+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 3 trên 3
  1. #1
    Tham gia ngày
    Feb 2008
    Đến từ
    Kiên Giang
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    4,164
    Thanks
    4
    Thanked 36 Times in 29 Posts

    Default Khái Niệm âm Dương Với Võ Cổ Truyền

    KHÁI NIỆM ÂM DƯƠNG
    VỚI VÕ CỔ TRUYỀN

    Võ sư Trương Văn Bảo

    Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam

    Võ cổ truyền là văn hóa truyền thống gắn liền với triết học, nên có câu: "đằng sau võ học là triết học". Các bộ môn võ học Phương Đông đều dựa trên nền tảng của nguyên lý triết học: Âm Dương - Ngũ Hành.
    Âm Dương theo khái niệm cổ sơ không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết. Âm Dương là hai mặt quan hệ đối lập nhưng hỗ trợ nhau, võ thuật lấy bản thân người tấn công và người phòng thủ làm hai mặt này. Để đạt đến mục đích công phá cao nhất thì phải đẩy một mặt đặc tính lên cao nhằm lấn át mặt còn lại.
    Các học giả cổ đại cho rằng: "Loài người với vũ trụ vạn vật đều do Âm Dương tác động lẫn nhau mà thành”. Sách Chu Dịch - Hệ từ thượng chép: “Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Lưỡng nghi tức là Âm Dương. Âm Dương đại biểu cho hai loại thế lực vật chất có hàm ý đối lập nhau. Bản chất của Âm Dương chính là sản phẩm của thực tiễn xã hội. Chữ “sinh” ở đây có nghĩa là “biến” (sinh giả biến dã) chứ không có nghĩa là từ cái “không” sinh ra cái “có”.
    Dịch là lịch trình đại biến hóa của vũ trụ, vạn vật. Có thể nói rằng khởi điểm của lịch trình biến hóa là Thái cực. Thái cực ấy là một thứ “khí tiên thiên”, một thứ “linh căn” bất diệt, vô cùng huyền diệu, trong đó tiềm phục hai nguyên lý Âm Dương. Nói “Thái cực sinh Lưỡng nghi”, kỳ thực chữ “sinh” có nghĩa là “ứng hiện”, vì hai nguyên lý mâu thuẫn ấy trước khi hình thành đã tiềm ẩn trong Thái cực. Cái khí của Thái cực cũng được gọi là Hỗn Nguyên Khí hoặc gọi tắt là Nguyên Khí.
    Các nhà hiền triết cổ đại trong khi quan sát thực tiễn của vũ trụ, cả đến cuộc sống xã hội loài người, thể nghiệm thấy vạn vật, vạn sự toàn là "chẳng bằng không dốc, không đi chẳng lại", "có không sinh nhau, khó dễ thành nhau" đều là sự vận động biến hóa trong trạng thái tương đối cả mà sáng tạo ra triết lý “Nhất Âm, nhất Dương chi vi Đạo” (một Âm một Dương vị chi Đạo), rồi dùng Âm Dương để khái quát tất cả mọi sự vật, lấy đó làm quy luật căn bản của giới tự nhiên.Việc xây dựng nên lý luận này là thảnh quả tư duy thiên tài của các triết nhân cổ đại Phương Đông. Trên cơ sở đó, lý luận Võ cổ truyền truyền thống đã dung hợp với triết học cổ điển.
    Người xưa nói: "Mở đóng hư thực tức là quyền kinh", "một mở một đóng quyền kinh hết vậy", "một mở một đóng, có biến có thường, hư thực kiêm tới chợt ẩn chợt hiện", "một động một tĩnh là hết chỗ ảo diệu của quyền thuật". Cái gọi là động tĩnh, hư thực ... đều căn cứ vào học thuyết Âm Dương trong Kinh Dịch mà ra và chỉ là cách nói cụ thể hóa, hình tượng hóa trong quyền thuật mà thôi. Về sau những người diễn tập lại lấy đó tôn lên làm tiêu chuẩn, tự mình thể nghiệm cái triết lý này trong việc diễn luyện của bản thân.

    Tọa thiền vận khí theo tâm linh bản môn.(Song Long khiên đường -
    một võ phái cổ truyền của Việt Nam tại miền Tây nước Pháp)
    Bất kể loại quyền thuật nào cũng nhấn mạnh việc làm khỏe thân mình là ý nghĩa trọng yếu thứ nhất, đó là phải duy trì cho được sự cân bằng Âm Dương trong cơ thể. Vì vậy dù là quyền "ngoại gia" hay quyền "nội gia" đều nhấn mạnh "Khí trầm đan điền", hoặc "trong luyện tinh - khí - thần, ngoài luyện tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ cước pháp" hay "trong luyện hơi thở, ngoài luyện gân cốt". Như thế Âm bằng Dương thuận, tinh thần ổn định. Âm Dương điều hòa, tinh thần khoẻ mạnh, thân thể tráng kiện, thì bệnh nào mà sinh?
    Học thuyết Âm Dương không phải chỉ có quan hệ mật thiết với lý luận quyền thuật và việc rèn luyện võ thuật mà trong kỹ thuật đối kháng của võ thuật cũng không có chỗ nào không ngầm mang triết lý Âm Dương. Trong chiến đấu, bất luận là phòng thủ hay tiến công, cũng không rời xa sự biến hóa của Âm Dương. Trong "Quyền Kinh" có nói: “Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không” (Luyện quyền chẳng luyện nghệ, có đến tuổi già cũng phí công). Quyền là đạo vận động, là phương thuốc khỏe thân; thuật là phép đoạt người, là sự ảo diệu để thắng người". Tuy nhiên sự ảo diệu từ đâu tới, thuật từ đâu mà được? Chính là từ Âm Dương dịch biến hóa với nhau. Con đường cầu tài năng võ thuật tất theo con đường của Âm Dương, chính là nguồn gốc nảy sinh của diệu quyết.
    Triết lý Âm Dương còn ảnh hưởng sâu rộng đến võ học quân sự và binh pháp. Sách Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chép rằng: “Chiến lược là mưu đánh. Khi giao binh, nếu muốn biết tình trạng hư thực của địch, ta hãy làm cho người lộ hình tích mà giữ cho ta vô hình. Ta làm cho người bộc lộ tình trạng hư thực, đánh vào chỗ sơ hở của họ mà thành ra đánh được chỗ vững bền của họ. Nếu ta đánh vào chỗ vững mạnh của địch ắt là ta sai lầm; nếu ta đánh vào chỗ sơ hở của địch thì ta được vững mạnh, sai lầm ở trên là bởi lẽ đó. Sâu kín đến nỗi trở nên vô hình, giấu kỳ ở trong chính, giấu chính ở trong kỳ, lấy kỳ làm chính, lấy chính làm kỳ.
    Phép đánh là dùng chính để hợp, dùng kỳ để thắng, phép chiến thắng không ngoài kỳ chính, cách biến hóa của kỳ chính không bao giờ hết được. Kỳ và chính sinh ra nhau như vòng tròn không có đầu mối. Xét hư thực, hiểu rõ đâu là vững chắc, đâu là sơ hở, khéo dùng phép kỳ chính, đó là ba vật báu cùa binh pháp”.
    Lý thuyết của trời là Âm Dương, lý thuyết của đất là khó dễ. Người dùng binh có thể lấy Âm đoạt Dương, lấy khó đánh dễ. Người xưa gọi thiên thời, địa lợi, chính là lẽ ấy.
    Sở dĩ Âm cực Dương sinh, Dương cực Âm sinh là vì trong Âm có Dương tiềm phục, trong Dương có Âm tiềm phục chưa hiện rõ ra. Khi Âm đến hồi cực thịnh thì mầm Dương mới đủ sức hiện lên, nghĩa là trong Thái Âm có cái mầm Thiếu Dương hiện lên và bắt đầu tăng trưởng, cũng như trong Thái Dương có mầm Thiếu Âm hiện lên và bắt đầu tăng trưởng. Và bởi cái lẽ Âm Dương tiềm phục ấy mà trên đời chẳng bao giờ có hiện tượng cô Dương hay cô Âm.
    Võ cổ truyền thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, kết hợp cương nhu, hư thực, công thủ, phản biến, mạnh yếu, nội ngoại, thể chất tinh thần…Luyện tập Võ cổ truyền không chỉ là phương pháp làm cho thân thể khỏe mạnh, vận động thể chất giản đơn mà còn là hiện tượng văn hóa thần kỳ rèn luyện tinh thần cùng ý chí. Từ tư thế phòng thủ (Âm), khi bị tấn công, tức khắc những chiêu thức chống trả được tung ra (Dương), trong quá trình đáp trả, bị phản công thì những chiêu thức né, tránh hóa giải lại trở về phòng thủ (Âm) đồng thời biến thế phản đòn tích cực (Dương). Cứ như thế thủ công, phản biến liên hoàn như một vòng tròn xoay chuyển. Có thể hiểu nguyên tắc võ thuật là trong công có thủ, trong thủ có công như Âm trong Dương và Dương trong Âm vậy.

    Ghi chú: Võ học sâu như Đông hải. Âm dương - Ngũ hành là học thuyết uyên thâm không dám lạm bàn. Khái niệm này được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu chỉ mang tính tìm hiểu, tham khảo. (Trương Văn Bảo )

    Dây đai thăng cấp càng cao, lòng son vì nước đượm bao ân tình.
    Gió lên màu áo đại dương, trai hùng rộng mở tình thương vì đời..

  2. #2
    Tham gia ngày
    Feb 2008
    Đến từ
    Kiên Giang
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    4,164
    Thanks
    4
    Thanked 36 Times in 29 Posts

    Default

    ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN VÕ – VÕ VĂN



    Võ sư Trương Văn Bảo



    Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam



    Văn không võ, văn thành nhu nhược;
    Võ không văn, võ thuộc bạo tàn…

    Cách nói ấy của người xưa mục đích giáo dục người học hoàn thiện mình trên tinh thần nhân văn - thượng võ.

    Sự học xưa nay là tỏ rõ đức, hoàn thiện nhân cách (Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại chỉ ư chí thiện). Nhân, Nghĩa là sức mạnh. Trong lòng nhân từ có sức mạnh (Nhân tất hữu dũng). Thấy việc nghĩa không làm không phải là người có dũng lược (Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã). Không khuất phục trước quyền uy bạo lực (Uy vũ bất năng khuất). Tinh thần người học võ là thượng võ, nhân văn. Người thượng võ hòa ái, khiêm tốn, khoan dung, độ lượng, xả thân vì đại nghĩa, chính đại quang minh…

    Biểu trưng của Liên đoàn VTCT Việt Nam đao, kiếm và quyển sách (văn, võ song toàn)
    Người học văn, kẻ sĩ, tinh thần bất khuất, thà chết không chịu nhục, không làm nô lệ (Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục); Điều không ngay thẳng không làm (Tịch bất chính bất tọa). Những người học văn hành xử đúng đạo, sức mạnh có thừa. (Văn dĩ tải đạo).
    Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm;
    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
    (Nguyễn Đình Chiểu)
    Người học võ đạt đỉnh cao, thái độ ung dung, tao nhã, tinh thần an nhiên tự tại, chí cực điềm đạm, như con tuấn mã phi hằng ngàn dặm đường không biết mỏi, như chim bằng bay từ biển Bắc sang biển Nam, không gặp hạt ngô đồng không ăn, không gặp giếng nước ngọt không uống. Những người ấy tinh thần vô úy và hành xử rất khiêm cung, văn hóa.
    “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”
    (Trần Bình Trọng)
    Song, cuộc đời dâu bể khôn lường (Thế sự phù trầm nan tri liệu). Có những việc người đời không nhịn được, bởi vậy kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy vươn mình xốc đánh (Thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đỉnh thân nhi đấu). Đấng trượng phu thì hóa giải như dùng nước khử lửa, nước thì làm lợi cho vạn vật mà không tranh…(Thiện thượng nhược thủy; Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh…) Vì vậy, học là một việc mà làm theo được những điều hay lẽ phải đã học là một việc khác. Từ đó, trần thế có kẻ tiểu nhân, có người quân tử; có kẻ phản tặc, có người ái quốc; có kẻ vong tình bội nghĩa, có người son sắt thủy chung. Có người học văn nhưng khiếp nhược bán rẻ lương tâm; có người học võ mà làm đạo tặc, học võ đạo nhưng hành xử vô đạo. Bởi vậy, các bậc chân sư trưởng thượng mới giáo huấn môn đệ mình bằng ý tưởng: Văn không võ, văn thành nhu nhược; Võ không văn, võ thuộc bạo tàn…

    Nhưng cũng chỉ là quan niệm tương đối mà thôi.

    Sách tham khảo: Tứ Thư, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh.



    Dây đai thăng cấp càng cao, lòng son vì nước đượm bao ân tình.
    Gió lên màu áo đại dương, trai hùng rộng mở tình thương vì đời..

  3. #3
    Tham gia ngày
    Feb 2008
    Đến từ
    Kiên Giang
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    4,164
    Thanks
    4
    Thanked 36 Times in 29 Posts

    Default

    CUNG TÊN

    Võ sư Trương Văn Bảo
    Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam

    Cung tên là binh khí thập bát ban đứng hàng thứ nhất. Sách Thập bát ban võ nghệ ứng sự ghi: Đệ nhất cung tiễn, đệ nhị nổ, đệ tam thương, đệ tứ đao, đệ ngũ kiếm...

    Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,
    Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa,
    Bóng cờ tiếng trống xa xa,
    Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng…
    (Chinh phụ ngâm)


    Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
    Nợ tang bồng vay trả, trả vay,
    Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể…
    (Nguyễn Công Trứ - Chí làm trai)

    Cung tên là loại vũ khí tầm xa lâu đời và hiệu quả, khởi từ công cụ săn bắn mưu sinh, bảo vệ mùa màng, nương rẫy, bảo vệ cộng đồng trong những cuộc tranh chấp giữa các bộ lạc, thị tộc; sau trở thành vũ khí chiến đấu tự tồn và đáp ứng nhu cầu chiến tranh. Con người phát minh ra cung tên từ thời đồ đá và sử dụng trên khắp thế giới cho đến tận thế kỷ thứ 19 khi chúng bị thay thế bởi súng đạn. Cấu tạo cung tên rất đơn giản, gồm cánh cung, dây cung và mũi tên. Ban đầu, cánh cung và mũi tên được làm bằng các vật liệu như tre, gỗ..., dây cung được bện bằng da, gân thú, dây leo...
    Thời xưa việc cung tên là trọng, biểu thị chí nam nhi. Sách Điển cố văn học viết: “Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang hồ bồng thỉ”. “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “bồng thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang hồ bồng thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sanh hoàng tử, quan coi việc lấy cây cung bằng gỗ dâu và 6 mũi tên bằng cỏ bồng, bắn ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rồi bắn lên trời một mũi, bắn xuống đất một mũi, ngụ ý nói rằng: người con trai lớn lên có chí khí ở bốn phương, tung hoành ngang dọc trong Trời Đất.
    Cung ngắn xuất hiện từ thời cổ đại, cùng với lao và nỏ, là vũ khí tầm xa chính được sử dụng trong săn bắn và trên chiến trường. Tầm bắn cung ngắn chỉ đạt khoảng 30 mét và dùng mũi tên ngắn, tiện lợi trong việc mang theo bên mình.
    Cung dài, còn gọi là cung lớn, cung chiến hay trường cung, xuất hiện vào thời Trung cổ, có thể đưa tầm bắn của mũi tên mang đầu bọc thép đạt tới 90 mét. Ở Châu Âu, cung thường làm bằng một thanh gỗ duy nhất và có bề rộng chừng một sải tay, tức là gần bằng chiều cao của người bắn cung. Các loại cung Châu Á lại thường có 3 đoạn cong. Ở Nhật Bản, cung chiến thường làm bằng tre và gỗ kết hợp lại, dài hơn chiều cao người sử dụng. Ở Mông Cổ, cung làm bằng gỗ, sừng, gân, da. Đầu mũi tên có nhiều hình dáng khác nhau, thường được bịt thép, có thể có ngạnh và tẩm thuốc độc.
    Có 3 loại tên khác nhau để săn bắn: Loại tên thường dùng để bắn chim, loại tên có lưỡi dùng để săn thú, loại tên có tẩm thuốc độc dùng để bắn thú dữ như cọp, gấu, voi, tê giác. Trong khi tại Châu Âu, một hiệp sĩ coi việc sử dụng cung tên khi lâm trận là không xứng với tư cách của mình, thì ở Châu Á nhiều võ sĩ, tướng lĩnh lại là các cung thủ cừ khôi.
    Người xưa phải cất công lên tận núi cao để chọn được những lõi cây chắc nhưng có độ nhún thật dẻo, thật bền để làm thân cung, tìm những sợi dây rừng phải thật bền, thật dẻo để làm dây. Mũi tên được vuốt trau chuốt tỉ mỉ bằng tre già nhọn hoắc đủ sức xuyên qua tấm ván mỏng và nếu tẩm thêm thuốc độc gia truyền ở đầu tên thì khả năng sát thương rất cao.
    Chiến tranh thời cổ đại, trung đại, cận đại, trước khi vũ khí hiện đại xuất hiện thì cung tên là vũ khí cá nhân tầm xa chủ lực thường dùng. Muốn dùng cung tên hiệu quả phải trải qua luyện tập khá lâu mới có thể điều khiển mũi tên đến nơi mong muốn được. Ngày nay các bộ tộc ít người trên thế giới vẫn còn dùng cung tên làm phương tiện săn bắn mưu sinh và bảo vệ cộng đồng.
    Một số thế võ cổ truyền tượng hình cung tên: Tiền cung hậu tiễn; Nhứt tiễn xuyên hầu; Hồi mã giương cung; Thần cung xạ tiễn; Vương Tiễn khai cung; Thần cung xạ Hứa Điền …
    Các trường quân sự lớn của nhiều nước hiện đại ngày nay trên thế giới vẫn lấy cung tên làm tiêu chí; ngày tốt nghiệp, sinh viên sĩ quan thủ khoa dùng cung tên bắn đi bốn hướng biểu thị chí tang bồng.

    Dây đai thăng cấp càng cao, lòng son vì nước đượm bao ân tình.
    Gió lên màu áo đại dương, trai hùng rộng mở tình thương vì đời..

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts