn và giúp cho mỗi người nhận ra được chính mình nhiều hơn, để yêu đời hơn, yêu người hơn ...


(Trích bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Thế - Báo Đồng Hành)