+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 5 trên 5
  1. #1
    Tham gia ngày
    Dec 2008
    Đến từ
    Lâm Đồng
    Bài gởi
    457
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bàn Luận Về Bộ Môn Khí Công

    đầu tiên mình xcin nói về thông bối quyền
    Thông bối quyền
    Thông bối quyền (chữ Hán: 通背拳, bính âm: Tongbeiquan, dịch nghĩa tiếng Anh Back-through Boxing hay Arm-through Chuan) là một bộ môn quyền thuật của võ thuật Trung Hoa. Bài viết đề cập các lưu phái này với các tên gọi khác nhau..
    Nguồn gốc và danh xưng
    Nguồn gốc
    Thông bối quyền ra đời tại Trung Quốc khá sớm, tương truyền từ thời nhà Tống dưới triều của Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn đã có vị danh tướng là Hàn Thông Hựu rất giỏi kỹ kích của Thông Bối quyền và tiếng tăm khắp dải Hà Bắc.
    Sau này các môn đồ Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đã tích hợp và cải biến theo phong cách Thiếu Lâm quyền và gọi tên là Thông tý quyền gồm hai quyền lộ: Tiểu Thông Tý quyền và Đại Thông Tý quyền có nội dung kỹ pháp hoàn toàn khác biệt với Thông bối quyền lưu truyền trong dân gian.
    Ý nghĩa
    Về mặt ý nghĩa của quyền "Thông bối" trong Thông bối quyền thì bối là lưng và tý là tay đều bao hàm cùng nghĩa, lấy sự thông suốt giữa tay và lưng làm chủ tựa như không có nguyên tắc khác nhau. Thông bối quyền phần lớn nhấn mạnh và lấy lưng vượn (viên bối) hay tay vượn (viên tý) để thủ thế nên xưa còn gọi là "Thông bối viên hầu" (suốt lưng khỉ vượn), "Bạch viên Thông tý" (Vượn trắng suốt tay).
    Theo Viện Nghiên cứu Võ thuật Trung Quốc thống nhất tên gọi là Thông bối quyền bao gồm sự kết hợp Thông bối quyền trong dân gian và Thông tý quyền của Thiếu Lâm quyền. Do đó Thông tý quyền của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam (với hai bài Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền) có nội dung không giống hoàn toàn Thông bối quyền của viện và Thông bối quyền đang lưu truyền trong dân gian.
    Thông bối quyền lưu truyền khá rộng, lưu phái cũng lắm. Từ Bạch Viên Thông bối ra, còn Ngũ Hành Thông bối, Lục hợp Thông bối, Phách quải Thông bối, Lưỡng Dực (hai cánh ) Thông bối, Thông bối 24 thức v.v... Lưu truyền tương đối sớm nhất ở Sơn Tây là Hồng Động Thông bối cũng là một lưu phái thuộc hệ thống Thông bối quyền.
    Tên gọi
    Về tên gọi thì có 3 cách gọi tên :
    1. Thông tý quyền: tý là tay. Gọi là tý vì ám chỉ việc sử dụng cánh tay là chính, các động tác thủ pháp (đòn tay) thường chuyển động theo vòng tròn theo hai bên hông trông như tay vượn vươn ra ngoài.
    2. Thông bối quyền: bối là bối tích tức chỉ vùng lưng. Gọi là bối bao hàm ý nghĩa là tay quyền phải liên thông và phát kình lực từ lưng, tay và lưng thông nhau một dải khi xuất thủ tấn công để có thể vươn dài ra đến cự ly xa.
    3. Thông bị quyền: bị tức là chuẩn bị. Gọi là bị vì hình ý thông thần đạt hóa, giữa thể (phần bài tập) và dụng (phần thực hành) kiêm bị đầy đủ.
    Ba cách gọi này tam hành cùng tồn tại cho đến năm 1983 trong phiên bản mới nhất của tài liệu Trung Quốc Đại Bách khoa Toàn thư đã thống nhất tên gọi Thông Bối quyền vì tên gọi này thể hiện hết nội dung phong cách, đặc điểm của nó là kình lực liên thông một dải eo lưng và tay. Trong dân gian có nhiều tên gọi khác nhau cùng tồn tại tùy theo đặc điểm phong cách từng vùng.
    Ở Trung Quốc ba vùng Đại Liên, Thương Châu và Bắc Kinh thịnh hành Ngũ Hành Thông Bối quyền và Bạch Viên Thông Bối quyền.
    Đặc điểm kỹ pháp
    Thông Bối quyền thuộc loại quyền pháp trường kích (đánh trường trận, tầm xa) điển hình nhất trong tất cả các loại quyền pháp thuộc miền Bắc Trung Hoa, chú trọng tầm xa đánh rộng, chủ về tấn công cự ly xa dựa trên nguyên tắc nhất thốn trường, nhất thốn cường nghĩa là dài thêm một tấc, mạnh thêm một tấc trong các môn phái võ Trung Hoa lên đến đỉnh cao nhất.
    Trong vấn đề khống chế khoảng cách và không gian chiến đấu, đấu pháp sở trường của Thông Bối quyền là viễn tắc trường kích, cận tắc lãnh trừu nghĩa là xa thì đánh dài, gần thì rút ngắn, có thể phóng có thể thâu, có thể dài có thể ngắn.
    Thông Bối quyền lưu hành đến nay đã hình thành nên rất nhiều lưu phái phong cách đa dạng, nội dung kỹ pháp phong phú, quyền thuật và khí giới đều hoàn chỉnh trên nguyên tắc phóng trường kích viễn nghĩa là di chuyển dài và đánh tầm xa.
    Đặc điểm kỹ pháp của thông bối quyền là: thế thức động tác mở rộng khép lớn, liên hoàn dày đặc, vươn hông hất lưng (yêu bạt bối), phóng dài đánh xa, lắc bả vai rung cổ tay, phát kình lãnh đạm, đánh đòn nhanh nhẹn âm thanh vang lừng, né tránh linh hoạt, bộ pháp khép chân, mắt ưng thần vượn, khí thế hoàn chỉnh.
    Các lưu phái chủ yếu là: Bạch Viên Thông bối quyền, Kỳ Thị Thông bối quyền, Ngũ Hành Thông bối quyền, Lưỡng Dực Thông bối quyền, Hồng Động Thông bối quyền, Ngũ Hầu (5 khỉ) Thông bối quyền, ngoài ra còn có Hoạt Diệp Thông bối quyền, Phách quải Thông bối quyền, Thái Cực Thông bối quyền,v.v...
    Quá trình phát triển của Thông bối quyền
    Thông Bối quyền là một môn võ xuất xứ từ chốn dân gian ở miền Bắc Trung Hoa và ban đầu không phải của Thiếu Lâm, đây là môn võ thuần chủng nội địa được sản xuất tại Trung Hoa đại lục (made in China), nhưng lại không được người đời sau xếp vào Nội gia quyền (võ nội địa) thì mới biết là sự phân chia võ phái Nội gia và Ngoại gia là không có cơ sở thống nhất rõ ràng mà do quan điểm và ý thích cá nhân.
    Sự phát triển của Thông Bối quyền do vậy cũng lưu hành trong dân gian, không hề có sự tham gia của các võ quan trong chốn quan trường như một số môn võ khác (chẳng hạn Phiên tử quyền, Ưng trảo quyền và Hình Ý Linh Thú quyền của Nhạc Phi, một danh tướng thời Nam Tống hay như Yến Thanh quyền và Bát quái chưởng cũng đã từng lưu lạc trong chốn quan viên).
    Trường võ thuật dạy Thông Bối quyền đầu tiên là Trung Ương Quốc Thuật Quán thành lập tại Nam Kinh năm 1928 bởi Tưởng Giới Thạch sau vụ các thuộc hạ của ông ta phóng hỏa đốt chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam [1]. Người chủ nhiệm chương trình này là Thượng tướng lục quân Trương Chi Giang dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, từ đó võ thuật Trung Quốc mới được vinh danh là Quốc thuật. Sự thành lập tổ chức này đã đẩy phong trào luyện võ lên cao chưa từng thấy trong lịch sử võ thuật Trung Hoa và kéo dài cho đến thời kỳ sau này của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo.
    Trong thời kỳ hưng thịnh của Trung Ương Quốc Thuật Quán, cơn sốt võ thuật lan rộng khắp Trung Hoa, nhiều cuộc khảo thí các bộ môn quyền thuật được tổ chức khắp nơi, Thông bối quyền và các môn quyền thuật khác cũng được phát triển mạnh trong thời kỳ này. Danh gia Tu Kiếm Si người tỉnh Hà Nam được mời làm trọng tài Quốc thuật năm 1933, ông vừa làm trọng tài vừa truyền thụ Thông bối quyền nhiều năm làm cho Thông bối quyền trở nên phát triển rộng ra sau này.
    Sau khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập (1949), võ thuật (Wushu) được Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhà nước coi trọng và xem là tài sản văn hóa của quốc gia, các chương trình huấn luyện và tổ chức thi đấu được đưa vào phạm vi chương trình giáo dục thể thao toàn quốc. Thông bối quyền chính thức được đưa vào nội dung thi đấu các bộ môn quyền thuật truyền thống.
    Năm 1977 Thông bối quyền được đưa vào mục thi đấu võ thuật truyền thống toàn quốc. Năm 1980, võ thuật được phân loại thành các nhóm bộ môn quyền thuật và xếp theo mục tổ chức thi đấu theo loại nhóm quyền, có hai nhóm được phân chia ra theo truyền thống võ thuật Trung Hoa cổ điển: Trường quyền gồm các môn quyền của miền Bắc và Nam quyền gồm các môn quyền của miền Nam. Thông bối quyền, Phách quải quyền, và Phiên tử quyền có phong cách giống nhau nên được phân loại vào mục thi đấu thứ hai (thi đấu theo nhóm quyền), động tác được chỉnh lý qui phạm hóa theo qui định của Qui tắc thi đấu võ thuật của Ủy ban Thể dục Thể thao Toàn quốc.
    Từ năm 1980 trở đi, Thông bối quyền được phát triển theo hai hướng: một là xuất phát từ võ thuật truyền thống được phát triển và lưu truyền trong dân gian, hai là phát triển theo hướng nâng cao hiệu suất biểu diễn nghệ thuật để tạo ấn tượng trong thi đấu bài quyền chính thức, tức là các Sáo lộ (Taolu), hai hướng này dần dà xa cách nhau về ý thức chủ đạo, kết cấu bài quyền và kỹ thuật, cũng như mục đích huấn luyện. Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với Thông bối quyền mà ở tất cả các bộ môn quyền thuật khác.
    Các lưu phái Thông bối quyền
    Thông Bối quyền có rất nhiều lưu phái lưu truyền khắp vùng Hà Bắc Trung Hoa. Sau đây là một số lưu phái đang thịnh hành nhất.
    Bạch Viên Thông bối quyền
    Tương truyền rằng Bạch Viên Thông bối quyền là do Bạch Viên Công truyền dạy từ thời Chiến Quốc cách đây hơn 2000 năm trước.
    Các truyền nhân sau này đều suy tôn Bạch Viên Công là thủy tổ của môn quyền này. Bạch Viên Công họ Bạch, tên là Sĩ Khấu, tự là Y Tam, đạo hiệu là Đông Linh Tử.
    Bạch Viên Công đã mô phỏng các động tác duỗi tay duỗi chân của loài vượn núi rồi căn cứ theo đó sáng lập nên môn quyền này. Sau khi luyện thành, Bạch Viên Công truyền lại cho ba môn đồ là Lý Nghĩa, Vương Đạo, và Hàn Thành. Từ đó Bạch Viên Thông bối quyền được lưu truyền rộng rãi từ thời nhà Tùy. Sau này có người họ Nhâm ở huyện Hoàng thuộc tỉnh Sơn Đông truyền thụ môn quyền pháp này cho một thương khách tên là Thạch Hồng Thắng ở gần Tăng Thọ, Quảng An Môn, Bắc Kinh.
    Thạch Hồng Thắng đã chuyên tâm khổ luyện Bạch Viên Thông bối quyền. Sau khi thành công ông mở trường dạy võ và có nhiều môn sinh theo học rất đông. Trong số những người học trò thành danh có Lưu Tử Anh, Hạng Trọng Sơn, Trương Văn Thành, Hàn Động Nhất, Mã Tiểu Hợp.
    Ở Bắc Kinh, Ngưu Nhai, môn quyền này rất được người Hồi ưa chuộng và thịnh hành, họ dung hợp môn này với môn vật của họ thành môn vừa đánh quyền cước vừa pha vật lộn.
    Bạch Viên Thông bối quyền xuất thủ chiêu thức trường kình mạnh mẽ và linh lợi như vượn, chú trọng giao đấu thực chiến.
    Kỳ Thị Thông bối quyền
    Kỳ Thị Thông bối quyền bắt đầu truyền từ thời Đạo Quang nhà Thanh do Kỳ Tín truyền dạy.
    Kỳ Tín là người tỉnh Chiết Giang, có thuyết cho rằng ông là người Sơn Tây hay Hà Nam, sáng lập ra Kỳ Gia môn. Kỳ Tín mở trường dạy võ ở Cố An, Hà Bắc.
    Kỳ gia Thông bối quyền chủ về cương kình, đánh dài và xa rộng, phong cách mạnh mẽ dữ dội. Về sau con của Kỳ Tín là Kỳ Thái Xương cũng luyện Kỳ gia Thông bối quyền nhưng lại chủ về nhu kình, động tác mềm mại, biến hóa đa dạng. Do đó Kỳ gia Thông bối quyền sau này chia làm hai lưu phái: Kỳ gia Lão phái và Kỳ gia Thiếu phái. Môn đồ của Kỳ gia môn rất đông. Thông bối quyền Kỳ gia hiện đại có Trương Sách, Lưu Trí, Tu Kiếm Si đều là những truyền nhân rất thành công và nổi tiếng.
    Ngũ Hành Thông bối quyền
    Ngũ Hành Thông bối quyền dựa trên cơ sở của Kỳ Thị Thông bối quyền.
    Ngũ Hành Thông bối quyền đặt nền tảng trên loại chưởng pháp là suất, phách, xuyên, niêm làm thủ pháp cơ bản, lấy Lão Chiết quyền Minh Đường công, Ngũ Chưởng Đơn Tháo làm khung đỡ.
    Danh gia phát triển Ngũ Hành Thông bối quyền là Tu Kiếm Si, truyền nhân của Kỳ Thị Thông bối quyền, đã cùng các môn đồ của mình cải tiến không ngừng và dần dần đã hoàn thiện Ngũ Hành Thông bối quyền thành môn quyền có nội dung kỹ thuật phong phú và một nền tảng lý luận rõ ràng.
    Ngũ Hành Thông bối quyền phát triển mạnh ở Đại Liên vùng Đông Bắc là quê hương của Tu Kiếm Si.
    Lưỡng Dực Thông bối quyền
    Lưỡng Dực Thông bối quyền do Lưu Nghĩa, người tỉnh Sơn Đông truyền bá. Lưu Nghĩa từng tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân của Tống Cảnh Thi, sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đã lưu lạc đến vùng huyện Dực, tỉnh Hà Bắc.
    Lưu Nghĩa truyền Lưỡng Dực Thông bối quyền cho Trương Lão Tùy và Trương Chí Lễ, hai người lại truyền ra thành hai nhánh, nhánh của Trương Lão Tùy phát triển mạnh ở vùng Nhâm Khâu, nhánh của Trương Chí Lễ lưu truyền rộng ở vùng Đại Hưng.
    Lưỡng Dực Thông bối quyền sau này còn có tên gọi khác là Lưỡng Hy Viên quyền.
    Về kỹ thuật môn này chú trọng tấn công trước (Tiên hạ thủ vi cường) làm chiến đấu pháp. Thủ pháp thường vận động sang hai phía bên hông thành vòng tròn giống như hai cánh chim đang bay, cho nên gọi là Lưỡng Dực (hai cánh).
    Đặc điểm của môn quyền này là bộ hình thay đổi theo thân hình, hai cánh tay vận động không ngừng niêm, chuyển, vặn, trở, lật, xung triển tung hoành, chiêu nối chiêu, thức nối thức, thế quyền liên tiếp châu sa. Quyền thuật có bài Thập Nhị Liên quyền là bài quyền mang tính tiêu biểu nhất.
    Hồng Động Thông bối quyền
    Hồng Động Thông bối quyền còn có tên gọi là Thái Cực Thông bối quyền.
    Môn quyền thuật này tương truyền vào thời nhà Thanh do Quách Vĩnh Phước người tỉnh Hà Nam truyền dạy. Quách Vĩnh Phước vốn làm nghề Tiêu sư (Bảo tiêu) đi khắp vùng nam bắc. Sau này phạm tội ngộ sát bị quan phủ tầm nã phải trốn từ Hà Nam đến Hồng Động tỉnh Sơn Tây. Tại trấn Tô Bảo, quan phủ là Lưu Bỉnh Điềm thấy ông thân thủ bất phàm nên yêu mến tài năng dùng ngân lượng (vàng) đích thân mời ông đến Thiên Quan Phủ dạy võ.
    Quách Vĩnh Phước đã đào tạo được những cao đồ như Giá Hoài Bích, Trương Tú Đồ.
    Hồng Động Thông bối quyền có 108 thức, đặc điểm kỹ pháp là: tay bám đối phương, tùy cơ ứng biến mà trói buộc, lách người luồn sâu nhập nội mau lẹ khéo léo.
    Hồng Động Thông bối quyền phổ và Trần Thức Thái Cực quyền phổ có nhiều chỗ giống nhau đáng kinh ngạc nên có thuyết cho rằng Hồng Động Thông bối quyền chính là Trần Thức Thái Cực quyền phổ đã sớm thất truyền nên cần khảo chứng lại.
    Ngũ Hầu Thông bối quyền
    Ngũ Hầu Thông bối quyền do danh thủ Trương Sách truyền lại.
    Ngũ Hầu Thông bối quyền mô phỏng theo động thái của 5 loại khỉ (hầu hình quyền) hợp thành gồm: thạch hầu, mã hầu, di hầu, viên hầu, trường tý hầu, mỗi loại hầu đều phân ra các thủ pháp như niêm, xuyên, phách, suất, về kình lực lấy lãnh đạn kình làm chủ phóng xa bật nhanh. Có thập tự quyết ca như sau:
    Lãnh đạn tụy khoái ngạnh,
    triêm liên miên niêm tùy
    tạm dịch nghĩa:
    dùng kình phát nhanh dứt khoát để tốc độ đạt sức mạnh cương cường,
    khéo léo và mềm mại liên tục thế quyền không dứt khóa đối phương
    Ngũ Hầu Thông bối quyền chuyên chú luyện nghệ bất luyện hình (luyện quyền pháp tinh diệu biến ảo chứ không luyện chiêu thức), khi diễn luyện thân pháp tựa gió tạt lá sen, chân như đạp lên bùn non, động tác phiêu diêu mà trầm ổn, có lực, hung mãnh cương kình tiềm ẩn bên trong chứng tỏ quyền pháp hùng hậu công phu mới có thể gọi là luyện đạt thành.
    Vào thời Trung Hoa Dân Quốc có Hằng Thọ nổi danh là Đại lực Hằng ở Bắc Kinh chuyên gia cự phách về Ngũ Hầu Thông bối quyền, học trò của ông là Trương Khánh Hòa đến nay đã bách niên giai lão và thuộc hàng thế kỷ lão nhân vào những năm 1980 vẫn còn luyện môn quyền này. Ở Lang Phường tỉnh Hà Bắc có lão tiên sinh Trần Mậu Phương cũng nổi danh là truyền nhân của Thông bối quyền từ Trương Sách.
    Thông Tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam
    Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam là bài quyền cơ bản trong hệ thống quyền pháp của Thiếu Lâm sau bài La Hán Thập Bát Thủ (18 phép đánh tay của Phật A La Hán), bài Tâm ý bả, và Tâm Ý quyền. Sau bài Thông tý quyền là bài Triều Dương quyền (Chao Yang quan).
    Bài Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam có hai bài quyền lộ: Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền được sáng tạo vào thời nhà Tùy là giai đoạn khai sơn phá thạch của Thiếu Lâm quyền. Tuy ra đời rất sớm trong thời kỳ đang trưởng thành của Thiếu Lâm nhưng hai bài Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền tỏ ra là những bài quyền tinh túy xuất sắc mà những động tác của nó chính là nền tảng của các bài quyền của Thiếu Lâm quyền sau này.
    Đặc điểm kỹ pháp là thế quyền tinh gọn, dũng mãnh, phát lực hùng hậu, động tác trông rất dứt khoát không hoa mỹ hoa dạng, thế quyền oai phong, mã bộ rắn chắc, các động tác thủ pháp như gọt đá đẽo núi đòi hỏi người luyện phải kỳ công biến các bộ phận tay chân thành vũ khí mạnh mẽ mới phát huy tối đa hiệu quả đòn đánh, bằng không chỉ là những động tác múa của vũ đạo.
    Để luyện đạt thành Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, người luyện phải có đủ công phu nội khí trong người dồi dào, các môn ngoại ngạnh công phải đạt tới một trình độ nhất định thì mới phát huy hiệu quả khi xuất thủ vì các chiêu thức của Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam rất đơn giản trông như các môn võ Karatedo hiện đại của Nhật Bản nhưng tầm hữu hiệu thì đòi hỏi cao.
    Yếu lý quyền pháp của Thông bối quyền
    • 1. Thâm kiên bạt bối, phóng trường kích viễn: trầm sâu vai và căng cơ lưng thì tay được dài ra và phát lực mạnh hơn. Thông bối quyền rất quan yếu đến tư thế đòi hỏi tam chiết cửu khấu, tam chiết là tý chiết (tay nối), thân chiết (thân nối), và thối chiết (chân nối) nghĩa là gập tay, gập thân và gập chân. Tam chiết làm thân thể thu lại thành hình ngũ trương cung (năm cánh cung là thân mình và hai tay, hai chân) chuẩn bị phát tên như năm cánh cung căng (trương ra) dây cung sắp bật, thu mình để tích lực sắp sửa bung kình. Cửu khấu là chín bộ phận co vào gồm ngón tay, cổ tay, khuỷu tay (cùi chỏ), vai, ngực, lưng, thắt lưng (eo bộ), đầu gối, bàn chân. Cửu khấu làm cho cơ thể buông lỏng tự nhiên thì khí lực mới thông suốt quán xuyến từ đầu đến gót chân mà xung kình.
    • 2. Lãnh đạn nhu tiến, kiên nhận giao thác: lãnh là vùng vẫy như cá thoát khỏi tay (thủ trung thoát ngư ), đạn là rung lắc như gà vàng (kim kê sạ đẩu ), tụy là dứt khoát như rìu chém củi khô (phủ đoạn can sài ), khoái là mau lẹ như sao băng điện xẹt (lưu tinh thiểm điện ).
    Nhu tiến là đấu pháp của Thông bối quyền, không chủ trương tiến tới tấn công mạnh bạo mà lấy nhu làm chủ, phát kình theo lãnh, đạn nghĩa là thật nhanh. Kiên nhận giao thác là cương nhu phối triển cùng nhau tương trợ công thủ có niêm luật phép tắc phong tỏa cẩn mật như Thiếu Lâm quyền bắt nguồn từ câu xuất quyền như pháo phát, dụng chưởng tu kiên nhận nghĩa là tay phóng quyền như súng đại bác (thần công) nã đạn, thu chưởng về để tạo thế công thủ cương nhu hỗ tương.
    • 3. Thiểm tấn linh hoạt, bộ nội hàm thối: Thông bối quyền dựa trên yếu lĩnh dĩ thân vi bộ, dĩ bộ lĩnh thân nghĩa là lấy thân pháp làm bộ pháp, lấy bộ pháp điều chỉnh thân pháp khi thực hiện các động tác quyền thức. Thân bộ hợp nhất, thân đâu bộ đó không rời nhau, thân pháp khi lách, né, xoay chuyển, vươn dài đều dựa vào bộ pháp (bước chân) linh hoạt, đa biến làm thành một chỉnh thể thân-bộ trọn vẹn, trong cước pháp (đòn đá chân) có bộ và ngược lại. Thông bối quyền ít dùng đòn chân đá (cước pháp) mà thường là ám thối (đá kín) không lộ hình rõ ràng nhưng bất ngờ xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị và ngộ biến tùng quyền khiến đối phương bị xuất kích bất ngờ không kịp phòng bị. Nguyên tắc dùng đòn chân là minh, ám, kỳ, tuyệt nghĩa là rõ ràng chắc chắn, giấu ẩn, bất ngờ, dứt khoát.
    • 4. Khí thế quán xuyến, phát lực bão mãn: diễn luyện Thông bối quyền yêu cầu động tác xuyên suốt liền một hơi không dứt, kình lực thông suốt một dải từ đầu đến chân, động tác hài hòa cương nhu tương tế không được dừng lại một chỗ nào. Thông bối quyền lấy eo lưng phát lực, lấy hông dẫn tay, kình lực dồi dào sung mãn, điểm đánh rõ mạnh dứt khoát, động tác nhịp nhàng, khí thế liên hoàn, quyền dứt mà ý không dứt.
    • 5. Kiên bối tùng thuận, kích phách tụy lượng: vai lưng buông lỏng thuận thế tự nhiên, phối hợp tràn đầy, các động tác quăng cánh tay, rung cổ tay đều phối hợp thân-bộ nhịp nhàng khi phóng kình phát lực, động tác mạnh rõ dứt khoát, không được ngập ngừng do dự khi phát quyền, vỗ tay vỗ chân ... là phương cách diễn luyện độc đáo của Thông bối quyền.
    Yếu lý đấu pháp của Thông bối quyền
    • 1. Xuất thủ bất ly diện, lạc thủ phách tam sơn: ra đòn không rời khuôn mặt đối phương là mục tiêu hữu hiệu nhất, động tác không hoa hòe, hạ thủ nhanh chóng và chính xác, ba mục tiêu trọng yếu nhất là quai hàm trái, quai hàm phải, sống mũi của đối phương gọi là tam sơn.
    • 2. Phóng trường kích viễn, trực xuất trực nhập: Thân-bộ hợp nhất vươn xa đánh dài, xoay vai thẳng tay, ra đòn tay phải thẳng, rút tay về thật nhanh theo đường thẳng, có bài ca quyết rằng:
    Cấp thượng hựu gia cấp,
    đả đảo hoàn hiềm mạn
    tạm dịch nghĩa:
    Đã nhanh lại phải nhanh hơn nữa,
    hạ gục địch thủ rồi mà còn lo chậm.
    Thông bối quyền dựa trên cơ sở biến hóa đa dạng của bộ pháp và sự lanh lẹ của tấn pháp, thân pháp, linh hoạt đa biến, bộ pháp ẩn cước pháp và thường hay đá kín bất ngờ.
    • 3. Xuất thủ vi chưởng, điểm báo thành quyền: nghĩa là khi mới xuất thủ thì tay là chưởng (bàn tay xòe ra), đến khi chạm mục tiêu thì tay là quyền (bàn tay nắm lại), Thông bối quyền dùng chưởng pháp là chính yếu, rất ít dùng quyền, chưởng quyền bất phân minh hư hư thực thực biến ảo khôn lường.
    Thân, thủ, bộ của Thông bối quyền
    Sau đây là những yêu cầu về thân, thủ, bộ khi diễn luyện Thông bối quyền:
    • Đầu: phải luôn ngay ngắn, đỉnh đầu thẳng, cằm hơi gặp vào một tí, cổ thẳng tự nhiên không cứng đơ, không nghiêng ngả trái, phải, trước, sau. Đầu là điểm chuẩn điều chỉnh thân, thủ, bộ phối hợp khi xuất quyền.
    • Mắt: Thông bối quyền yêu cầu mắt phải nhãn độc tự nhật xạ hàn sương nghĩa là mắt dữ như mặt trời chiếu tan sương lạnh, nhật mục viên thần nghĩa là mắt dữ như chim ưng, thần thái như vượn, mắt phải quan sát các hướng kỹ lưỡng.
    • Vai: vai, eo và hông là bộ phận mấu chốt để giữ cơ thể cân bằng. Vai buông lỏng, không được gồng cứng. Thông bối quyền yêu cầu vai như cánh quạt, hai tay liên tục như sao băng. Mục đích vai buông lỏng để làm cho vai được trầm (hạ) xuống, lưng căng ra hết mức để tiện cho tay vươn dài ra (phóng trường kích viễn).
    • Cánh tay: cánh tay chia làm ba khớp là vai, khuỷu (cùi chỏ) và cổ tay; và gồm ba đoạn là cánh tay trong (từ vai đến khuỷu), cẳng tay (từ khuỷu đến cổ tay) và chưởng (lòng bàn tay). Cánh tay phải luôn mềm lỏng như roi da, xoay chuyển linh hoạt, lưng bàn tay phải cứng như sắt. Cánh tay buông lỏng, co duỗi tự nhiên thì phát kình mới cương mãnh, cương như sắt và nhu như bông.
    • Lưng: Thông bối quyền yêu cầu hàm hung bạt bối nghĩa là ngực co lõm vào, lưng căng ra thì khi phát kình mới đạt sức mạnh tối đa khi xuất thủ. Nếu ưỡn ngực, thóp bụng sẽ làm lưng thẳng cứng và khí lực không thông suốt toàn thân, kình lực không phát ra được.
    • Eo hông: phải luôn thả lỏng, linh hoạt từ khớp háng lên, quyền phổ nói: "eo hông uyển chuyển như rắn, háng vận động như ngựa phi".
    • Chân: chân cũng chia làm ba khớp từ háng trở xuống gồm khớp háng, đầu gối, mắt cá cổ chân. Khi diễn luyện hai đầu gối luôn co vào che hạ bàn. Cước pháp (đòn chân) luôn ẩn tàng trong bộ pháp (bước đi).
    Có thể nói rằng các yêu cầu trên của Thông bối quyền tựa hệt Thiếu Lâm quyền và Thái Cực quyền. Sau này có rất nhiều môn đồ Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan khi diễn tập quyền thuật đã không tuân thủ các yêu cầu này mà lại ưỡn ngực, thóp bụng làm cho Thiếu Lâm quyền càng ngày sai lệch, đã vậy lại cho là như vậy mới đúng là kỹ pháp Thiếu Lâm quyền thì thật tình không còn chỗ nào để mà nói nữa !
    Vấn đề phát kình trong Thông bối quyền
    Vấn đề phát kình là vấn đề trọng yếu nhất trong các bộ môn quyền thuật Trung Hoa. Đây cũng chính là vấn đề thống nhất trong các phái võ Trung Hoa.
    Về quan điểm kình, đã có nhiều người nghiên cứu cho rằng đây là sự ly kỳ hóa và làm cho thần bí của các võ sư về lực nghĩa là sức mạnh [2].
    Thật ra kình và lực khác nhau. Kình do nội khí hóa thành chuyển ra gân, gân chứ không phải cơ bắp xác thịt. Lực do cơ bắp xác thịt và xương tạo ra khi nâng vật nặng. Kình đòi hỏi buông lỏng khớp và các cơ bắp, gân xương. Lực làm căng cứng cơ bắp (nghĩa là gồng).
    Trong Thái Cực quyền, Vịnh Xuân quyền, Bạch Mi quyền, Thiếu Lâm quyền luôn đòi hỏi phải buông lỏng thì khí mới thông xuốt toàn thân mà hóa kình. Điều này hợp lý với khoa học hiện đại vì khi cơ thể gồng cứng cơ bắp sẽ tạo ra stress (sự căng thẳng thần kinh) thì rất dễ sinh bệnh do cơ thể rối loạn chức năng bắt đầu từ não bộ và các trung khu thần kinh. Thế mà sau này các môn đồ Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan lại yêu cầu phải súc kình, co kình và làm cho cơ bắp căng cứng thì không hiểu làm thế nào mà họ có thể vận khí hóa kình và phát kình ra được để cho đòn đánh có hiệu quả ! Chúng ta thử suy nghĩ xem chúng ta có thể nào gồng cứng cơ thể (nghĩa là khóa cứng các khớp xương lại) suốt cả ngày được không ? Khi gồng cứng cơ thể thì nội khí không di chuyển trong châu thân khi đó làm sao ta có thể vận động đi lại được !
    Về vấn đề vận khí luôn có sự tập trung tư tưởng kết hợp hơi thở điều hòa và sâu lắng để khí được vận lên và truyền dẫn đến các khớp và hóa kình tạo thành sức mạnh, tức là phát kình; nếu không vận khí khi phát kình thì có thể làm tổn thương các dây chằng tại các khớp và rất đau đớn, trong võ thuật gọi là bị nội thương. Phần lớn các môn đồ sau này của Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan đều không biết đến điều này nên càng ngày xa rời tông pháp nguyên ủy của Thiếu Lâm quyền và của võ thuật Trung Hoa nói chung, như Thông bối quyền đây thì đề cập khá rõ đến kình nhưng không thấy nói đến khí mà khí chính là nền tảng của kình và lực [3].
    Một đặc điểm nữa khi phát kình trong khi diễn luyện các bộ môn quyền thuật Trung Hoa là dùng các động tác rung, lắc và uốn éo các khớp xương cho khí được vận hành làm nóng các đầu khớp xương để tạo kình, chuẩn bị phóng kình.
    Khi phát kình thì toàn thể các khớp xương cùng phối hợp và tập trung khí từ các khớp và gân (gân chứ không phải cơ bắp xác thịt) vào một điểm là đối tượng cần công phá.
    Đa số các môn quyền thuật Trung Hoa trong phần lý luận về kình đều cho rằng kình xuất phát từ eo lưng. Các môn Nam quyền lại cho rằng kình xuất phát từ gót chân lên eo lưng rồi đến ngực mà phát ra ! Thật ra không phải vậy mà kình là sản phẩm từ khí vận động thông suốt châu thân từ gót chân lên đến đỉnh đầu. Thiếu Lâm yếu quyết quyền lý có nói rõ điều này:
    • Hư linh đỉnh kình: đầu cổ và xương sống luôn ngay ngắn để tập trung khí lực dễ dàng.
    • Hàm hung bạt bối: co ngực căng lưng để cho khí lực trầm xuất tại đan điền dễ vận chuyển đến cánh tay.
    • Ý thủ đan điền: hơi thở và khí lực tập trung tại đan điền thì trọng tâm cơ thể mới được hạ thấp xuống đôi chân làm cho cơ thể bình ổn mới phát động được khí lực hóa kình, câu này và câu trên nhập làm một khi tác động vào quyền thuật và luyện công.
    • Chủ tể tại yêu: eo là chúa tể đưa khí lực về đó (khắp vùng đan điền) tập trung tối đa sức mạnh của cơ thể.
    • Kỳ căn tại cước: tuy eo là chúa tể tạo sức mạnh nhưng thật ra cái gốc là tại chân, tại gót chân thông suốt lên đỉnh đầu (Hư linh đỉnh kình), do vậy eo là cái trục khi vận khí thông suốt khắp châu thân.
    Đa phần các môn quyền thuật của các lưu phái Thiếu Lâm quyền dù là Bắc Thiếu Lâm hay Nam Thiếu Lâm sau này không thấy nói đến (hay có lẽ thất truyền) các yếu lý trên và càng ngày làm cho Thiếu Lâm quyền trở thành môn võ chỉ dùng sức mạnh bì phu (bên ngoài da thịt) của kẻ vũ dũng thô bạo mà mất đi tính vi tế sâu sắc của Thiếu Lâm quyền tập trung tại khái niệm về khí.
    Tiểu truyện vài danh thủ Thông bối quyền
    Kỳ Tín
    Kỳ Tín, là người có vai trò quan trọng trong Ngũ Hành Thông bối quyền dựa trên cơ sở của Kỳ Thị Thông bối quyền do ông truyền dạy.
    Kỳ Tín là người Triết Giang, sinh vào năm Đạo Quang thời nhà Thanh, do lánh nạn nên đến cư ngụ tại phủ họ Y ở sông Lưu Ly, Cố An, Hà Bắc.
    Một ngày kia, hai họ Y và Đỗ có xích mích dẫn đến đánh nhau khốc liệt. Nghe tin, chẳng hề sợ hãi Kỳ Tín đã cầm côn đến tham chiến giúp họ Y và đã một mình tả xung hữu đột phá tan đám đông nhà họ Đỗ với đủ loại khí giới vây quanh. Nhà họ Y thắng. Danh tiếng của Kỳ Tín vang lừng, thiên hạ đến xin học nghề và ông đã mở trường dạy võ. Từ đó, Kỳ Gia Môn xuất hiện trên võ đàn Trung Quốc truyền đến ngày nay.
    Sau này con của Kỳ Tín là Kỳ Đại Xương luyện Kỳ Gia Thông bối quyền thành đạt chủ về nhu kình biến hóa đa dạng và hình thành Kỳ Gia Thiếu phái. Kỳ Gia Môn của Kỳ Tín chủ về cương kình dũng mãnh được gọi là Kỳ Gia Lão phái.
    Cuối thời nhà Thanh đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, Ngũ Hành Thông bối quyền rất thịnh hành và cao thủ rất nhiều. Truyền môn nhân của Kỳ Gia Môn như Tu Kiếm Si (danh hiệu "Yên Bắc Đại Hiệp") và Lưu Trí (danh hiệu "Khoái Thủ") rất nổi tiếng
    Trương Sách
    Trương Sách, tự là Tú Lâm, người huyện Hà Hương, tỉnh Hà Bắc, bản tính khẳng khái hiếu nghĩa, khiêm tốn, hòa nhã, học võ nghệ từ Trần Khánh người ở Lương Hương, tỉnh Hà Bắc.
    Sau khi Trần Khánh qua đời, Trương Sách theo sư huynh đồng môn là Vương Chiếm Xuân khổ luyện 9 năm trường mới luyện đạt thành được người đời gọi là "Tỳ Thánh", "Thiết Hài".
    Trương Sách luyện công rất khắc khổ, ngày nào cũng thức dậy canh ba, mặc giáp sắt, mang giày sắt (mỗi chiếc nặng 10 cân) rồi luyện Thông bối quyền không ngừng nghỉ.
    Khi luyện Thông bối quyền, Trương Sách luyện mỗi chiêu mỗi thức lên đến cả ngàn lần rồi mới đổi chiêu đổi thức. Khi luyện Lãnh tụy kình trong thương thuật, Trương Sách ban đêm đốt nhang rồi luyện đâm mũi thương vào đầu nhang đang cháy cho đến sáng mới thôi!
    Đơn đao là binh khí mà Trương Sách luyện đạt đến thượng thừa danh lừng thiên hạ, cao thủ bốn phương tới thách đấu đều bị rớt đao xuống đất. Có một cao thủ đao thuật đến thách đấu, sau khi từ chối mãi không xong, hai bên cùng giao đấu sau vườn nhà ông, hàng xóm kéo đến xem rất đông. Lúc đó đang vào mùa hè, tiết trời rất nóng, hai người mặc áo trắng cầm đao nhập nội vào nhau vờn nhau loang loáng trông rất đẹp mắt. Đang giao đấu, tự nhiên Trương Sách tung mình nhảy ra ngoài rồi cười lớn nói: "Ông còn muốn giao đấu nữa sao?" Vị cao thủ đao thuật kia nghe xong ngơ ngác không hiểu, khách quan xem vây quanh nói: "Ông thử xem lại sau lưng xem sao?" Vị cao thủ kia cởi áo ra xem thì thấy lưng áo bị chém nát tả tơi mà da thịt trên lưng vẫn không hề gì! Sau đó vị cao thủ kia xấu hổ quá lẳng lặng xếp đao lại và bỏ đi không nói một lời nào!
    Trương Sách qua đời năm 1934, thọ hơn 70 tuổi, học trò của ông có Vương Trọng Du, Châu Cảnh Hải, Hàn Kiếm Ngao, Ngô Đồ Nam khá nổi tiếng.
    Tu Kiếm Si
    Tu Kiếm Si, tự là Yên Y, lại có tên là Tu Minh, người Mãn Châu, ở huyện Cố An, tỉnh Hà Bắc, có danh xưng là "Yên Bắc Đại Hiệp".
    Tu Kiếm Si từ thưở nhỏ đã rất thông tuệ và hiếu học. Ông đã được truyền nhân của Kỳ Gia Môn là Hứa Thiên Hòa truyền dạy cho Thông bối quyền.
    Sau khi luyện đạt thành Thông bối quyền, Tu Kiếm Si mở trường dạy võ truyền thụ Ngũ Hành Thông bối quyền. Năm 1933 được mời làm trọng tài võ thuật tỉnh Hà Nam và ở lại đó làm huấn luyện viên võ thuật. Hết nhiệm kỳ, ông trở về Đại Liên.
    Tu Kiếm Si căn cứ vào kinh nghiệm luyện công và giảng dạy nhiều năm của mình đã sáng tạo và chỉnh lý Ngũ Hành Thông bối quyền mở ra một bước đột phá về lý luận.
    Cuối đời Tu Kiếm Si soạn sách lập thuyết, dựa trên các bài quyền cũ mà sáng tạo và biên soạn hệ thống bài quyền như Thông bối chưởng, Thông bối quyền, Thông bối thương, Thông bối công, Thông bối đao nên gọi là Ngũ Hành Thông bối quyền. Do vậy Tu Kiếm Si là nhân vật trọng yếu nhất trong Thông bối quyền vào giai đoạn cận đại và hiện đại.
    Tu Kiếm Si có nhiều môn đồ thành nghệ rất đông, trong đó phải kể đến Vương Chi Hòa ở Quí Châu, Sa Quốc Chính ở Vân Nam, Thành Truyền Nghệ, ... đều nổi danh thiên hạ. Các cao thủ Thông bối quyền hiện đại thành danh đa số đều là học trò của Tu Kiếm Si.
    Thông bối quyền luận
    Sau đây là các bài ca quyết của Thông bối quyền:
    • Bài thứ nhất: Luận Hư Thực
    Thắng bại toàn nhậm hư thực,
    thực tắc dị phá,
    hư tắc nan công,
    nhược bỉ hư ngã thực tắc tính tham,
    tham tắc tính mãnh,
    mãnh tắc xuất thủ vô hư,
    ngộ địch nhất biến thúc thủ hỹ.
    Tạm dịch nghĩa: Bàn về lẽ Hư Thực
    Thắng hay bại đều dựa vào hư và thực,
    thực (chắc và đầy) thì dễ phá,
    hư (rỗng) thì khó tấn công (vì không xác định chính xác),
    nếu địch thủ hư mà ta thực thì là ta tham,
    tham thì hung mãnh,
    hung mãnh thì ra đòn không có "hư" (nghĩa là cứng nhắc không biến hóa)
    nếu gặp địch thủ biến chiêu thì ta phải bó tay.
    • Bài thứ hai: Bát Hốt Luận
    Hốt tất hốt thoái,
    hốt khúc hốt trực,
    hốt cao hốt đê,
    hốt như đại bàng triển dực,
    hốt như viên hầu nhập động.
    Tạm dịch nghĩa: Bàn về 8 yếu tố nhanh và bất ngờ
    Thoắt tiến, thoắt lui,
    thoắt co, thoắt thẳng,
    thoắt cao, thoát thấp,
    như đại bàng tung cánh,
    thoắt như khỉ về hang.
    • Bài thứ ba: Khí Pháp Luận
    Tập võ tiên luyện khí,
    Dụng khí chi pháp,
    thân động khí mạc phù,
    phù tắc túc hạ vô căn.
    Nghi bình kỳ khí tắc khí tự nhiên hạ trầm,
    bất khả cưỡng trầm,
    cưỡng trầm tắc thương cập nội thể.
    Tạm dịch nghĩa: Bàn về Phép luyện Khí
    Tập võ nên luyện Khí trước,
    phép dùng khí là: thân động thì đừng nâng khí lên,
    khí nâng thì chân không vững,
    Nên điều hòa khí thì tự nhiên khí sẽ trầm (hạ thấp) xuống,
    không nên ép khí trầm (nghĩa là hít hơi vào rồi nén chắt xuống đan điền),
    ép khí trầm sẽ tổn hại đến nội tạng. (Khí ở đây cũng có nghĩa là hơi thở tạo Khí) [4]
    • Bài thứ tư: Ngũ Hành Chưởng Luận
    Đập chưởng như đạn bay,
    kình phát từ cổ tay,
    rung, giật, đập, rút.
    Vỗ chưởng như điện chớp,
    kình phát từ vai.
    Đâm chưởng như sao xẹt,
    kình phát ra ngón tay.
    Khoan chưởng như tên bắn,
    kình phát ra từ eo hông.
    Chém chưởng như sét đánh,
    kình phát từ lưng.
    • Bài thứ năm: Thân Thủ Luận
    Đầu đỉnh cảnh lỉnh,
    tiền không hậu phong,
    hư hung ao đỗ,
    thâm bối tùng kiên,
    tý trường uyển hoạt,
    tý bà cốt hoạt như phiến,
    lưỡng thủ tương liên tự tinh chuyển,
    Kiên, trửu, uyển, khoa, tất; tâm lực khí huyết đảm.
    Thủ bối như thiết, uyển như miên
    Lưỡng chỉ các bác như bì tiên
    Kiên tự phong luân, hung như động
    Lưỡng uyển phát động hoạt như điện
    Tạm dịch nghĩa: Bàn về Thân Thủ
    Đầu cổ ngay thẳng,
    trước trống, sau đầy,
    ngực trống, bụng thót,
    căng lưng lỏng vai,
    cánh tay vươn dài,
    cổ tay linh hoạt.
    Khớp xương vai xoay như quạt,
    hai tay nối tiếp nhau như sao chuyển.
    (Phải chú ý) vai, chỏ, cổ tay, hông, gối, cũng như tâm, lực, khí, huyết,sự gan dạ.
    Lưng bàn tay cứng như sắt nhưng cổ tay mềm như bông
    Hai cánh tay vung lên như roi da
    Vai xoay như bánh xe, ngực thâu vào như hang
    Hai cổ tay vận động linh hoạt như điện
    • Bài thứ sáu: Ứng Dịch Luận (Phần quan trọng nhất)
    Kiến động địch thủ như bạt thảo
    Tựa đề anh nhi nhất ban đồng
    Quyền pháp bất ly trung bình chính
    Doanh hư toàn tại linh cơ động
    Dục thoái lai địch ổn chuẩn lang
    Niêm Y phát kình lãnh cấp ngạnh
    Lưỡng thủ linh hoạt xảo liên hoàn
    Cước đạp trung môn vãng lý toàn
    Phát chiêu biến hóa mãnh như lãng
    Thiểm triển giao thác chiêu như điện
    Lưỡng nhân đối trận quan hung đường
    Động thủ tâm mạc hoảng, phá trừ thâu pháp khứ, tất định hữu chủ trương
    Xuất thủ tâm mạc thiện, phát chiêu tiên đả liễm
    Xuất thủ bất đả lưỡng thái dương, nhĩ căn não hậu nhất mệnh vong.
    Tạm dịch nghĩa: Bàn về Phép Ứng chiến (Ca quyết Chiến đấu pháp)
    Thấy đối phương động thủ như phát cỏ
    Xem giống như nâng đứa hài nhi lên vậy
    Quyền không rời ở giữa, ngay chính
    Thắng hay thua là do sự cơ trí linh động
    Muốn đánh lui địch thủ phải vững, chính xác và mạnh bạo
    Bám sát phát kình nhanh và mạnh
    Hai tay khéo léo đi liên hoàn
    Chân bước ở giữa chêm vào trong
    Phát chiêu biến hóa mạnh như sóng dội
    Xoay trở né tránh, ra chiêu như điện xẹt
    Khi đối trận thực chiến nên quan sát vùng ngực đối phương
    Khi ra đòn thì đừng kinh hãi, phải trừ ý nghĩ thua trận, phải xác lập lòng tin
    Ra đòn tâm ý phải dứt khoát, ra chiêu đánh vào mặt trước
    Không nên tấn công vào thái dương, gốc tai và sau não vì rất dễ gây chết người.


  2. #2
    Tham gia ngày
    Dec 2008
    Đến từ
    Lâm Đồng
    Bài gởi
    457
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    tiếp theo mình xin nói về phép đạo dẫn, của zoga

    Phép đạo dẫn là một phương pháp tĩnh tọa luyện tập hơi thở giống như phương pháp của Thiền và Yoga nhằm gia tăng thể lực và trí tuệ.
    Phép đạo dẫn của Đạo gia
    Đây là một phương pháp trong thuật trường sinh của Đạo gia kèm theo thuật luyện Kim đan.
    Phương pháp này chỉ khác Thiền và Yoga một chút là trong quá trình luyện công vận khí không cần nhíu thắt hậu môn để đóng huyệt Trường Cường mà chỉ cần cắn chặt răng và đặt lưỡi ấn lên vòm miệng là cũng đả thông được kinh mạch trên vòng Tiểu Chu Thiên.
    Tiểu Chu Thiên là đường kinh mạch chạy từ huyệt Nhân Trung (ngay giữa phía dưới sống mũi và thuộc phần bên trên môi trên, nơi mọc râu) xuống huyệt Thừa Tương (dưới ngay vùng lõm giữa cằm và phần môi miệng dưới )chạy thẳng qua huyệt Đản Trung (chấn thủy) ngay giữa chỗ lõm xương lồng ngực xuống bụng dưới rốn 3 phân là huyệt đan điền và thẳng xuống huyệt Trường Cường (phía dưới sau lỗ hậu môn) nên phải nhíu thắt lỗ hậu môn để khí đi qua, kế tiếp vòng lên huyệt Mệnh Môn (chính giữa ngang thắt lưng), sau đó chạy qua huyệt Đại Trùy (chỗ lõm ngay sau gáy) và thẳng lên huyệt Bách Hội (giữa đỉnh đầu), cuối cùng vòng xuống huyệt Ấn Đường (ngay giữa đôi lông mày trước trán) nên phải ngậm chặt hàm răng và để đầu lưỡi ấn lên vòm miệng rồi về Đan Điền. Trong suốt quá trình vận khí phải luôn nhíu thắt hậu môn và cắn chặt răng ấn lưỡi lên vòm miệng để đóng cửa trên (vòm miệng) và cửa dưới (huyệt Trường Cường) nhằm đả thông kinh mạch vòng Tiểu Chu Thiên. Đây là phép luyện công vận khí của Thiền và Yoga được các sư tăng Phật giáo luyện tập thường xuyên trên con đường tu đạo.
    Có hai huyệt đạo mà khó dùng ý dẫn khí chạy qua nhất là huyệt đản trung (chấn thủy) ngay giữa chỗ lõm xương lồng ngực, và huyệt đại trùy (chỗ lõm ngay sau gáy).
    Phép đạo dẫn và khí công Thiếu Lâm
    Phép đạo dẫn, Thiền, và Yoga chính là cơ sở của khí công Thiếu Lâm sau này. Trong giới luyện khí công, thường có câu truyền tụng rằng Khí công là sự phối hợp giữa phép đạo dẫn và thiền của Phật giáo cùng Yoga của Ấn Độ.
    Giới võ thuật Trung Hoa cũng thường hay có câu truyền tụng:
    Lực bất đả quyền,
    quyền bất đả công,
    luyện quyền bất luyện công,
    đáo lão nhất trường không,
    luyện công bất luyện quyền,
    hậu thế thất nhân truyền.
    Nghĩa là: người có sức lực không đánh nổi người giỏi quyền thuật, người giỏi quyền thuật không đánh nổi người luyện công phu nội lực, luyện võ mà không luyện công phu (công phu đây phải hiểu là khí công và nội công) thì khi về già cũng bằng không, nhưng luyện công phu mà không luyện võ thuật thì đời sau cũng không có kẻ để truyền lại vì người tham gia tập công phu thì nhiều nhưng không phải ai cũng có cơ duyên hạnh ngộ luyện tập đạt thành tựu kỳ vĩ.
    Tinh - Khí - Thần, tam bảo của con người
    Trong giới luyện khí công cũng thường hay đề cao tam bảo là ba báu vật của con người, nhất là khi luyện công: tinh, khí, thần.
    Tinh
    Là phần tinh hoa của con người là cốt lõi của khí tiên thiên (do cha mẹ tạo ra) và khí hậu thiên (do ăn uống và hít thở dưỡng khí) kết hợp mà thành, không nên làm tiêu hao tinh lực trong các trò ăn chơi sa đọa, đặc biệt là đam mê nữ giới là điều úy kỵ trong khi luyện công và dễ làm tiêu hao cạn kiệt tinh lực.
    Khí
    Là phần thăng hoa do luyện tập làm Tinh hóa Khí, là nguồn năng lực nội sinh (Internal Power) nguyên ủy từ gió (cung Tốn) phía trên lồng ngực đưa xuống thổi bùng lửa ở Tâm hỏa (Tim) và huyệt Mệnh Môn (ngang giữa thắt lưng) hóa Tinh ở bể Thận là vùng Bàng Quang (Bọng đái) và Đan Điền (dưới rốn 3 phân) thành Khí bay lên tạo ra năng lượng cơ thể. Do vậy khi ngồi luyện thở (khí công) hay Thiền lâu ta có cảm giác có luồng hơi nóng xuất hiện ở bụng dưới (huyệt Đan Điền) và vùng giữa bụng là như thế.
    Thần
    Là trạng thái cao nhất của năng lực nội sinh, cho nên sách nói luyện Thần hoàn hư là luyện cho Khí luân lưu khắp châu thân để tạo nên vận động có khí lực mạnh mẽ và hình hài có phong thái tinh anh.
    Tinh - Khí - Thần của con người thường được ví như ngọn đền dầu, nếu dầu tiêu hao hoang phí, tất ngọn đèn cũng giống như đèn treo trước gió, sinh mạng hiểm nguy, chết lúc nào không biết, mấy lời khuyến cáo những người ham mê sắc dục nữ giới và có lối sống vô độ phóng túng là lời cổ nhân truyền lại không phản khoa học chút nào là vậy.
    Cho nên Đông Y học cổ truyền Trung Quốc và giới võ thuật cổ truyền Trung Hoa thường có câu: " Bế tinh, luyện khí, tồn thần" và "thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình".
    Thanh tâm nghĩa là tâm trí luôn trong sáng, loại bỏ lục dục thất tình, cổ nhân nói : "Đa dâm bại tâm" là vậy. Kẻ ham mê sinh hoạt xác thịt với nữ giới sẽ dẫn đến tâm thần u mê ám chướng, trí óc dễ dãi và ngu muội.
    Quả dục, nghĩa là phải tiết chế tất cả ham muốn mà không riêng gì ham muốn sinh hoạt với nữ giới.
    Thủ chân, nghĩa là phải giữ chân tâm không đi vào con đường tội lỗi, nghiệp chướng tà đạo mà tạo vòng nhân quả cho thân tâm cản trở trên bước đường hành công tâm pháp.
    Luyện hình, năng luyện tập chuyên cần để hình vóc luôn khoẻ mạnh mau đạt công phu.
    Như vậy có thể thấy rằng các giới luật và nguyên lý trong luyện công vận khí của võ thuật có nguyên ủy xuất phát xa gần với các phương pháp và giáo lý của tôn giáo không mấy xa lắm. Đây không phải là một phạm trù đạo đức thuần túy mà nó liên quan đến nguyên lý luyện công, hành công tâm pháp mau đạt hiệu quả công phu.
    Khí công và quyền thuật
    Trong võ thuật thường hay áp dụng các phương pháp trên vào trong quyền thuật qua các phương pháp dụng khí hóa kình, vận khí hóa kình, kết hợp hơi thở và dùng tâm ý dẫn khí hóa thành kình lực tạo hiệu quả trong các chiêu thức (đòn đánh) khi tấn công mục tiêu và công phá đối tượng vật cản trên cơ sở kết hợp điều thân (đặt mình vào trong một tư thế, chiêu thức vận động của quyền pháp), điều tức (hơi thở kết hợp động tác và sự dẫn khí), điều tâm (dùng tâm ý dẫn khí tập trung sức mạnh của khí lực từ đan điền lên ngực và lưng, vai, cánh tay, gót chân, đùi, hông, eo). Phương pháp này chỉ xuất hiện tại các môn võ của Á Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam).
    Về hơi thở thì phải thâm (sâu), trường (dài), quân (đều), tĩnh (êm), khai khoát tự nhiên (thoải mái tự nhiên).
    Về cơ thể phải luôn buông lỏng và tuyệt đối không được gồng cứng, vì gồng cứng sẽ làm cho khí lực không lưu thông, cơ thể sinh bệnh, khí huyết bị ngưng trệ, cơ bắp và gân xương bị căng cứng và co rút gây ra thần kinh căng thẳng, tâm trí bất an hỗn loạn, hơi thở sẽ dồn dập, tất cả sẽ tạo ra stress làm ức chế các hoạt động tâm thức không chạm vào được phần vô thức sâu xa để điều chỉnh trạng thái quân bằng cho cơ thể, xương sống lưng phải luôn giữ ngay thẳng cùng hai vai buông lỏng để cho khí lực dễ dàng tập trung, đầu cổ ngay ngắn, thân thể không xiêu vẹo.
    Chúng ta có hai hệ thần kinh: hệ thần kinh động vật gắn liền với các quá trình tâm lý ý thức và hệ thần kinh thực vật gắn liền với các quá trình tâm lý vô thức. Ta thường thấy các đạo sĩ Yoga Ấn Độ làm được nhiều chuyện phi thường như chôn sống dưới đất 80 ngày vẫn sống (nhịn ăn nhịn uống còn chịu được, ở đây nhịn thở !!!), làm tim ngừng đập (chết lâm sàng), ... vì họ đã tập luyện đến mức làm chủ được hệ thần kinh thực vật.
    Các tác pháp, võ thuật gọi là yếu pháp, yếu lý, quyền lý, thường dẫn rõ trong khí công được coi là có nguồn gốc từ Thiền thông qua tác phẩm Trung luận hay Trung quán luận của Phật giáo và các bản kinh Đại Thủ Ấn của trường phái Thiền Đốn Ngộ có ghi rõ các yếu lĩnh về phương pháp điều thân - điều tức - và điều tâm. Tác phẩm Trung luận này giới Triết học thường xem là tác phẩm bàn về Bản thể luận của Phật giáo, tức là bàn về cái nguyên ủy (the First hay le Première xuất hiện đầu tiên sáng tạo ra thế giới, duy tâm: Thượng đế, hay duy vật vô thần: vật chất). Về mặt võ công, có thể nói đây là cuốn sách võ công thượng thừa mà các nguyên lý triết học và phép biện chứng của Phật giáo không hề dễ hiểu trên các phạm trù chân như, hư không.
    Một số điều cần lưu ý trong Khí công
    Phép đạo dẫn của Đạo gia không cần nhíu thắt vùng cơ hậu môn là nơi huyệt Trường Cường khí đi qua. Nếu tu luyện công phu theo Đạo gia thì không có gì bàn thêm.
    Tuy nhiên tu luyện theo trường phái Phật gia thì hay nhíu thắt hậu môn để kích động khí hỏa [1] nơi huyệt Trường Cường (vùng lỗ hậu môn) và huyệt Mệnh Môn (ngay giữa ngang xương sống vùng thắt lưng) có mấy điểm cần lưu ý:
    Khi luyện như vậy, có thể dẫn đến các chứng ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu do hỏa khí hưng vượng (phát triển lên). Khi đó không nên tiếp tục mà phải tập theo Đạo gia.
    Khi luyện theo Phật gia nên cần uống nước thật nhiều vào mỗi sáng thức dậy và tiếp tục cả trong ngày. Ăn uống nên tránh đồ ăn có chất thịt (protéin) vì là thức ăn dương tính, nên ăn nhiều rau cỏ và thực vật vì mang âm tính.
    Khi luyện khí công nên giữ cho cơ thể điều độ cân bằng hai trạng thái âm dương.
    Cẩn thận khi luyện theo Phật gia vì cơ địa (cơ thể tự nhiên) của mỗi người khác nhau, có người tập luyện mau bốc hỏa khí, có người tập lâu hơn mới bốc hỏa khí, nghĩa là khi đó cơ thể sinh nhiệt. Như vậy có thể dẫn đến các chứng mọc mụn nhọt hay mủ nhọt trong cơ thể do cơ thể nóng lên, khi đó phải ngừng và chuyển sang cách tập của Đạo gia nghĩa là không kích thích huyệt Trường Cường và huyệt Mệnh Môn nữa.
    Chú thích
    1. ^ Hơi nóng, trong Yoga gọi là Kundalini hay luồng hỏa hầu, tiếng Anh dịch nghĩa là Corporal energy tương đương khái niệm Tâm hỏa trong Đông y học Trung Quốc
    để tránh hỏa khí khi luyện tap khí công ,bài dả làm tăng độ rắn chắc của cơ thể .sau khi luyện cần di bộ và hít khí trời trong lành trong vài phut để diệt hỏa khí có thể tham khảo sách thái dương công phu tâp 1

    Võ thuật và các bộ môn hỗ trợ
    Hô hấp
    Trong võ thuật, hô hấp được chia làm hai loại chính là Nội hô hấp và ngoại hô hấp.
    Các phương pháp hô hấp này có trong võ thuật là do Bồ Đề Đạt Ma và các môn đồ Thiếu Lâm, các môn đồ các phái võ Trung Hoa hấp thu từ các phương pháp luyện thở của Yoga và Phép đạo dẫn (luyện thở, luyện hô hấp) của các trường phái Đạo gia để vận dụng chúng huy động nguồn sức mạnh của thân xác và tâm trí đạt hiệu quả cao khi luyện võ công.
    Nội hô hấp
    Đây là hoạt động của chân khí, là sự tiếp thu dưỡng khí, các chất bổ đưa đến từng tế bào và biến chuyển các dạng năng lượng. Hoạt động này bắt đầu từ lúc cơ thể con người chỉ là thai nhi. Nội hô hấp theo thời gian sẽ dần thoái hóa nhường chỗ cho ngoại hô hấp tiến triển.
    Ngoại hô hấp
    Thể hiện cho hoạt động hô hấp bằng mũi, bắt đầu xuất hiện khi chúng ta ra khỏi bụng mẹ. Ngoại hô hấp dần dần phát triển mạnh mẽ để nuôi dưỡng và cung cấp dưỡng khí cho cơ thể.
    Khí
    Khí động học
    • Dựa trên các quy luật tự nhiên để chuyển động, nguyên tắc chủ yếu là thuận theo quy luật tự nhiên, mọi thứ đều khép kín tuần hoàn lưu chuyển như dòng nước.
    • Sử dụng và thể hiện nỗ lực lưu thông khí của cơ thể (như những tiếng hét) để tạo sức mạnh nén khí và giải tỏa khí.
    Khí vũ trụ
    Con người sống trong vũ trụ sinh hoạt và chuyển động đều có tương quan đến vũ trụ, nếu thuận theo vũ trụ và khí từ vũ trụ thì sẽ lớn mạnh, còn ngược lại sẽ bị hủy hoại. Võ thuật lợi dụng đặc tính này để tạo ra các hình thức luyện tập nhằm nâng cao thể trạng như nội công, khí công, hấp pháp v.v.
    Triết học phương Đông với võ thuật
    Võ thuật là một bộ môn văn hóa đặc trưng gắn liền với triết học. Các võ sư đã đúc kết bằng câu nói nổi tiếng: "đằng sau võ học là triết học". Các bộ môn võ học phương Đông đều dựa trên nền tảng các nguyên lý triết học:
    Âm dương
    Âm dương là hai mặt quan hệ đối lập nhưng hỗ trợ nhau, võ thuật lấy bản thân người tấn công và người phòng thủ làm hai mặt này. Để đạt đến mục đích công phá cao nhất thì phải đẩy một mặt đặc tính lên cao nhằm lấn át mặt còn lại.
    Ngũ hành
    Ngũ hành là quy luật hậu thiên tương ứng với bản chất con người, để nâng cao hiệu quả phải biết nâng cao mặt yếu và trấn áp sự thái quá. Dựa trên ngũ hành các quy luật võ thuật tạo ra sự bổ khuyết cho nhau cũng như sự quấy rối bản chất nhau.
    Bát quái
    Bát quái như một sự phát triển cao hơn của âm dương, nó thể hiện chu kỳ hoàn chỉnh xoay vần của tạo hóa. Tuân theo bát quái để chuyển động cũng là tạo ra một chu trình sinh hóa của tự nhiên, lúc đó mọi vấn đề còn lại sẽ phụ thuộc vào kẻ điều khiển chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi xung quanh.
    Cửu cung
    Là một biến thiên của bát quái khi thêm trung cung, tạo ra chỉnh thể tương ứng với quy luật vận hành của con người. Đây là một kiến tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu vận động của một số lượng người nhiều, hầu như ngày nay không còn được ứng dụng mấy (ví dụ như biểu diễn tập thể hàng ngàn người)
    Đông y với võ thuật
    Luyện tập sơ khai võ thuật thì không cần chú trọng đến bản chất, các phương pháp chữa trị khi biến chứng xẩy ra hoặc phản ứng của cơ thể với quá trình luyện tập. Khi luyện tập những thứ dễ bị lệch lạc hay khó thì các phương pháp thăm dò, theo dõi biến chuyển là một trong những trọng tâm của quá trình luyện tập.
    Kinh, mạch, lạc
    • Kinh là 12 đường trực hành liên hệ trực tiếp đến tạng phủ. Sự vận hành khí của võ thuật tuân thủ chặt chẽ theo sự chuyển động của các đường kinh.
    • Mạch là 8 đường hay còn gọi là bát mạch như tám đại dương để khí từ các kinh đổ vào. Đây là những nơi được chú ý đến nhiều nhất trong võ thuật, hầu hết các hành giả luyện tập đều cố khai thông chúng.
    • Lạc gồm 15 đường chạy lẫn trong các kinh âm và dương nối các đường kinh với nhau. Những lạc nhỏ là tôn lạc, phù lạc chạy khắp thân thể. Là phần phải thông qua để đạt đến vòng Đại Chu Thiên hoàn chỉnh.


    Một số huyệt đạo chính
    Huyệt đạo
    Huyệt đạo là những điểm có khí tụ lại lớn, thường là những điểm giao nhau của nhiều đường kinh mạch.
    • Dựa trên các khái niệm khí huyết lưu chuyển trên võ thuật cho ra đời hai vòng lớn là Tiểu chu thiên và Đại chu thiên.
    Huyệt đạo là những điểm nhạy cảm trên thân thể, theo đó người dụng võ có thể tấn công vào các huyệt đạo để gia tăng tính sát thương của đòn thế. Khi bị tấn công vào huyệt đạo, người chịu đòn có thể có những phản ứng rất đặc biệt: đau đớn dữ dội, chấn thương nặng, bất tỉnh, chết. Huyệt đạo trong võ thuật cũng gắn trực tiếp với các phương pháp cứu chữa người bị chấn thương, bệnh tật. Theo các võ sư, cơ thể có 108 huyệt đánh và 108 huyệt chữa trị, lại có 12 huyệt có thể đánh hẹn giờ chết. Các võ sư thường truyền dạy không chỉ phương thức tấn công huyệt đạo mà cả các phương pháp chữa trị bằng huyệt đạo như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu. Tuy nhiên, biết được vị trí huyệt đạo đã khó, biết được cần tác động bằng phương thức nào và độ sâu của đòn đánh đến đâu để đạt được hiệu quả tính cao nhất còn khó hơn. Bởi vậy, điểm huyệt và giải huyệt chưa bao giờ được truyền dạy một cách phổ thông, quảng bá cho tất cả các môn đồ của võ phái, do đó theo thời gian những tinh hoa này không tránh khỏi mai một và thất truyền.

  3. #3
    Tham gia ngày
    Dec 2008
    Đến từ
    Lâm Đồng
    Bài gởi
    457
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    còn đây mình xin trình bày về dịch cân kinh VN mà mình đọc được trên mạng
    NGUỒN GỐC
    Trong hằng trăm nghìn ngôi chùa Phật giáo trên thế giới, không một ngôi chùa nào được tiểu thuyết hóa, huyền thoại hóa và thần thánh hóa bằng chùa Thiếu Lâm bên Trung Quốc (1). Và cũng trong hằng triệu vị tăng, không vị nào được viết, được nói, được tôn sùng bằng ngài Bồ đề Đạt ma. Bỏ ra ngoài vấn đề tôn giáo, quả thực Ngài là một trong những người đã đem Thiền công vào Trung-Quốc và làm cho quảng bá.
    Ghi chú: Trung-Quốc có 3 ngôi chùa đều mang tên Thiếu-Lâm.
    1. Hà-Nam đăng phong Tung-Sơn Trung-Châu Thiếu-Lâm tự,
    2. Hà Bắc Bàn-Sơn Thiếu-Lâm tự,
    3. Phúc-Kiến Tuyền-Châu Nam Thiếu-Lâm tự,
    Một trong những sự kiện người ta từ thần thánh hóa ngài, rồi đi đến ngụy tạo ra những bộ Thiền-công, Khí-công và gán cho ngài là tác giả. Trong đó có bộ Dịch Cân Tẩy Tủy Kinh. Bài tựa bộ Thiếu-Lâm tự tư liệu của Vưu Cốc, Diêu Nguyên, do Văn-Hiến xuất bản xã Bắc-Kinh, xb. tháng 10-1984, phần tựa, trang 2 viết:
    Từ trước đến nay, mật bản Dịch Cân kinh nói là nội công Thiếu-Lâm, rồi được lưu truyền trên trăm năm đến giờ. Căn cứ vào sự kết thành của nội dung bộ sách cũng như cú pháp thì không thể nào tin được. Bộ này chỉ có thể được viết vào thời Thanh Khang-Hy (1662-1723), Ung-Chính (1723-1736) là quá. Trong thời vua Quang-Tự (1875-1909), chính Phúc-Sơn Vương Tổ Nguyên cũng đã viết: Xét đến Tung-Sơn Thiếu-Lâm tự, người ta mạo ra tập Nội-công đồ, phổ biến rất rộng".
    Thực sự Dịch Cân kinh là bộ sách Khí-công do các Đạo-gia Trung-Quốc soạn ra vào cuối đời Minh hay đầu đời Thanh, tương đương với bên Đại Việt vào cuối đời Lê sang đời Nguyễn. Lúc mới xuất hiện Dịch Cân kinh chỉ là một trong hằng trăm bộ sách Khí-công, không quá siêu việt. Bộ sách này trước năm 1950 chẳng nổi tiếng cho lắm. Nhưng từ khi nhà văn Kim Dung, tiểu thuyết hóa đi trong Thiên long Bát bộ, thì bộ kinh này trở thành thánh kinh. Nổi tiếng đến độ đã có người bị ngã gẫy chân, thay vì đi tìm thầy điều trị, lại nằm ỳ ở nhà luyện, chút nữa phải cưa chân. Tác giả Dịch Cân kinh không biết là ai.
    Dịch Cân kinh ra đời khoảng 1662-1736, thế nhưng Kim-Dung lại cho nhân vật tiểu thuyết Mộ Dung Bác, Du Thản Chi, Cưu Ma Trí luyện vào đời Bắc Tống (960-1127). Có lẽ Kim Dung cho rằng mình viết tiểu thuyết, nên không cần sự chính xác, rồi ông cũng và gán cho tác giả là ngài Bồ-đề Đạt-ma của chùa Thiếu-Lâm. Thành ra từ thập niên 60 thế kỷ thứ 20, người Việt không hề thấy bộ sách này, rồi cho rằng đó là bộ sách trong huyền thoại, không có thực.
    Một số người thất học, trong đó có vài võ sư, vài thầy lang Việt-Nam, chưa hề thấy bản Dịch Cân kinh trên, họ bịa ra nhiều bản Dịch Cân kinh, rồi đem phổ biến. Tất nhiên quần chúng tin ngay. Trong thời gian 1960-1975 ở miền Nam Việt-Nam, ngay khi ra ngoại quốc (1975-2001) lưu truyền một phương pháp luyện Dịch Cân kinh, bằng tiếng Việt, chỉ có một thức duy nhất là đứng thẳng buông lỏng rồi vẫy tay như chim non tập bay. Đính kèm còn chép thêm rằng nhiều người tập, đã chữa khỏi ung thư gan, lao, thận, Parkinson, tăng huyết áp, và hàng chục thứ bệnh nan y. Cho rằng đây là một ấn bản khác của Dịch Cân kinh, tôi đã bỏ công tra trong các thư viện của những Đại-học Y-khoa Thượng Hải, Giang Tô, Hồ Nam, Phúc Kiến, dĩ chí đến các gia, các phái võ thuộc các hệ Thiếu-Lâm ở Hương Cảng, Đài Loan, nhưng cũng không thấy. Vì vậy tôi đặt tên bản này là Dịch Cân Kinh Việt-Nam (DCKVN), vì được sáng tác vào thời kỳ 1960-1975.
    Gần đây một vài tờ báo Việt-ngữ bên Hoa-Kỳ lại lưu truyền một bản Dịch Cân kinh nữa, hơi giống bản DCKVN, hơn nữa còn đăng lời xác nhận giá trị của Bác-sĩ Lê Quốc Khánh (sinh 1932), người từng học ở Đại-học Quân-y, từng làm việc chung với các Bác sĩ Pháp, Mỹ, Phi-Luật-Tân, và cộng tác với Bác-sĩ Đinh Văn Tùng trong công cuộc nghiên cứu trị ung thư bằng Phẫu-thuật (1936-1965), nghĩa là ông Khánh mới 3 tuổi đã thành Bác sĩ. (Tài liệu đính kèm). Tôi không phủ nhận tập tài liệu này, tôi hứa sẽ nghiên cứu kỹ rồi xác nhận sau.
    Từ năm 1974, một số Đại-học Y-khoa Trung Quốc dùng Dịch Cân kinh làm khóa bản giảng dạy cho các thầy Tẩm-quất (Kinésithérapeutre) và Bác-sĩ Thể-thao để luyện lực phục hồi sau khi trị bệnh bị tiêu hao chân khí. Tài liệu còn dùng trị bệnh kết hợp Tây-y, Trung-dược, Châm-cứu:
    • Lão khoa (Geratology)
    • Tâm thần học, (Psychiatrics)
    • Thần kinh học, (Neurology)
    • Niệu khoa (Urology)
    • Phong thấp (Rhumatology)
    • Phế khoa (Pneumology)
    • v.v...
    Đến Đại hội Y-khoa toàn quốc năm 1985 tại Trung-Quốc, các trường Đại-học Y-khoa trao đổi kinh nghiệm, đã chú giải, phân tích, tước bỏ phần có hại, hoặc không có kết quả đi. Từ đấy Dịch Cân kinh được giảng dạy chung với một số bộ Khí-công khác, theo thứ tự là:
    1. Dịch Cân kinh,
    2. Tráng yêu bát đoạn công, (8 thức luyện cho lưng khỏe).
    3. Ngũ cầm công, (năm thức luyện nhái theo 5 loại thú).
    4. Bát đoạn cẩm, (8 thức Khí-công đẹp như gấm).
    5. 24 thức luyện công của Trần Hy-Di.
    6. Nội đơn thuật (căn cứ vào Kinh Dịch, Đạo Đức kinh).
    7. Thất diệu pháp môn (bẩy phép luyện công tuyệt diệu).
    Sở dĩ Dịch Cân kinh được đưa lên hàng đầu vì những lý do sau:
    • Dễ luyện,
    • Luyện mau kết quả,
    • Khi luyện dù trẻ con, dù người già, dù ngộ tính kém cũng thu được kết quả.
    • Dù luyện sai, chỉ thu kết quả ít, chứ không sợ nguy hiểm.
    Tuy vậy nếu bàn về kết qủa luyện thần, luyện thể thì Dịch Cân kinh thua xa 24 thức luyện của Trần Hy Di. Vì luyện Thiền-công, Khí-công từ nhỏ, nên trong thời gian học tại Đại-học Y-khoa Thượng-hải, tôi theo dõi những buổi giảng Khí-công rất kỹ. Sau khi rời Thượng-Hải, trở về Paris, tôi luyện Dịch Cân kinh liên tiếp 5 năm. Rồi giảng dạy. Trong lúc giảng, tôi đã gặp những khúc mắc khó khăn về sư phạm, không phân giải được, đành chịu, không biết bàn với ai. Phải chờ đến 1987, tôi sang Úc, ở tại nhà bào đệ là Trần Huy Quyền vấn đề mới được soi sáng.
    Trong gia đình sáu anh em tôi, thì Quyền là người thông minh nhất. Bất cứ vấn đề gì rắc rối, bí hiểm đến đâu, Quyền chỉ suy nghĩ khoảng nửa giờ là kiến giải sáng suốt. Tôi là thầy thuốc thiếu kinh nghiệm dạy võ thuật, lại nữa tôi chỉ dạy Khí-công cho những sinh viên đã tốt nghiệp Đại-học Y-khoa, nên không có cái nhìn tổng quát. Còn Quyền thì dạy đệ tử nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất có khi tới 80, lại có đủ trình độ kiến thức. Vì vậy Quyền nhiều kinh nghiệm sư phạm hơn tôi. Tôi đem Dịch Cân kinh ra bàn với Quyền. Vì Quyền đã học võ từ năm 11 tuổi, dạy võ 22 năm (năm đó Quyền 42 tuổi), rất nhiều kinh nghiệm. Trong một tháng, anh em đã trao đổi, bao nhiêu khúc mắc đều giải được hết. Năm sau (1988) tôi trở lại Úc, chúng tôi ra soạn thành tài liệu.
    Nay nhân Đại hội Y-khoa Châu-Âu của ARMA, do yêu cầu của anh em, một lần nữa tôi sửa đổi, thêm kinh nghiệm, đem ra giảng dạy. Tôi tin rằng anh chị em sẽ hội lĩnh được hết. Trước là luyện cho thể kiện, tâm an, thần tĩnh. Sau là dạy cho thân chủ, giúp họ trị bệnh.
    NỘI DUNG
    Bản Dịch Cân kinh mà các Đại-học Y-khoa Trung-Quốc dùng là cổ bản từ cuối đời Minh, đầu đời Thanh, lưu truyền tới nay. Nội dung Dịch Cân kinh chia ra làm 12 thức. Mỗi thức gồm nhiều câu Khẩu-quyết, theo thể văn vần để dễ nhớ. Tôi không phiên âm, cũng như dịch nguyên văn, vì tối vô ích. Tôi chỉ giảng nghĩa, phân tích các câu quyết đó rất chi tiết. Tuy nhiên sau mỗi thức tôi cũng chép nguyên bản bằng chữ Hán, cũng như hình vẽ trong cổ bản để độc giả tham chước. Về tên mỗi thức, tôi không theo cổ bản mà theo bản của các Đại-học Y khoa Trung-Quốc.
    Cũng như tất cả thư tịch Trung-Quốc, trải qua một thời gian dài, các câu Khẩu-quyết này bị nạn tam sao thất bản. Khi san định, phân tích để đem làm tài liệu, ban tu thư các Đại-học đã vứt bớt đi hầu hết các bản, chỉ nghiên cứu 27 bản mà thôi. Phần tôi trình bầy đây là theo bản của Đại-học Y-khoa Thượng-Hải và tham chước bản của các Đại-học Thành-Đô, Giang-Tô, Bắc-Kinh, Vân-Nam.
    Mỗi thức gồm có:
    • Động tác và tư thế, để chỉ thế đứng khởi đầu, rồi các động tác biến hóa, thở hít.
    • Hiệu năng (actions), để chỉ tổng quát của kết quả đạt được nếu luyện đúng.
    • Chủ trị (Indications). Tôi dùng chữ Chủ-trị sát nghĩa hơn là chữ Chỉ-định.
    • Vị trí, huyệt vị. Mỗi khi định vị trí trên cơ thể, tôi diễn tả rất chi tiết, để đọc giả có thể luyện một mình. Tuy nhiên tôi lại mở ngoặc định rõ chỗ ấy thuộc kinh nào, huyệt nào, để các vị Bác-sĩ, Châm-cứu gia, Võ-sư, dễ nhận hơn. Độc giả chẳng nên thắc mắc làm gì.
    Chuẩn bị
    ĐIỀU KIỆN ĐỂ LUYỆN
    • Từ sáu tuổi trở lên.
    • Chỗ luyện phải thoáng khí, không bị nhiễu loạn vì tiếng động, không nóng hay lạnh quá (20 đến 30 độ C).
    • Ăn vừa đủ no, không đói quá, không no quá, không say rượu.
    • Y phục rộng.
    • Giải khai đại tiểu tiện trước khi luyện.
    • Luyện từng thức theo thứ tự.
    • Không nhất thiết phải luyện đủ 12 thức một lúc.
    • Khi mới luyện, luyện từng thức một. Tỷ dụ hôm nay luyện thức thứ nhất. Ngày mai ôn lại thức thứ nhất, rồi luyện sang thức thứ nhì. Ngày thứ ba ôn lại hai thức đầu rồi luyện thức thứ ba.
    • Mỗi ngày luyện một hay hai lần.
    Trong toàn bộ tôi dùng chữ :
    • Thổ nạp để chỉ thở hít hay hô hấp.
    • Thổ (hô) để chỉ thở ra. Còn gọi là thổ cố nạp tân (thở khí cũ ra, nạp khí mới vào).
    • Nạp (hấp) để chỉ hít vào. Thổ nạp dài ngắn tùy ý, không bắt buộc.
    • Dẫn khí, tức dùng ý dẫn khí, hay tưởng tượng dẫn khí theo hướng nhất định.
    TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN LUYỆN
    • Đang bị cảm, cúm, sốt.
    • Bị thương các vết thương chưa đóng sẹo.
    • Phụ nữ có thai từ 3 tháng trở đi (Phụ nữ đang cho con bú luyện rất tốt).
    • Ăn no quá hay đói quá.
    • Sau khi làm việc quá mệt.
    TƯ THÚC DỰ BỊ LÚC MỚI LUYỆN
    • Đứng: thân ngay thẳng tự nhiên.
    • Hai chân mở vừa tầm, rộng bằng hai vai,
    • Gối, bàn chân tự nhiên, thẳng,
    • Hai vai, tay buông thõng, hai bàn tay khép nhẹ,
    • Mắt nhìn thẳng phía trước, không lưu ý vào hình, cảnh,
    • Tiến hành toàn thân buông lỏng: Mắt đầu, cần cổ, hai vai, hai tay, ngực, lưng, bụng, đùi, chân...
    • Buông lỏng hay còn gọi là phóng túng, nghĩa là thả cho cơ thể tự do, không cố gắng, không chú ý, không suy nghĩ.
    • Ý niệm: thần tĩnh, không suy nghĩ, không chú ý đến âm thanh, mầu sắc, nóng lạnh.
    • Hơi thở bình thường. Đây là tư thức căn bản, lấy làm gốc khởi đầu cho nhiều thức. Tất cả các thức Dịch Cân kinh đều là Lập thức (thức đứng). Không có Ngọa thức (thức nằm) và Tọa thức (thức ngồi).
    HIỆU NĂNG
    • Điều thông khí huyết,
    • Tăng vệ khí,
    • Ích tủy thiêm tinh,
    • Kiên cân, ích cốt.
    • Gia tăng chân-nguyên khí,
    • Minh tâm, định thần,
    • Giữ tuổi trẻ lâu dài.
    • Gia tăng nội lực.
    CHỦ TRỊ
    • Có thể trị độc lập, hay phụ trợ cho việc trị bệnh bằng bất cứ khoa nào: Tây-y, Châm-cứu, Trung-dược v.v. [br] - Phục hồi sức khỏe sau khi trị bệnh:
    • Trị tất cả các bệnh khí: khí hư, bế khí, khí hãm.
    • Trị tất cả các bệnh về huyết: huyết hư, bần huyết.
    • Trị tất cả các chứng phong thấp.
    • Trị tất cả các bệnh về thần kinh.
    • Trị tất cả các bệnh tâm, phế.
    THU CÔNG
    Kính thưa Quý-vị
    Kinh nghiệm giảng huấn Khí-công mà chúng tôi thu được :
    • Dù tuổi trẻ, dù cao niên,
    • Dù tư chất cực thông minh hay bình thường,
    • Dù người mới tự luyện,
    • Dù những vị Bác-sĩ thâm cứu Trung-y, dù các vị lương y,
    • Dù các võ sư, hay huấn luyện viên võ thuật.
    Sau khi tập ngoại công, luyện nội công, luyện khí công xong, thì chân khí nảy sinh. Chân khí nảy sinh, cần quy liễm lại, thì mới không bị chạy hỗn loạn. Vì vậy Quý-vị cần hướng dẫn cho thân chủ thu công

    Thức thứ nhất: Cung thủ đương hung (Chắp tay ngang ngực)

    ĐỘNG TÁC, TƯ THẾ
    1.1. Tý tiền bình cử (hai tay đưa ngang về trước), hai tay duỗi thẳng, hai bàn tay từ từ úp vào nhau, rồi đưa lên tới vị trí ngang ngực. (H1).
    1.2. Cung thủ hoàn bao (vòng tay khép lại): cùi chỏ từ từ co lại, cho đến khi hai cánh tay ép nhẹ vào thân. Hai bàn tay hướng thượng. Hai vai hạ xuống, xả khí trong lồng ngực. Xương sống buông lỏng. Khí trầm đơn điền. Lưỡi đưa sẽ chạm lên nóc vọng (palais). Giữ tư thức từ 10 phút đến một giờ, mắt như nhìn vào cõi hư vô, hoặc nhìn vào một vật thể thức xa. Cứ như vậy trong khoảng một thời gian nhất định, tâm trung cảm thấy thông sướng. Đó là cách thượng hư hạ thực.(H2).
    HIỆU NĂNG
    • Trừ ưu, giải phiền,
    • Giao thông tâm thận.
    CHỦ TRỊ
    • Mất trí nhớ, tim đập thất thường.
    • Dễ cáu giận,
    • Nóng nảy, thiếu kiên nhẫn,
    • Trong lòng lo sợ vô cớ,
    • Thận chủ thủy, tâm chủ hỏa. Khi tâm thận bất giao, tức thủy không chế được hỏa, sẽ sinh mất ngủ, mất trí nhớ. Thức này có thể điều hòa tâm thận.
    HÌNH ẢNH
    H1 H2 Nguyên bản



    ÐỊNH NGHIÃ
    Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu trong khắp cơ thể theo các đường Kinh mạch vào Lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện dưới cả hai dạng vật chất và tinh thần, nhưng mắt ta không nhìn thấy được (không được lầm lẫn giữa Khí và Không Khí. Không khí là khí trời, là phương tiện để ta hô hấp trong lúc luyện Khí.)
    Mỗi người sinh ra đều mang trong cơ thể một lượng khí nhất định, nhiều ít tuỳ theo từng người. Ðó là Khí trời cho, tức Khí thụ hưởng từ cha mẹ, còn gọi là Tiên Thiên Khí hay Khí Bẩm Sinh. Ngoài Tiên Thiên Khí, hàng ngày con người còn tiếp thụ một lượng Khí từ bên ngoài vào cơ thể mình xuyên qua đồ ăn thức uống, không khí, ánh sáng, vũ trụ tuyến và môi trường sống nói chung. Loại khí này gọi là Hậu Thiên Khí (tức Khí Có Sau).
    Khí Công: là công phu tập luyện để điều hòa, phát huy tích luỹ và sử dụng hai loại khí nói trên. Hai loại khí ấy phối hợp và cộng hưởng với nhau làm thành Chân Khí. Chân Khí thịnh thì người khỏe, khi suy thì người yếu, khi rối thì người bệnh, khi kiệt thì người chết.
    Có thể nói, Khí Công là gốc của các phái võ Nội Gia, là căn cốt của mọi phương pháp dưỡng sinh Ðông A¨. Hình thành từ các Phép Ðạo Dẫn của Ðạo Gia, phối hợp với Môn Phái Thiền Tông Ðạt Ma Sư Tổ, Khí Công triển khai qua dịch học đã trở nên rất phong phú và mỗi ngày một phát triển nhất là dựa vào Y học hiện đại. Lấy nguyên lý Quân Bình Âm Dương, Ðiều Hòa Ngũ Hành làm căn bản trong luyện khí. Khí Công làm gia tăng nội lực, một mục tiêu mà mọi Võ Gia đều mong muốn. Lại nữa, cũng trên căn bản này, các Võ Gia còn có thể tự trị bệnh và hơn thế, trị bệnh cho người khác, thể hiện Tinh Thần của Võ Ðạo.
    Phương pháp luyện tập Khí Công không khó, nhưng muốn luyện tập Khí Công thành tựu thì phải có quyết tâm cao và tốn nhiều công phu. Cũng ví như cách học làm thơ, cách chơi các nhạc cụ thì không khó nhưng muốn trở thành một thi sĩ, một nhạc sĩ có tài thì khó hơn. Chính vì vậy có người nói muốn luyện thành Khí Công thì phải có "cơ duyên". Nhưng điều chắc chắn là bất cứ ai nếu yêu thích Khí Công và kiên trì luyện tập theo đúng phương pháp thì cũng sẽ đạt được một kết quả nhất định, đủ để giúp cho thân thể kháng kiện, kịch phát năng lực bản thân, điều trị được nhiều loại bệnh tật của chính mình và của người khác như các loại bệnh về Tim mạch - Thần Kinh - Tê Thấp - Thận Suy - Các loại bệnh về hô hấp, tiêu hóa, các loại bệnh liên quan đến cột sống v.v... Tập Khí Công còn làm gia tăng tuổi thọ. Ðối với các võ sinh luyện Khí Công còn tích lũy nội lực, tập trung tâm ý, ngõ hầu phát huy tối đa hiệu quả của đòn thế.
    KỶ THUẬT LUYỆN KHÍ
    Các phương pháp luyện khí thay đổi tùy theo các Trường Phái. Ðại để có năm Trường Phái chính: Ðạo Gia - Phật Gia - Y Gia - Võ Gia.
    1. Phương pháp của Ðạo Gia chủ yếu tạo sự kháng kiện cả thể xác và tâm hồn. Phương pháp này dạy cách phát triển trau dồi Tâm Chất và sự sống. Nghĩa là nhấn mạnh cả về hai mặt: luyện tập và suy tưởng.
    2. Phương pháp của Phật Gia đặt nặng về sự điều hòa phần Tâm, tức là gạt bỏ mọi tạp niệm để đầu óc trống rỗng, tiến đến giác ngộ.
    3. Phương pháp của Khổng Gia lại nêu ra những "Nguyên Tắc Của Tâm Hồn!" Sự chân chính và sự rèn luyện các đức tính. Ðưa người tập vào trạng thái nghỉ ngơi, an bình và yên tĩnh.
    4. Phương pháp của Y Gia chủ trương dùng Khí Công để điều trị bệnh tật, bảo dưỡng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
    5. Phương pháp của Võ Gia nhằm xây dựng sức mạnh cá nhân, biết chấn tĩnh tinh thần khi bị tấn công hoặc để công kích địch thủ. Mặc dầu phương pháp này cũng có chức năng bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ nhưng nó khác hẳn với các Trường Phái nói trên.
    Tuy các phương pháp của các Trường Phái có sự khác biệt nhưng chúng vẫn không nằm ngoài ba nguyên tắc chính: Tĩnh Luyện, Ðộng Luyện, và Tĩnh Ðộng Luyện. Cả ba nguyên tắc này đều có 3 mặt: Luyện Tâm (tức Ðiều Tâm), Luyện Thở (tức Ðiều Tức) và Luyện Ngoại Hình (tức Ðiều Thân).
    Luyện Tâm (Ðiều Tâm): Bắt buộc phải gạt bỏ mọi suy nghì, ưu tư và tình cảm để đầu óc trống rỗng hoặc phải tập trung ý niệm vào một điểm để đưa trí não vào một trạng thái đặc biệt. Cách luyện này gọi là Ðịnh Thần.
    Luyện Thở (Ðiều Tức): Những bài tập thở gồm: Nạp Khí - Vận Khí - Xả Khí - Bế Khí, đều phải "nhẹ và sâu" (sẽ chỉ dẫn ở phần sau).
    Luyện Ngoại Hình (Ðiều Thân): Gồm nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể qua nhiều tư thế, xuyên qua 6 cách: Ði - Ðứng - Ngồi - Nằm - Quỳ - Thoa Bóp.
    Bất kể luyện tập theo phương pháp nào, nếu tập bền bỉ và đúng phép thì chắc chắn sẽ đạt được một công phu đáng kể. Khí Công của Việt Võ Ðạo tổng hợp các kinh nghiệm của nhiều Trường Phái khác nhau, chủ yếu để luyện Tâm + Thân theo nguyên lý "Cương Nhu Phối Triển." Cũng để tập trung sức mạnh của TÂM THÂN trong tự vệ chiến đấu, điều trị bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.
    Phương pháp Khí Công trong võ thuật còn gọi là: Nội Công. Nội Công là phương pháp luyện tập những phần bên trong của cơ thể con người (không luyện cơ bắp như thể dục thể thao). Luyện bên trong tức là phương pháp luyện để:
    • Kinh mạch điều hòa (luyện Kinh Mạch).
    • Thần kinh vững mạnh (luyện Tâm).
    • Lục phủ ngũ tạng được kích phát và kháng kiện (luyện Phủ Tạng).
    Muốn "luyện bên trong" chủ yếu là phải vận dụng hơi thở. Thở đúng phương pháp là cơ bản của việc luyện công. Thở tự nhiên hàng ngày là thở Vô Thức. Thở Nội Công là thở Có Y¨ Thức. Thở chủ động theo phương pháp đã được nghiên cứu công phu.
    CÁCH THỞ NỘI CÔNG
    A. Thở Bụng: là cách thở chủ yếu, trong Nội Công gọi là "Thở Thuận".
    a. Trong khi luyện thở có thể Nằm - Ngồi - Ði - Ðứng đều được cả, nhưng bao giờ cũng phải giữ cho xương sống thật thẳng.
    Nằm: Trên một mặt bằng cứng (không nệm, không gối đầu) hai tay để úp xuôi theo thân mình.
    Ngồi: Ngồi xếp bằng theo lối bán già hay kiết già tùy ý. Cũng có thể ngồi trên ghế, không dựa lưng, hai chân để xuôi xuống sàn một cách ngay ngắn, hai tay buông xuôi xuống hoặc để trên hai bắp vế. Giữ lưng thẳng góc với mặt ghế.
    Ðứng: Ðứng thật thẳng như thế "Nghiêm" nhưng hai chân ngang rộng khoảng 25cm cho vững. Hai tay buông xuôi thoải mái, không co cứng cơ.
    Ði: Hai chân di động nhưng giữ thân người thật thẳng. Dù ở tư thế nào hai tay và hai vai đều buông lỏng thoải mái. Trước khi thở phải gạt bỏ tạp niệm. Tập trung ý vào hơi thở.
    Lưu ý: chữ Khí dùng ở đây chỉ là Khí Trời, tức Hơi Thở, không phải là Chân Khí như đã định nghĩa.

    b. Thực Hành
    Nạp Khí: Hít khí trời thẳng vào bụng dưới, tất nhiên bụng dưới sẽ căng lên.
    Vận Khí: Nín thở, dồn hơi vào Ðan Ðiền (cách vùng bụng dưới rốn khoảng 3-4cm) rồi dồn khí luân lưu theo Kinh Mạch.
    Xả Khí: Thở ra hết, thót bụng lại, từ từ nhẹ nhàng cho hơi ra hết.
    Bế Khí: Ngưng thở trong lúc bụng trống rỗng, nhíu cơ hậu môn lại và tưởng tượng khí của toàn cơ thể trở về Ðan Ðiền.
    Một vòng thở đủ bốn nhịp như thế gọi là Phép Thở 4 Thì.
    Lưu ý:
    1. Cả 4 thì đều phải: Êm, Nhẹ, Ðều Ðặn. Kết hợp co cơ và giãn cơ, nhưng giãn cơ là chính.
    2. Tự điều hòa 4 nhịp sao cho vừa phải để cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Nếu chỉ Nạp, Vận, và Xả mà không Bế Khí ´ thì đó là phép thở 3 thì.
    3. Nếu chỉ Nạp và Xả không thôi thì đó là phép thở 2 thì. Các Ðạo Gia thường áp dụng lối thở hai thì và lấy thư giãn là chủ yếu.
    4. Những người bị bệnh do cao huyết áp, bệnh Tim mạch, bệnh Hen Suyễn chỉ nên thở 2 thì. Thở thật đều, nhẹ và êm.
    B. Thở Ngực (Còn gọi là Thở Nghịch):
    Lúc Nạp Khí, Ngực căng lên, Bụng thót lại. Lúc Xả Khí, Ngực xẹp xuống, Bụng hơi phình ra. Phép Thở Nghịch rất tốt cho Phế Nang Thượng, tạo sự cường tráng. Người mới tập thở mỗi ngày nên chia làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 5, 10 phút và thật đúng giờ, trong tư thế Ði - Ðứng - Ngồi - Nằm đều được cả.
    Khi đã thở quen, dần dần tăng thời gian tập lên. Những nhà Khí Công chuyên nghiệp họ thở hầu như suốt ngày, dĩ nhiên trừ lúc ăn no, làm việc nặng, ngủ nghỉ. Ðây mới chỉ là những cách thở căn bản trong Khí Công. Thở đúng cách theo các tư thế khác nhau là chúng ta bắt đầu bước vào con đường luyện tập Khí Công hay Nội Công vậy.

  4. #4
    Tham gia ngày
    Dec 2008
    Đến từ
    Lâm Đồng
    Bài gởi
    457
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    ai có những bài nói về khí công post lên cho mọi người cùng xem nhé:mad:

  5. #5
    Tham gia ngày
    Feb 2008
    Đến từ
    Kiên Giang
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    4,164
    Thanks
    4
    Thanked 36 Times in 29 Posts

    Default

    NGUỒN GỐC CỦA KHÍ CÔNG

    Khí Công - Nội Công - Khám Phá Khí Công

    Bình thường tuyệt vời Khí Công, đã có ở Trung Quốc từ 5000 năm trước (Mã Tế Nhân), nhưng không được phổ biến rộng rãi, và chỉ được truyền đạt trong khuôn viên đền chùa hay võ đường.
    Ngay ở thế kỷ này, cách đây 50 năm, những bậc thầy về khí công cũng chỉ truyền đạt cho con trai hay một số người thật thân tín ; do đó, đã có một thời khí công được coi như môn tập luyện thần bí.
    Ngoài ra, khí công mà tập sai sẽ không mang lại kết quả đôi khi còn gây hại nên nhìêu người không dám tập; vì vậy lại thêm phần chậm phát triển.
    Khí công là tinh hoa văn hoá Phương Đông


    Khí công lấy Kinh Dịch với nguyên lý âm Dương, rồi sau đó thuyết Ngũ hành làm cơ sở chính. Người sáng lập ra Kinh Dịch là Vua Phục Hy (4477 - 4363 TCN) lập ra Hà Đồ, Tiên thiên Bát quái và Trùng quái với 64 quẻ ; sau đó Đại Vũ ở thời nhà Hạ (2205 - 1766 TCN) lập ra Lạc thư. Hơn 1000 năm sau, tới đời nhà Chu (1100 - 22 TCN), Chu Văn Vương ding văn tự để giải thích các quẻ (thoán từ) và lập ra Hậu thiên Bát quái rồi đến Chu Công Đán (Chu công) đặt ra hào từ hay tượng từ cho mỗi quẻ. Thoán từ và hào từ được trình bày rất cô đọng nhưng khó hiểu ; Khổng Tử (551 - 479 TCN) đã có công san định làm 12 thiên cho dễ hiểu và phổ biến vào đại chúng. Vào những năm gần đây, đã tìm thấy được những di tích chú khảo trên đồng đen và những hình vẽ trên lụa, thực hiện vào thời nhà Chu, mô tả các động tác thể dục trị bệnh kết hợp với hơi thở (168 TCN).
    Bộ sách nổi tiếng vận dụng Âm Dương vào Y học là cuộn "Hoàng Đế Nội Kinh" trong đó nói: "Âm Dương là Đạo của Trời Đất, giềng mối của muôn vật, cha mẹ của biến hóa" lấy "sinh trưởng thu tàn" của bốn mùa làm nguồn gốc bảo dưỡng mạng sống. Hoàng Đế Nội kinh mang tên vua Hoàng Đế, một thủy tổ của Trung Quốc, sáng vào khoảng 4670 năm trước đây, nhưng thực ra sách không thể soạn thảo vào thời đó được, vì chưa có văn tự. Các học giả cho rằng bộ sách này được viết vào thời Tân – Hán và do một tập thể hoàn thành. Hoàng Đế Nội kinh đề cập tới Khí, dưới nhiều nghĩa khác nhau ; trong đó có nghĩa chức năng của tạng – phủ, phần bổ ích cho Khí công chính là chương bàn về Kinh mạch bệnh.
    Thuyết Ngũ hành dựa vào nguyên lý Âm – Dương của Thái cực lập ra. Thái cực động sinh Âm Dương, Âm Dương biến hóa, Dương biến, Âm hợp tuần tự sinh ra ngũ hành : Thủy rồi Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Ngũ hành phối hợp với vạn vật và vận hành theo quy luật tương sinh tương khắc để thúc đẩy sự biến hóa. Dựa vào quy luật này, Khí công lập ra một số phương pháp tập luyện.
    Trong quá trình phát triển, giao lưu quốc tế, Khí công sau này chịu ảnh hưởng của Phật giáo với thuyết Nhân quả Luân hồi và phương pháp Thiền. Đạt Ma Sư Tổ, là một nhà truyền bá Phật giáo từ ấn Độ vào Trung quốc và lập ra Dịch Cân Kinh, nên Khí công không tránh được ảnh hưởng của Yoga với phương pháp luyện Luân xa (Chakra).

    Dây đai thăng cấp càng cao, lòng son vì nước đượm bao ân tình.
    Gió lên màu áo đại dương, trai hùng rộng mở tình thương vì đời..

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts