“Con chưa một lần thấy mặt cha, chưa một lần thấy mẹ…”


Cúc đã 16 tuổi, quá lớn so với những người bạn học cùng lớp 6, nhưng cô học trò này luôn tự tin với ước mơ làm cô giáo.
(Dân trí) - Cứ thế, giọng văn mượt mà đầy cảm động của Hồ Thị Cúc, ở Hội người mù tỉnh Quảng Trị trong lá thư cảm ơn những người đổi thay cuộc đời em, đã thuyết phục được giám khảo cuộc thi viết chữ Braille - khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phần thưởng xứng đáng đã dành cho cô gái biết vượt lên hoàn cảnh, vượt lên mất mát khi ẵm giải nhì - một trong số những giải thưởng lớn của cuộc thi viết chữ Braille - khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới đây.

“Tôi mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn trái tim”

Đó là lời tâm sự chân thành của em trong bài viết dự thi của mình. Cô gái nhỏ bé ấy đã phải sớm gánh trên vai mình nhiều bất hạnh khi còn rất nhỏ. Khi vừa mới sinh ra, chắc hẳn như bao người làm cha làm mẹ khác, bố mẹ Cúc rất vui mừng chào đón đứa con đầu lòng.

Chỉ đến khi Cúc chập chững biết đi, mọi người mới hay rằng em không có một đôi mắt bình thường. Em bị mù bẩm sinh. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua. Cúc chưa kịp lớn thì lại phải đón nhận một nỗi đau thứ hai lớn hơn: cha mẹ em vì bạo bệnh mà qua đời. Cúc chỉ biết rằng lúc đó Cúc rất nhỏ, quá nhỏ để biết và để nhớ những điều đang xảy ra với chị em Cúc. Cho đến năm 2007, khi làm thủ tục để đi khám mắt, Cúc mới biết người mà lâu nay Cúc gọi là cha là mẹ chỉ là cha mẹ nuôi.

Với tấm lòng nhân ái của người Pacô, một cặp vợ chồng trẻ đã đón chị em Cúc về nuôi dưỡng. Năm lên 6, Cúc đã biết tủi thân khi nghe câu trả lời thật bụng của người Pacô: “Hai đứa mày (chị em Cúc) bị mù mà cũng đòi đi học”. Từ đó, Cúc biết rằng Cúc không bình thường như mọi người. Vì thế giới của Cúc chỉ là một màu tối, Cúc biết về thế giới với những sờ, nắm, chạm, nghe, ngửi... Và cũng từ đó, một khát khao mãnh liệt trỗi dậy trong em: “Được đi học như các bạn”.

Cuộc đời em sang trang mới khi em may mắn được đón về học tập và sinh hoạt tại mái nhà chung: Hội người mù tỉnh Quảng Trị vào năm 2003.


Cúc bên người cha nuôi Hồ Văn Khưm và em trai Hồ Văn Kim

Một thế giới mới và niềm tin làm cô giáo

Cái xa lạ và bỡ ngỡ ban đầu đã dần dần biến mất vì tình thương, sự san sẻ, đùm bọc của những người đồng cảnh, đồng tật. Cúc nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới. Cúc được học tiếng Việt, hiểu được tất cả mọi người và nhanh chóng hoà đồng với cuộc sống mới. Cúc đã biết được những tiếng bíp inh ỏi mỗi sáng, những tiếng ầm ầm là của xe cộ ở bên kia hàng rào Hội người mù.

Và rồi cái điều ao ước đã đến, Cúc được đi học lớp 1 tiền hoà nhập do các cô ở Hội người mù tỉnh Quảng Trị dạy. Cúc làm quen với chữ Braille, với con cắm, cái dùi… Những chấm nhỏ li ti, thú vị và bất ngờ. Và điều ngạc nhiên hơn nữa, đó là cô giáo của Cúc đề nghị được sờ mặt Cúc để biết Cúc to hay nhỏ, lớn hay bé. “A, là sao? Cô cũng bị (mù) như mình ư?”, Cúc thốt lên, “Mù cũng làm được cô giáo?”. “Chứ sao!”, cô Thuý Nga, dạy Cúc những nốt chữ Braille đầu tiên giải đáp thắc mắc của cô học trò nhỏ.

Cô giáo đó đã trở thành cô tiên trong trái tim Cúc. Sau ngày đó, Cúc bước sang một tâm trạng mới, vì Cúc biết rằng Cúc vẫn có ích, Cúc ấp ủ một ước mơ làm cô giáo dạy chữ Braille cho những người đồng tật.

Cúc lên lớp 4, được hoà nhập, đi học cùng các bạn sáng mắt khác. Cúc không giấu tự hào “Khi người sáng nhìn vào những chấm nhỏ li ti ấy, là một cái gì đó rất xa lạ. Thì đối với cuộc đời tôi, đó là phép màu nhiệm, là thứ ánh sáng quý giá nhất”. Giải nhì cuộc thi viết chữ Braille nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Louis Braille đã mang lại cho Cúc niềm tin hơn nữa vào ước mơ giản dị của mình.

Cúc đã 16 tuổi và đang học lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Huệ. Quá lớn so với những người bạn của mình, nhưng không sao, Cúc cho biết: “Em nhất định sẽ hoàn thành ước mơ làm cô giáo của mình”.

Bảo Nguyên