+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 2 trên 2
  1. #1
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default Tiểu sử võ sư Chưởng Môn Lê Sáng

    CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG
    NGƯỜI KẾ NGHIỆP XUẤT SẮC CỦA SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC




    Nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa, võ sư Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 (Canh Thân) tại căn nhà bên bờ hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Ông là trưởng nam của cụ ông Lê Văn Hiển và cụ bà Nguyễn Thị Mùi.

    Đầu năm 1939, ông bị bệnh nên đôi chân đi đứng khó khăn. Nghe lời khuyên của mẹ, ông tìm thầy học võ với mục đích rèn luyện cho đôi chân cứng cáp và thân thể khỏe mạnh. Duyên may đưa đẩy ông đến với lớp Vovinam tại trường Sư phạm Hà Nội do Sáng tổ Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy vào mùa xuân năm 1940. Có tố chất thể thao, thông minh lại chịu khó học hỏi và chuyên cần luyện tập, ông sớm cải thiện tình trạng sức khỏe và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Chỉ vài năm sau, ông được Sáng tổ cử tham gia huấn luyện Vovinam tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó với Sáng tổ như anh em ruột thịt, đồng lao cộng khổ và từng theo chân Sáng tổ đi dạy Vovinam một số vùng ở phía Bắc Việt Nam như: Hữu Bằng, Chế Lưu, Ấm Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú.…

    Năm 1954, ông được Sáng tổ phân công dạy một số lớp Vovinam ở Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Đến cuối năm 1957, Sáng tổ lâm bệnh (ung thư thanh quản) võ sư Lê Sáng tiếp tục huấn luyện cho tất cả môn sinh đang theo học với Sáng tổ lúc đó; đồng thời liên tục mở thêm 3 võ đường ở đường Trần Khánh Dư (Tân Định), đường Sư Vạn Hạnh (sát chùa Ấn Quang) và góc đường Trần Hưng Đạo và Huỳnh Mẫn Đạt (còn gọi là Moulin Rouge - tên một vũ trường đã ngưng hoạt động)… Cuối tháng 4 năm 1960, trước lúc qua đời, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông.

    Do tình hình thời cuộc, những năm đầu thập niên 1960, võ sư Lê Sáng lên Buôn Ma Thuột và Quảng Đức phụ giúp ông Nguyễn Hải (em trai của Sáng tổ) khai khẩn đồn điền cao su và khai thác gỗ. Mãi đến cuối năm 1963, khi các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về, bắt tay cùng đội ngũ cốt cán, khôi phục và phát triển môn phái.

    Là môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng Sáng tổ Nguyễn Lộc trong gần 20 năm, Chưởng môn Lê Sáng đã tiếp thu được những tư tưởng võ đạo và võ thuật cũng như nhân cách sống của Sáng tổ một cách sâu sắc nhất. Bằng đạo đức, tâm huyết và tài năng của mình, Chưởng môn đã giữ vững tình đoàn kết trong môn phái; đồng thời với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ võ sư, HLV, môn sinh và thân hữu, Chưởng môn đã phát triển một số ý tưởng của Sáng tổ để xây dựng cho Vovinam-Việt Võ Đạo một hệ thống triết lý võ đạo cùng hệ thống kỹ thuật luyện tập mang tính khoa học và thiết thực như hiện nay. Còn nhớ hồi giữa thập niên 1960, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng song song với việc tổ chức phát triển môn phái, mỗi ngày trực tiếp huấn luyện hàng chục giờ; vậy mà biết bao đêm Chưởng môn vẫn chong đèn viết sách để hệ thống và phát triển những tư tưởng võ đạo. Đó là hệ thống tư tưởng hướng người môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo đến một triết lý sống tốt đẹp:
    - “Sống, để cho người khác sống và sống cho người khác”.
    Theo đó, người môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo không chỉ rèn luyện, “vượt thắng sự hèn yếu của tâm hồn và thể xác”, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của môn phái, của xã hội… Không chỉ thế, Chưởng môn còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của Vovinam-Việt Võ Đạo ngày thêm đa dạng và phong phú. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, Chưởng môn vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với nhiều đối tượng trong giai đoạn mới - giai đoạn Vovinam-Việt Võ Đạo phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp hồi năm 1973.

    Những đóng góp hết sức quan trọng đó của Chưởng môn Lê Sáng chính là tiền đề để phong trào Vovinam-Việt Võ Đạo ngày càng phát triển, thăng hoa và dần dần lan rộng ra hơn 40 nước trên thế giới như là một sự khẳng định mạnh mẽ của truyền thống thượng võ và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

    Ngoài việc chăm lo cho môn phái, Chưởng môn Lê Sáng còn tham gia các công việc khác. Ông được bầu làm Tổng thư ký Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam và Tổng Thủ quỹ Ủy hội Olympic miền Nam Việt Nam nhiều nhiệm kỳ liên tục (từ khoảng đầu thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970). Trong thời gian đó, với tinh thần trách nhiệm cao, khéo léo và công tâm trong công việc, ông đã được nhiều quan chức thể thao và võ sư các môn phái khác kính mến.

    Không chỉ giỏi võ, có khả năng lãnh đạo và kinh doanh tốt, Chưởng môn Lê Sáng còn là một con người tài hoa. Bằng những nét chữ bay bướm, ông thường sáng tác nhiều bài thơ tràn đầy cảm xúc sâu lắng và thấm đượm tinh thần thượng võ. Một số bài thơ của Chưởng môn (bút danh Quang Vũ, Huy Vũ) đã được phổ nhạc. Trong đời thường, Chưởng môn sống ung dung, giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và cư xử chân tình với những người chung quanh. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và dung thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo. Suốt cuộc đời, Chưởng môn còn là một tấm gương khiêm tốn, không ngừng tự học, tự rèn để có thể đáp ứng với trọng trách mà Sáng tổ ủy thác. Ngay cả khi bản thân hay môn phái đối mặt với gian nan, thách thức to lớn, ông vẫn giữ nhân cách, bền bỉ, miệt mài làm việc với niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp.

    Gần một năm nay, dù sức khỏe giảm sút, nhưng Chưởng môn Lê Sáng vẫn minh mẫn và sáng suốt. Trong những ngày cuối đời, tuy phải chống chọi với bệnh tật, Chưởng môn vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển môn phái khi chuẩn bị nhân sự và chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo lại cho Hội đồng võ sư Chưởng quản.
    Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thích đọc sách báo, thấm nhuần triết lý phương Đông, và cũng là người kế nghiệp xuất sắc nhất của Sáng tổ Nguyễn Lộc; Chưởng môn Lê Sáng đã hy sinh và cống hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.

    Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Chưởng môn Lê Sáng đã theo chân Sáng tổ về cõi vĩnh hằng vào lúc 3 giờ ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần, hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi vĩnh viễn của Chưởng là một tổn thất đối với nền võ thuật, võ đạo đồng thời là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với toàn thể môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo trên khắp thế giới.


    NGUYỄN HỒNG TÂM
    (Môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo)
    Bản tin Vovinam - vvnnews chuyên cung cấp tin tức mới nhất khắp nơi trên thế giới

  2. #2
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default

    THỜI KẾ NGHIỆP CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG: (Từ 1960 đến nay)


    Theo di huấn của sáng tổ, căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Sáng Tổ giảng dạy, Võ Sư Chưởng môn Lê Sáng đã hình thành:

    * Hệ thống hoá kỹ thuật võ học.
    * Hệ thống lý thuyết võ đạo.
    * Ðường hướng, tôn chỉ và mục đích môn phái.

    Ðồng thời, võ sư Lê Sáng quy tụ lớp môn đệ đã theo tập sáng tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành lớp võ sư cốt cán chung tay phát triễn môn phái. Ngoài ra, võ sư Lê Sáng còn liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cục Quyền Thuật Việt Nam (là Tổng Cuộc duy nhất lúc bấy giờ) Trong 3 nhiệm kỳ ( 1958 - 1968), cùng chức vụ Tổng Thủ Quỹ Ủy Hội Olymbic Việt Nam (1960 - 1972)
    Giữa năm 1957, Sáng tổ Nguyễn Lộc nằm bệnh phải nghỉ dạy, Võ Sư Lê Sáng tạm thời thay thế mở tiếp 3 võ đường tại ba địa điểm:

    1. Ðường Sư Vạn Hạnh , gần chùa Ấn Quang.
    2. Ðường Trần Khánh Dư - Tân Ðịnh
    3. Ðường Trần Hưng Ðạo.

    Năm 1960, Sáng Tổ tạ thế và sau chính biến 11 - 11 - 60, chế độ Ngô Ðình Diệm cấm tất cả các hoạt động võ thuật, do đó, võ sư Lê Sáng tạm nghỉ dạy võ lên Ban Mê Thuật và Quãng Ðức làm đồn điền.

    Năm 1964, Võ sư Lê Sáng trở về mở trung tâm Huấn luyện Vovinam tại số 61 đường Vĩnh Viễn Sài Gòn, quy tụ một số võ sư trẻ tập lớp 1955 cùng một số thân hữu của các võ sư đó thành lập Ban Chấp Hành Môn Phái với hai cơ cấu:

    1. Tổng Cục Huấn Luyện
    2. Tổng Ðoàn Thanh Niên.

    Và từ đó, danh xưng VOVINAM được nối thêm là VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO.
    Tổng Cục Huấn Luyện chuyên trách đào tạo võ sư huấn luyện viên cốt cán, và võ sư Lê Sáng là chưởng môn kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Ðoàn Thanh Niên đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ và cứu tế xã hội do võ sư Trần Huy Phong đảm nhiệm.

    Ðiều lệ nội quy được soạn thảo ấn định mọi giềng mối, kỷ cương, luật lệ thi cử, phân công nhiệm rõ ràng với kỳ hiệu, phù hiệu như hiện nay. Từ đó môn sinh được mang võ phục màu xanh với hệ thống đai đẳng:

    * Xanh (sơ đẳng: Ba cấp)
    * Vàng (trung đẳng: Ba cấp)
    * Ðỏ (cao đẳng : Bảy cấp)
    * Trắng (thượng đẳng: Dành riêng Chưởng Môn)

    Trong thời kỳ đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Quyền Thuật Việt Nam, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng phải khảo sát võ thuật để cấp giấy chứng nhận cho các võ sư. Trong nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về các môn võ cổ truyền, ông đã rút ra được những tinh tuý và tìm cách bổ túc, cùng chỉnh lại phần phân thế thất truyền của những bài võ xưa mà lập ra một hệ thống mới một phát triển thành ba cho VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO sau này

    Các kỹ thuật và các bài bản mới.

    * 30 thế chiến lược (với nguyên tắc lấy công làm thủ)
    * 28 thế vật căn bản với 3 bài song đấu vật.
    * Song luyện dao găm
    * Các bài quyền và khí giới: Thập Tự Quyền, Long Hổ Quyền, Việt Võ Ðạo quyền, Xà Quyền, Hạc Quyền, Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm pháp, Tứ Tượng côn pháp, Nhật Nguyệt đại đao pháp, bài Mộc Bản, Bài Súng gắn lưỡi lê, song đấu búa rìu, Song Ðấu Mã Tấu.
    * Phân thế hai bài võ cổ truyền: Lão Mai và Ngọc Trản

    Thực hiện di huấn của sáng tổ, võ sư chưởng môn Lê Sáng đã hệ thống hoá kỹ thuật võ học và lý thuyết võ đạo để VOVINAM tiến kịp theo thời đại. Thành qủa đó có sự phụ giúp đáng kể của hai môn đệ xuất sắc: Cố võ sư Trần Huy Phong (1938 - 1997) và võ sư Nguyễn Văn Thư. Cố võ sư Trần Huy Phong phụ trách ngoại vụ kế hoạch phát triển, võ sư Nguyển Văn Thư phụ trách nội vụ, củng cố nội bộ, khởi thảo quy lệ Môn phái, bút pháp mạch lạc, chặt chẽ.

    Khi viết đến điều 96: tôn chỉ và Mục đích minh định nơi chương hai không được thay đổi. Mọi người đều đã đồng ý nhưng võ sư Nguyễn Văn Thư xin ghi thêm: và các điều khoản qui định nơi chương này cũng không được thay đổi. Thời đó, Tổng Cục Huấn Luyện thường xuyên tổ chức các lớp đặc huấn trau dồi kiến thức tổng quát cho các Huấn luyện viên cao cấp và võ sư Chuẩn Hồng Ðai có đủ khả năng quản trị điều hành võ đường đều do võ sư Nguyễn Văn Thư phụ trách.

    Nhưng phải đến năm 1966, khi VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO được đưa vào giảng dạy ở học đường (công đầu là của võ sư Phùng Mạnh Chử tự Mạnh Hoàng 1938 - 1967), chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn thành với hệ thống bài bản rõ ràng từ Nhập Môn tới Chuẩn Hồng Ðai. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp đai.

    Thời đó, võ sư chưởng môn Lê Sáng ngày dạy võ 10 tiếng đêm về viết nhanh các bài giảng về 10 điều tâm niệm, ý nghĩa màu đai v.v.. để các võ sư và huấn luyện viên đồng bộ giảng huấn giống nhau. Sau đó, mới in thành tác phẩm. Các các phẩm của võ sư chưởng môn Lê Sáng:

    * Ý nghĩa màu đai
    * 10 điều tâm niệm
    * Tìm hiểu võ thuật - võ đạo
    * 12 phương châm tu dưỡng hành xử
    * Tác phong của Việt Võ Ðạo Sinh
    * Ý thức hệ võ đạo về nếp sống và tình cảm Việt Võ Ðạo.
    * Chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
    * Vũ Trụ Quan, Nhân sinh quan v.v...

    Từ tháng 5 năm 1975 cho tới năm 1988, Võ sư chưởng môn bị kẹt trong vòng lao lý, hoạt động VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO có tính tự phát. Khi Người trở về lãnh đạo Môn phái vẫn giữ đúng tôn chỉ và mục đích đã đươc xác lập trong quy lệ Môn Phái năm 1964. Ý niệm Cách Mạng Tâm Thân của Sáng Tổ được võ sư chưởng Môn viết thành sách, cùng toàn bộ tư tưởng võ đạo VOVINAM được san định lại cho phù hợp với thời đại, được tiếp tục dùng làm tài liệu giảng huấn, thi lý thuyết võ đạo ở kỳ thi thăng đai các cấp.

    Ý chỉ sáng Tổ để lại: VOVINAM phải tiến theo thời đại, có phù hợp với thời đại mới có thể phát triển. Thời bình phải đề cao tinh thần xây dựng, kiện toàn con người, nhẹ bớt tính chiến đấu chế phục người. Ðể cập nhật hoá, kỷ thuật của Vovinam Việt Võ Ðạo phải nhu nhuyển, uyển chuyển, thiên về dưỡng sinh. Hiện nay, Vovinam Việt Võ Ðạo có thêm một số bài quyền và binh khí được sắp xếp gắn bó chặt chẻ với nhau theo trình tự: Một phát triển ba, nghĩa là: Từ đòn cơ bản (1) ghép lại thành bài đơn luyện (2) và bài song luyện (3). Với hệ thống này, người tập sẽ dễ luyện, dễ nhớ, ôn đi, ôn lại nhuần nhuyễn.

    Võ sư chưởng môn Lê Sáng đã hướng dẫn các Võ Sư viết luận án theo phương thức này. Các bài quyền theo hệ thống này gồm có:

    * Nhập Môn Quyền (ghép 4 lối chém, đấm, gạt, cùi chỏ và đá)
    * Tứ Trụ Quyền (ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 1)
    * Ngũ Môn quyền (ghép 10 thế chiến lược tứ 11 đến 20)
    * Viên Phương Quyền (ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 2)
    * Thập Thế Bát Thức quyền (ghép 10 thế chiến lược từ 21 đến 30)
    * 4 bài Nhu Khí Công Quyền (những bài quyền dưỡng sinh)
    * 4 bài Liên Hoàn đối luyện (song luyện không té ngã dành cho người lớn tuổi)
    * Trấn Môn quyền
    * Việt Ðiểu Kiếm
    * Tiên Long Song Gươm Pháp
    * Mã Tấu Pháp.

    Các bài tự vệ Nữ - Nam, Tứ Ðấu tay không và khí giới đã có từ thời Sáng Tổ, đến nay được tiếp nối kế thừa rất đa dạng, phong phú.
    Bản tin Vovinam - vvnnews chuyên cung cấp tin tức mới nhất khắp nơi trên thế giới

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts