+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 4 trên 4
  1. #1
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default Văn Hóa Chàm tại miền Trung Việt Nam

    Tháp Chăm ở Bình Định: yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh (*)


    Trong những di tích văn hóa Chăm để lại trên dải đất miền Trung, di tích văn hóa Chăm ở Bình Định có một vị thế riêng, bản sắc riêng của miền đất và điều kiện lịch sử dung dưỡng nền văn hóa này. Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tộc người Chăm kéo dài 5 thế kỷ (XI-XV), cho đến nay, các di tích văn hóa Chăm còn lại ở Bình Định vô cùng phong phú về loại hình, chất liệu, kích cỡ, tạo ra một giá trị đặc sắc trong dòng chảy của lịch sử văn hóa.



    Tháp Dương Long. Ảnh: Đào Tiến Đạt


    Để tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Chăm ở Bình Định, có thể nói nhờ hai yếu tố:

    Một là, yếu tố truyền thống của văn hóa Chăm được xây dựng, phát triển trên một ngàn năm từ tín ngưỡng bản địa của người Chăm kết hợp với sự hội nhập của văn hóa Ấn Độ.

    Hai là, yếu tố văn hóa bên ngoài ảnh hưởng đến văn hóa Chăm trong giai đoạn lịch sử này. Cùng với lát cắt lịch sử của thời kỳ Vijaya (Bình Định), trong khu vực thời nhiều tộc người đã xây dựng nên bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Đặc biệt, hai nền văn hóa gần gũi như văn hóa Thăng Long của Đại Việt (Lý - Trần) và văn hóa Khơme (Ăngko Vát - Ăngko Thom) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành một phong cách nghệ thuật trong các di tích văn hóa Chăm ở Bình Định. Sự ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt thể hiện qua các mối giao lưu văn hóa diễn ra trong suốt thời kỳ Lý - Trần mà đỉnh cao của nó là sự liên minh chống quân Nguyên xâm lược vào cuối thế kỷ XIII và cuộc hôn nhân giữa công chúa nhà Trần Huyền Trân với vua Chămpa Chế Mân (Jaya Vacrman II). Sự ảnh hưởng của văn hóa Khơme là hằng số, bởi hai nền văn hóa này có nguồn gốc cùng chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt hơn, trong thời kỳ Vijaya, người Chăm đã nhiều lần tiến quân vào đất Khơme và thủ đô ĂngKo (người Khơme đã biến vùng đất này thành thuộc địa của đế quốc Ăng Ko khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII). Họ đã tiếp thu văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau khá sâu đậm.

    Những mối quan hệ lịch sử đã tác động đến sự phát triển của văn hóa Chăm giai đoạn ViJaya có thể được nhận thấy trên một số loại hình di tích.
    1. Kiến trúc tháp Chăm

    Hiện nay trên địa bàn Bình Định còn tồn tại 7 cụm tháp với 13 kiến trúc, được xây dựng kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Tháp Chăm là một loại hình kiến trúc tôn giáo ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ được người Chăm tiếp thu và xây dựng mang bản sắc riêng của tộc người. Tháp Chăm có quy mô không lớn, được xây chủ yếu bằng chất liệu gạch, mô hình kiến trúc riêng, kỹ thuật riêng độc đáo và được chạm khắc hoa văn như một tác phẩm nghệ thuật. Những tháp Chăm được xây dựng ở Bình Định giai đoạn đầu vào thế kỷ XI (tháp Bình Lâm) là sự kế thừa truyền thống nghệ thuật kiến trúc Chăm đã định hình và phát triển hàng trăm năm trước đó. Tháp Bình Lâm xây bằng gạch, kỹ thuật xây mài chồng khít như không có mạch, khối kiến trúc tinh xảo, hoa văn trang trí chi tiết mang tính nghệ thuật cao. Yếu tố truyền thống này là yếu tố chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm tiếp tục được phát huy đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc tháp ở Bình Định. Ở một số kiến trúc tháp cuối thế kỷ XII, như tháp Bánh Ít, bên cạnh yếu tố kiến trúc, nghệ thuật truyền thống, ảnh hưởng của kiến trúc Khơme đã đem lại một diện mạo mới trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm. Mặc dù còn xa lạ, nhưng sự kết hợp giữa vật liệu truyền thống Chăm (gạch) với khối kiến trúc dáng dấp Khơme đã tạo nên một khối kiến trúc thể nghiệm mới trong kiến trúc tháp tôn giáo Chăm, đạt hiệu ứng về thẩm mỹ nghệ thuật trong kiến trúc.

    Cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, do điều kiện lịch sử, ảnh hưởng của kiến trúc Khơme lên các kiến trúc tháp ở Bình Định ngày càng phổ biến. Một ví dụ là kiến trúc tháp Đôi. Tháp có mặt bằng, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí, khối kiến trúc thân, cửa, cửa giả hình mũi lao mang tính truyền thống; còn hệ thống đá ốp trang trí chân, bộ mái tháp hoàn toàn mang tính chất mái khối kiến trúc tháp Khơme, tạo nên sự hài hòa, mang vẻ đẹp riêng trong kiến trúc. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Khơme còn được thể hiện rõ nét trên tháp Dương Long. Mặt bằng đế tháp hình vuông chuyển lên mặt bằng thân tháp đa cạnh, hệ thống khối trang trí góc, thân tháp mất đi và bộ mái tháp chuyển sang khối hình tròn.

    Sự kết hợp từng bước, hài hòa từng bộ phận đã bước đầu mang lại hiệu quả cho phong cách kiến trúc này, tạo nên dòng nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm riêng mà không vùng đất nào có được. Những bước thử nghiệm ấy là tiền đề của việc ra đời các kiến trúc tháp mang đặc trưng Chăm riêng biệt độc đáo mà các nhà nghiên cứu kiến trúc gọi là phong cách nghệ thuật kiến trúc tháp Bình Định, điển hình là tháp Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện. Trong dòng nghệ thuật kiến trúc tháp Bình Định, có thể thấy rõ hai yếu tố nội sinh là truyền thống nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm kết hợp với ảnh hưởng của kiến trúc tháp Khơme tạo nên hiệu quả sau:

    Quy mô các kiến trúc to lớn mà không một giai đoạn kiến trúc tháp Chăm nào có được; có tháp như Dương Long được coi là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á.

    Sự kết hợp hài hòa giữa khối kiến trúc tháp Chăm và khối kiến trúc Khơme hòa nhập với điều kiện tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, hoành tráng đầy ấn tượng, nâng cao giá trị tư tưởng, nội dung tôn giáo mà công trình kiến trúc chuyển tải.

    Sự kết hợp tài tình giữa các loại vật liệu truyền thống Chăm (gạch) với vật liệu mới (đá) ảnh hưởng của kiến trúc Khơme đã tạo nên một thẩm mỹ riêng. Sắc đỏ nồng ấm của gạch, sự bền vững của đá đã tạo nên gam màu độc đáo, lộng lẫy, sang trọng, tăng giá trị thẩm mỹ mà vẫn tồn tại ổn định lâu dài trong lịch sử.

    Sự tiếp thu có chọn lọc còn thể hiện qua việc lựa chọn vật liệu xây dựng tháp. Nếu các kiến trúc Khơme giai đoạn này được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu đá và đá ong, thì người Chăm chỉ khai thác sử dụng đá ong trong các phần nền của kiến trúc để tạo sự ổn định, bền vững cho công trình, như các tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long.

    2. Điêu khắc

    Điêu khắc đá Chăm đến giai đoạn Vijaya có gần 400 năm tồn tại và phát triển. Những tác phẩm đầu tiên được biết đến thuộc thế kỷ VII (phong cách cổ Mỹ Sơn E1) và có những đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc đá thuộc thế kỷ X (nghệ thuật phong cách Trà Kiệu), được coi là những tác phẩm tinh mỹ nhất của nghệ thuật điêu khắc Đông Nam Á. Nghệ thuật điêu khắc đá giai đoạn này có những bước chuyển mình. Nếu giai đoạn đầu, các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy ở Bình Định có tính kế thừa, nghệ thuật tinh tế vừa chú trọng hình khối, vừa chú trọng chi tiết tạo nên sự sang trọng có tính tôn giáo như linga tháp Bình Lâm, tượng voi thành Chà Bàn, phù điêu nữ thần Sargvatti (Bình Nghi - Tây Sơn), thì những tác phẩm thế kỷ XII-XIII lại có kích thước lớn, hình khối căng to thô, họa tiết trang trí khối nổi rõ, ít cầu kỳ, mang sức sống thời đại. Nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này chủ yếu chú trọng đến khối mà ít quan tâm đến chi tiết, chủ yếu thể hiện nội dung tôn giáo mà ít tính đến hiệu quả nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu gọi đó là phong cách nghệ thuật tháp Mẫm. Cùng với đề tài tôn giáo truyền thống được thể hiện trong các giai đoạn trước như hình ảnh các vị thần, các con thú huyền thoại, thì thời kỳ này xuất hiện nhiều đề tài mới như Garuda, rắn Naga được thể hiện trên khối to nổi, họa tiết trang trí khá hoàn thiện.

    Hình ảnh con rồng được thể hiện khá dữ dằng, khối nổi to khỏe mạnh, ẩn chứa sức sống đầy quyền uy.

    Đặc biệt, giai đoạn này xuất hiện hình tượng con Makara với bờm mào vươn cao, thân uốn lượn mềm mại như hình ảnh con rồng trong nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý, hay những họa tiết hoa văn cánh sen được khắc tạc với sức sống mới, những cánh sen to mập, mũi uốn hướng lên rất gần gũi với hoa văn cánh sen thời Trần trong nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Một vài chi tiết nêu trên cho thấy, nghệ thuật điêu khắc đá Bình Định thời kỳ Vijaya đã tạo nên một phong cách mới, mang vẻ đẹp riêng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Chăm trong lịch sử.

    3. Giá trị văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

    Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm ở Bình Định đã có một thời kỳ phát triển khá huy hoàng. Những đóng góp nổi trội của nó thể hiện qua quy mô kiến trúc to lớn, hoành tráng mang vẻ đẹp khỏe khoắn, tạo nên những đặc trưng cơ bản của kiến trúc tháp Bình Định: Đế tháp có kích thước lớn đồ sộ, nền đế xây cao khác hẳn các kiến trúc có trước; Thân tháp khối to, đứng, hệ thống cột góc nhô ra, mỗi mặt tường có 5 cột đơn khối nổi to vững chắc; Hệ thống cửa nhiều lớp nhô ra, vòm cửa mũi lao nhọn nhiều lớp nhô lên khỏe mạnh; Bộ mái tháp nhiều tầng, thu nhỏ dần lên. Mỗi tầng có hệ tháp góc nhiều tầng thu nhỏ dần lên trang trí.

    Vẻ đẹp của các tháp trong thời kỳ này là vẻ đẹp tổng thể, to lớn về quy mô, đường bệ trong mảng khối: “Tất cả các thành phần kiến trúc đều đi vào mảng khối: vòm cửa thu lại và vút lên hình mũi giáo. Các tháp nhỏ trên các tầng như cuộn lại các hình khối đậm khỏe, các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng, mặt tường được tăng gân và được căng ra bằng đường gờ nổi chạy giữa, các đá điểm góc trở nên cách điệu… Tất cả đều có tác dụng gây ấn tượng hoành tráng từ xa…”(1). Một số nhà nghiên cứu cho rằng các kiến trúc tháp Chăm ở Bình Định là sự giản lược công thức, kém giá trị thẩm mỹ so với các kiến trúc có trước, điều đó không có nghĩa biểu hiện sự suy thoái của nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm, mà đó là sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc trong một giai đoạn, khẳng định thêm giá trị của nền văn hóa này trong nền văn hóa dân tộc.

    Những tác phẩm điêu khắc đá trong giai đoạn này so với giai đoạn trước, về kích thước vượt trội hơn hẳn. Khối tạc đồ sộ, mảng nổi căng sức sống, chững chạc hơi gân guốc, họa tiết hoa văn to, thoáng thể hiện một khoảng không rộng lớn làm nổi bật chủ đề trang trí, phù hợp với khối tượng tổng thể, tạo nên sự hài hòa hoàn thiện, không hề khô cứng, hay báo hiệu sự suy thoái của nghệ thuật điêu khắc như một số nhà nghiên cứu nghệ thuật suy luận. Những tác phẩm điêu khắc này phù hợp với khối kiến trúc, tạo nên một sức sống riêng khỏe mạnh, ấn tượng, ẩn chứa bên trong sự khát khao cuộc sống, với niềm mong ước nỗ lực vươn lên, tạo nên một giai đoạn nghệ thuật mới tỏa sáng trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.

    Để có được một phong cách nghệ thuật mới, riêng biệt mang dấu ấn của vùng đất sản sinh ra, nghệ thuật Chăm giai đoạn Vijaya đã biết kế thừa những tinh túy của nghệ thuật giai đoạn trước, biết tiếp thu, hội nhập chọn lọc những yếu tố văn hóa bên ngoài tạo nên một phong cách nghệ thuật mới mang đậm dấu ấn của chủ nhân sáng tạo ra chúng. Những ảnh hưởng của văn hóa Việt - Khơme để lại những dấu ấn phảng phất, gần gũi nhưng không lấn át được yếu tố nghệ thuật Chăm. Dòng chảy nghệ thuật Chăm vẫn giữ vai trò chủ đạo, mang thêm sức sống mới, sự sáng tạo mới. Văn hóa Chăm ở Bình Định có được thành tựu sáng giá, chính nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố văn hóa cội nguồn, kết hợp sáng tạo với yếu tố văn hóa bên ngoài, tạo nên một bản sắc riêng độc đáo, tỏa sáng trong nền văn hóa dân tộc cho đến ngày nay.

    (*) Bài viết của TS. Lê Đình Phụng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 6 năm 2007

    1. Ph.Stern, L’art du Chăm et son Evolution, Toulouse, 1942 (Bản dịch tư liệu Viện Khảo cổ học).
    thay đổi nội dung bởi: Giang_Vu, 04-26-2009 lúc 10:58 AM
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  2. #2
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Bí ẩn tháp Chăm Bình Định





    Tháp Chăm Bình Định là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chămpa. Theo các sử liệu thì trong quá trình trị vì đất nước, các triều đại Chămpa cổ đã cho xây dựng khá nhiều đền đài, nhưng trải qua nhiều thời gian đấu tranh tồn tại, cộng thêm sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, con người... cho đến nay trên vùng cư trú xưa của họ chỉ còn lại một số dạng kiến trúc đền đài là các tháp. Bình Định là địa phương thứ hai, sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta, với 8 cụm di tích tháp với 14 tháp rải ra trên địa giới ba huyện và một thành phố: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn. Niên đại của các tháp Chăm được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót 1.000 năm. Khi định niên đại của các tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định, P. Stec đưa ra giả thuyết như sau: phong cách bắt đầu từ tháp Bánh Ít - còn gọi là tháp Bạc (nửa đầu thế kỷ 12); tháp Dương Long (đầu thế kỷ 13); tháp Hưng Thạnh (nửa đầu thế kỷ 12); tháp Thủ Thiện Cánh Tiên (hay tháp Đồng); tháp Phú Lốc hay tháp Vàng (thuộc thế kỷ 13); và bắt đầu suy thoái ở tháp Po Klung Garai, Ninh Thuận.


    Tháp Chăm được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn, Siva - tượng trưng cho sự hủy diệt, hai vị thần kia là Visnu - tượng trưng cho sự bảo tồn và Brahma - tượng trưng cho sự sinh thành. Cả ba nằm trong một vòng luân chuyển không ngừng. Người Chăm thờ thần Siva là chính, vì người Khmer thờ thần Visnu là chính. Tín ngưỡng này của người Chăm kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên tạo thành bản sắc trong đời sống tinh thần của họ.

    Tháp Chăm, trong Ấn Độ giáo người ta gọi là Sikhara, một dạng kiến trúc tiêu biểu của Bà La Môn giáo. Từ Sikhara có nghĩa là đỉnh nhọn, đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru trong Bà La Môn giáo. Núi Mêru là núi thần thoại có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau. Vị thần tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần tùy theo các bậc cao thấp khác nhau mà ngự trị ở những đỉnh núi thấp hơn trên cùng một dãy Mêru. Núi Mêru được biểu hiện thành kiến trúc Sikhara, người Chăm gọi là Kalan, có nghĩa là đền thờ. Đúng ra là Kalan Chăm chứ không phải là tháp Chăm, nhưng người ta quen gọi là tháp Chăm, đồng thời từ tháp đã trở thành một thuật ngữ kiến trúc chỉ loại hình cao tầng đế nhỏ. Cho nên người ta chỉ dùng từ "tháp" để gọi loại hình kiến trúc này.

    Tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và dung hòa được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn tháp đã truyền cho ta niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một loại chất liệu. Không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất. Vì sao trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên, bao tai họa mà những ngọn tháp đất nung này vẫn tồn tại? Những đền tháp Chăm này được đặt trong sự gắn kết với cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm chính trị, kinh tế quân sự và tôn giáo cổ (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại). Trải qua hàng nghìn năm với chất liệu đất vẫn còn trường tồn là một bí ẩn và độc đáo mà chỉ có ở tháp Chăm.

    Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần về thăm tháp Chăm Bình Định đã lưu lại mấy câu thơ bất hủ: Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chăm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêuhuyền thoại . Chính vì tính cách nhỏ giọt của "bản đồ" mà tháp Chăm Bình Định đã cho Văn Caonhững suy nghĩ ấy. Vì bao giờ tháp Chăm Bình Định cũng đều được xây trên những ngọn đồi ở vị trí cao nhất, ở những vùng đất mà nó ngự trị.

    Tháp Chăm Bình Định là nguồn cảm hứng của nhiều du khách đến thăm bởi sự hùng vĩ và trải qua hàng nghìn năm nó tồn tại một cách ngạo nghễ với thời gian. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong một lần đến thăm tháp Chăm Bình Định, suy nghĩ về sự đổi thay dâu bể của lịch sử và số phận của những người Chăm đã có cảm hứng: Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi; Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn/ Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy!

    Bình Định ngày nay, Vijaya xưa là vùng định đô của vương quốc Chămpa cổ từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Đây là giai đoạn phát triển văn hóa rực rỡ của Chămpa. Trên vùng đất này, văn hóa Chămpa đã để lại di tích khá đậm đặc với nhiều loại hình và số lượng phong phú, tiêu biểu trong số này là hệ thống các tháp Chăm ở Bình Định.

    Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo mà UBND Bình Định, Viện Khảo cổ học đang xúc tiến xây dựng hồ sơ, khuyến nghị Chính phủ, đề nghị UNESCO công nhận: "Hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là di sản văn hóa thế giới". Tuy nhiên, lộ trình đi từ di tích đến di sản còn nhiều việc phải làm đối với mọi người. Nếu thấy rằng hệ thống tháp Chăm Bình Định thực sự là quý báu, thực sự là có giá trị của nước ta, di tích trải qua 1.000 năm, thì vì sao không đề cử tháp Chăm Bình Định là Di sản văn hóa thế giới?

    . Theo TS ĐINH VĂN LIÊN/SGTT
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  3. #3
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Makara trong điêu khắc Chămpa




    Makara sinh ra thần linh (thế kỷ XI) phát hiện tại Chánh Lộ - Quảng Ngãi.


    Hình tượng Makara được thể hiện rất phổ biến trên các tác phẩm điêu khắc. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, vật linh này lại được thể hiện theo cách riêng.

    Theo thần thoại Ấn Độ, Makara là loài thủy quái, vật cưỡi của thần Varuna (thần biển) và cũng là vật cưỡi của nữ thần Gangadevi (nữ thần sông Hằng). Truyền thuyết khác cho rằng, Makara là loài vua rắn nước, chuyên về cõi âm, loài mang nước đến cho mùa màng bội thu được con người thờ cúng. Cơ thể Makara là sự tổng hòa các đặc điểm của cá sấu, voi và rắn, biểu tượng cho nước và cầu vồng; trong đó, rắn là cầu vồng, voi là sương, mây và mưa, đem lại sự sống.
    Trong điêu khắc Chămpa, Makara xuất hiện sớm, từ thế kỷ VII-VIII và chỉ được thể hiện phần đầu, với miệng đang nhả thú, thể hiện ước mơ phồn thực. Ở Bình Định, PGS-TS Ngô Văn Doanh cho rằng, Makara có niên đại sớm là một tác phẩm được tìm thấy tại phế tích tháp ở núi Cấm (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Hai chiếc đầu Makara quay ra ngoài, tạo thành kiểu trang trí có chức năng làm chân đế cho một vòm cuốn, phía trên là hình tượng nữ thần Uma hay Durga (vợ Siva) mười cánh tay đang trong tư thế múa. Hình tượng này gắn liền với truyền thuyết nữ thần Uma đang xông trận để tiêu diệt con quỷ đầu trâu Mahisha.

    Tương tự vậy, ở tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi), cũng có hai tác phẩm điêu khắc thể hiện vũ nữ đang múa trên lưng Makara. Nếu lá nhĩ núi Cấm, trên lưng hai Makara chỉ có một người múa, thì ở hậu bàn thờ Thủ Thiện, trên lưng mỗi Makara có một vũ nữ múa. Các Makara này có nhiều nét giống với Makara ở Trà Kiệu: vòi cuốn về phía trước, mắt tròn dưới vòng lông mày nổi cong, tai dựng lên như ống loa. Những Makara này được đoán định có niên đại cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI, thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Trà Kiệu sang phong cách Bình Định.



    Makara (thế kỷ XII-XIII) khai quật ở tháp Dương Long - Tây Sơn năm 2007.


    Đến phong cách Bình Định (thế kỷ XII - XIV), Makara đã trở nên phổ biến. Makara thường có hình khối lớn, chạm khắc trang trí dày đặc chi li, cầu kỳ. Các tác phẩm thể hiện rất chặt chẽ, từ bố cục đến các trang trí, hoa văn, trông dữ tợn hơn các Makara phong cách Trà Kiệu. Ví như cặp tượng tròn Makara phát hiện ở tháp Mắm năm 1934, hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng thể hiện hai Makara nhe răng, hàm trên là chiếc vòi voi ngắn xoắn lại, miệng há rộng, từ trong miệng một đầu rắn đang được nhả ra, mắt lồi; trên đỉnh đầu có sừng cong, họa tiết trang trí hoa văn xoắn, vòng cổ đeo lục lạc…


    Trong số những hiện vật tìm thấy tại các cuộc khai quật tháp Dương Long thời gian qua, Makara là chủ đề trang trí thường gặp. Trong đó, có hai tác phẩm kích thước lớn, thể hiện hai đầu Makara bán tròn, ngược chiều nhau. Trên đầu Maraka có mào, tạo nên bởi khối lá lửa trong khung uốn cong, phía sau có bờm, tai to vểnh hình lá nhĩ, mắt tròn to. Cung mắt Maraka cong nhọn, vầng trán nhô ra trước, hướng nhìn nghiêng, miệng mở rộng… Hai tác phẩm này đều có thân rắn uốn ngược lên cao, trên trang trí những chiếc lá nhĩ xiên xòe rộng. Ở Dương Long, còn phát hiện ra các hiện vật thể hiện hình ảnh Makara đang phun rắn Naga, Makara phun dây lá lửa có hình thân rắn uốn lượn bao lấy hình người - chim; cùng nhiều con vật đầu Makara mình người.



    Makara sinh ra thần Asura (thế kỷ X) phát hiện ở Trà Kiệu (Quảng Nam).


    Như vậy, đến phong cách Bình Định, hình tượng Makara được tạo tác với một bố cục chặt chẽ, các chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Sự nhấn mạnh của khối trang trí, thể hiện chi tiết, khiến cho các tác phẩm mang vẻ đẹp dữ tợn, họa tiết trang trí chi tiết rậm, nhiều họa tiết đan xen. Đây là hiện tượng giao lưu văn hóa đa tuyến của phong cách Bình Định, giữa văn hóa Chămpa với Khmer, Chămpa và Đại Việt.


    Dù thể hiện dưới phong cách nghệ thuật nào, Makara vẫn là biểu tượng cho khát vọng về môi trường mưa thuận gió hòa, để con người được làm ăn sinh sống, các loài thú được sinh sôi nảy nở.
    • Hồ Thùy Trang
    thay đổi nội dung bởi: Giang_Vu, 04-26-2009 lúc 11:06 AM
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  4. #4
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định


    Truyền thống kiến trúc tôn giáo của người Chăm trong lịch sử, do ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ, các tháp Chăm được xây với biểu tượng là núi Mêru, nơi ngự trị của thần linh, trong đó thờ 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo là Brahma (thần Sáng tạo)- Visnu (thần Bảo tồn)- Sihva (thần Hủy diệt). Trong văn hóa Chăm 3 vị thần này thường được thờ thể hiện dưới dạng ngẫu tượng Linga (dương vật) - Yony (âm vật), trong đó Linga thể hiện 3 phần biểu tượng của 3 vị thần: phần đế hình vuông thể hiện thần Brahma; phần giữa hình bát giác thể hiện thần Visnu và phần trên hình trụ tròn thể hiện thần Sihva. Đây là hiện tượng thờ tam vị nhất linh (3 vị thần là một).

    Tượng Linga-Yony bằng đồng tìm thấy tại tháp Bánh Ít (Tuy Phước), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimét - Paris (Pháp).

    Không ở đâu hiện tượng thờ Linga-Yony sâu rộng như ở Chămpa. Tín ngưỡng này gắn liền với thần thoại về mẹ cùng sự thờ cúng âm lực, họ coi âm vật của đàn bà là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần mẹ còn có vị nam thần, biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật. Tục thờ sinh thực khí là một trong những tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa cầu mong được sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp nói chung và của cư dân Chăm nói riêng.

    Sihva theo tiếng Phạn là “tốt lành”. Thần Sihva là thần Hủy diệt, nhưng sự hủy diệt của Sihva là hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới. Chính vì thế người ta coi thần Sihva như là thần vừa hủy diệt vừa sáng tạo. Điều đó có lẽ xuất phát từ cuộc sống, đặc điểm của cư dân Chămpa sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt nắng gió, mưa nhiều, bão tố tàn phá xảy ra thường xuyên, làm cho con người ở đây gặp nhiều tai họa thử thách, nhưng sau những giông bão ấy là những cánh đồng đầy nước, mùa màng xanh tươi. Bởi thế, trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, tính cách Sihva phù hợp với đời sống tâm linh của họ hơn.
    Tục thờ Linga của người Chăm được kết hợp với tín ngưỡng bản địa, được biểu hiện ra ba dạng: Linga được thể hiện ngẫu tượng thờ cúng tổ tiên; Linga được dựng lên làm biểu tượng thờ vua - đây là một trong những biểu hiện của sự kết hợp giữa vương quyền với thần quyền một cách chặt chẽ trong đời sống của cư dân Chămpa. Linga được dựng lên làm quốc trụ, làm biểu tượng chiến thắng.
    Kết hợp với Linga là Yony - biểu hiện đặc tính âm của thần Sihva. Linga kết hợp với Yony tạo nên một bệ thờ hoàn chỉnh được coi là sự hòa nhập âm dương. Yony có thể được khắc tạc liền khối với Linga, có thể khắc tạc riêng lẻ gá lắp với Linga. Yony thường được chế tác hình vuông hay hình tròn, có vòi dẫn nước vươn ra, lòng thường trũng để khi làm lễ nghi tôn giáo, nước tắm Linga được dẫn qua Yony chảy ra vòi trở thành nước thiêng, uống nước này người Chăm quan niệm sẽ được nhiều phúc lộc may mắn, con cháu đầy đàn... Bộ ngẫu tượng Linga-Yony có kích thước nhỏ thường được đặt thờ trong lòng tháp, tượng lớn thì đặt ởø ngoài sân, nhưng vòi Yony bao giờ cũng quay về hướng Bắc. Khi hành tế, giáo sĩ Balamôn làm lễ xong, đi vòng từ phải sang trái (ngược chiều kim đồng hồ) lấy nước thiêng hứng từ vòi Yony chảy ra ban phát cho tín đồ.

    Tượng Yony bằng sa thạch khai quật tại di tích tháp Dương Long (Tây Sơn) năm 2008.

    Ở Bình Định, một tượng Linga được tìm thấy tại chùa Thiên Trúc - nằm cạnh tháp Bình Lâm (Tuy Phước). Linga tạo dáng khối trụ tròn, đầu hơi thon, toàn thân mài nhẵn bóng, chu vi lớn nhất 1,55m, đường kính 0,8m. Đầu Linga tả thực với đường viền quanh tạo gờ nổi, chính giữa mặt khắc hoa văn xoắn hình quả bầu thắt giữa, xung quanh tỏa ra những họa tiết hoa văn xoắn. Chiếc Linga này nguyên thủy là vật thờ trong lòng tháp Bình Lâm.

    Theo bản vẽ của H.Parmentier thực hiện vào những năm đầu thế kỷ XX, khi ông nghiên cứu tại di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn), lúc đó trong ngôi tháp Bắc có một bệ thờ Linga-Yony cao 2,1m; phần Linga cao 0,5m; Yony hình tròn-đường kính 1,3m; dày 0,20m; vòi Yony dài 0,35m. Hiện nay, Ban Quản lý di tích Bình Định đã phục chế theo tỉ lệ 1/1 một tượng thờ Linga-Yony bằng đá tương tự đặt thờ trong ngôi tháp này.
    Một tượng Linga-Yony thể hiện một bệ thờ hoàn chỉnh được chế tác bằng chất liệu đồng được tìm thấy tại tháp Bánh Ít (Tuy Phước) vào thời Pháp thuộc, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimét-Paris. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có lẽ chính là vật thờ trong lòng ngôi tháp chính của khu tháp Bánh Ít trong lịch sử. Kích thước hiện vật cao 27cm, rộng nhất 24cm, chu vi lớn nhất 21,5cm. Đây là hiện vật hoàn chỉnh chia làm 3 phần rõ rệt. Phần trên là khối tượng Linga chia làm hai phần: phía trên là trụ tròn biểu tượng thần Sihva, trên trụ có tạc cột thiêng, búi thiêng với nhiều lớp nhô lên với tóc uốn đều hai bên đối xứng, phía dưới là hình bát giác biểu tượng thần Visnu, các cạnh để trơn không trang trí; hai phần này tương đối bằng nhau. Linga được dựng trên Yony hình tròn vòi dẫn nước thiêng vươn hẳn ra. Chính giữa Yony nổi lên hình tròn làm bệ đỡ cho Linga, ngăn cách với thành Yony tạo nên khe nước chảy xung quanh. Thành đứng mặt ngoài trang trí hoa văn hình con sâu nối nhau, phía dưới là họa tiết chấm tròn kết dải. Ngăn cách với bệ tượng là dải núm vú vây quanh. Bệ hình chóp nón cụt, tròn đều, dải uốn cong thành bát trang trí hoa văn cánh sen nhiều lớp phủ xuôi, tiếp đến là hoa văn chấm tròn, hoa văn móc hình con sâu, dưới cùng là hoa văn cánh sen kết dải, mặt cánh sen trang trí họa tiết chấm tròn. Phần đáy bệ loe ra đều vững chắc.

    Tượng Linga-Yony bằng sa thạch (phục chế) trong lòng di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn).

    Trong cuộc khai quật vào những tháng cuối năm 2008 tại di tích tháp Dương Long, các nhà khoa học đã khai quật và đã phát hiện nhiều loại hình hiện vật rất có giá trị, đáng chú ý nhất là đã tìm thấy một bệ thờ Yony nằm trong lòng một phế tích tháp, ở vị trí phía tây sau khu tháp chính, cách tháp trung tâm khoảng chừng 15m. Yony được tạo từ chất liệu đá xám sẫm, hạt mịn, được mài cắt vuông vứt, bóng nhẵn. Yony hình vuông với vòi dài vươn ra 22cm, cạnh 82cm, cao 53cm, chính giữa có khe dẫn nước, khe dẫn nước sâu thu nhỏ dần ra ngoài. Mặt bệ đục sâu xuống tạo nên lòng bệ vuông. Chính giữa Yony là lỗ đục vuông xuyên suốt dùng để gá lắp Linga. Phần tượng Linga hiện nay chưa tìm thấy, nhưng căn cứ vào mộng gá lắp cho thấy Linga ở đây có 3 phần thể hiện Tam vị nhất linh mà phần dưới vuông thể hiện thần Brahma. Phần dưới mặt bệ Yony các cạnh thót đều vào dùng để gá lắp với phần dưới bệ. Từ hiện vật là chiếc Yony vừa phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long là khu tháp thờ thần Sihva mà biểu tượng chính là Linga và Yony.

    Với sự kết hợp của nhiều nguồn tư liệu, cùng những phát hiện mới trong công tác khảo cổ học, mở ra nhiều điều thú vị, không những giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận tìm ra những giải pháp trong việc trùng tu tôn tạo di tích mà còn dần dần sẽ trả lại những giá trị tâm linh cho từng ngôi tháp Chăm ở Bình Định.
    • Hồ Thùy Trang
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts