+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Kịch Thơ Dã Sử

  1. #1
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default Kịch Thơ Dã Sử

    Đường Tới Mê Linh

    (Kịch Thơ một màn, một cảnh)

    (Soạn để trình diễn trong ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng với sự trợ giúp của Ngọc Loan và góp ý của Nghệ sĩ Mai Khanh).


    BỐI CẢNH LỊCH SỬ

    Thái thú Tô Định dưới thời Đông Hán, độc ác tham tàn, dung túng quân lính tàn sát dân
    Giao Chỉ, bắt người lên rừng tìm sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai, khiến nhiều gia đình phải điêu linh, ly tán. Sau khi Tô Định bắt giết Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị trương cờ khởi nghĩa, đánh chiếm thành Liên Lâu là nơi Tô Định trÃn đóng (1), khiến Tô Định thua chạy về Nam Hải. Nhờ chiến công này, dân chúng các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng hưởng ứng theo Hai Bà chống lại quân Đông Hán, giải phóng dân Giao Chỉ thoát khỏi ách thống trị của Tàu.

    SƠ LƯỢC CỐT CHUYỆN

    Chuyện xẩy ra vào khoảng năm 40 sau T.L. tại bờ sông một làng chài lưới gần thành Liên Lâu, Quận Giao Chỉ là nơi thái thú Tô Định trấn đóng. Bên kia sông là huyện Mê Linh nơi Hai Bà Trưng khởi nghĩa.

    Trong thời gian này, quân lính của Tô Định thường cướp phá các làng chài ven sông, khiến nhiều gia đình phải ly tán, bỏ chạy sang bên kia sông theo quân khởi nghĩa.
    Ở gần bờ sông, gia đình quan Lạc Tướng dòng dõi quí tộc gồm ba người là Tráng sĩ Hoàng Tâm, vợ tên Lan Nương và mẹ già Lão Bà. Vì chán ghét chế độ cai trị tàn ác của thái thú Tô Định, Hoàng Tâm không chịu ra làm quan, và sống đời ẩn dật, ngày ngày cùng vợ ôn luyện kiếm cung, săn bắn và phụng dưỡûng mẹ già.

    Khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Đông Hán, Vợ chồng Hoàng Tâm đã
    nhiều lần định bỏ làng đi theo, nhưng ngặt vì còn mẹ già cần phải phụng dưỡng nên chưa
    thể dứt áo ra đi.

    Một hôm, quân Tô Định đến đánh phá làng chài, khiến mọi người phải bỏ chạy qua bên kia sông. Vì phải dìu mẹ già chậm chạp, vợ chồng Hoàng Tâm ra tới bờ sông thì không còn ai nữa. Bao nhiêu thuyền bè đều được dân chài chèo đi. Chỉ còn lại cảnh bến vắng, đồng không giữa màn sương mờ nhạt.

    Rất may, Lan Nương đã tìm thấy một chiếc thuyền nan nhỏ bỏ sót lại ở cuối ghềnh đá.
    Nhưng con thuyền nhỏ thuộc loại thuyền thúng chèo trong mương rạch, chỉ đủ chở 2 người!
    Đứng trước dòng sông bát ngát, sóng nước mênh mông, gia đình Hoàng Tâm đã nhường
    nhịn nhau để qua sông trước, một người sẽ hy sinh ở lại ngăn chặn quân thù trong cảnh chia ly vô cùng thương tâm.

    Hoàng Tâm xin ở lại chặn giặc, lấy cớ có sức khỏe trai tráng, nhường mẹ và vợ sang sông trước.

    Lan Nương lý luận: Cô tuy là gái, nhưng “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, xin được ở lại ngăn quân giặc để chồng và mẹ qua sông theo phò Hai Bà Trưng, như vậy chàng sẽ được toàn vẹn cả Hiếu lẫn Trung.

    Lão Bà không đồng ý, cho rằng mình tuy tuổi đã già yếu chậm chạp, nhưng có kinh nghiệm xưa kia theo chồng chiến đấu nhiều phen, hơn nữa bà không thể bỏ mồ mả Ông Bà Tổ Tiên ra đi, "sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm".

    Cảnh giằng co kéo dài, trong khi quân giặc sắp đuổi đến khiến vợ chồng Hoàng Tâm phải
    hẹn nhau so tài đấu kiếm, ai thắng thì được ở lại chặn giặc, ai thua phải đưa mẹ qua sông...
    Nhìn cuộc so gươm của hai con, Lão Bà vừa cảm động vừa đau lòng, đã bắt hai con cùng quì xuống, nghe lời giáo huấn của bà.

    Lão Bà kể về thân thế dòng họ và lịch sử dân tộc Lạc Việt oai phong từ thời Hùng Vương, nay chẳng may phải bị lệ thuộc nước Tàu, dưới sự cai trị hà khắc của các thái thú, nhất là thái thú Tô Định.

    Trong cơn xúc động tột đỉnh, tình yêu nước dâng cao, Lão Bà thừa cơ hai con mải nhìn
    sang sông đã dùng dao đâm cổ tự vẫn, với mục đích khích lệ hai con lên đường theo đoàn quân khởi nghĩa.

    Thấy mẹ chết một cách bi thương, Hoàng Tâm và Lan Nương đau đớn vô cùng. Lửa hận
    thù quân Đông Hán bốc lên cao ngất, hai người con cúi đầu chịu tang mẹ và thề quyết ra đi theo đoàn quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ngày nào quét sạch quân thù mới trở về khói nhang thờ mẹ.

    Nhân vật:

    1 - Tráng sĩ Hoàng Tâm: Tuổi trạc 30 , vẻ mặt khôi ngô nho nhã, nhưng khí phách hiên
    ngang, đôi mắt tỏa hào quang sáng quắc. Chàng mặc võ phục, trên lưng ngoài bọc hành lý
    nhỏ, còn mang kiếm cung oai phong lẫm liệt của con nhà võ.
    2 - Lan Nương: vợ Hoàng Tâm, tuổi trạc 25, vẻ đẹp thùy mị nhưng lanh lẹ, sắc sảo như một
    nữ tướng quân. Nàng cũng mặc võ phục, lưng đeo kiếm.
    3 - Lão Bà: mẹ của Hoàng Tâm, tuổi ngoài 70 nhưng sắc mặt còn tinh anh, nhất là đôi mắt
    thật cương nghị, quyết liệt như chẳng hề sợ điều gì trên cõi đời này. Lão Bà đi đứng chậm
    chạp vì đôi chân đã yếu. Lão Bà cũng mang theo dao tự vệ.
    4 - Những Dân chài: Trong cảnh chạy loạn, một số mang vũ khí dao gậy.

    Ánh sáng: Ánh sáng mờ nhạt trời sắp sáng.

    Quang Cảnh:

    Cảnh một dòng sông rộng, bên kia sông thấp thoáng bóng cờ bay và tiếng
    trống tập trận. Bên này sông, cảnh người chạy loạn, trai tráng mang vũ khí cùng đi về phía bờ sông. Một con thuyền nhỏ nằm kẹt ở ghềnh đá. Có tiếng quân Tàu đuổi theo đoàn người chạy loạn.
    Thời Gian: Buổi sáng sớm tinh sương.

    Mở Màn

    (cảnh người chạy loạn nhốn nháo, mẹ con tráng sĩ Hoàng Tâm đi lùi lại phía sau).
    Hoàng Tâm (vừa dìu mẹ, vừa chỉ tay về phía trước):

    - Thưa mẹ, ráng đi mau chút nữa!
    Kẻo nắng lên, giặc đuổi tới nơi đây.
    Bên kia sông thấp thoáng bóng cờ bay,
    Quân ta đó, theo Hai Bà khởi nghĩa!

    Lão Bà (mệt mỏi, chùi mồ hôi trên trán):

    - Hai con đi trước đi kẻo trễ,
    Mẹ theo sau chặn hậu, không sao.
    Thân già này dù tuổi hạc đã cao,
    Cũng không ngán lũ tham tàn Đông Hán!
    Để mặc ta...

    Lan Nương (đi phía sau, vượt lên ngang mẹ):

    - Thưa mẹ, giặc đuổi theo đông lắm,
    Tiếng kêu la nghe dễ sợ làm sao!
    (đưa tay lên tai lắng nghe)
    Ô xa xa có tiếng nước dạt dào,
    Mẹ ráng lên đi, sắp tới bờ sông đó!

    Hoàng Tâm (bỗng reo lên mừng rỡ, chỉ tay về phía sông):

    - Kìa lau sậy, một vùng trời rộng mở,
    Qua bãi lầy sẽ tới bến đò ngang.
    Người người sang sông lớp lớp hàng hàng...
    Ta đi mau mau, kẻo không còn cơ hội!

    Lão Bà (chùn chân, muốn nghỉ mệt):

    - Mẹ mệt lắm rồi, các con đừng nghĩ ngợi.
    Mau mau lên đường vì sự nghiệp tiền nhân...
    Phận làm trai phải nghĩ đến giang san,
    Thân con gái, vẹn chữ tòng muôn thuở.

    (khi ba người dìu nhau tới được bờ sông thì không còn ai nữa. Thuyền bè cũng đã biến mất, chỉ còn lại cảnh bến vắng, lau sậy đìu hiu).

    Lan Nương (hốt hoảng, kêu lên sợ hãi):

    - Dạ thưa mẹ, không còn ai hết cả,
    Bao nhiêu thuyền bè, đều đã sang sông.
    Chỉ còn chúng ta, với bãi trống đồng không!

    (Hoàng Tâm cũng hốt hoảng, chạy tới chạy lui, trong khi Lão Bà ngẩng mặt nhìn trời)

    Lão Bà:

    - Bãi trống đồng không!
    Làm sao ta qua sông?
    Phía trước là sóng nước,
    Phía sau giặc tràn đồng.
    Không lẽ bó tay đành chịu chết?
    Để mặc quân thù dày xéo quê hương...

    Lan Nương (bỗng phát hiện một chiếc thuyền nan nhỏ kẹt ở cuối ghềnh đá):

    - Kìa ...một chiếc thuyền con
    Bên ghềnh đá cuối dòng.
    Nhưng... con thuyền nhỏ quá,
    Đủ hai người qua sông.

    Hoàng Tâm (bước tới gần thuyền xem xét, xong trở lại nắm tay Lan Nương)

    - Đúng là chiếc thuyền con,
    Nhưng có còn hơn không.
    Thôi, nàng hãy dìu mẹ
    Xuống thuyền mau qua sông.

    Hoàng Tâm (tuốt gươm ra, giọng khẳng khái):

    - Ta tráng sĩ, hề một gươm liều với giặc,
    Đứng trong trời đất, hề không thẹn với non sông!
    Mang tâm huyết, phá xích xiềng nô lệ,
    Noi gương Hai Bà, giành Độc Lập quê hương!

    Lão Bà (đứng dậy lảo đảo, xua tay)

    - Không...ta ở lại là hơn!
    Tuổi già gần đất có còn bao xa...
    Nơi đây, mồ mả Ông Bà,
    Ta đâu nỡ bỏ, xót xa cõi lòng.
    Hai con hãy mau qua sông
    Theo quân khởi nghĩa, dốc lòng vì dân!

    Lan Nương (đưa tay chùi nước mắt):

    - Xin mẹ đừng phân vân
    Mau cùng chàng lên đường.
    Để yên lòng tráng sĩ,
    Vẹn đôi bề Hiếu, Trung.

    (hướng về Hoàng Tâm)

    Thương ôi! phận mỏng má hồng,
    Thiếp đành lỗi đạo chữ tòng từ đây...!

    Hoàng Tâm (tiến về phía vợ an ủi):

    - Nàng chớ quá bi ai,
    Cũng đừng nên ủy mị.
    Toàn dân đang lên đường,
    Ngút trời dâng hào khí.
    Ta, đấng nam nhi,
    Tất nhiên lợi thế
    Ở lại đây ngăn chặn quân Tàu.
    Nàng và mẹ đi đi,
    Ta sẽ sang sau.
    Ngày Hội Ngộ, hẹn nhau bên chiến tuyến!

    Lan Nương (giọng cương quyết):

    - Thiếp không chịu!
    Bởi chàng là tráng sĩ...
    Đưa mẹ qua sông, phò giúp Hai Bà.
    Có ích hơn khi chiến đấu xông pha,
    Thiếp ở lại ngăn quân thù, chẳng sợ!

    Hoàng Tâm (ngẫm nghĩ, chợt hăng hái):

    - Ý nàng đã rõ,
    Ta đâu dám ngăn.
    Chí nàng đã quyết,
    Ai mà dám can!
    Hay ta chọn vài đường gươm tỉ thí?

    Lan Nương (nhanh nhẩu hưởng ứng):

    - Tỉ thí? Hay! Thiếp xin đồng ý.
    Hẹn ai thua sẽ đưa mẹ lên đường...
    Người thắng cuộc được vinh danh chặn hậu.
    Vậy xin chàng cẩn thận,
    Đón đường gươm của dòng họ Lan Nương...!

    (hai người đấu gươm dành phần thắng. Lão Bà bỗng đứng ra ngăn cản)

    Lão Bà (quát vang):

    - Các con hãy dừng tay!
    Chưa phải lúc so tài.
    Giặc thù đang đuổi gấp,
    Mau tìm cách đi ngay...!
    Ta tức chết,
    Hỡi ông Trời oan nghiệt!
    Một thuở tung hoành...
    Nay phải bó tay.
    Các con!
    Hãy cùng nhau quì xuống
    Nghe lời mẹ dạy đây.

    (Hoàng Tâm và Lan Nương vội vàng tra kiếm vào vỏ, quì xuống)

    Hoàng Tâm:

    - Chúng con thật đắc tội,
    Bởi tuổi trẻ hăng say.
    Ai cũng mong đánh giặc,
    Nên tỉ đấu...

    Lão Bà (nói dõng dạc):

    - Nghe đây!
    Tổ Tiên ta vốn dòng Lạc Tướng,
    Phò vua Hùng ra trấn phương Nam.
    Đánh Đông dẹp Bắc an dân,
    Làm cho khiếp vía ngoại xâm một thời.
    Cực chẳng đã, mệnh trời ép buộc,
    Nước ta đành Bắc thuộc nhiều năm.
    Những tên thái thú sài lang,
    Tỉ như Tô Định, tham tàn bất nhân!

    Hoàng Tâm (nghiến răng chỉ tay lên trời):

    - Dạ thưa mẹ!
    Bởi thế, người người đều oán ghét,
    Ai ai cũng hờn căm!
    Chúng bắt dân lên rừng săn giác,
    Xương trắng phơi rải rác rừng sâu.
    Bắt dân xuống biển mò châu,
    Làm mồi bụng cá...

    Lan Nương (mủi lòng):

    - Nỗi đau nào tầy!
    Chúng còn bắt giết ngài Thi Sách.
    Ai không hàng, chém sạch chẳng tha!
    Khơi thêm lửa hận...
    Hai Bà
    Quyết vì nợ nước, thù nhà vùng lên.

    (có tiếng quân Nam reo hò vang vọng xa xa bên kia sông)

    Lão Bà (nghiêm giọng):

    - Con có biết
    Mẹ vốn dòng oanh liệt?
    Đã cùng cha con
    Cung kiếm giữ quê nhà.
    (thở dài, ngậm ngùi)
    Con còn nhớ
    Trước giờ cha sắp mất
    Đã trối trăng...

    Hoàng Tâm (chắp hai tay đưa lên ngang trán, cung kính):

    - Dạ thưa mẹ
    “Làm con phải biết Đạo Thánh Hiền”
    “Người quân tử tận trung là tận hiếu”
    “Tình huống nào, Tổ quốc cũng lên trên”.
    (giọng ngập ngừng)
    Nhưng thưa mẹ...

    Lão Bà (dằn giọng ):

    - Không nhưng gì cả...
    Nhớ lời cha, hãy báo hiếu cho ta!
    Xá chi một tấm thân già,
    Tông đường nối dõi, con là đích tôn.

    Lan Nương (chắp hai tay cầu xin):

    - Xin mẹ cho...

    Lão Bà (cương quyết):

    - Đây là mệnh lệnh!
    Thay lời cha,
    Lúc biến phải tòng quyền.

    (chỉ vào hai con, dõng dạc)

    Nương cờ khởi nghĩa...Đứng lên!

    (Hoàng Tâm và Lan Nương cùng đứng dậy nhìn theo tay mẹ chỉ sang bên kia sông.)

    Theo Hai Bà...
    Hỡi toàn dân diệt thù!

    (Trong lúc Hoàng Tâm và Lan Nương đang hướng mặt về phía sông, Lão Bà rút dao tự tử)

    Tiếng ngâm hậu trường:
    “Hồn nương ngọn gió tàn thu”
    “Giúp hai con diệt quân thù từ đây...”

    Hoàng Tâm và Lan Nương (cùng quay lại, thấy thế bèn la to sợ hãi ôm xác mẹ):

    - Mẹ...Mẹ...Mẹ...!

    Hoàng Tâm (đứng vụt dậy):

    - Ôi thương thay!
    Trung trinh và quyết liệt,
    Sinh ly này...tử biệt, sắc là không...
    Chúng con xin dốc một lòng
    Noi gương nghĩa khí, núi sông dâng mình...!

    Lan Nương (gạt lệ đứng lên theo chồng, giọng thờ thẫn):

    - Chàng có thấy hiển linh bóng mẹ
    Nương cỏ cây khe khẽ gọi mình...

    (tiếng Lão Bà vọng lại trong gió)

    “Mau lên...đường tới Mê Linh,
    Góp công cứu nước, tòng chinh diệt thù!”

    Hoàng Tâm (và vợ cùng cúi xuống lạy hai lạy, sau đó kéo vội xác mẹ dấu trong hốc đá):

    - Lạy mẹ, chúng con đi...

    (bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập nổi lên, tiếng la hét của quân Tàu đuổi tới...)

    Lan Nương (hốt hoảng):

    - Giặc đã gần kề,
    Ta đi kẻo trễ...!

    (tiếng ngâm vọng hậu trường)

    Ra đi...bái biệt mẹ già,
    Bao giờ hết giặc, về nhà khói hương...!

    Màn Hạ

  2. #2
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default

    Đạp Luồng Sóng Dữ

    (ba màn, ba cảnh)


    Bối Cảnh Lịch Sử

    Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, người quận Cửu Chân, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh
    Hóa bây giờ). Bà mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nên ở với anh là Triệu Quốc Đạt.

    Đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà vào ở trong núi (1). Bà là người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Bà chiêu mộ được hơn một ngàn tráng sĩ làm thủ hạ.
    Có kẻ thấy thế khuyên bà nên lấy chồng, không nên làm loạn. Bà khẳng khái đáp lại rằng:

    "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông,
    quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người
    đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta" (2).


    Năm 248, vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân chúng khổ cực, Bà cùng với anh là Triệu Quốc
    Đạt đánh phá quận Cửu Chân. Bà rất can đảm, khi ra trận thường mặc giáp vàng, cưỡi đầu voi chiến đấu thật anh dũng. Quân sĩ tôn Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân. Khi Triệu Quốc Đạt ốm chết, Bà tiếp tục một mình chỉ huy nghĩa quân kháng chiến gần 3 năm. Thứ Sử Lục Dận nhiều lần đem quân vây đánh, nhưng đều bị thất bại. Bà chống nhau với quân Lục Dận thêm năm, sáu tháng thì vì quân ít, thế cô nên bị thất bại, phải bỏ chạy đến xã Bồ Điền (nay là xã Phú Điền, huyện Mỹ Hoá, tỉnh Thanh Hoá) và phải tự tử. Năm ấy bà mới 23 tuổi.

    Để tỏ lòng khen ngợi và tôn kính Bà, vua Lý Nam Đế (nhà Tiền Lý) đã sai lập đền thờ và
    phong Bà làm Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân. (2)

    Về cuộc nổi dậy của Bà Triệu

    Sách sử không ghi ngày sinh, ngày mất, nhưng dựa theo sử liệu, ta có thể phỏng đoán Bà Triệu sinh năm 225, và mất vào năm 248.

    Chúng ta đều biết Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm canh tí (40), đánh đuổi thái thú Tô Định ở quận Giao Chỉ, và được nhân dân các quận Cửu Chân (Thanh Hoá), Nhật Nam (miền Trung từ Hoành Sơn đến đèo Hải Vân), và Hợp Phố (tỉnh Quảng Đông bên Tàu), cùng hưởng ứng nổi dậy. Hai Bà Trưng thu được cả thẩy 65 thành trì và cùng lên làm vua đóng đô ở Mê Linh.

    Nước Nam dành độc lập được ba năm, thì bị nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện sang đánh chiếm, Hai Bà Trưng phải nhẩy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Từ đó, nhà Đông Hán xiết chặt nền đô hộ tại Giao Chỉ, tiêu diệt toàn bộ giới quí tộc bản sứ như Lạc Tướng, Lạc Hầu, đồng thời áp đặt chính sách cai trị dân Giao Chỉ một cách triệt để và hà khắc, cũng như đem phong tục tập quán từ bên Tàu sang đồng hóa dân Nam. Trong suốt 208 năm sau đó dân Nam đành phải sống tủi nhục, nô lệ, nhất là giới phụ nữ bị tước bỏ hết quyền tự do, khác với thời Hai Bà Trưng, nước Nam còn giữ được phần nào quyền tự trị...

    Cũng vì thế, cuộc nổi dậy của Bà Triệu sau 208 năm kể từ ngày Hai Bà Trưng khởi nghĩa,
    được đánh giá cao trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt, không phải về mặt quân sự,
    nhưng về mặt tâm lý và chính trị... Cuộc nổi dậy này ví như một đốm lửa trong đống tro than tàn lụi từ thời cột đồng Đông Hán đe dọa dân Giao Chỉ, tới ngày được vị nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh nhóm lên và chuyển tới các thế hệ sau, để cùng tiếp nối cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, dành độc lập, qua các cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn còn gọi là Lý Bí nhà Tiền Lý (tức Lý Nam Đế năm 544-548, đặt tên nước Nam là Vạn Xuân), của Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương năm 549-571), của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), của Mai Thúc Loan (722), của Phùng Hưng (766-791), của Dương Thanh (819), của họ Khúc với Khúc Thừa Dụ (906-907), Khúc Hạo (907-917), Khúc Thừa Mỹ (917-923), và cuối cùng là cuộc khởi nghĩa của Ngô Vương Quyền (938) đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng,
    mở đầu trang sử độc lập cho nước Việt Nam! (Lịch sử Dân Tộc VN - Phạm Cao Dương-
    Quyển 1)

    Sơ Lược:

    Hồi Một:

    Tại một khu rừng, lính Ngô hung ác bắt dân Lạc Việt làm nô lệ, chặt cây đập đá cực khổ.
    Nàng Mai và Nàng Trúc ngồi than thở, bị lính Ngô đến hành hung toan bắt trói, bèn chống
    cự. Lão Bá cũng xông tới, nhưng tất cả đều bị quân tướng Ngô khống chế. Đang cơn nguy
    cấp, Triệu Thị Trinh xuất hiện đánh đuổi giặc Ngô và được dân chúng khâm phục xin theo.
    Mã Hầu là tên Lạc Việt gian cũng có mặt trong dân chúng để dò la tin tức.

    Hồi HAI:


    Quân Ngô đến bố ráp nhà ông Triệu Quốc Đạt để bắt Triệu Thị Trinh. Bà Đạt là chị dâu bị
    quân tướng Ngô tra tấn lấy hết vàng, bèn thông đồng với Mã Hầu dùng thuốc mê bắt Triệu Thị Trinh để lãnh thưởng. Không ngờ Triệu Thị Trinh tỉnh dậy và bà chị dâu ác độc bị chính lưỡi dao nhọn của mình đâm chết. Triệu Quốc Đạt về, rất đau lòng, nhưng thấu hiểu nguyên do chỉ vì giặc Ngô gian ác, nên quyết định cùng em gái lên núi Cấm chiêu binh khởi nghĩa,

    Hồi BA:

    Trên Sơn Trại núi Cấm, Triệu Quốc Đạt đang ủy lạo ba quân, bỗng bị bạo bệnh, phải vào
    hậu đường chữa trị và qua đời. Triệu Thị Trinh lên thay anh tiếp tục cuộc kháng chiến
    chống quân Ngô. Tướng Ngô tấn công Sơn Trại thất bại, bèn chia quân bao vây và lên núi
    chiêu dụ Triệu Thị Trinh về hàng. Triệu Thị Trinh cương quyết từ chối và chỉ huy nghĩa
    quân phá vòng vây, đánh lấy quận Cửu Chân. Mã Hầu cũng xin cải tà quy chính, làm lính
    tiên phong đi đánh giặc.

    Đôi lời giới thiệu:

    Kính thưa quý vị,

    Năm 40 Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định và quân Đông Hán, lên làm vua, cứu
    nước Nam khỏi tròng nô lệ được 3 năm.
    Hơn hai thế kỷ sau, vào năm 248 Bà Triệu cùng Anh là Triệu Quốc Đạt lại đứng lên nối tiếp bước đi của Hai Bà, chống lại quân Đông Ngô tàn ác tại quận Cửu Chân.

    Bà Triệu, tên thật là Triệu Thị Trinh quê huyện Nông Cống (Thanh Hóa), mồ côi từ thuở
    nhỏ, phải ở với anh và người chị dâu khắc nghiệt.
    Bà không lấy chồng, và thường tỏ ra chí khí của một đấng anh hùng. Bà Triệu có sức mạnh và năng khiếu hơn người, ra trận mặc áo giáp vàng, cưỡi đầu voi, chiến đấu rất oanh liệt, khiến kẻ thù đều khiếp sợ.

    Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do nào cũng phải trả bằng xương bằng máu. Đối với nữ anh hùng Triệu Thị Trinh, không những Bà đã phải trả bằng máu xương, mà còn phải chịu đựng sự lăng nhục của quân thù .

    'Đạp luồng sóng dữ' là ý chí đấu tranh của Bà Triệu, cũng là một thách thức đầy hào khí
    của tuổi trẻ Việt Nam, được dùng làm đề tựa cho vở kịch bi hùng dã sử này. Qua vở kịch,
    chúng tôi hy vọng nói lên được phần nào nét kiêu hùng, và lòng quyết chiến của Bà Triệu,
    không khoan nhượng trước chính sách chiêu an thâm độc, và âm mưu dùng bả phú quí ru ngủ dân của kẻ thù, để mãi mãi tên tuổi của vị nữ anh hùng Triệu Thị Trinh được con cháu hàng năm tưởng nhớ, ghi ơn..
    Sau đây, kính mời quý vị theo dõi vở bi hùng kịch dã sử: "Đạp Luồng Sóng Dữ'.

    Nhân Vật:

    - Triệu Thị Trinh : 20 tuổi (cảnh một và hai), 23 tuổi (cảnh 3) khoẻ mạnh, tài trí, võ nghệ
    cao cường.
    - Triệu Quốc Đạt: Anh Triệu Thị Trinh, có võ nghệ và có gan 'chọc trời khuấy nước".
    - Bà Đạt : Vợ Triệu Quốc Đạt (chị dâu Bà Triệu), tính tình cay độc.
    - Mã Hầu : Người Lạc Việt, làm việc cho quân Ngô.
    - Nàng Trúc: Thiếu nữ, sinh ra trong thời loạn, võ nghệ giỏi và có lý tưởng đánh đuổi ngoại
    xâm.
    - Nàng Mai : Thiếu nữ, là em Nàng Trúc, có võ nghệ và có cùng một lý tưởng với Nàng
    Trúc.
    - Tướng Ngô : Khỏe mạnh, lực lưỡng, có võ nghệ và rất tàn bạo đối với dân Lạc Việt.
    - Phó Tướng Ngô: Lanh lẹ, khoẻ mạnh.
    - Lão Bá: Một cụ già Lạc Việt, giỏi võ.
    - Một số dân làng Lạc Việt.
    - Một số lính Ngô.

    Cảnh

    Cảnh một : Cảnh rừng núi, Lạc dân bị quân Ngô bắt làm nô lệ, bị đánh đập tàn nhẫn.

    Cảnh hai : Cảnh trong nhà Triệu Quốc Đạt, gian chính đường có bàn thờ Tổ Tiên, và bàn
    ghế để tiếp khách.

    Cảnh ba : Cảnh Tụ Nghĩa Đường trên Sơn trại, chiến khu của Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị
    Trinh kháng chiến chống quân Ngô, có hai ghế bành dành cho trại chủ và phó trại chủ, hai
    ghế tiếp khách, cờ xí và binh khí bày la liệt).

    Mở Màn

    Hồi Một - Cảnh Một

    (cảnh một khu rừng, những người Lạc Việt bị quân Ngô bắt làm nô lệ, đập đá chặt cây rất cực khổ. Trong đám này có Nàng Trúc, Nàng Mai là hai chị em và Lão Bá cùng biết võ).

    Tiếng ngâm hậu trường:

    Nước ta, sau Trưng Vương khởi nghĩa,
    Lại sa vòng nô lệ gian truân.
    Hai trăm năm sống nhục nhằn,
    Người Lạc Việt đã âm thầm nổi lên!
    Quận Cửu Chân, tương truyền Bà Triệu
    Gái anh thư, năng khiếu hơn người.
    Đạp luồng sóng dữ ra khơi...
    Quyết tâm chém cá Kình ngoài biển Đông.

    Nàng Mai (lấy vạt áo lau mồ hôi, lấm lét nhìn quanh rồi nói với Nàng Trúc):

    - Chị Trúc, em mệt quá à. Cực khổ như vầy, hay mình trốn đi!

    Nàng Trúc (vẻ sợ hãi, dơ tay lên miệng suỵt khẽ):

    - Suỵt! Bọn lính Ngô kia kìa!

    Nàng Mai (than):

    - Đời nô lệ, một cuộc đời thê thảm!
    Biết bao giờ mới thấy cảnh yên bình?

    Nàng Trúc (nhìn Nàng Mai, thở dài):

    - Hà! Nàng Mai, em một đóa hoa xinh
    Luôn khao khát ánh bình minh rực rỡ!
    Nhưng ...giặc Ngô kia hoành hành tráo trở!
    Như đám mây đen che khuất mặt trời.
    Bọn chúng tham tàn, đàn áp nơi nơi...
    Mỗi câu nói, tiếng cười đều e ngại!

    Nàng Mai (bỗng giật mình nhìn quanh):

    - Chị nói đúng, những ai toan chống lại,
    Đều bị bắt giam, chẳng thấy ngày về!
    Nhưng em nghe đồn tại một xã kia
    Có cô gái tài ba, không hề khiếp sợ!

    Nàng Trúc:

    - A! Em muốn nói Triệu cô nương nào đó
    Xuất nhập như thần, võ nghệ tinh thông?
    Bọn lính Ngô đều kiêng nể tin đồn...
    Ai cũng nghe danh mà chưa biết mặt!

    (Nàng Trúc và Nàng Mai đang thì thào trò chuyện, chợt Phó Tướng Ngô và lính Ngô xông
    tới cầm roi đánh người túi bụi, vừa quát tháo om sòm và bắt trói một số dân. Tiếng la hét,
    kêu khóc vang trời. Nàng Trúc và Nàng Mai cùng vung gậy chiến đấu, nhưng địch không
    lại. Lão Bá cũng nhào ra, nhưng đánh được vài quyền thì thua. Đang cơn nguy kịch, bỗng Triệu Thị Trinh xuất hiện).

    Triệu Thị Trinh:

    - Bớ giặc Ngô! Ngừng tay! Có Triệu cô nương đây...!

    (dân chúng ồn ào reo vui):

    - Triệu cô nương, Triệu cô nương! Cứu chúng tôi với!

    Tướng Ngô:

    - Hừ! Triệu Ẩu!
    Ta nghe đồn ngươi, võ công xuất chúng,
    Sức mạnh hơn người, mưu trí uyên thâm.
    Sao chẳng tiến thân, thần phục triều đình?
    Lại lạc lối lầm đường, toan bề làm loạn!

    Triệu Thị Trinh (cười gằn):

    - Ngô tặc!
    Các ngươi đã nghe, Triệu cô nương vô địch!
    Sao chẳng buông gươm, còn đứng đó huyênh hoang?
    Nước Văn Lang, sừng sững một trời Nam.
    Có lẽ nào người Lạc Việt,
    Phải cúi đầu phục tùng người phương Bắc?!

    Tướng Ngô:

    - Ngươi phải biết, ta chính danh dẹp giặc!
    Đất Giao Châu là quận huyện của Ngô triều...
    Thiên tử bao dung cho khai hóa man, miêu,
    Người Giao Chỉ phải nghe theo mệnh lệnh!

    Triệu Thị Trinh (cười chế nhạo):

    - Ha ha ha! "Khai hoá man, miêu?'
    Dân ta đâu phải man, miêu,
    Mà cần giặc Ngô khai hoá!
    Nước Văn Lang, văn hiến đã ngàn năm.
    Khỏi nói lôi thôi,
    Hãy đỡ đường kiếm của Triệu cô nương!
    Rồi liệu rút về Bắc phương sinh sống.

    (Triệu Thị Trinh đấu gươm với tướng Ngô, trong khi dân chúng hò reo nổi loạn vơ gậy gộc
    đánh lại đám lính Ngô khiến chúng bị thương ôm đầu chạy trốn hết. Tướng Ngô nhắm đấu không lại Bà Triệu, bèn chém mạnh một gươm rồi nhẩy ra khỏi vòng chiến.)

    Tướng Ngô (đe doạ):

    - Hừ! Bữa nay ta không thèm đánh với đàn bà!
    Nhưng nhà ngươi đừng vội kiêu căng,
    Ngày phục thù sẽ chẳng có bao năm.
    Ngươi sẽ phải nếm mùi thất bại...!

    (tướng Ngô nói xong bèn bỏ chạy theo đám tàn quân. Triệu Thị Trinh không đuổi theo,
    đứng nhìn đám nông dân đang reo hò chiến thắng).

    Nông dân:

    - Hoan hô Triệu cô nương! Hoan hô Triệu cô nương!

    Triệu Thị Trinh (chắp hai tay chào khiêm nhượng):

    - Không dám...không dám...
    Tiểu nữ xin kính chào bà con cô bác!

    (lên giọng diễn thuyết hùng hồn)

    Hỡi những ai con Hồng cháu Lạc!
    Hãy mau mau thức tỉnh cơn mê...
    Đừng cúi đầu nô lệ giặc Ngô kia,
    Mất hết tự do, ê chề tủi nhục!

    (đám đông cùng vỗ tay tán thưởng, và hô to: - Tự do...Tự do...!)

    Triệu Thị Trinh (nói tiếp)

    - Chúng gian dối, bạo tàn, xâm lược!
    Đem thuyết phi nhân "khai hoá phương Nam".
    Thực chất chỉ là một lũ gian manh.
    Đô hộ dân ta bằng luật rừng "đàn áp"!

    (dân chúng vỗ tay, và hô to):

    - Đả đảo giặc Ngô...Đả đảo!

    (Nàng Trúc và Nàng Mai cùng chạy ra chắp tay chào Triệu Thị Trinh):

    Nàng Mai:

    - Chúng em, Nàng Mai và Nàng Trúc,
    Xin nghiêng mình, kính phục Triệu cô nương.

    Nàng Trúc:

    - Từ bấy lâu, vẫn ngưỡng mộ tin đồn.
    Nay mới thấy, một tâm hồn yêu nước.

    Triệu Thị Trinh (đáp lễ):

    - Chào Nàng Mai và Nàng Trúc,
    Hân hạnh, hân hạnh!

    Lão Bá:

    - Thưa Triệu cô nương và bà con cô bác,
    Kể từ Mê Linh, Lĩnh Nam đã mất
    Vào tay Hán quân. Mã Viện ngang tàng
    Cho dựng cột đồng, khủng bố dân Nam...
    Hình ảnh Trưng Vương vẫn còn sáng chói!

    Nàng Mai (tiếp lời):

    - Ôi hai trăm năm, lòng dân khao khát
    Một tiếng chuông reo, thức tỉnh cơn mê!

    Nàng Trúc:

    - Nay Triệu cô nương khởi dậy câu thề:
    Ngừời Lạc Việt, một trời Nam riêng biệt.

    Nàng Trúc và Nàng Mai:

    - Chúng em, khâm phục...khâm phục...
    Xin được Cô nương cho theo hầu dưới trướng...

    (đám nông dân cùng reo hò kéo tới xin theo Bà Triệu, trong đó có Mã Hầu làm mật thám
    cho quân Ngô cũng giả bộ tới gần dò la tin tức).

    Lão Bá (đứng ra đại diện nông dân phát biểu):

    - Chúng tôi cùng tự nguyện,
    Đi theo Triệu cô nương.
    Đánh đuổi ngoại xâm, chính là bổn phận
    Của mỗi người dân đối với quê hương...

    Triệu Thị Trinh (cảm động):

    - Đa tạ...xin đa tạ...
    Những tấm lòng nồng nhiệt...
    Của bà con còn nghĩ đến quê hương.
    Mong được anh hùng, hào kiệt bốn phương
    Góp một bàn tay, đợi buổi lên đường...
    Mang tâm huyết, hẹn thề ngày cứu nước!

    (Tất cả cùng đồng thanh dơ tay xin thề, chỉ có Mã Hầu lỉnh trốn bỏ đi):
    - Xin thề cùng hẹn ngày cứu nước!
    (mọi người cùng bịn rịn chào nhau chia tay. Màn hạ hết cảnh một)

    Hồi Hai - Cảnh Hai:

    (cảnh trong nhà Triệu Quốc Đạt. Bà Đạt đang dùng phất trần phủi bụi bàn ghế. Bỗng có
    tiếng đập cửa rầm rầm).

    Phó tướng Ngô (đập cửa):

    - Mở cửa...Mở cửa...! Có Quan xét nhà... Mở cửa!

    Bà Đạt (quăng vội phất trần, sợ hãi chạy ra mở cửa):

    - Bẩm...Bẩm quan ...con mở... con mở!

    (Tướng Ngô, Phó Tướng Ngô, Mã Hầu và một đám lính Ngô cùng sục vào nhà gươm dáo
    đầy mình, chia nhau lục soát khắp nơi.)

    Phó tướng Ngô (dơ cao lưỡi gươm đe doạ):


    - Triệu Ẩu đâu? Triệu Ẩu đâu?

    Bà Đạt (quýnh quáng):
    - Dạ, dạ...con không biết...à...à...
    Triệu ...Triệu...không có nhà!

    Phó tướng Ngô:

    - Không có nhà...vậy đã đi đâu?

    Bà Đạt (lấy tay khều khều Mã Hầu cầu cứu):

    - Bẩm Đại quan... thực tình con không biết!
    Nó là em chồng, con phận chị dâu...
    Chị dâu, em chồng...có hợp nhau đâu!
    Quan thấy đó...thực tình con không biết.

    Mã Hầu (Ra hiệu cho Bà Đạt ngưng nói, để hắn liệu bề giúp đỡ):

    - Bẩm Tướng quân...bữa qua tôi có thấy
    Triệu cô nương tụ họp với nông dân,
    Cắt máu ăn thề, nổi loạn rần rần...
    Rồi họ kéo nhau trốn lên núi Cấm.

    Tướng Ngô (ra lệnh cho lính Ngô):

    - Quân hầu! Các ngươi hãy lục soát khắp nơi
    Thấy chi bất thường báo cho ta biết!

    Phó tướng Ngô (Sau khi lục soát xong, về báo cáo):

    - Dạ...xin báo cáo thượng cấp:
    Chúng tôi đã lục soát
    Hết khắp cả mọi nơi.
    Người thì không thấy có...
    Vàng bạc....chẳng ... tăm hơi !

    Tướng Ngô (quát tháo):

    - Thế là thế...nào?
    Quân đâu? Tra tấn!

    (Phó tướng Ngô túm lấy Bà Đạt, toan trói lại để tra tấn, khiến Bà Đạt sợ hãi thất kinh, vội
    cầu cứu Mã Hầu).

    Bà Đạt:

    - Mã huynh...Mã đại nhân...cứu em...!

    (Mã Hầu đến gần viên tướng Ngô ghé tai thì thào nói nhỏ mấy câu).

    Tướng Ngô (ra lệnh):

    - Thôi được, để ta lo
    Các ngươi hãy ra ngoài canh gác.

    Phó tướng Ngô:

    - Xin tuân lệnh.

    Tướng Ngô ( chờ cho đám lính ra hết bên ngoài mới dịu giọng):

    - Này Bà Đạt!

    Bà Đạt:

    - Dạ...

    Tướng Ngô:

    - Ta nể lời Mã Hầu,
    Tìm người... sẽ tính sau.
    Bây giờ kiếm ...đồ cấm...
    Vàng bạc ...bà giấu đâu?

    Bà Đạt (nhìn Mã Hầu, thấy ông ta gật gật đầu bèn khai):

    - Dạ...bẩm quan...
    Trong cái ruột tượng này!
    Người thì dấu ...không được,
    Nhưng vàng...có mấy cây!

    Tướng Ngô (được vàng thì tít mắt lại. Hắn dặn vội mấy câu rồi ra ngoài kêu lính về trại, sợ ở lại phải chia vàng cho Mã Hầu):

    - Này này ông Mã Hầu!
    Ông cứ ở lại đây!
    Tôi kêu lính về trước,
    Có gì báo tôi hay!

    Mã Hầu (chờ cho viên tướng Ngô đi khỏi mới than thở):

    - Chán quá khoai với ngô!
    Vừa tham vừa bội bạc.
    Công ta...chẳng thưởng cho!
    Còn làm le sai vặt!
    Này Bà Đạt...!

    Bà Đạt (biết ý Mã Hầu, bèn nhanh nhẩu):

    - Được... Mã huynh cứ yên tâm
    Phần ai còn có đó!
    Miễn là huynh giúp đỡ,
    Em sẽ biết đền ơn!
    Ôi...!
    Đây là cây vàng chót!
    Rồi...biết sống sao ...trời!

    (nói xong Bà Đạt moi ra một cây vàng dấu trong yếm đưa cho Mã Hầu, vừa khóc lóc thảm thiết).

    Mã Hầu (giắt cây vàng dấu vào cạp quần xong mới an ủi):

    - Bà Đạt cứ yên tâm,
    Còn người còn có của!
    A...Triệu tiểu thư còn đó!
    Tiền thưởng ...tiền thưởng...
    Ha ha ha...Ha ha ha...

    Bà Đạt (hiểu ý Mã Hầu muốn bày mưu bắt Triệu Thị Trinh để lãnh thưởng, bèn vội đưa tay áo chùi nước mắt, rồi cười ré lên):

    - Ha ha ha!...ha ha ha...!
    Thuốc mê...thuốc mê...
    Tiền thưởng...tiền thưởng!

    (Bà Đạt đến bàn thờ, lôi ra một gói thuốc mê dấu dưới gầm bàn, bỏ vào bình rượu xong ôm
    chầm lấy Mã Hầu, vưà chỉ bình rượu có thuốc mê vừa cười đắc ý. Hai người còn đang nắm
    tay nhau cười, Bỗng Triệu Thị Trinh đẩy cửa bước vào).

    Triệu Thị Trinh (đằng hắng):
    - Hừm!

    Bà Đạt (thấy em chồng về, vội đẩy Mã Hầu ra, quát tháo om sòm để chữa thẹn):

    - Cô đi đâu về?...Cô có biết?
    Suýt nữa thì ta đã chết vì cô!
    Hả...Hả?...

    Triệu Thị Trinh (rất khó chịu vì tính lả lơi bất chính của chị dâu, nhưng nàng cố nhịn, ầm ừ trả lời, rồi nhíu mắt nhìn tên Mã Hầu tỏ vẻ ngờ ngợ như đã gặp hắn ở đâu):

    - Chào chị,
    Này! Xin lỗi...Khách quan ...
    Hình như ...tôi đã gặp ông...?
    Bây giờ trời chưa tối!
    Mà ông cũng dám tới ...
    Tự tình với chị dâu tôi?

    Bà Đạt (tức điên lên):

    - Im mồm! Cô không được nói bậy!

    Mã Hầu (lấy lại bình tĩnh, ôn tồn giải thích):

    - Xin chào Triệu tiểu thư...
    Tại hạ có nghe danh tiếng,
    Nay duyên may được diện kiến dung nhan.
    Quả thực chúng tôi nói chuyện đàng hoàng,
    Nhưng vì quá vui mới thành suồng sã.
    Đắc tội...đắc tội...!

    Bà Đạt (vẫn còn tức, nói hớ):

    - Cô chưa biết thân, mà còn lớn lối!
    Ngô tướng quân vừa mới tới ...

    Mã Hầu (sợ Triệu Thị Trinh bỏ trốn thì mất ăn tiền thưởng, bèn ra hiệu cho Bà Đạt im, rồi giả lả):

    - Ơ ... chẳng có gì quan trọng,
    Rảnh ghé qua đây...xin miếng nước uống thôi!
    Tôi cũng muốn chờ ông Đạt rủ đi chơi!

    Triệu Thị Trinh (hơi chột dạ):

    - Có phải Ngô tướng quân...trên dinh thái thú?
    Bữa nay sao... rồng lại tới nhà tôm?
    Còn ông...chẳng lẽ ...ông...
    Cũng theo thái thú làm quan?

    Bà Đạt (nghiến răng đe dọa):

    - Đó là Quan Mã Hầu...cô hãy liệu hồn!
    Con gái lớn...chẳng biết giữ thân...
    Chỉ tối ngày đua đòi cung kiếm!

    Triệu Thị Trinh:

    - Thưa chị...
    Chuyện riêng của tôi, xin đừng ý kiến.

    (quay qua Mã Hầu):

    - Chào Mã tiên sinh...
    Xin thứ lỗĩ...
    Không ngờ chuyện gia đình,
    Lại phiền tới tiên sinh.

    Mã Hầu (khoát tay):

    - Không sao, không sao...tôi cũng thể người nhà,
    Chỗ ông Đạt cũng là bằng hữu!

    Bà Đạt (phân trần):

    - Đó Mã huynh thấy đó!
    Cô ấy được anh nuông chiều từ nhỏ,
    Nên đã quên mình là phận nữ nhi
    Giống như con trai, làm toàn chuyện thị phi...
    Hết gánh việc làng, lại sang việc nước.

    Triệu Thị Trinh (đối đáp):

    - Thưa...tôi cũng là người...
    Gái hay trai cùng là dân một nước!
    Bổn phận mỗi người lo tròn sau trước.
    Nước mất hay còn tùy thuộc trăm dân!
    Cuộc đời mỗi người, mỗi bến tử sinh,
    Có lẽ khác nhau... kẻ biết sống quên mình,
    Yêu tha nhân...hay chỉ sống cho tình ích kỷ!

    Mã Hầu:

    - Chí lí...quả là chí lí...!
    Tại hạ biết Tiểu thư tài ba xuất thế,
    Công tử Giao Châu ngấp nghé ngày đêm!
    Sao chẳng theo...ông tơ bà nguyệt se duyên,
    Lại lo việc kiếm cung, mang tiếng đồn... làm loạn!

    Triệu Thị Trinh (nghe hai tiếng "làm loạn", bèn quắc mắt nhìn Mã Hầu):

    - Làm loạn...! Hừ! Làm loạn...!
    Kẻ thống trị nào, mà không võ đoán?
    Ai không theo mình, là phản loạn...phi nhân...
    Làm người dân cũng phải có quyền dân,
    Quyền ăn nói, quyền tự do tư tưởng!

    Mã Hầu (giả bộ sợ hãi):

    - Dạ... đúng..đúng! Xin lỗi! Xin lỗi!
    Tại hạ chỉ muốn hỏi
    Tiểu thư sao chẳng lấy chồng?
    Còn những tiếng đồn, thì không phê phán!

    Triệu Thị Trinh (cười khẳng khái):

    - Ha ha ha ...
    " Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ,
    chém cá tràng kình ở biển đông,
    quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối,
    chứ không thèm bắt chước người đời
    cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta!" (3)

    Mã Hầu ( bước ra trịnh trọng vái một vái tỏ vẻ khâm phục):

    - Khâm phục...Khâm phục!
    Lời nói khẳng khái...Tư tưởng siêu phàm!
    Mã Hầu tôi xin ngàn lần khâm phục!

    Triệu Thị Trinh (đáp lễ):

    - Không dám!

    Mã Hầu (cung kính rót một ly rượu đưa hai tay mời Triệu Thị Trinh):

    - Thưa Triệu tiểu thư, đây là ly rượu...
    Tại hạ ...xin mời.. thay lời ..tạ lỗi...

    Triệu Thị Trinh ( đỡ lấy chung rượu một cách thản nhiên đưa lên môi uống một ngụm):

    - Xin mời!

    (sau đó Triệu Thị Trinh cảm thấy choáng váng, xây sẩm mặt mầy, té xuống đất nằm im)

    Bà Đạt (tới gần đưa tay khẽ lay nhưng thấy Triệu Thị Trinh nằm im, thì mừng rỡ):

    - Xong ! Xong rồi! Mã huynh!

    Triệu Thị Trinh đã sỉu,
    Mau mau lên trên Huyện,
    Báo cáo Ngô tướng quân,
    Kẻo để lâu sinh chuyện!

    Mã Hầu (quan sát thấy Triệu Thị Trinh nằm im thì cảm thấy yên tâm, bèn dặn dò trước khi đi báo ):

    - Bà Đạt hãy coi chừng,
    Nếu cần thì trói lại.
    Tôi lên Huyện báo quan,
    Ta sẽ bàn tiền thưởng...
    Ha ha ha...

    Bà Đạt:

    - Ha ha ha...!
    Ta đi tìm dây trói,
    Trói mi lại như heo,
    Đem lên Huyện lãnh thưởng,
    Vàng bạc ôi... thật nhiều!

    (Bà Đạt vào nhà)

    Triệu Thị Trinh (may uống ít rượu, nên chợt tỉnh, lảo đảo đứng lên):

    - Ôi... nhức đầu quá! Ta đang ở đâu?
    Ô.. ờ...Mã Hầu...Chị dâu...?

    Bà Đạt (một tay cầm dao, một tay cầm dây trói, từ trong nhà đi ra thấy Triệu Thị Trinh đã tỉnh dậy thì hốt hoảng sợ hãi, vội xông tới chém như điên như dại):

    - Con tiện tì! Mi đã tỉnh? Hừ! Cũng vì mi làm loạn,
    Ta mất hết vàng... Ta phải giết mi!
    Ta phải giết mi,,,!

    Triệu Thị Trinh (thấy chị dâu vừa la lối vác dao chém mình, thì chợt hiểu câu chuyện, bèn vung gươm đỡ, nhưng bà chị dâu ác độc đã lỡ trớn té xuống, bị chính lưỡi dao nhọn của
    mình đâm lủng bụng, bỏ mạng):

    - Ác phụ! Ta không ngờ...!

    Bà Đạt (la to rồi gục xuống):

    - Ôi.! Chết tôi...!

    (vừa lúc Triệu Quốc Đạt trở về).

    Triệu Quốc Đạt (vào nhà nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng bèn la lên):

    - Em Trinh...Em Trinh ...Có chuyện gì?

    Triệu Thị Trinh (Nét mặt buồn buồn):

    - Chị dâu đã chết rồi!

    Triệu Quốc Đạt (kinh sợ):

    - Chết rồi!?

    Triệu Thị Trinh (giải thích):

    - Em không ngờ chị dâu,
    Thông đồng với Mã Hầu.
    Toan bắt em, lãnh thưởng.
    Cớ sự mới thương đau...!

    Triệu Quốc Đạt (đến vuốt mắt cho bà vợ xấu số, thở dài):

    - Hà!...Ta vẫn khuyên nàng, đừng làm điều xấu!
    Niệm Phật ăn chay, tránh dữ theo lành...
    Không ngờ...mầm ác đã nằm trong máu, trong tâm!
    Cứ gieo gió, ắt có ngày gặt bão!

    Triệu Thị Trinh (thở dài):

    - Em ...em thật có lỗi...!

    Triệu Quốc Đạt (đứng lặng trước bàn thờ tổ tiên):

    - Không!... Anh mới là người có lỗi.
    Bởi không chu tất việc nhà.
    Phút lâm chung, mẹ còn trăn trối:
    "Săn sóc em, côi cút nương nhờ"
    Chuyện đau thương ấy ai ngờ...?
    Cửa nhà tan nát... em thơ đọa đầy...!

    Triệu Thị Trinh (cảm động):

    - Anh...Anh...em xin lỗi,
    Làm anh phải đau lòng!
    Nhưng hiểm nguy trước mắt...
    Quân Ngô sắp tới đông!

    Triệu Quốc Đạt (nghiến răng căm hận quân Ngô):

    - Hừ! cũng bởi giặc Ngô kia xảo quyệt,
    Chúng vừa bạo tàn, vừa chiêu dụ nhân dân!
    Đem bả lợi danh, khêu gợi lòng tham
    Những kẻ u mê, ê chề đắm đuối!

    Triệu Thị Trinh:

    - Em phải đi ngay, trước khi quân Ngô tới.
    Ta sẽ gặp nhau trên Núi Cấm, bên sông...

    Triệu Quốc Đạt:

    - Ừ!... Em đi trước đi, Anh vì nghĩa vợ chồng,
    Lo mai táng nàng xong, sẽ tìm lên Núi Cấm...

    Triệu Thị Trinh (chào tạm biệt):

    - Em sẽ chờ anh, cùng xông pha chiến trận,
    Đánh đuổi giặc Ngô, dù phải hy sinh!
    Theo gương người xưa, vì nước quên mình.
    Giải thoát quê hương khỏi vòng nô lệ!
    Xin tạm biệt!

    Triệu Quốc Đạt:
    - Tạm biệt!

    (Triệu Thị Trinh được Nàng Trúc, Nàng Mai và Lão Bá hướng dẫn một đoàn Nghĩa binh đến
    đón, tất cả cùng hùng dũng đi lên Núi Cấm lập khu chiến đánh nhau với quân Ngô, theo
    tiếng nhạc trầm hùng).

  3. #3
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default Mài Kiếm Dưới Trăng

    Mài Kiếm Dưới Trăng

    (Kịch Thơ hai màn, hai cảnh)


    Bối cảnh Lịch sử

    Sau khi Hồ Quí Ly đoạt ngôi nhà Trần, vua Minh bên Tàu bèn nhân dịp lấy cớ đem quân sang xâm chiếm nước ta.
    Năm 1408, các ông Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân giúp vua nhà Hậu Trần là Giản Định Đế, đánh thắng được quân Minh do Mộc Thạnh chỉ huy ở trận Bô Cô. Được tin thua trận, vua Minh bèn phong cho Tướng Trương Phụ làm thống binh sang nước Nam đánh báo thù và lập nền đô hộ tại đây . Trương Phụ đi đến đâu cũng làm những điều tàn bạo ghê gớm như xếp người thành núi, rút ruột treo cây, nấu thịt lấy dầu...lại phong thưởng người bản xứ để giết hại lẫn nhau.(1)

    Các ông Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân sau đó vì bất đồng ý kiến với vua Giản Định và bị
    gian thần gièm pha, nên đều bị giết chết. Con ông Đặng Tất là Đặng Dung và con ông
    Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị theo phò vua Trần Quí Khoách (tức vua Trùng Quang nhà Hậu Trần), gạt qua bên thù nhà, chỉ chú tâm vào việc đánh đuổi giặc Minh, quang phục quê hương.

    Tháng Sáu năm quí tị (1413), quân Trương Phụ vào lấy Nghệ An, quan Thái Phó nhà Hậu
    Trần là Phan Quí Hữu ra hàng. Con Quí Hữu là Phan Liêu được Trương Phụ cho làm tri phủ Nghệ An, muốn tâng công nên đã cung khai hết lực lượng quân kháng chiến và các nơi hiểm yếu ở Hoá Châu.

    Đến tháng chín, quân Trương Phụ vào đến Thuận Hóa, Nguyễn Súy và Đặng Dung nửa
    đêm đem quân đến đánh trại Trương Phụ. Đặng Dung đã vào được thuyền của Trương Phụ định để bắt sống, nhưng không biết mặt, vì thế Trương Phụ mới nhẩy xuống sông lấy cái thuyền con mà chạy thoát được.(2)

    Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công, nhưng lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng làm đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.(3)

    Ông Đặng Dung có làm bài thơ thuật hoài, được truyền tụng như sau:,

    Thế sự du du nại lão hà!
    Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
    Thời lai đồ điếu thành công dị,
    Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
    Tri chủ hữu hoài phù địa trục,
    Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
    Quốc thù vị phục đầu tiên bạch.
    Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!


    Bản Dịch của ông Phan Kế Bính:

    Việc đời bối rối tuổi già vay,
    Trời đất vô cùng một cuộc say.
    Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
    Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
    Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
    Giáp gột sông trời khó vạch mây.
    Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
    Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.


    Nhân vật:

    - Đặng Dung: Con ông Đặng Tất, là tướng lãnh phò vua Trùng Quang Trần Quí Khoách nhà
    Hậu Trần.
    - Vua Trần Quí Khoách: Vua nhà Hậu Trần.
    - Hồng Nương: Thám tử của nhà Hậu Trần, giả làm chủ quán nước để săn tin giặc.
    - Lão tiều phu: Một sĩ phu ẩn danh, làm nghề kiếm củi, thông thuộc đường lối ở Hoá Châu,
    ra đầu quân giúp Vua nhà Hậu Trần, và tình nguyện hướng dẫn Đặng Dung đột kích bản
    doanh thủy quân của tướng giặc Trương Phụ nhà Minh.
    - Nguyễn Súy: Một tướng nhà Hậu Trần, cùng với Đặng Dung đột kích vào thuyền giặc.
    - Nguyễn Cảnh Dị: Con Nguyễn Cảnh Chân, làm tướng cùng với Đặng Dung giúp Vua nhà
    Hậu Trần.
    - Nghĩa quân, lính canh, quân hầu.

    Thời gian: Lúc nửa đêm.

    Cảnh: Cảnh đêm sáng trăng nơi khu chiến chống quân nhà Minh xâm lược. Bên bờ suối, có tảng đá lớn để mài kiếm, và một đống lửa nhỏ nhóm lên bên cạnh có một ấm nước trà và một cuốn binh thư.

    Nhạc đệm: Trầm buồn, hùng tráng.

    Mở Màn

    (Sau một hồi kẻng điểm canh, có tiếng ngâm hậu trường bốn câu thơ thuật hoài của Đặng Dung):

    "Tri chủ hữu hoài phù địa trục,"
    "Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà"
    "Quốc thù vị phục đầu tiên bạch"
    "Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!"
    (Vai khiêng trái đất mong phò chúa)
    (Giáp gột sông trời khó vạch mây)
    (Nợ nước chưa xong đầu đã bạc)
    (Dưới trăng mấy độ tuốt gươm mài)

    Đặng Dung (Đưa thanh gươm đang mài lên soi dưới ánh trăng, rồi lấy ngón tay thử xem đã sắc chưa):

    - Ta mài kiếm từng đêm từng uất hận
    Bởi quân thù còn dày xéo quê hương.
    Soi bóng trăng vằng vặc giữa canh trường,
    Lòng sao thẹn, lưỡi gươm mài chưa sắc!
    Để dẹp tan loài sài lang cướp nước
    Đang nghênh ngang ngự trị đỉnh tham tàn!
    Chúng tước đoạt quyền người, chà đạp lương dân,
    Dùng bạo lực tạo vô vàn đau khổ!

    (Bỗng lính canh vào báo)

    Lính canh: - Bẩm Tướng quân
    Có Hồng Nương chủ quán đến báo tin cơ mật!
    Đặng Dung: - Được! Mời vào.
    Lính canh: - Tuân lệnh!
    Hồng Nương (thi lễ):
    - Hồng Nương kính chào Đặng tướng quân.
    Đặng Dung:
    - Kià Hồng Nương! Chào nàng!
    Hôm nay quán mở cửa hàng khuya khoắt,
    Hẳn có tin về hoạt động Bắc phương?
    Ta vẫn chờ...đêm trăng sáng vô ngần!
    Hồng Nương:- Dẫu trăng sáng... thiếp không quên nhiệm vụ,
    Túc trực bán hàng, theo dõi đối phương.
    Vừa nhận được tin mật ở tiền đồn,
    Rằng địch đang chuyển quân thật gấp!
    Đặng Dung :
    - Địch đang chuyển quân ư?
    Hừ! Tại Nghệ An tướng họ Phan hàng giặc,
    Có thể đã khai hết lực lượng quân ta.
    Nhưng Mộc Thạnh vừa nếm mùi thất bại,
    Chắc chưa dám liều đem quân tiến thêm xa!

    Hồng Nương:
    Tướng quân đoán đúng!
    Tên Mộc Thạnh vẫn còn nơm nớp sợ,
    Trận Bồ Cô thua tan tác vừa qua!
    Nhưng ...Trương Phụ, tên cáo già xảo quyệt,
    Hắn mưu mô không hẳn bó tay chờ...

    Đặng Dung (chặc lưỡi):
    - Chính vì thế, ta mài gươm cho sắc,
    Quyết ngăn thù...
    Nhưng một thoáng mơ xa...
    Ngày thanh bình chấm dứt cảnh can qua.
    Ta sẽ trở về quê hương xưa cũ!

    Hồng Nương (mơ màng):
    Và thiếp cũng ước mơ về quê dệt lụa,
    Chăn nuôi tằm với một lũ con thơ...

    Đặng Dung (âu yếm , nhìn Hồng Nương):
    - Ta vì nàng...chắc sẽ phải làm thơ
    Tả vẻ đẹp bơ vơ người thiếu phụ!

    Hồng Nương (cúi đầu, vân vê tà áo):
    - Khi giặc đến, thiếp tham gia đánh giặc
    Quán nước bên đường làm trụ sở săn tin.
    Thân con gái...ôi! âm thầm nuốt nhục,
    Để chờ một ngày quang phục giang sơn!

    Đặng Dung (thở dài, phẫn uất):
    Ngày quang phục giang sơn?
    Ôi! sao mà xa quá!
    Giặc hung tàn đang đốt phá quê hương!
    Ta phải làm gì? Nuôi máu nóng căm hờn?
    Không lẽ khoanh tay chờ ngày gục xuống!

    (Đặng Dung không ngăn nổi sự xúc cảm, toàn thân run rẩy, phải chống gươm mới khỏi bị té xuống)

    Hồng Nương (thảng thốt, vội chạy đến đỡ lấy Đặng Dung):
    - Đặng Tướng quân! Chàng ...Chàng...sao thế?

    Đặng Dung (nhè nhẹ đẩy Hồng Nương sang bên, sau đó xuống tấn, thu hồi chân khí):
    - Cám ơn nàng, ta không sao.
    Ôi, đường gươm gia bảo! Đến bao giờ mới trả xong nợ nước thù nhà!

    (Đặng Dung vung kiếm múa vài đường gươm gia truyền)

    Hồng Nương (tấm tắc khen phục):
    - Đường gươm Đặng gia quả danh bất hư truyền!

    Đặng Dung (thu kiếm lại, vái tạ sự khen thưởng của Hồng Nương):

    - Đa tạ...đa tạ. (sau đó Đặng Dung chống kiếm xuống đất, soi bóng trên dòng suối mà thở than):
    - Đây gươm báu trao tay từ tổ phụ
    Khoác chinh y, ta dứt bỏ thanh xuân.
    Nghe trống thúc quân, xuất trận bao lần,
    Trong cát bụi, nhưng chưa thành cát bụi!
    Vai gánh vác giang sơn chừng mệt mỏi,
    Hồn thanh niên một tối bỗng già nua!
    Thù chưa trả, tóc đã mầu sương tuyết,
    Gươm ta mài, ôi! đủ sắc hay chưa?

    (Tiếng Lão tiều phu vọng tới)

    - Ha ha ha...! Tiếng than nào u ẩn giữa trời khuya
    Làm chua sót cả bốn bề tạo vật?

    Đặng Dung (Giật mình, thủ thế):

    - Ai? Quân đâu?

    Lính canh :
    - Dạ!

    Đặng Dung:
    - Ta nghe như có tiếng người lẩn khuất,
    Là bạn hay thù?
    Mau mau hãy hiện thân!

    Lão tiều phu (Xuất hiện, vòng tay chào Đặng Dung và Hồng Nương):

    - Lão hủ Lê Lượng tiều phu kính bái yết Tướng quân và cô nương.

    (Lính canh cũng vưà ập tới dí gươm canh chừng Lão tiều phu).

    Đặng Dung (thấy một ông già kiếm củi, không mang khí giới bèn yên tâm hất hàm ra lệnh
    cho lính canh):


    - Các ngươi lui ra tiếp tục canh phòng!
    Để ta lo xử trí việc riêng!

    Lính canh:
    - Tuân lệnh!

    Đặng Dung (nghiêng mình đáp lễ Lão tiều phu):- Đặng
    Dung kính chào Lão trượng!

    Hồng Nương (cũng chắp tay thi lễ):
    - Hồng Nương kính chào Lão bá!

    Lão tiều phu:
    - Không dám! không dám!
    Lão hủ chỉ là một gã thất phu,
    Sống nghèo hèn làm nghề kiếm củi,
    Không vợ, không con, không cả ước mơ!
    Trong đêm tối nghe những lời tâm huyết
    Của vị Tướng quân uống cạn chén căm thù!
    Nên mạo muội, đánh liều tìm xin gặp
    Mong được đầu quân, cùng gánh vác giang sơn!

    Đặng Dung (thở dài):
    - Ta nay đang đi trên bước đường cùng,
    Lão không sợ uổng công theo phò tá?

    Lão tiều phu (vẻ cương quyết):
    - Thưa Tướng quân,
    Lão tuổi hạc, đã ngoài vòng cương tỏa
    Không thiết tha gì dến chuyện tử sinh!
    Nhưng vì giang sơn quằn quại gót xâm lăng
    Già hay trẻ cùng chung niềm tủi nhục!
    Gươm chưa sắc, sao tinh thần héo hắt,
    Chí đang bền, lòng tan nát được chăng?
    Đánh đuổi quân thù, lão đâu sợ uổng công!

    Đặng Dung (Lóe lên niềm phấn khởi):
    - Phải đó...phải đó!
    Ta mài gươm mong cứu lấy giang sơn,
    Dẫu gục ngã kiếp này, đàn sau tiếp nối...!
    Đa tạ Lão phu đã chỉ đường khai lối,
    Kẻo đêm nay, ta mòn mỏi u mê
    E máu nóng nguội dần trong huyết quản,
    Sợ căm thù tan vội với trăng khuya!

    (Đặng Dung, Hồng Nương và Lão Tiều phu còn đang đàm đạo, bỗng lính canh vào báo cáo)

    Lính canh:
    - Bẩm Tướng công,
    Chúa Thượng vi hành giá lâm!

    Đặng Dung:
    - Quân đâu?

    Lính canh:
    - Dạ!

    Đặng Dung:
    - Khẩn cấp dàn hàng
    Bảo vệ Chúa công!

    Lính canh:

    - Tuân lệnh!

    (Tướng Nguyễn Súy và tướng Nguyễn Cảnh Dị theo hầu vua Trần Quí Khoách đi ra. Đặng
    Dung, Hồng Nương và Lão tiều phu cùng quì xuống).

    Đặng Dung:

    - Thần Đặng Dung không kịp nghênh giá,
    Đắc tội! Đắc tội!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Ta miễn lễ! Chốn biên khu cũng nên tùy tiện,
    Kẻo quân thù chú ý hại vua tôi!

    Đặng Dung (đứng dậy, Hồng Nương và Lão tiều phu vẫn còn quì):
    - Đa tạ Chúa Công.

    Vua Trần Quí Khoách (hướng về Hồng Nương):
    - Hồng Nương có mặt nơi đây,
    Chắc hẳn có tin tức gì hệ trọng?

    Hồng Nương (đứng lên):
    - Thần thiếp vừa báo tin giặc đã chuyển quân!

    Vua Trần Quí Khoách:

    - Giặc đã chuyển quân ư?
    Hừ! ta phải lo đường đối phó (hướng về lão tiều phu)
    - Còn...Lão trượng này là ai? Có ở trong quân?

    Đặng Dung:

    - Muôn tâu...Đây là
    Lão tiều phu họ Lê tên Lượng,
    Mới xin đầu quân, cùng đánh đuổi xâm lăng.
    Lão ở vùng này, quen địa đạo xóm làng!
    Ta có thể tin dùng làm tiên phong hướng đạo!

    Vua Trần Quí Khoách (quay qua Nguyễn Cảnh Dị):

    - Cảnh Dị Tướng quân, ông coi về Tiền quân Trinh sát
    Có ý kiến gì? Thu nạp hay không?

    Nguyễn Cảnh Dị:

    - Muôn tâu...quân số giặc thật đông!
    Ta tổn thất rất nhiều, chưa kịp tuyển,
    Nay thêm người đầu quân, càng thêm lực lượng.
    Mời Lê Lượng Lão phu đứng lên cảm tạ Chúa Công!

    Lão tiều phu (đứng lên):

    - Lê Lượng xin bái tạ Chúa công!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Miễn lễ! Ta muốn hỏi
    Lão ở vùng này có biết tin đồn
    Quân Trương Phụ mới qua đây, không?

    Lão tiều phu:
    - Bẩm Chúa công...
    Từ mấy ngày nay khách thương hồ hốt hoảng:
    Đồn đãi nhau rằng, giặc đã kéo về đây.
    Chúng muốn chiếm ngay vùng Hóa Châu này,
    Để ngăn chặn quân Nam hết đường lui tới!

    Đặng Dung:
    - Hừ ! Đất Hóa Châu vô cùng thuận lợi,
    Công thủ tiến lui, rừng núi bao quanh.
    Nếu giặc tấn công chiếm được xóm làng
    Ta sẽ bị vây, khốn cùng tuyệt lộ!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Ta cũng nghĩ thế,
    Nên mới chọn Hoá Châu là nơi tử thủ,
    Nhưng quân ta, e không đủ giữ thành!
    Nay biết tính sao? Cần quyết định cho nhanh!

    Nguyễn Cảnh Dị:
    - Thần nhận thấy, giặc chuyển quân thật gấp
    Tất chúng tiêu hao sức lực ban đầu.
    Ta hãy dùng mưu "Dĩ dật đãi lao"
    Đánh úp chúng không sao kịp thở!

    Nguyễn Súy:
    Bẩm Chúa công...Mưu tướng Cảnh Dị thật hay,
    Nhưng số quân ta quá nhỏ!
    Giặc đông người, tuy sức khỏe tiêu hao,
    Cũng có cơ lật ngược thế cờ cao!
    Nên... theo thần...
    Ta phải dùng mưu tiêu mòn sức giặc!

    Vua Trần Quí Khoách (suy nghĩ):
    Hừ! Đáng giận thay bọn gian thần phản bội,
    Cha con họ Phan hàng giặc mong phì gia!
    Chúng đã cung khai hết lực lượng quân ta.
    Nên Trương Phụ mới dám vào Hoá Châu mạo hiểm!
    Đặng Dung Tướng quân, ông có kế gì thi triển?

    Đặng Dung:
    - Bẩm Chúa công,
    Tên Trương Phụ bạo tàn hơn quỉ dữ
    So với Tần Thủy Hoàng, tội ác cũng nhiều hơn!
    Hắn xếp người thành núi, thành non,
    Rút ruột treo cây, nấu thịt làm dầu đốt đuốc!
    Lại thưởng tiền cho người bản quốc,
    Giết hại nhau, tàn độc lắm thay!
    Thần phải đi... bắt sống hắn về đây!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Bắt sống Trương Phụ?
    Trong một đoàn quân vĩ đại,
    Với bọn tùy tùng hộ vệ hùm beo!
    Ta đâu nỡ...trước hiểm nghèo quá lớn!

    Đặng Dung (khẳng khái đứng thẳng lên):
    - Bẩm Chúa công,
    Thần biết ...bắt Trương Phụ,
    Một chuyện làm thật khó!
    Còn khó hơn cả chuyện sang Tần!
    Ôi sông Dịch xưa, một thuở hào hùng?
    Tiễn Kinh Kha...với trùng trùng khăn trắng!
    Đặng Dung hôm nay,
    Không dám học đòi cổ nhân tranh thắng.
    Nhưng quốc thù treo nặng lưỡi gươm mài...!
    Thần xin Chúa công một cơ hội rủi may
    Cứu vớt dân đen khỏi hầm tai ác!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Trẫm biết giặc luôn đề phòng canh gác,
    Tướng quân một đi theo gót Kinh Kha!
    Chỉ tiếc rằng, ta tài đức kém xa
    Thái Tử Đan, nên lấy làm ái ngại!

    Đặng Dung:
    - Bẩm Chúa công,
    Kinh Kha một đi không hề trở lại,
    Nhưng Đặng Dung này đâu phải kẻ sang Tần.
    Trương Phụ chẳng qua là một viên tướng Trung quân,
    Trên sông nước, khó có đường tiếp cứu!

    Lão tiều phu ( quỳ xuống tâu):
    - Muôn tâu...
    Giặc từ ngoài vào theo đường biển,
    Chúng phải neo thuyền dọc ghềnh đá mấp mô...
    Thần biết rõ đường đi nước bước
    Xin xung phong hướng dấn lối vô.
    Tên Trương Phụ thường hiu hiu tự đắc,
    Nên Trung quân thuyền lớn có treo cờ!

    Nguyễn Súy:
    - Thần xin cùng đi, canh giữ trên bờ,
    Để tướng Đặng Dung xuống thuyền bắt giặc.
    Quân tham chiến, ngoài Lê Lão dẫn đường thám sát,
    Chỉ cần một đoàn võ sĩ tài ba
    Ngay đêm nay ta tập kích bất ngờ!

    Vua Trần Quí Khoách:
    Trẫm chuẩn tấu, tùy các Khanh hành sự!
    Tướng Cảnh Dị ở lại cùng ta coi sóc việc quân,
    Còn Hồng Nương về quán săn tin giặc
    Mong các Khanh cố gắng lập công!

    Đặng Dung (cùng Hồng Nương, Lê Lão và Nguyễn Súy chắp tay tạ ơn):
    - Chúng Thần xin đa tạ Chúa công!

    Vua Trần Quí Khoách:
    - Quân hầu!

    Quân hầu:
    - Dạ!

    Vua Trần Quí Khách:
    Mang rượu tiễn đưa chiến sĩ lên đường!

    Quân hầu (mang rượu ra):

    - Tuân chỉ

    Vua Trần Quí Khoách (tự tay rót rượu mời từng người):
    - Trẫm xin hết lời đa tạ
    Những tấm lòng son sắt với giang sơn.
    Khi quốc biến, gạt thù nhà riêng lẻ,
    Để chỉ còn mục đích: trả thù chung!
    Thù dân tộc, thù quốc gia tan nát
    Bởi bọn xâm lăng, quân bán nước gian tham
    Nào các Khanh hãy cùng ta nâng chén!
    Hẹn ngày về, ta lấy lại quê hương!

    Các tướng sĩ cùng nâng ly:
    - Đa tạ Chúa công!

    Vua Trần Quí Khoách:
    (trao gươm lệnh cho Đặng Dung)
    - Đây gươm lệnh trao tay người kiếm khách
    Ngày khải hoàn cả nước vẫn chờ mong.
    Trong tuyệt vọng đã sẵn mầm hy vọng
    Chén tiễn đưa, không phải chén ly bôi...
    Giữa đêm đen đang ẩn náu mặt trời.
    Sau đông giá là mùa xuân ấm áp!
    Trẫm chúc các khanh:
    Đảm lược hào hùng, dũng khí Kinh Kha!

    Đặng Dung:
    - Đa tạ Chúa Công!

    (Đặt lưỡi gươm ngang ngực, ngất cao hào khí)

    Kinh Kha hề Kinh Kha!
    Xưa tráng sĩ vì an nguy thiên hạ,
    Đã xả thân mài kiếm sang Tần!
    Nay cũng bởi an nguy xã tắc,
    Và lẽ sống toàn dân.
    Ta sẽ hết lòng cố gắng,
    Đánh đuổi giặc Minh, bảo vệ non sông.

    (Tất cả tướng sĩ cùng quỳ xuống, quyết tâm xin thề. Tiếng ngâm hậu trường nổi lên):

    - Đêm đêm mài kiếm dưới trăng,
    Nguyện thề dành lại giang san Lạc Hồng!
    (tất cả cùng dơ tay): Xin thề...xin thề...lấy lại quê hương!

    Màn hạ
    (1), (2), (3) Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim

    (Trích từ Hùng Sữ Việt)

  4. #4
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Tuổi
    39
    Bài gởi
    545
    Thanks
    4
    Thanked 9 Times in 7 Posts

    Default Hội Nghị Diên Hồng

    Hội Nghị Diên Hồng

    (Nhạc kịch một màn, hai cảnh)
    Song Thuận & Vũ Mạnh Đôn

    Nhân Vật:

    1- Vua Trần Nhân Tông
    2- Trần Hưng Đạo
    3- Trần Thủ Độ (Thái Sư, quan văn)
    4- Trần Nhật Hiệu (Thái Úy)
    5- Công Chúa Thủy Tiên
    6- Trần Quốc Toản
    7- Thị vệ
    8- Một số quân lính
    9- Một số bô lão

    Thời gian: Buổi sáng sớm

    Nhạc: Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước và Việt Tiến do Ban Hưng Ca Nguyệt Ánh trình bày.

    Cảnh một: Cảnh Triều đình. Ba hồi chiêng trống, Triều đình họp khẩn cấp. Các quan đại thần đứng chầu hai bên tả hữu trong đại sảnh . Từng hồi chiêng trống thúc dục và tiếng vó ngựa, tiếng quân reo ở xa xa...Khi vua chưa ra, bá quan văn võ họp bàn sôi nổi. Khi vua ra,
    bá quan cùng quỳ xuống tung hô.

    Cảnh Hai: Điện Diên Hồng. (gống cảnh triều đình, nhưng thêm bảng “Điện Diên Hồng”).

    Màn Một - Cảnh Một:
    Trần Quốc Toản: - Trần Quốc Toản, xin phúc lệnh chủ tướng!

    Trần Hưng Đạo: - Cậu Toản đấy à! Cậu có hay tin tức gì không?

    Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Nghe lệnh truyền Quốc Toản đến đây. Quân phi báo ngậm tăm không một lời tiềt lộ.

    Trần Hưng Đạo: - Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, lãnh ấn nguyên nhung, xuất sư khai chiến.

    Trần Quốc Toản: - Đạo làm tướng lấy da ngựa bọc thây. Xin chủ tướng hạ lệnh, tôi sẽ mang quân điếu phạt.

    Trần Hưng Đạo: - Hay lắm! Năm mươi vạn tinh binh Mông Cổ, cậu định dùng quân số bao nhiêu, để thâu phục trận giặc này?

    Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Nếu vì nước phải hy sinh, theo tôi nghĩ bao nhiêu quân cũng đủ.

    Trần Hưng Đạo: - Cậu định thí mạng hay sao mà hùng hùng hổ hổ? Tôi gọi cậu đến là định mượn danh của cậu để làm kế nghi binh.

    Trần Quốc Toản: - Mượn danh à?

    Trần Hưng Đạo: - Cậu là một tướng trẻ can trường, tôi biết. Nhưng lần này, tôi không muốn cậu đánh giỏi, mà tôi muốn cậu chạy cho thât giỏi.

    Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Chạy? Xưa nay tôi cầm quân chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

    Trần Hưng Đạo: - Phải! Cậu đích danh là tướng chẳng biết lùi. Nhưng lần này, cậu chạy mới mong lừa được giặc. Tướng Trần Quốc Toản! Tiếp lệnh kỳ!

    Trần Quốc Toản: - Xin phúc lệnh chủ tướng

    Trần Hưng Đạo: - Nghe cho kỹ! Ngay đêm nay, cậu thống lãnh 2000 xạ thủ, tiến thẳng trận tiền. Khi tới vòng tuyến thứ hai, cách hai mươi dặm, đặt phục binh nơi đó, rồi dẫn 500 khinh binh xung trận, lệnh cho tướng trấn nhậm khi lâm chiến. chia đội ngũ làm hai, biến trận Đằng Xà thành Hổ Dực, mai phục hai bên đường, cứ để quân tiên phong Mông Cổ đi qua, còn cậu ở trung quân, xưng danh hiệu rồi vờ thua trận, dụ địch tiến sâu vào ổ phục binh, càng nhanh càng tốt. Nên nhớ! Không được chọi thẳng, hòng bảo tồn lực lượng.

    Trần Quốc Toản: - Như vậy, ý của ngài là... biến trận Hổ Dực để bọc hậu, nhằm triệt đường rút quân của giặc?

    Trần Hưng Đạo: - Không phải! Giặc đang trên thế mạnh, rút là rút thế nào? Cậu đứng dậy đi. Khi điều binh thì chính lệnh phải rõ ràng. Cậu phải nhanh chân hòng diệu hổ ly sơn. Trận Hổ Dực chính là đánh vào hậu quân nhằm cướp lương thực. Quân Mông Cổ mất quân lương thì đói khát, lúc ấy tất chúng phải lui binh. Thôi, cậu hãy chuẩn bị lên đường cho sớm.

    Trần Quốc Toản: - Xin tuân lệnh chủ tướng!

    Thị Vệ: - Bẩm chủ tướng. Có quan Thái Sư xin vào yết kiến.

    Trần Hưng Đạo: - Được Mời vào!

    Thái Sư Trần Thủ Độ: - Kính chào Đại tướng quân!

    Trần Hưng Đạo: - Bổn tướng kính chào Thái sư. Đã lâu không gặp. Hôm nay đây Thái Sư quá bộ. Chắc có điều chi cần chỉ giáo?

    Trần Thủ Độ: - Không dám! Thời buổi giặc giã, lão hủ nho không đủ sức trói gà. Nhìn quốc biến, thất phu thêm thẹn mặt, có đâu dám trèo cao so tài cùng võ tướng trước trận tiền! Độ tôi hôm nay đến đây xin cạn tỏ tấm lòng thành.

    Trần Hưng Đạo: - Xin ngài thỏa lòng cho! Hà! Không dám, không dám! Xin thái Sư cứ dạy...

    Trần Thủ Độ: - Được biết xã tắc trong cơn nguy biến. Phá giặc ngoại xâm, quyền biến ở tay ngài. Độ tôi không ngại tài hèn, xin cùng được ngài chung lưng đấu cật. Nhưng ngại vì văn võ hai đường, và tôi với ngài trước kia cũng có đôi điều hiềm khích.

    Trần Hưng Đạo: - Tuấn tôi đây một lòng trung quân ái quốc, lẽ nào lại mang lòng riêng để phụng sự quốc gia? Xin ngài đừng ngại, những tiểu sự trước kia, hôm nay Tuấn tôi xin xóa bỏ..

    Trần Thủ Độ: - Ha! ha! ha! Mong rằng được như thế.

    Trần Hưng Đạo: - Ha ha ha ha ha! Ngài khá yên tâm. Con nhà tướng, một lời nói ra, vạn sự chẳng quên câu: “Nhất ngôn như phá thạch”!

    Trần Thủ Độ: - Triều thần đang thắc mắc về kế sách của ngài. Từ khi Nguyên triều mượn đường gây hấn, ngài không lo đường luyện binh tác chiến, ngược lại phải bắt quân dân tập đàng tháo chạy. Các binh thư từ cổ chí kim không hề nói đến chuyện này. Bổn chức thật không hiểu, ngàn lần không hiểú

    Trần Hưng Đạo: - Ha ha ha ! Ngài đã hiểu, hay cố tình không hiểu. Thế địch mạnh, đông
    gấp trăm lần quân ta. Không thể chọi thẳng, ta phải lui binh về để bảo tồn lực lượng. Dụng binh pháp, động tịnh đôi đường: Co và duỗi, một công một thủ.

    Trần Thủ Độ: - Nhưng rõ ràng ngài đã có ý định bỏ ngỏ kinh đô. Nội thành mất, còn mong gì lấy lại?

    Trần Hưng Đạo: - Ờ...Ngài nên biết! Sở trường của quân Nguyên giỏi về trường chiến. Nó giỏi dùng cung nỏ với trường mâu. Kỵ mã tải binh, ngày xuôi vạn lý...thiện chiến đồng bằng, ta không thể đảm đương.

    Trần Thủ Độ: - Chính vì vậy ngài định dùng rừng sâu làm cứ địa, dùng đoản binh đối phó với quân Nguyên?.

    Trần Hưng Đạo: - Vâng, ngài nói rất phải.

    Trần Thủ Độ: - Nhưng rút quân là mất đất. mất thành! Bỏ thì dễ, nhưng vạn nan chiếm lại.

    Trần Hưng Đạo: - Ngài tin tôi đi. Thành dù mất, vài tháng sau ta lấy lại. Năm mươi vạn quân Nguyên, ta phá vỡ chỉ vài ngày. Giặc ngơ ngáo, sức cùn vì lực cạn

    Trần Thủ Độ: - Sao lại thế được?

    Trần Hưng Đạo: - Thưa Thái Sư, ngài cũng biết: Đất nước Nam ta có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thời ôn dịch hoành hành. Chẳng phải dân Nam thì đừng hòng sống được với tà phong chướng khí!

    Trần Thủ Độ: - Hà hà hà! Như vậy thì quân ta tạm lánh một thời gian. Phá hủy quân lương không cho giặc cướp vùng. Chờ trận mưa đầu ta phá giặc tan hoang. Chiến dịch này...ha ha ha! Theo tôi hãy đặt là kế “Đồng không nhà trống”. A! ở đây ta có căn cứ rừng sâu là địa lợi, trận mưa sát Thát làm kế thiên thời. Còn yếu tố nhân hoà ta tin tưởng lòng dân quân quyết chiến.

    Thị vệ: - Thánh Thuợng giá lâm!

    Các quan: - Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

    Vua Trần Nhân Tông: - Trẫm miễn lễ. Các khanh hãy bình thân!

    Các quan: - Tạ ơn Chúa thượng.

    Vua Trần Nhân Tông: - Ta được biết Thoát Hoan đã mang quân vượt qua biên ải. Sự việc này ta thấp thỏm không yên. Quyết một phen suôi ngược viếng trận tiền. Hoà hay chiến các khanh khá bề phân tỏ.

    Trần Nhật Hiệu: - Muôn tâu. Quân Nguyên Mông đã đánh các nơi trên thế giới. Diệt Tống, chiếm trọn Trung Nguyên. Ta là nước cỏn con , đối với Tống triều còn thần phục. Lấy sức đâu mà đương cự với Nguyên Triều?

    Vua Trần Nhân Tông: - Quân Nguyên quả là rất mạnh. Ta không phải là đối thủ của chúng. Vậy phải làm sao? Hòa thời nghi ngại. Chiến thời nan giải.

    Trần Nhạt Hiệu: Muôn tâu. Thoát Hoan, chỉ mượn đường nước ta để đánh Chiêm Thành.
    Chúng cần đất trú quân...thì cho chúng mượn! Chúng cần lương thực thì ta xuất kho cho
    chúng. Nào có tổn hại gì đâu mà phải lấy trứng chọi đá. Theo hạ thần, nên hòa, để tránh
    được chiến tranh, khiến sinh linh đồ thán!

    Trần Thủ Độ: - Ông nói thế là không phải! Quân Nguyên thiếu gì đường đi đánh Chiêm Thành... hà tất phải mượn đường nước Nam? Tâu Bệ Hạ, hễ trộm vào nhà thì mất của, giặc vào lãnh thổ thì mất nước.

    Trần Hưng Đạo: - Muôn tâu Chúa Thượng. Lời Thái Sư chí phải. Lực lượng thủy quân Nguyên triều hùng mạnh, đâu cần gì phải mượn đất đánh Chiêm Thành. Đây chẳng qua là kế, một đá chọi hai chim. Chiêm Thành mất, đất nước Nam cũng chẳng trông mong đòi lại!

    Công Chúa Thủy Tiên: - Muôn tâu. Hoàng Huynh. Thần muội nghe nói trên rừng có một loài chim không biết làm tổ. Chỉ biết đi cướp tổ. Khi chúng đến cướp thì ăn hết trứng, hòng tiêu diệt nòi giống của loài chim khác. Đẻ nhờ! Lừa loài chim khác ấp trứng thay mình. Vì vậy mới có tiếng là “tu hú đẻ nhờ”! Quân Mông Cổ xưa nay là giống dân du mục, chiếm đất! chiếm thành, mang bản chất thực dân. Xưa không biết giữ gìn, Nam tống phải diệt vong. Nay ta tin lời chúng, cho mượn đường thì mất nước. Thần muội có một đạo nữ binh, cung kiếm đường đường, thề tử chiến, quyết chống ngoại xâm dưới trướng Đại vương Trần Hưng Đạo!

    Vua Trần Nhân Tông: - Ha ha ha. Hoàng muội thật chẳng hổ công. “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Trưng, Triệu xưa kia chẳng kém đấng mày râu. Chiến trận xa xưa vì quật khởi lập công đầu. Nay thịnh trị, ta chẳng đành trông máu đổ. Chiến thì ngại lương dân tang tóc! Hòa còn đâu độc lập ấm no.

    Trần Thủ Độ: - Muôn tâu Bệ Hạ. Hòa hoãn với giặc tức là đầu hàng chúng. Trăm dân dẫu có tránh được cảnh chiến tranh. Nhưng sống dưới ách nô lệ, sẽ phải chịu đau khổ gấp trăm ngàn lần. Chưa kể Lăng Miếu bị giặc giày xéo. Ta sẽ đắc tội với Tiền nhân, đã mấy ngàn năm giữ nước. Đầu thần còn trên cổ, xin bệ hạ đừng lo.

    Trần Hưng Đạo: - Muôn tâu, Bệ Hạ thương dân như con đỏ, đấy là cái phúc của muôn dân.
    Động lòng trời, trời chẳng phụ.thánh nhân. Nam quốc lập sơn hà Nam đế trị. Bệ hạ hãy yên tâm. Quả cân tuy nhỏ, nhưng đúng thế, cũng nhấc bổng được ngàn cân. Chỉ cần quân dân đoàn kết một lòng. Trận giặc này, hạ thần xin lấy đầu làm quân lệnh. Binh tướng phương Nam. Khí thế đằng đằng... Anh hùng tử, chứ khí hùng nào tử? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã.!

    Vua Trần Nhân Tông: - Ý Thái Sư và Hưng Đạo Vương đã quyết như thế, ta không lo gì về mặt binh tướng nữa. Cuộc chiến này rất quan trọng. Về lực lượng ta kém địch rất xa. Chỉ còn mặt tinh thần. Nếu chúng ta biết đoàn kết: Quân và dân trong ngoài một ý. Vua tôi trên dưới một lòng. Ý dân là ý trời. Vậy các khanh hãy lo triệu tập tất cả các bô lão khắp nơi, về hội tại Điện Diên Hồng để trẫm hỏi ý kiến: nên hoà hay nên chiến?

    Các quan: - Tuân chỉ!

    Thị vệ: - Thánh thượng hồi trào...

    Màn Hai - Cảnh Hai

    (Nhạc Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước & Việt Tiến, do ban Hưng Ca Nguyệt Ánh trình bày, với điệu múa sáng tác của đạo diễn Vũ Mạnh Đôn)

    Màn hạ

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts