+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 7 trên 7
  1. #1
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default Các Giếng Cổ - Kỳ lạ ở Việt Nam

    Độc đáo giếng cổ xứ Đoài


    Giếng làng trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng người Việt Bắc bộ. Vì vậy, ở xứ Đoài, người làng thường xây trên bờ một bệ thờ lộ thiên hoặc ngôi miếu nhỏ để tỏ lòng thành kính.

    Xứ Đoài (Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội) là nơi còn lưu nhiều giếng cổ. Đặc biệt, vùng trung du, nay là các huyện Ba Vì, Thạch Thất, thành phố Sơn Tây… còn nhiều giếng xây bằng đá ong, đất, qua bao nhiêu biến cố thời gian, nước còn trong và mát.
    Người xưa đào sâu xuống lòng đất, đúng mạch, nước dâng lên vừa trong vừa mát. Loại đá nơi đây đào đến đâu, cứng đến đó nên không phải kè thành. Giếng thường rộng 3 - 5 m, sâu trên 10 m, miệng đặt những tảng đá ong nguyên khối hoặc từng tảng ghép lại vừa bền chắc mà sạch sẽ.

    Giếng đá ong thường đặt ở đầu làng, giữa xóm, hai bên đình, chùa theo quan niệm là đôi mắt rồng thiêng, nước nguồn không bao giờ cạn. Đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm vẫn còn nguyên hai chiếc. Làng Đông Sàng đặt giếng ở khuôn viên văn chỉ, tôn thêm vẻ đẹp và khơi nguồn trí tuệ Nho học. Ở làng Cam Lâm, phía trước khu lăng mộ Ngô Quyền lại có một chiếc ở dưới chân đồi. Nước giếng vùng này thường mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nên có câu “Nước giếng hè - chè Cam Lâm”.



    GIếng đá ong xóm Miễu, làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây.



    Khu vực Phủ Quốc (Quốc Oai), gần núi đá vôi, nhân dân khi đào giếng lấy đá hộc xếp quanh từ dưới đáy lên mặt. Phía trên gắn bằng vôi, xi măng tạo thành các hình tròn, vuông, bán nguyệt rất đẹp mắt. Xung quanh núi Thày (Sài Sơn) hiện còn những giếng cổ ở xóm Tân Hương, Chùa, Đình… nước trong, mát quanh năm. Nơi đây có loại lớn trên 10 m, đo qua miệng giếng. Loại nhỏ hơn từ 3 m đến 5 m, hiện vẫn sử dụng tốt. Nhiều chiếc ở phía dưới kè đá, trên xây gạch, lát sân giếng, tường bao quanh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho xóm làng.

    Vùng đồng bằng như các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… phần nhiều là giếng đất, đào đắp trước cửa đình, chùa, đền, miếu… làm minh đường cho di tích, theo thuyết phong thuỷ của đạo nho. Giếng này thường to, rộng hơn các giếng khơi, trung bình khoảng 20 - 30 m bề ngang. Xung quanh giếng xây tường bảo vệ, có lối đi xuống bằng gạch hoặc đá ong, trên bờ trồng cây đa cổ thụ, cây gạo hoặc cây muỗm xum xuê cành lá.

    Giếng làng trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng. Trên bờ, người làng thường xây một bệ thờ lộ thiên hoặc miếu nhỏ để tỏ lòng thành kính.

    Làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng còn nguyên ba giếng cổ ở đầu, giữa và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, chứa muôn ngàn tia sữa, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương toả chiếu, hoà khí của âm dương cho con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục, như một tấm gương lớn khúc xạ ánh mặt trời, phản chiếu điều lành soi sáng cho cả làng. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc.

    Huyện Hoài Đức có vùng quê xưa là Kẻ Giá, nay là xã Yên Sở, còn gọi làng Dừa, từ xưa có câu: “Đình không xà, làng bảy mươi ba cái giếng”. Hiện, xã chỉ còn trên 20 cái giếng cổ. Mỗi cái có một phiến gỗ lim dày, to lát đáy, xung quanh xếp đá quây tròn, không có hồ vữa mà vẫn chắc chắn. Giếng sâu độ 4 - 5 m, phía trên xây gạch vòng quanh. Cạnh đó có miếu thờ thần linh. Vào ngày mồng một, rằm hàng tháng, người dân mang lễ vật dâng cúng, cầu may.

    Quán Linh Tiên ở Cao Xá (Hoài Đức) được tu tạo từ đời nhà Mạc (1584) tiêu biểu cho một quán Đạo giáo. Trên thượng điện là tượng Tam Thanh gồm: Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh; phía dưới là các tượng Cửu Thiên, Huyền Mẫu và Trấn Vũ Thánh… Đặc biệt là trong hậu cung của quán còn một hố giếng sâu, tục truyền là huyệt đan sa, vốn là lò luyện đan trường sinh bất tử của các đạo sĩ. Đến nay, nước giếng vẫn tinh khiết, dùng cúng lễ và ban lộc cho các tín đồ.

    Nước giếng cổ từ xưa được đề cao: “Cơm ăn mỗi bữa một trâu/Không bằng tắm nước ao Chầu Liều Viên/Cơm ăn mỗi bữa mỗi gà/Không bằng tắm nước Đường Hoa kẻ Ngườm”

    Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Từ giếng đất, giếng khơi rồi thay thế bằng giếng khoan, nước máy… Từ thành thị đến nông thôn các nguồn nước sạch phong phú, tràn trề. Tuy nhiên các giếng cổ vẫn tồn tại ở các vùng từ bán sơn địa đến đồng bằng. Số lượng các giếng cổ có ít đi nhưng giá trị của nó vẫn rất quý. Nước giếng cổ trong, sạch, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Giá trị tâm linh của giếng gắn bó tình cảm con người với tạo hoá. Có giếng cổ, cảnh quan môi trường càng đẹp, kỷ niệm tuổi ấu thơ bên giếng làng dễ mấy ai quên. Các di tích lịch sử - văn hoá có hình ảnh giếng cổ thì giá trị càng tăng.

    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Minh Nhương

  2. #2
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Hồn quê giếng làng


    Dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, xây bằng gạch, đất hay đá ong, giếng vẫn là nơi gắn bó với đời sống người dân đồng bằng Bắc Bộ và mãi là hình ảnh thân thương, gần gũi trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê.

    Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Cái giếng có mặt trong đời sống của người Việt bắt đầu bằng câu chuyện cổ tích khi cô Tấm nuôi giữ con cá bống. Rồi giếng thành huyền thoại khi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn, giải oan cho tình yêu của nàng Mỵ Châu...


    Giếng đất ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây vẫn sạch và đẹp như xưa bên mái đình. Ảnh: N.B


    Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian, thì chiếc giếng làng của đồng bằng Bắc Bộ nằm trong quần thể không gian kiến trúc đình chùa. Giếng làng có hai loại chính: giếng đất và giếng đá. Hiện chiếc giếng đá có tuổi thọ cao nhất (trên 300 năm) là giếng rồng chầu ở làng Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Tây).
    Cái giếng giữ phần âm của làng. Bản thân cấu trúc hình tròn, chiều sâu đi vào lòng đất, vị tanh hơi ngọt và độ lạnh của nước giếng đã nói lên điều đó. “Hơn nữa, giếng đôi khi còn là cái gì đó linh thiêng và thần bí. Trên đền Hùng giờ vẫn còn giếng Ngọc. Các bà các cô bảo nhau ngọc trai vớt ở sông đem đến đây rửa sẽ rất sáng”, giáo sư Ngô Đức Thịnh khẳng định.

    Chính vì vậy, trong tâm thức người Việt, giếng không chỉ là con mắt của đất, nó là trái tim của làng, cái hồn của xóm. Giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Trong sinh hoạt đời thường, người ta lấy nước giếng về dùng trong sinh hoạt, làm gương soi cho các cô gái làm duyên.


    Giếng đất ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây - nay chủ yếu dùng cho việc giặt giũ. Ảnh: N.B.


    Để có được nguồn nước dồi dào, trong sạch, người ta phải chạm được vào “túi” nước. Người xưa đào giếng ăn mạch dọc chứ không theo mạch ngang. Trước khi đào giếng, người ta chọn buổi tối hanh khô, dùng những cái bát ăn cơm úp lên mặt đất. Sáng ra, bát nào có nhiều hơi nước nhất là nơi mạch nước mạnh nhất và có thể đào giếng. Giếng ở đồng bằng, độ sâu thường chừng 6 - 8 m.
    Người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ có ý thức rất cao trong việc giữ gìn giếng và chất lượng nước. Lợi dụng mặt thoáng lớn và khả năng làm sạch chất hữu cơ nhanh của một số loài thực vật sống trong nước, giếng ở vùng ngoại thành Hà Nội và Sơn Tây (Hà Tây) thường được thả bèo tổ ong (cánh bèo xếp như tổ ong). Rễ bèo loại này hấp thụ mạnh chất bụi hữu cơ, làm sạch nguồn nước.

    Dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, xây bằng gạch, đất hay đá ong, giếng vẫn là nơi gắn bó với đời sống nhiều nhất. Cuộc sống quần cư biến cái giếng trở thành tâm điểm của làng. "Người ta ra giếng lấy nước, tranh thủ hỏi nhau về công điểm, về lứa lợn, về chuyện nhà ông nọ làm đám bao nhiêu mâm, con gái bà kia lấy chồng tốt số. Trai gái làng ra giếng tranh thủ chòng ghẹo nhau hay hẹn hò", giáo sư Thịnh giảng giải thêm.



    Giếng đất ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây - nơi có giai thoại về Rùa Thần rất thiêng nơi đáy giếng. Ảnh: Nguyễn Bình

    Cái giếng làng chứng kiến bao nhiêu cuộc tình của nhiều thế hệ. Dân gian nhiều lần mượn nó mà ngỏ lòng. Lúc thì nhỏ nhẹ "Năng mưa thì giếng năng đầy/ Anh hay đi lại mẹ thầy năng thương"; lúc lại hờn giận "Em tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài/ Đâu ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây"; lại có khi phân bua: "Tới đây dây vắn gầu thưa/ Hỏi người cố cựu giếng xưa ai đào/Giếng này là giếng cựu trào/ Hồi tôi còn nhỏ tôi nào biết đâu"…

    Sự phát triển khoa học kỹ thuật cùng với điện khí hóa nông thôn đã làm cho những chiếc giếng làng hầu hết trở thành… di tích. Tuy vậy, giếng nước - người bạn tri ân bao đời nay - vẫn mãi là những hình ảnh thân thương, gần gũi trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê.

    Vân Nhi - Nguyễn Bình

  3. #3
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Bí ẩn khúc gỗ trăm tuổi và giếng lạ ở
    Hòa Bình

    Anh Bùi Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, kể: “Hôm cùng đoàn đi phun thuốc diệt muỗi chống sốt rét trong bản, tôi được tận mắt thấy một cái giếng lạ lắm. Giếng đang cạn nhưng khi người dân khiêng khúc gỗ thả xuống, nước lại phun lên trong vắt”.

    Con đường từ huyện Lạc Sơn lên xã Ngọc Lâu chênh vênh trên sườn những ngọn núi đá. Ngọc Lâu là xã sâu và cao nhất huyện, nằm sát khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn. Bản Khộp của người Mường nằm ở cuối xã, quanh mỏm ngọn đồi được bao bọc bởi rừng rú hoang rậm. Giữa bản, trên sườn mỏm đồi ấy có một giếng nước được xây cất đẹp đẽ, nước trong vắt, nhìn được tận đáy. Các cô gái giặt giũ bên giếng, các chàng trai hồn nhiên tắm rửa như tắm bên giếng nhà mình.



    Cụ Bùi Văn Beo đứng cạnh "giếng thần" ở bản Khộp.

    Giếng bí ẩn


    Người nắm rõ bí ẩn về cái giếng mà đồng bào gọi là “giếng thần” này là cụ Bùi Văn Beo, 90 tuổi, sống trong ngôi nhà sàn cách giếng khoảng 200 m. Khi được hỏi về “giếng thần”, mắt cụ Beo chợt sáng rực, cụ hào hứng kể về cái giếng này với vẻ thành kính kỳ lạ:
    - “Cái giếng này nằm trên mỏm đồi, ở vị trí cao nhất nhưng quanh năm suốt tháng, lúc nào nước cũng dồi dào, trong khi nơi khác ruộng khô nứt nẻ. Chuyện ấy đã lạ lắm rồi, nhưng lạ hơn nữa là cái khúc gỗ ở dưới đáy giếng, nó như cái khóa của máy bơm nước ấy. Lạ lắm, không thể hiểu nổi nên chúng tôi gọi nó là giếng thần…”.

    Cụ Beo kể, năm 1955, khắp vùng Lạc Sơn gặp hạn hán. Bản Khộp tuy vẫn có nước từ giếng nhưng không đủ phục vụ trồng cấy, mà chỉ đủ ăn. Thanh niên bản Khộp hè nhau khơi rộng giếng, vét bùn đất dưới đáy, khiêng khúc gỗ chìm dưới lòng giếng lên với hy vọng nước sẽ chảy mạnh hơn. Do khúc gỗ nặng hàng tấn nên phải mấy chục người vừa bẩy, vừa kéo mới lôi lên được. Sáng hôm sau, mọi người ra múc nước thì giật mình thấy giếng cạn đến đáy, không có tia nước nào. Dân bản hoảng quá, liền khiêng khúc gỗ này thả xuống. Kỳ lạ thay, khi khúc gỗ được thả xuống, nước lại phụt lên trong vắt.

    Năm 1966, thanh niên trong bản lại khơi bùn đất và vần khúc gỗ ra khỏi đáy giếng cho nước chảy mạnh, nhằm có nước mở rộng diện tích cấy lúa, bởi họ nghĩ rằng vì khúc gỗ nằm trên tia nước nên đã làm nước chảy lên chậm hơn. Và một lần nữa, nước không chảy lên giọt nào cho đến khi trả khúc gỗ lại.

    Lần gần đây nhất, được ông Bùi Trọng Tây, chủ tịch xã Ngọc Lâu, kể lại: “Năm 2002, với sự hỗ trợ của UNICEF trong chương trình nước sạch phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, bản Khộp được xây một giếng nước hoành tráng. Địa điểm xây chỉ có thể là giếng cũ bởi không còn nguồn nước nào khác. Những người xây giếng đã tiến hành nạo vét, kéo khúc gỗ quẳng lăn lóc ra bên cạnh, bất chấp lời can gián từ phía dân bản. Sáng hôm sau, những người xây giếng kinh hãi khi thấy nước cạn sạch. Họ liền bơm nước vào giếng để thử, nhưng nước cứ dần ngấm xuống lòng đất. Không tìm được lý do, họ bỏ đi mất hút".

    Lại một lần nữa, dân bản Khộp thả cây gỗ xuống trước sự chứng kiến của các cán bộ xã, trong đó có ông chủ tịch Bùi Trọng Tây. Kỳ lạ thay, hàng trăm tia nước li ti lại phụt lên quanh khúc gỗ, dân bản tha hồ dùng.



    Khúc gỗ được cho là kỳ lạ nằm dưới đáy giếng đã mấy trăm năm nay.

    Huyền thoại khúc gỗ


    Cụ Bùi Văn Beo dẫn khách ra chiếc giếng nhà cụ ngay dưới chân nhà sàn. Nhìn xuống, thấy giếng sâu hoắm, tịnh không có giọt nước nào. Những cái giếng gần đó cũng vậy mặc dù được đào ở dưới sườn đồi, còn “giếng thần” của cả bản thì nằm ở sát mỏm đồi, tức là cao hơn rất nhiều.

    Đứng trên miệng "giếng thần", có thể nhìn rõ khúc gỗ đen lộ một phần lên khỏi đáy bùn. Khúc gỗ trông không có gì đặc biệt, nhưng theo cụ Beo, nó cứng như thép, dao bổ vào quằn lưỡi. Dưới làn nước trong vắt, có thể nhìn rõ hàng chục con cá, có con to khoảng 2 kg. Khi hỏi những người đang múc nước ở giếng rằng sao không bắt cá về ăn, ai cũng lắc đầu.

    Về khúc gỗ, cũng theo cụ Beo, không ai biết nó có trong giếng từ khi nào, có trước hay sau giếng, nhưng tổ tiên mấy đời nhà cụ khẳng định nó có từ lâu lắm rồi, phải từ 300 đến 500 năm. Xưa kia, giếng được đắp đơn giản bằng một bờ đá, vết tích vẫn còn. Theo người dân bản Khộp, khúc gỗ trong giếng là của một cây nhội khổng lồ. Tán lá của nó rộng, che khuất cả bản. Ngày xưa trai tráng các bản mang dao cuốc lên đỉnh núi chặt ròng rã ba tháng trời, cây nhội mới chịu đổ. Gốc nó ở bản Điện, nhưng ngọn đổ xuống tận bản Trôi. Một cành cây gãy xuống, rơi vào bản Khộp, tạo thành mó nước. Khúc gỗ dưới giếng bây giờ chính là một phần nhỏ cành cây đó.

    Theo những cụ già trong bản, gỗ lim, gỗ nghiến dù cứng và bền nhưng ngâm dưới nước hàng trăm năm cũng phải mục, trong khi khúc gỗ nhội này (vốn là loại gỗ không tốt lắm, mọc nhiều ở xã Ngọc Lâu và Ngọc Sơn) lại bền như sắt đá, nằm dưới bùn nước bao đời nay vẫn không thay hình đổi dạng. Theo chủ tịch xã Bùi Trọng Tây, vì có giếng này mà bản Khộp trồng được lúa nước quanh năm, trong khi các bản khác chỉ trồng ngô, sắn, hoa màu và trông vào nước trời, vì xã Ngọc Lâu không có con suối nào. Nguồn nước thừa từ giếng chảy ra cánh đồng đủ tưới tiêu cho 16 ha lúa nước.




    Các giếng khác trong bản sâu hun hút mà vẫn cạn nước.

    Tuy nhiên, chuyện khúc gỗ đó có huyền bí hay không chẳng quan trọng với 80 hộ dân bản Khộp. Họ chỉ cần đời này qua đời khác, nước cứ ngập giếng, trong leo lẻo. Ở nơi khác, giếng này hết nước thì còn giếng kia, chứ ở bản Khộp mà mất nước "giếng thần" thì không biết họ sẽ sống thế nào. Vì thế, già trẻ gái trai luôn nhắc nhở nhau giữ nguồn nước trong sạch, không một ai dám xâm phạm đến khúc gỗ và “giếng thần”.

    Và thế là đồng bào bản Khộp không một ai còn lên rừng chặt cây nữa, đặc biệt là cây nhội. Loài cây trong truyền thuyết “giếng thần” cứ mọc khắp các cánh rừng, khắp các ngả đồi. Chủ tịch xã Bùi Trọng Tây bảo: “Nhội mọc nhiều lắm, đường kính của nó cứ 2 đến 3 mét, cây nào cây nấy đều vài trăm năm tuổi…”.

    Theo VTC

  4. #4
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Chuyện về giếng nước không cạn ở đảo
    Lý Sơn


    Ở nhiều hòn đảo, nước ngọt trở thành nỗi lo thường trực với người dân vào mỗi mùa khô. Nhưng ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mùa hè đến, dân vẫn không lo khát vì đã có giếng nước không cạn "vua ban".

    Giếng nước không cạn nằm ở giữa đoạn đường từ xã An Vĩnh sang xã An Hải. Theo ông Phạm Thoại Tuyền (thôn Đông, An Vĩnh), người nhiều năm dành thời gian tìm hiểu lịch sử, văn hóa quê nhà, tương truyền giếng nước không cạn trên là do vua Gia Long ban. Sau khi lên ngội, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Cù Lao Ré (nay là Lý Sơn). Đúng thời điểm này, dân đảo gặp cảnh khô hạn chưa từng có. Là thiên tử cai quản muôn dân, vua Gia Long lập đàn tế trời cầu mưa. Sau đêm tế trời, vua nằm mộng về địa điểm đào giếng nước ngọt, hôm sau sai người đào giếng ở chỗ đó. Người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là “giếng nước vua ban” hoặc “giếng Gia Long”.




    Giếng cách biển chừng 5 m nhưng vẫn giữ được vị ngọt mát.

    Một giả thuyết khác cho rằng, giếng nước này do người Chăm Pa đào cách đây hàng trăm năm. “Với những kỹ thuật bí mật truyền đời, người Chăm sinh sống trên đảo có thể bắt được mạch nước ngầm để đào giếng. Hơn nữa, cách sắp xếp đá viên xung quanh thành giếng thật đặc biệt khiến nguồn nước luôn đảm bảo, không bị tắc”, Nguyễn Đăng Vũ, một nhà nghiên cứu về lịch sử, nói.

    Dù là giả thiết nào thì nó cũng thể hiện sự trân trọng của người Lý Sơn đối với một nguồn nước ngọt. Ở đây, khẩu hiệu “nước là vàng” vẫn được tìm thấy nhiều nơi tại các bể nước hoặc trên dọc một số tuyến đường nhằm nhắc nhở dân đảo sử dụng nước một cách hiệu quả và tiết kiệm nước giếng vua ban.



    Một người dân chở nước từ giếng không cạn về nhà.

    Theo ông Lê Văn Vương, giếng có đường kính khoảng 1 m, sâu chừng 5 m, mực nước thường ổn định nên chỉ cần thả gàu là có. Trên đảo Lý Sơn còn có khoảng 3 - 4 giếng nước khác nhưng mùa hè đều khô cạn hoặc nhiễm mặn, không dùng được. Thế nên giếng không cạn trở thành “báu vật” duy trì nguồn sống cho hơn 20.000 dân đảo.

    Cách giếng chừng 5 m là những con sóng biển ngày đêm vỗ ì ầm. Lúc biển lặng hay khi bão to sóng lớn, giếng vẫn giữ được vị ngọt mát. “Mùa mưa, dân đảo trữ nước mưa nên giếng vắng người. Nhưng vào mùa hè, giếng khi nào cũng đông đúc, người dân tụ tập như đi hội”, chị Nguyễn Thị Xuân ở xã An Vĩnh, cho biết khi đến đây lấy nước. Cũng theo chị Xuân, lúc cao điểm, có đến chục người đứng quanh thành giếng, thả gàu liên tục để múc lên dòng nước mát.


    Hoàng Táo
    Trích báo Đất Việt

  5. #5
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Kỳ lạ 'giếng tiên' ở Bảy Núi


    Vùng Bảy Núi ở An Giang có hàng chục “giếng tiên”. Điều kỳ lạ là các giếng này đều nằm trên những đỉnh núi cao chót vót, ăn sâu vào lòng đá nhưng quanh năm luôn đầy ắp nước
    Cũng nước lớn, nước ròng

    Ông Võ Văn Oanh ở ấp Tha Lót, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang trồng một rẫy rau xanh lớn trên vồ Đá Bạc, núi Dài Lớn, huyện Tri Tôn. “Nhờ giếng tiên trên vồ mà cư dân núi ở Chót Ông Còn mới sống nổi. Ăn uống, tắm giặt, tưới cây... đều từ nước giếng đó”, ông Oanh cho biết.



    Giếng Chân Tiên trên đỉnh núi Ba Thê quanh năm đầy ắp nước.

    Ông Nguyễn Văn Đa, ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, khoe, ông vừa mua được 30 công đất (3 ha) rừng trên vồ Đá Bạc để trồng rau xanh và một vườn xoài. “Nghĩ cũng lạ thật, nước ở đâu không biết, nhưng hễ múc cạn thì một lúc sau lại tự dâng đầy trở lại. Lâu ngày để ý, tôi thấy mực nước trong giếng thay đổi lên xuống theo hai thời điểm sáng - chiều trong ngày. Người dân làm rẫy xem đây là cách báo hiệu thời gian để xuống núi”, ông Đa giải thích. Từ đó, ông theo dõi và nhận thấy “giếng tiên” ở vồ Đá Bạc cũng có nước lớn, nước ròng xoay theo con trăng hằng tháng.

    Giếng không cạn

    Núi Ba Thê ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang là một trong những nơi có nhiều “giếng tiên” nhất xứ Thất Sơn. Hàng chục năm trước, đây còn là vùng hoang sơ, quanh chân núi đã có nhiều nhà dân sinh sống. Trong một lần lên núi, ông Mai Đức phát hiện trên sườn phía Đông có một giếng đầy ắp nước, mát lạnh và trong vắt.

    Mỗi đêm trăng sáng, dưới đáy giếng này lung linh những hạt cát vàng óng ánh nên người dân địa phương đặt tên là giếng Vàng. Trên đỉnh núi Ba Thê, cạnh một phiến đá cheo leo bên phải chùa Chân Tiên cũng có một giếng hình tam giác, quanh năm không bao giờ cạn. Không ai biết giếng này bắt nguồn từ đâu nên người ta gọi theo tên của chùa Chân Tiên.


    Toàn cảnh Bảy Núi.

    Không ai thống kê được vùng Bảy Núi có bao nhiêu “giếng tiên” nhưng hầu như trên mỗi ngọn núi đều có một vài cái mà người dân vô tình phát hiện được. Đỉnh núi Két ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên (An Giang) cũng có một “giếng tiên” trên phiến đá cao nhất. “Thấy giếng nằm trên một phiến đá cheo leo mà lại có nước ngọt và nhiều người tới viếng, tôi đã làm hàng rào bảo vệ an toàn cho khách”, ông Nguyễn Văn Sơn, sống trên đỉnh núi Két, nói. Cũng theo ông Két, giếng này chỉ rộng khoảng 0,5 m, ăn sâu vào lòng đá. Càng ăn sâu, lòng giếng càng nhỏ lại nhưng không biết nước từ đâu cứ dâng lên khi vừa vơi bớt.

    Những người thường xuyên đến thăm vùng Thất Sơn không ai có thể bỏ qua núi Dài Năm Giếng (còn gọi là Ngũ Hồ Sơn) ở thị trấn Nhà Bàn, đối diện núi Két. Trên 5 đỉnh của núi này, ở độ cao hàng trăm mét có 5 giếng nước. Còn ở núi Cấm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, khó có thể đếm hết số “giếng tiên”. Trong đó, dồi dào nước nhất, được người dân nhắc đến nhiều nhất là giếng ở vồ Đá Vàng - mạch nước lớn nhất vùng. Từ trong lòng đá, nước cứ dâng đầy. Thấy nguồn nước xanh mát, quanh năm không bao giờ cạn, những người sống trên núi đã xây dựng vách ngăn như một bể chứa để không chảy tràn lãng phí.

    Nguồn sống cho hàng nghìn hộ dân

    Không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trên các ngọn núi cao, những “giếng tiên” này còn là nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng và là nơi giải khát của thú rừng. Anh Trần Văn Thảo ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo, trồng hơn 5 ha quýt hồng trên núi Cấm. Nhờ nguồn nước ở giếng Đá Vàng mà vườn nhà anh luôn xanh tốt. Lúc gia đình anh mới đem giống quýt hồng về trồng trên núi, điều trăn trở nhất là nguồn nước tưới, giờ thì anh hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

    Trong một lần đi bẫy thú rừng trên vồ Đá Vàng, anh Thảo lội theo dấu chân lợn rừng, tìm đến một mạch nước lớn ở đây. Mệt lả người, anh đưa tay hớt một bụm nước uống cho đỡ khát thì thấy nước ngọt lịm. Anh về bàn với cha tìm cách đưa nước về tưới cây trồng ở vườn nhà. Cha con anh Thảo vận động một số hộ dân trên núi đem vật liệu lên xây vách ngăn như một miệng giếng để trữ nước. Bà Hai Mính, trồng 2 ha bưởi da xanh phía trên vườn quýt của anh Thảo, cũng học cách dẫn nước từ giếng Đá Vàng về tưới xanh vườn bưởi.


    Theo Báo An Giang

  6. #6
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    1.000 năm giếng cổ Chămpa

    Ngõ kiệt hút sâu trong phố nhưng nhìn rõ từ đầu này sang đường kia là những điểm nhấn ấn tượng của kiến trúc đô thị cổ Hội An. Đến đây, du khách nên đi vào những con ngõ như thế để cảm giác về một chiều sâu văn hoá, nơi có rất nhiều giếng cổ nằm ngay giữa đường hoặc bên một bờ tường thành rêu phong, xiêu đổ.

    Giếng thiêng

    Phải kể đến giếng Mái nằm ở ngã 5, trước chợ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá. Hay như giếng Bá Lễ nổi tiếng với nguồn nước thanh mát, mạch ngầm dồi dào, là nguồn nước tốt nhất để chế biến món cao lầu trứ danh phố Hội.

    Giếng có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ sâu khoảng 8m. Riêng giếng Đá ở Trà Quế có hình tròn từ đáy lên, quanh miệng lại hình vuông, bốn góc tường có 4 cây trụ đá vuông và phần chính của giếng được xếp bằng đá. Giếng Đá không chỉ cung cấp nước ngọt mà còn là điểm nhang khói cúng thần vào ngày rằm, mùng một vì cư dân quanh vùng cho rằng giếng rất linh thiêng.

    Đó là những giếng cổ Chămpa có niên đại xác định khoảng 1.000 năm. Khu trung tâm phố cổ có bán kính chỉ 0,5km nhưng có đến 20 cái giếng như thế. Không phải giếng bình thường như ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước VN, giếng Chămpa Hội An được xem như một giá trị văn hoá vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Ngay như con kiệt Trần Phú sang Bạch Đằng gần với Chùa Cầu, người đi sẽ bị cái giếng nằm giữa con đường chỉ rộng chừng 2m ngáng chân. Âu đó cũng là cách mà Hội An níu giữ, mời gọi du khách.

    Nguồn mạch ngàn năm

    Giếng Chămpa được phân bố trong quần thể khu phố cổ theo một hệ thống khá liên hoàn, dọc bờ bắc và nam của sông Thu Bồn, bên bờ các dòng chảy cổ và đảo cù lao Chàm. Hầu hết giếng đều có kết cấu bằng đá hoặc gạch hình "vành khăn", còn gọi là hình "cổ áo". Bên dưới có 4 thanh đà bằng gỗ lim ghép lại thành hình vuông, lòng thành giếng được xây vuông hoặc tròn.

    Điều kỳ lạ là cho đến hôm nay, người Hội An vẫn sử dụng hầu hết các giếng cổ này vì giếng rất trong, sạch và ngọt. Điều này thể hiện trình độ chọn đất hay sự am hiểu về phong thuỷ rất cao. Qua nhiều nguồn tư liệu cho biết, người Chămpa xưa đào giếng, ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, họ còn trao đổi nước ngọt với các thuyền, tàu buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An.

    Trải qua quá trình sử dụng, các lớp cư dân Việt đã có gia cố, tu bổ nhưng kết cấu, chất liệu vẫn không thay đổi; nhiều cái giếng cổ của cộng đồng người Việt hay người Minh Hương - Trung Hoa tại Hội An có niên đại trên dưới 300 năm cũng đã học theo kỹ thuật làm giếng của người Chămpa, rõ nét nhất là giếng đình Minh Hương nằm trên đường Phan Chu Trinh.

    Trung tâm phố thị có hệ thống nước máy mà đa phần người Hội An vẫn mua nước từ các giếng cổ này để nấu ăn. Vào sáng sớm hay chiều tối, những đôi quang gánh hoặc xe ba gác vẫn chở nước tỏa đi khắp các ngả đường.

    Theo Viet Nam Tour

  7. #7
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Giải mã giếng cổ Hội An


    Trên các giếng cổ Hội An đều có bàn thần giếng vì quan niệm nó được một vị thần bảo hộ. Vì vậy, giếng cổ là bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể Hội An.

    Hội An còn khoảng 80 chiếc giếng cổ. Hầu hết chúng phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng (thuộc thôn 5, 6 xã Cẩm Thanh, khối 4, phường Thanh Hà), trong khu phố cổ, số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Các giếng này thường nằm cách sông chừng 50 - 150 m, đặc biệt nhiều giếng chỉ cách sông 6 - 10 m.


    Một chiếc giếng cổ rêu phong ở Hội An.


    Nếu như ở vùng ven, giếng nằm trong các nhà dân và phổ biến kiểu dáng hình tròn thì tại khu phố cổ xuất hiện nhiều nhất là giếng hình vuông và trên tròn dưới vuông. Các giếng này nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa Minh Hương, người Hoa Ngũ Bang. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Người xưa bố trí, sắp xếp vật liệu theo những cách khác nhau tùy theo từng kiểu và thường dùng khung gỗ lim ở dưới cùng để bảo vệ. Những chiếc giếng này có niên đại không đồng nhất, hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau của nhiều thế kỷ.


    Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kiểu giếng vuông và trên tròn dưới vuông là giếng Chăm, được xây dựng từ trước thế kỷ 15, khi người Việt đến cư trú đã kế thừa nhằm phục vụ nhu cầu của mình. Số khác thì người Hoa và người Việt “học hỏi kỹ thuật” của người Chăm mà xây nên. Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng tất cả các giếng chung đặc điểm là có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài, không bị sụt lún.



    Nhiều người vẫn "trung thành" với nước giếng cổ.


    Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính, tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào, duy trì mực nước trong giếng. Đặc biệt, trên các giếng này đều có các bàn thờ để thờ “thần giếng”. Theo chuyên viên nghiên cứu giếng cổ Hội An Võ Hồng Việt, đây là một yếu tố tâm linh của cư dân Hội An cổ, người xưa quan niệm mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ.


    Tuy nằm rất gần sông nước mặn nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định, kể cả những ngày nắng hạn. Anh Trần Trung Mẹo (39 tuổi), một người dân làm nghề chở nước giếng thuê cả chục năm nay, cho biết: “Du khách nước ngoài sành và kỹ tính, đến Hội An, họ chỉ sử dụng nước giếng này thôi, nếu khách sạn nhà hàng nào sử dụng nước máy có chất khử, họ sẽ nhận ra và bỏ đi ngay!”. Một số cụ cao niên ở đây cho biết thêm, thời chiến tranh, nhiều lính Tây khi đặt chân đến đây cũng chỉ sử dụng nước các giếng này để sinh hoạt. Có thể giếng cổ đã nổi danh với các du khách nước ngoài từ đó.

    Một chi tiết thú vị nữa là tất cả những món ăn đặc sản ở phố Hội như Cao Lầu, mì Quảng... đều chỉ sử dụng nước từ các giếng cổ. Chính vì vậy, ở Hội An tồn tại một nghề từ xưa đến nay, đó là nghề chở nước giếng thuê. Có những gia đình con nối nghiệp cha, làm nghề ba, bốn đời. Rõ ràng, tầm quan trọng của những chiếc giếng cổ này đối với người dân Hội An và văn hóa của phố cổ là không phải bàn cãi và không gì thay thế được.

    Theo Thể Thao Văn Hóa

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts