+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 3 trên 3
  1. #1
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default Nghệ sĩ Tấn Tài & Tấn Beo

    Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài

    50 năm sống với nghề hát

    Sau nhiều lần lỗi hẹn với khán giả vì lý do sức khỏe, đêm 2 và 11-1-2009, danh ca Tấn Tài sẽ tổ chức chương trình live show Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài – Đêm tri ân kỷ niệm 50 năm sống với nghề hát tại rạp Hưng Đạo



    Doanh thu của hai đêm diễn sẽ dành xây dựng nhà tình thương và trao tặng nghệ sĩ nghèo neo đơn, tàn tật đón Xuân Kỷ Sửu 2009.

    Từ sân khấu Bướm vàng đến Danh ca vọng cổ

    Kể lại ngày mới vào nghề, nghệ sĩ Tấn Tài cười: “Tốt nghiệp tú tài, tôi giã từ mái trường Long Xuyên về dạy tiểu học tại Núi Sập, Châu Đốc, An Giang. Thời đó tôi muốn hoàn thành ý nguyện của gia đình là nối nghiệp nhà giáo. Bấy giờ, ở địa phương này có hai nhạc sĩ đờn ca tài tử trứ danh là anh Hai Tình và Út Thôi, cả hai anh rủ rê tôi ca và chỉ dẫn tôi ca theo nhịp.

    Năm 1959, khi gánh hát Bướm Vàng về hát tại An Giang, tôi được mời lên ca hai bài vọng cổ: Sầu vương biên ải và Viếng mộ chinh phu. Thấy tôi ca được, ông bầu Tha của gánh Bướm Vàng mời tôi về đoàn hát. Máu giang hồ nổi lên, tôi khăn gói theo đoàn hát. Ba má tôi biết con trai mình bỏ dạy đi theo gánh hát đã nhiều lần tìm theo để lôi tôi về, nhưng rồi vài ba bữa tôi lại trốn đi... Cho đến năm 1963, khi tôi được trao HCV Thanh Tâm trên sân khấu Đoàn Thủ Đô, ba má tôi mới chính thức hết giận, vì cho rằng tôi đã không bỏ uổng nghề nhà giáo... Năm nay tôi đã 71 tuổi, nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thấy mình rất hạnh phúc, vì tôi vào nghề không gặp khó khăn, gian truân như các đồng nghiệp, chỉ có bước đầu làm quen với sân khấu hơi bị hụt hẫng vì sự thua kém người đi trước, còn về sau tôi đường hoàng là một kép chánh của nhiều đoàn hát. Cho tới hôm nay, công chúng còn thương tôi, tôi nguyện vẫn còn gắn với sự nghiệp”.

    Chất giọng không “đụng hàng

    Đối với giới mộ điệu sân khấu cải lương, khi nhắc đến những nét riêng trong việc góp phần tôn vinh bài vọng cổ, người ta vẫn thường nhắc đến danh ca Tấn Tài. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, từng nói: “Anh Tấn Tài xuất thân là một nhà giáo nên cách ca và luyến láy của anh đầy văn học. Chính anh đã góp phần làm sang trọng thêm bài vọng cổ. Về kỹ thuật ca, người trong nghề nói vui với nhau rằng Tấn Tài ca dường như muốn đùa giỡn với dàn đờn.

    Bởi, người nghệ sĩ phải nắm vững niêm luật, cách chơi mới dám đùa giỡn với nhịp. Nghe anh Tấn Tài ca cứ tưởng anh sẽ bị rớt nhịp và dàn đờn sắp vớt anh, thế mà không bao giờ anh rớt. Nghe anh ca vọng cổ vì thế mà sướng trong sự cảm nhận, bởi chất nam tính trầm hùng, chất lãng mạn liêu trai như quyện chặt vào bài vọng cổ. Không chỉ là một danh ca có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, anh còn là một đồng nghiệp hòa mình với tất cả các thế hệ.

    Chưa bao giờ tôi nghe một ai than phiền về anh, bởi anh sống dung dị, không thích làm mất lòng từ một diễn viên trẻ cho đến những “chiến hữu” đã từng sống với anh qua bao nỗi thăng trầm của sân khấu cải lương. Đứng về mặt người quản lý Hội Sân khấu TPHCM, tôi thấy mình như mắc nợ anh Tấn Tài, vì anh xứng đáng được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú rất lâu, nhưng vì một lý do nào đó mà đến nay vẫn chưa được xét phong tặng. Đối với tôi, anh xứng đáng là một nghệ sĩ nhân dân vì đã góp phần đưa bài vọng cổ với nét độc đáo lan truyền trong và ngoài nước”.

    Ông “vua” vọng cổ Viễn Châu nói trong niềm xúc động: “Tấn Tài sống biết người, biết ta, nên bao giờ cũng để lại ấn tượng đẹp đối với những ai đã từng yêu mến giọng ca của anh. Thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, anh là người được báo giới Sài Gòn phong tặng danh hiệu Hoàng đế dĩa nhựa, vì thời đó dĩa của anh phát hành một ngày đã bán gần 1 triệu bản. Phong trào nghe máy hát ở Sài Gòn vào thời gian đó, thì không nhà nào không có dĩa Tấn Tài. Các vai diễn để đời của anh như: Hoàng Sương (Hắc Y nữ hiệp), Điệp Nhứt Lang (Cát Dung phương tử), Hoàng Hoa Lữ (Khói sóng tiêu tương), A Ly Khang (Bóng hồng sa mạc)... và các bài vọng cổ: Nữ sinh Đồng Khánh, Nữ sinh Gia Long, Ai ra xứ Huế, Bông ô môi, Áo em màu tím hoa cà... luôn được người ái mộ sưu tầm”.

    Hậu duệ Tấn Beo-Tấn Bo



    Trong hai đêm diễn của mình, nghệ sĩ Tấn Tài đã chọn hai con tham gia hai vai diễn cực kỳ duyên dáng bên cạnh cha. Anh cười nói: “Hiếm có gia đình nào ông Tổ lại ưu đãi như gia đình chúng tôi. Thuở tôi được xem là Hoàng đế dĩa nhựa, không có thời gian để đếm tiền vì liên tục giam mình trong phòng thu để đáp ứng lượng dĩa phát hành của hơn 10 hãng dĩa, lúc đó vợ tôi - đệ nhất đào diễn Như Ngọc đã tỏa sáng bên cạnh tôi.

    Hai con tôi là Tấn Beo – Tấn Bo sau thời gian lận đận bên ngành diễn viên cải lương, đã chọn sở trường hài kịch để phấn đấu và hai cháu đã nhận được tình thương yêu của công chúng. Cả nhà tôi vì thế rất biết ơn khán giả”. Nghệ sĩ Tấn Beo bộc bạch suy nghĩ: “Ba má tôi thường ao ước có được một đêm diễn mà cả nhà cùng được đứng chung trên sân khấu, thế nhưng năm 2001 mẹ tôi đã qua đời. Ước mơ đó không thực hiện được, nhưng tôi tin rằng trong hai suất hát đêm 2 và 11-1-2009, hương hồn của má tôi sẽ ở đó để xem ba tôi, anh em tôi ca diễn trong tình thương mến của công chúng”.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trích báo người lao động

  2. #2
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default

    Phỏng vấn Danh hài Tấn Beo


    Khi vở “Tình Lương Sơn Bá” biểu diễn trong Chương trình Gala cười tại Nhà Thiếu nhi tỉnh kết thúc (đêm 26-2), vừa bước xuống sân khấu, anh đã bị bao vây bởi rất nhiều khán giả hâm mộ. Khó khăn lắm tôi mới tiếp cận được với anh, danh hài Tấn Beo. Có duyên diễn giọng với cách diễn xuất tự nhiên, anh đã nhận được nhiều giải thưởng của Gala cười 2003, 2004.

    - P.V: Con đường đến với nghệ thuật của anh có thuận lợi?

    - Nghệ sĩ (NS) Tấn Beo: Ban đầu, tôi chỉ đi theo đoàn hát đóng thế, nhận vai phụ và làm những việc vặt trong đoàn. Tôi vốn là NS cải lương, sau chuyển qua diễn hài vì cảm thấy khán giả không mặn mà lắm với cải lương. Bắt đầu từ năm 1990, tôi chính thức đảm nhận vai diễn của mình. Người thầy gây nhiều ảnh hưởng nhất với tôi là NS Thành Việt.

    - P.V: Anh có thể kể sơ qua về những thành công mà anh gặt hái được. Những vở diễn nào anh tâm đắc nhất?

    - NS Tấn Beo: Tôi nhận được nhiều giải thưởng như “Diễn viên hài xuất sắc nhất Gala cười 2003”, “Danh hài yêu thích nhất 2004”, “Mai vàng 2004”,… Tôi tâm đắc với các vở: “Năm nổ về làng”, “Rồng vàng”, “Vì sao lên chùa?”… Vở “Tình Lương Sơn Bá” là vở mới và ra mắt lần đầu tiên tại Cam Ranh và Nha Trang.

    - P.V: Anh có nhận xét gì về những chuyến biểu diễn tại Khánh Hòa?

    - NS Tấn Beo: Tôi đến Khánh Hòa rất nhiều lần, đến Nha Trang, Ninh Hòa và Cam Ranh. Trong các chương trình của tôi tại các sân khấu ở Nha Trang như Nhà Thiếu nhi, Sân vận động 19-8, New Century, chất lượng âm thanh, ánh sáng tốt; an ninh đều được đảm bảo. Tôi rất thích đến Nha Trang biểu diễn bởi thấy khán giả Nha Trang - Khánh Hòa bao giờ cũng dành nhiều tình cảm cho tôi, cho các vai diễn của tôi.

    - P.V: Anh thích ăn món gì nhất ở Nha Trang?

    - NS Tấn Beo: Món bún nước và bánh canh chả cá.

    - P.V: Chúc tiếng cười Tấn Beo mãi là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trên các sân khấu hài.

    N.T (Thực hiện)
    Trích báo Khánh Hòa

  3. #3
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    Vovinam World News
    Bài gởi
    3,406
    Thanks
    117
    Thanked 155 Times in 150 Posts
    Blog Entries
    1

    Default

    Nghệ sĩ Tấn Beo: - “Con beo” thích... cười


    Tấn Beo trong vở Chia đôi

    Sân khấu hài hiện nay có hơn 50 nhóm đang hoạt động. Nhóm hài Tấn Beo được xem là đắt sô nhất bởi nét diễn linh động, giàu tính sáng tạo và trên hết là sự thích ứng với những câu chuyện hài mang tính thời sự

    Từ đầu năm 2007, Tấn Beo đã có hai chuyến lưu diễn tại Mỹ và Úc, anh đang chuẩn bị thực hiện DVD hài thứ hai và một chương trình live show cùng với cha mình - “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài.

    Thích sống tự lập

    Là con trai của nghệ sĩ Tấn Tài (HCV giải Thanh Tâm năm 1963) và nữ nghệ sĩ Như Ngọc chuyên đóng vai đào lẳng nổi tiếng trên sân khấu Thủ Đô trong những năm 1960. Tấn Beo nối nghiệp cha mẹ, nhưng lại rẽ sang lĩnh vực hài. Anh nói: “Tôi ca cũng ngon lành như cha tôi, nhưng thời đó khó chen chân vào hàng ngũ đóng vai kép chánh, nên phải chọn con đường làm hề và chọc cười khán giả để tồn tại. Chứ ai bước chân vào nghề diễn viên cũng mong mình được làm kép chánh. Bởi, thời xưa tôn trọng đào - kép chánh lắm. Đi hát ở đâu cũng được ưu tiên, tiền lương cao, có quyền sinh sát trong tay. Vậy mà nỡ lòng nào tôi ra sàn diễn ca thì khán giả lại cười. Ba tôi nói số mày chắc phải đi hát hề thôi con ơi”.

    Thuở nhỏ, Tấn Beo đã được cha cho theo gánh hát. Tuy là con ông bầu nhưng anh phải làm đủ mọi việc, từ soát vé, gác cửa đến nhân viên hậu đài.

    Nhờ biết sống tự lập và dùng sức lao động để tạo dựng sự nghiệp mà Tấn Beo đã sớm ý thức được khả năng ứng biến để bắt kịp với nghề diễn.

    Chắt chiu tiếng cười có ý nghĩa

    Hơn 10 năm sống với các đoàn cải lương ở các tỉnh ĐBSCL, Tấn Beo về TPHCM tham gia với nhóm hài Mỹ Chi rồi nhóm hài Kim Ngọc, Sân khấu Kịch Sài Gòn. Anh xuất hiện đầu tiên trên sân khấu kịch dài với vai Bành Hữu Lợi, một nhà thơ vui tính trong vở kịch Chia đôi. NSƯT Trần Ngọc Giàu nhận xét: “Tấn Beo là một diễn viên biết cách chắt chiu tiếng cười có ý nghĩa, đem lại cho sân khấu kịch những mảng miếng mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tấn Beo không dừng lại ở việc ăn sẵn cái duyên hài đã có mà biết khai thác để tạo nét riêng. Bằng chứng các vai diễn của Tấn Beo luôn làm sân khấu sôi động lên, dẫu đó chỉ là một đoạn lắng đọng và một động tác nhỏ”.

    Nghệ sĩ Tấn Tài nhận xét về con trai: “Tôi không ngờ cái thằng lầm lì, ít nói hồi xưa bây giờ lại làm hề. Nhiều lúc nhìn cái mặt “bất tuân thượng lệnh” của nó tôi ứa máu, nhưng lại nghĩ mình nghiêm khắc với con quá, chắc thế nào nó cũng làm nên chuyện, sẽ kế nghiệp cha làm kép hát. Nhưng không dè nó được tổ nghiệp thương, cho cái duyên chọc cười khán giả”.

    Điều làm Tấn Beo háo hức khi nhận vai Hữu Lợi trong vở Chia đôi, chính là sự đồng cảm sâu sắc đối với tác giả. Anh thích ý nghĩa của kịch bản, đó là: Muốn có một mái ấm gia đình hạnh phúc lúc nào cũng cần sự vun đắp của hai vợ chồng. Mái ấm đó sẽ bị chia đôi nếu cả hai không thẳng thắn nhìn vào thực tế, không chịu đối thoại để đi đến thống nhất những vấn đề hụt hẫng trong cuộc sống hôn nhân.

    Tấn Beo kể: “Vợ tôi ít nói, nhưng nhiều lúc cũng nổi nóng khi thấy chồng mê nghề hơn là mê gia đình. Cô ấy đã khóc thầm nhiều đêm, đến lúc hỏi ra mới chịu nói những khuyết điểm đáng ghét của tôi. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm và cố gắng dung hòa vì tôi rất sợ hạnh phúc bị... chia đôi”.

    Thật vậy, gia đình anh thật là đầm ấm. Đó là điều mà giới sân khấu ai cũng công nhận. Anh nói nhỏ với tôi khi dắt xe ra về: “Tôi sợ đi vào vết xe đổ của cha mẹ, nên cố gắng giữ gìn hạnh phúc. Hơn nữa, lâu nay người ta thường cho rằng cải lương là giới thường hay thay chồng đổi vợ. Tôi không thích thế hệ khán giả hôm nay vẫn nghĩ chúng tôi như thế...”. Ngập ngừng giây lát anh nói tiếp: “Nếu trên sân khấu mình diễn những vai tuồng chung thủy, mà ngoài đời thường mình lại sống buông thả, thì chắc chắn mình không xứng đáng được gọi là nghệ sĩ”.

    Thanh Hiệp
    Trích báo người lao động

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts