+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 3 trên 3
  1. #1
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default Những bài văn của Tống Minh Đường

    Thư Gởi Người Tân Huấn Luyện Viên

    Bạn thân mến,

    Đọc báo thấy tin bạn vừa trúng tuyển kỳ thi lên cấp Vovinam, lòng tôi rộn lên một niềm vui.

    Tôi vui cho bạn đã đạt được một thành tựu cụ thể sau bao nhiêu năm luyện tập, học hỏi gian khổ; vui cho Vovinam Việt Võ Đạo có thêm môn đồ xứng đáng vào hàng huấn luyện viên. Xin chúc mừng bạn. Mầu đai mới là một chứng minh cho những cố gắng đáng ngợi khen của bạn trong thời gian qua, mà nó cũng là nhắc nhở cho bạn về tinh thần cầu tiến, cố gắng học hỏi, luyện tập trong thời gian sắp đến đấy.

    Võ học, cũng như khoa học, cũng như nghệ thuật, bao la không cùng. Chính vì vậy nên chúng ta chỉ dám “nguyện đạt tới CAO ĐỘ của nghệ thuật”, chớ không dám mơ ước là sẽ lên đến mức độ cao nhất của nghề võ. Là người luyện võ, không bao giờ chúng ta dám tự hào rằng mình là người giỏi võ; chữ “giỏi” trong võ học Việt Nam là một chữ khó, bạn ạ!

    Tôi nghĩ một người “giỏi võ” là một người hiếu học... võ, một người “trí thức”, thấy được mình cần phải luyện tập, học hỏi không ngừng để tiến bộ, thế thôi.

    Tôi mong bạn sẽ tiếp tục luyện tập, học hỏi không ngừng, bạn nhé!

    Vovinam có bốn mầu đai: xanh, vàng, đỏ, trắng. Trong mầu đai xanh dương, chúng ta hy vọng. Một niềm hy vọng bao la như biển cả, như trời xanh. Mầu vàng là mầu Vương Đạo Á Đông, mầu của vinh quang hiển hách. Mầu đỏ là lửa sống hào hùng, cao thượng, quãng đại.
    Hoàng Đai hay Chuẩn Hồng Đai, bạn đều là những người chính trực hiên ngang, mang hào khí tiền nhân đi xây nghiệp lớn. Nhưng đời mênh mông, biết việc nào là nhỏ, việc nào là lớn!?

    Một sự nghiệp vĩ đại luôn luôn có những bắt đầu nhỏ nhoi. Nghiệp lớn của chúng ta, những người huấn luyện viên Vovinam Việt Võ Đạo, luôn luôn bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhoi, bình thường trong đời sống.

    Một cái cúi đầu chào người lớn tuổi, một câu thưa mẹ cha lúc đi khi về, một phong thái khiêm cung độ lượng, một tâm hồn bao dung từ ái, một tinh thần dấn thân phụng sự bất vụ lợi,... tất cả đều là những nét vĩ đại trong nền văn hóa Việt. Bạn dạy Việt Võ Đạo, tức là tiếp tay phổ truyền những nét vĩ đại trong văn hóa Việt đó.

    Nhưng dạy làm sao? Không lẻ bên cạnh giờ tập võ mệt nhoài, còn cứ đứng ra rả mà dặn môn đồ ra đường chào người lớn tuổi, về nhà nhớ thưa mẹ cha? Rồi làm sao mà nói về bao dung, độ lượng, rồi làm sao mà phụng sự....? Nói nhiều lý thuyết quá làm sao các môn đồ trẻ nhớ cho hết?

