Lịch sử Đình Tân Lân - Biên Hoà

Đình Tân Lân, thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà. Đình toạ lạc giữa vùng dân cư trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng ra dòng sông Đồng Nai lộng gió, cách Dinh Tỉnh Trưởng 500m về hướng Tây Bắc. Từ khi xây dựng, đã lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm Mới) để đặt cho đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên đình vẫn tồn tại cùng tháng năm.

Đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII – XIX. Đình thờ Trần Thượng Xuyên, người Trung Hoa (Phản Thanh phục Minh cùng đến VN vào triểu Nguyễn cùng với Dương Ngạn Địch), có công lao trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại đối với đất Đồng Nai. Ông đã được vua Nguyễn phong làm thượng đẳng thần.

Về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược của chúa Nguyễn. Ông đã nhiều lần cầm binh đánh dẹp Cao Miên, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt. Ông Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch khoảng năm Canh Tý (1720) an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)

Ghi nhớ công đức của Trần Thượng Xuyên, chúa Nguyễn đã ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong ông làm “Thượng đẳng thần”. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai - Gia Định, nhân dân hai nơi này đều lập đền thờ ông, khói hương không dứt.