    Một ngày, trong lúc cùng một nhóm Thanh Niên Việt Võ Đạo đi dạo phố Chicago , tôi dừng lại, nhặt mấy mảnh vỏ chai vở người ta vất trên đường, rồi bảo cả đoàn nhìn quanh, tiếp tay nhặt những mảnh chai vở còn lại cho vào sọt rác. Chúng tôi đã làm công tác vệ sinh hè phố một cách tự nhiên, không bị ai bắt buộc, không cần ai khen tặng. Khi về võ đường, anh trưởng lớp võ tại Chicago đã hỏi “Tại sao mình phải làm như vậy?” Tôi quây nhóm anh chị em lại thành một vòng tròn, nói rằng “mình đã thấy mảnh chai vở, mình đã tránh nên không sao. Nhưng nếu có người không thấy đạp nhằm thì họ sẽ bị đau đớn. Mình nghĩ đến sự đau đớn của người ta, tội nghiệp cho người ta, nên quét dọn nơi đó, vậy thôi.”

    Vậy thôi, gọn gàng, đơn giản. Mượn một cơ hội nhỏ nhoi tôi đã nói cho môn sinh trong nhóm về điểm thiết yếu trong tinh thần dấn thân phụng sự của Việt Võ Đạo: sống cho người.

    Anh bạn trưởng lớp võ Chicago ngày đó là một người thông minh, hiếu học; nghe tôi nói về đạo sống của người học Vovinam, anh hay ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi xa xôi. Trong những năm sau đó, anh em xông xáo đi các nơi biểu diễn, truyền bá võ thuật và võ đạo, anh vẫn đi cùng chúng tôi. Bây giờ, tiếc thay, trong số bạn đồng môn nhận thư chúc mừng tân khoa nầy, không có anh.

    Đọc danh sách tân khoa, thấy thiếu tên anh, tôi cũng hơi buồn. Trên con đường dài thật dài đi về tương lai, bạn và tôi vẫn đi; người bạn Chicago ngày đó đã nằm lại trong một nấm mồ bình yên; trong cõi ngàn trùng mong anh linh người bạn đó được bình yên!

    Những bài học Việt Võ Đạo đều có tính cách lý tưởng, cao xa tuyệt vời; nhưng nhìn lại chung quanh, bạn sẽ thấy rất nhiều cơ hội gần gũi, thực tế để giảng về các lý tưởng nầy. Bạn phải dùng các thí dụ bình thường nhỏ nhoi để giảng về các lý tưởng nầy, song song với những giờ tập võ.

    Lý thuyết lồng lộng như mây như nắng, nhưng giảng làm sao, thí dụ như thế nào để đưa được vào lòng người,... tất cả đều tùy thuộc vào tâm và trí của bạn đó. Lưu ý tìm hiểu cách dạy, bạn nhé.

    Đừng bỏ lơi việc dạy lý thuyết. Bạn dạy võ, tức là đã đặt vào tay người một khí cụ lợi hại; bạn phải giảng võ đạo, tức là phải hướng dẫn cho người biết cách xử dụng khí cụ nầy để làm thăng hoa đời sống họ. Vovinam là võ, Việt Võ Đạo là tư tưởng. Võ thuật và tư tưởng phải đi đôi với nhau; cũng như tài và đức, phải có nhau.

    Trước đây, có bạn hỏi tôi về “bí quyết viết văn”. Tôi đã nói với bạn lời nhà văn Mai Thảo dạy tôi: “Hãy viết bằng trái tim của mình”. Bây giờ nghe tin bạn được thăng cấp, có điều kiện và khả năng rộng lớn hơn để tiếp tay phổ truyền Việt Võ Đạo, tôi thân mến gởi đến bạn “bí quyết” dạy võ và giảng võ đạo: “Hãy dạy bằng trái tim của mình”. Bạn viết văn, cũng như dạy võ, phải viết, và dạy thật với lòng mình.

    Văn phải trong sáng, giản dị mới đi được vào lòng người. Võ đạo cũng vậy, lời bạn nói phải bình dị, thực tiễn, mới đi được vào lòng người. Và khi dạy, phải dạy qua chính cuộc đời mình; bạn khuyên người môn sinh làm điều gì, thì bạn phải từng làm qua điều tốt đẹp đó trước.

    Như Sáng Tổ Nguyễn Lộc và Chưởng Môn Lê Sáng, người võ sư, huấn luyện viên Vovinam chân chính sống thật lòng và làm hết sức mình. Chúng ta đi vào đời với tinh thần CÂY TRE: thân thẳng, nhưng lòng trống không, không vị danh lợi.

    Như những người huấn luyện viên Việt Võ Đạo khác, tôi hân hoan chào đón bạn vào hàng ngũ mình. Như một người bạn cũ, tôi cũng xin gởi đến bạn một lời khuyên nho nhỏ: đừng vì đi sinh hoạt Việt Võ Đạo mà xao lãng sinh hoạt kinh tế gia đình. Tôi mong thấy bạn thành công, trong sứ vụ Việt Võ Đạo, cũng như trong đời sống riêng.

    Chúc bạn và gia đình vui, khỏe mãi. Hẹn bạn thư sau.

    Trân trọng
    TM Đường
    Bản tin Vovinam - vvnnews chuyên cung cấp tin tức mới nhất khắp nơi trên thế giới

  2. The Following User Says Thank You to vvnnews For This Useful Post:

    phi (06-09-2012)

  3. #2
    Tham gia ngày
    Jun 2007
    Đến từ
    Đà Lạt
    Tuổi
    36
    Bài gởi
    236
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Ðề: Thư Gởi Người Tân Huấn Luyện Viên

    Chân thành cám ơn VVnews về một bài viết rất hay và đầy ý nghĩa!!!
    T ự hào là môn sinh của Vovinam Việt Võ Đạo_ ^ ^ With VOVINAM, we are a family

  4. #3
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default Ðề: Thư Gởi Người Tân Huấn Luyện Viên

    Nhật Ký Của Một Huấn Luyện Viên Vovinam



    Trang 1: Trong Lớp Văn Minh Đông Phương.

    Người đàn ông tóc bạc da mồi rung rung bước lên bục giảng... Nắng chiều heo hắt ngoài song... nắng chiếu trên
    hàm râu quai nón quá khổ... Ông đứng, như chơi vơi như mời gọi, hai lòng bàn tay đưa ra, nâng lên, như dâng hiến hết cho đời những gì đang có, hai lòng bàn tay trống không... mà tưng tiu, mà âu yếm như đang ôm ấp ngàn muôn châu ngọc của thế gian!


    Bây giờ là một chiều cuối năm... ngoài sân xạc xào lá đổ. Bây giờ nắng đã tàn phai, đầu non ngọn núi đã vào mây. Ông già đứng như con sư tử giữa mùa đông. Đôi hố mắt sâu còn phảng phất ánh sáng của một thời... vàng son rực rỡ. Ông hát... Lời hát ngọt như lời cha dặn dò... Cả đại giảng đường của viện đại học chợt im bặt. Rừng xôn xao ngàn chim muôn bướm, từng gốc cây, từng ngọn cỏ lặng im nghe tiếng gầm gừ... Con sư tử giữa mùa đông!


    Ông già hát... không đàn, không trống, cả cái bục giảng quen thuộc cũng trở thành trống không. Bài hát khởi đầu bằng tiếng Việt Nam, người bạn Mỹ mở to đôi mắt nghe... như nghe những câu thần chú lạ:


    “Châu báu chất đầy thế giới, tôi đem tặng bạn sáng nay...

    Hỡi người giầu sang bậc nhất, tha phương cầu thực là đây...”


    Ông già hát, lời hát chuyển sang Anh ngữ... Những người Mỹ chấp tay, cúi đầu đón nhận. Lời dâng tặng như một cành hoa đưa ra, người đón nhận mỉm môi cười... nụ cười của Ma-Ha-Ca-Diếp (Mahakôsyapa) trong nắng tàn phai... Một đóa hoa đưa ra, một nụ cười đón hiểu, từ không thành có, từ đó mà khởi sinh... Lời hát như tiếng cồng khua khai mở tư duy... Lời như lời thái tử Tất Đạt Ta: dâng hết cho thế nhân những vàng son nhung lụa, dâng hết cho đời, dâng hết cho người, không còn lại gì cho mình, trời cũng không, mà đất cũng là không...


    Ông già hát, rồi ông già rời bục giảng đi ra, lời hát vẫn còn đọng lại trong ánh nắng chiều lung linh, lời hát sẽ còn đọng lại trong tâm hồn nhiều sinh viên... Ông già đã đi xa, những người sinh viên còn ngồi lại... bàng hoàng như một trí tuệ vừa được khai hóa.


    …..


    Người giáo sư bước vào. Người giảng về Văn Minh Đông Phương hôm nay là một triết gia người Việt. Một thiền sư chưa bao giờ nằm yên trong những trói buộc nghiệt ngã của thiền đường. Một nhà văn Việt Nam không có bằng cấp, đến dạy những người đang làm luận án Tiến Sĩ. Ông nói về những con sư tử giữa mùa đông... Về loài thú lớn đang lần lần tuyệt chủng... Về những chao đảo của tư tưởng trong nền văn minh cơ khí.


    Giữa cuộc nói về tư tưởng của người phương đông, ông chợt ngưng bặt, rồi cầm quyển sách hướng dẫn khóa học lên, lật qua lật lại vài trang, rồi lẩm bẩm vài câu tiếng Latin, rồi lầu bầu đôi dòng văn Hy Lạp, rồi... tiện tay, ông ném quyển sách ra ngoài sân. Sách, như ngàn lá mùa thu, đã nằm yên bên bờ cỏ lạnh.


    Khi nói về văn minh đông phương, các học giả tây phương chỉ chú trọng đến Ấn Độ, Trung Hoa, và Nhật Bản. Quyển sách ông vừa vất ra ngoài kia cũng thế, chỉ nói về các kiến trúc, và văn tự của ba nước nầy. Theo ông, Ấn Độ, Trung Hoa, và Nhật Bản chỉ là một con quái vật ba đầu, chạy tung tóe trong khu rừng đầy kỳ hoa dị thảo của người đông phương. Để hiểu người phương đông, phải có một cái nhìn tổng hợp. Để vào căn nhà đông phương, người phải cúi đầu, chấp tay, im lặng lắng nghe... Người hòa với thiên nhiên, tâm hòa với vạn vật, trí tuệ như cành hoa buổi sáng: nhẹ nhàng, thảnh thơi... Và phương đông không chỉ có Ấn Độ, Trung Hoa,... mà còn có ngàn vạn nền văn minh, như ngàn vạn đóa kỳ hoa trong cánh rừng thiêng tươi đẹp.


    Các biện chứng pháp của tây phương là những chiếc chìa khóa thô bạo, sẽ không mở được cửa vào khu rừng đông phương. Người tây phương với óc phân tích cố hữu sẽ không tìm được cửa vào, bởi vì ở đông phương: rừng không có cửa.


    Ông thầy chợt trầm giọng nói về Việt Nam. Nơi ông sinh ra và lớn lên có một nền văn minh kỳ bí. Trên miền đất đầy gấm hoa, trong tâm hồn người dân hiền hòa mộc mạc bên ấy: ba ông Phật, Khổng, và Lão đã “kết hôn” với nhau, đã sống chung với nhau một cách hòa thuận gần hai ngàn năm. Tinh thần “Tam Giáo Đồng Nguyên” là một tinh thần rất Việt Nam: sự hòa hợp nhịp nhàng trong ba nguồn tư tưởng lớn của nhân loại đã mang đến cho dân Việt đức tính từ bi, vị tha, thủy chung, trọng tình người hơn vật chất. Sau tam giáo, Hồi Giáo đến, Thiên Chúa Giáo đến, hòa hợp nhẹ nhàng vào đời sống Việt. Đầu thế kỷ 20 Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo Hòa Hảo ở miền Tây, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc triển đạo Cao Đài ở miền Đông... Những tôn giáo lớn được khởi sinh, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt.


    Trên đất Việt các tôn giáo không hề chém giết nhau. Chưa có một đất nước nào, con người nào có thể thực hiện được tinh thần hòa hợp tôn giáo nầy, như dân tộc Việt.


    Nhưng người Việt không chỉ có nền văn minh thuần tính hòa đồng tôn giáo, hiền hòa như các tôn giáo. Văn minh Việt còn là kết tụ của mấy ngàn năm chiến đấu để sống còn. Từ đời cha Lạc Long Quân đã phải bủa lưới trên sông, đánh nhau với thủy quái, đến đời con, rồi đời cháu,... bốn ngàn năm văn hiến là bốn ngàn năm đấu tranh!


    Người Việt còn có võ học, và tinh thần Việt Võ Đạo. Võ học và tinh thần nầy khởi nguồn từ ngọn lao cha Lạc Long Quân tung ra giết thủy quái bảo vệ dân; hình thành qua lệnh Hưng Đạo Đại Vương truyền xây Giảng Võ Đường (năm 1253), và... cho đến những năm giữa thế kỷ 20, võ thuật và ý thức hệ Việt Võ Đạo được cô đọng lại thành một hệ tư tưởng, một phong trào giáo dục đại chúng: Vovinam.


    Ông thầy nói, và vẫn nói... Chỉ tay về phương đông, ông nói về những bậc đại sư của Việt Nam... Những con sư tử giữa mùa đông... Rừng đã cháy, nước nguồn đã khô, mạch sống đã nhiều đảo điên mà họ vẫn ở lại, gầm gừ trong lòng suối hoang, trung thành bám theo bờ đất cũ. Trong một khoảng khắc, ông chợt dừng lại, im lặng. Rồi trầm giọng hối tiếc... Một trong những niềm hối tiếc lớn của đời ông là việc ông chưa bao giờ học Vovinam, và việc ông chưa bao giờ gặp đại sư LÊ SÁNG, Chưởng Môn Vovinam.


    Nắng đã khuất, ngoài sân đèn đã lên. Trong cái đìu hiu lạ lùng của một chiều cuối năm trên sân trường, tôi, một huấn luyện viên Vovinam, nghe một người lạ nói về tư tưởng Vovinam.


    Từ một nền văn minh cơ khí nhìn về đông phương... Nơi mặt trời lên vẫn hàm chứa nhiều hố thẳm tư tưởng!


    Bấy giờ là một chiều cuối năm 1989. Bài giảng của nhà văn Việt Nam kia rồi cũng chen chúc hỗn độn trong xấp bài giảng về các nền văn minh khác. Rồi tôi ra trường, ra đời. Trong đời sống Mỹ cuồng loạn, tôi đã quên hẳn ông.


    Mười hai năm sau, năm 2001, khi thầy Lê Sáng đến California, tạm trú trong cùng thành phố với ông nhà văn kia. Tôi sực nhớ nỗi hối tiếc của ông, lòng ước mơ muốn gặp “đại sư” Lê Sáng của ông. Định bụng đến chở ông đi thăm thầy Lê Sáng, tôi đến nơi ông ở tìm... vẫn khoảng sân đìu hiu, vẫn bụi chuối èo uột ông trồng từ năm nào, nhưng người mở cửa là một ông già khác. Người chủ mới của căn phòng trọ cho hay ông đã mất từ mấy năm qua.


    Tôi thở dài, buồn như vừa nghe tin… thêm một loài thú lớn đã bị tuyệt chủng!


    Khi nói cho chúng tôi nghe về văn minh Việt Nam, khi tung mạnh cánh tay chỉ về phương đông, bây giờ tôi hiểu: ông nhà văn cũng là một trong những con sư tử, giữa mùa đông của cuộc đời, khắc khoải nhìn về khu rừng cũ…



    Tống Minh Đường

    Tháng 12 năm 2005.
    Bản tin Vovinam - vvnnews chuyên cung cấp tin tức mới nhất khắp nơi trên thế giới

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 2 users browsing this thread. (0 members and 2 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts