+ Trả Lời Ðề Tài
Trang 1/2 1 2 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 10 trên 12

Ðề tài: Ăn Xin - Cái Bang

  1. #1
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default Ăn Xin - Cái Bang

    Thuê trẻ đi ăn xin

    Bé gái độ 7 tuổi bế trên tay một hình hài quặt quẹo, nhỏ xíu, đôi mắt nhắm nghiền, rảo dọc các quán ăn trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM). Nó van nài: “Cho con xin vài trăm đồng mua sữa cho em”.

    Vài tờ tiền lẻ cũ kỹ, nhàu nát chìa ra, nó chộp lấy và giúi vội vào cái ca nhựa rồi bước thẳng đến cột điện bên lề đường. Ở đó, một người đàn bà ngồi chờ sẵn. Mụ thò tay vào cái ca quơ sạch từ tiền giấy lẫn tiền cắc cho vào nón lá xốc xốc chừng để đếm, gầm gừ trong cổ họng: “Nãy giờ có nhiêu đây thôi sao? Ngu quá, mày phải gí sát đứa nhỏ vào người ta, để nếu bọn họ không động lòng thì cũng cho tiền để mày nhanh chóng biến đi, biết chưa?”.

    Trưa 22/10, trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), một lũ trẻ ăn xin hơn chục đứa lao nhao bu vào đoàn khách nước ngoài khi xe buýt vừa đỗ. Cô bé trạc 12 tuổi “vác” trên lưng em bé ngủ li bì đứng xin rất kiên trì bên đôi nam nữ người da màu đang trò chuyện rôm rả trên lề đường. Trông đôi mắt em ngước nhìn khẩn cầu tha thiết đến xót xa.

    Ngoắc tay gọi, cô bé mừng rỡ lật đật chạy lại, bé trai ngật ngưỡng trên lưng chị chợt tỉnh giấc lấy bàn tay nhem nhuốc dụi đôi mắt đầy ghèn. Cô bé lắc đầu kiên quyết không nói quê quán, nhà cửa, cha mẹ. Đút tờ giấy bạc hai nghìn đã nhàu vào túi, hai chị em lại bồng bế nhau rảo bước giữa trưa nắng chang chang.

    Quán bún bò Huế trên đường Nguyễn Du (quận 1) chiều hôm ấy đông khách hơn thường lệ. Ai nấy đều nhìn về một chiếc bàn trong góc, nơi có hai đứa trẻ, một lớn một bé đang quỳ mọp dưới chân bàn. Khách bàn ấy là hai mẹ con vừa tan trường về. Cô học trò nhỏ có vẻ ái ngại lắm, cứ ngọ nguậy không yên trên ghế ngồi, suýt nữa làm đổ cả tô bún. Cô bé đưa mắt cầu cứu mẹ.

    Bà mẹ kêu hai đứa trẻ ăn xin đứng lên rồi bà cho tiền nhưng chúng vẫn cương quyết quỳ. Bà vội vàng kéo ví ra nhưng không có tiền lẻ. Hai đứa trẻ vẫn quỳ ngước mắt lên chờ đợi. Mọi người xung quanh dòm vào, con gái cũng nhìn bà khẩn thiết không kém hai đứa ăn mày. Bà rút vội một tờ 20.000 đồng đưa cho đứa lớn. Chúng ngỡ ngàng nhìn tờ bạc xanh mới tinh, đưa hai tay đỡ lấy một cách nâng niu và vội vàng đứng dậy đi như chạy ra khỏi quán.

    Ngày hôm sau cũng ở quán này, hai đứa bé lại đang quỳ. Khi được hỏi quê ở đâu, chúng đáp mau mắn: “Con quê miền Trung”. “Vào đây được bao lâu rồi?”. “Dạ, hai tháng”. Nghe là biết con bé nói dối bởi miền Trung không có chất giọng kiểu này, mà mới vào hai tháng thì chưa lai giọng nhanh thế được. Mọi người trong bàn đang thắc mắc thì bà chủ quán vội vào chỉ hai chị em ăn xin và nói: “Đi ra ngoài dùm đi, mẹ tụi mày đang chờ ngoài kia kìa, hôm nào cũng diễn trò quỳ lạy thế này thật mệt quá!”...

    Để xin cho được tiền, “cái bang nhí” được huấn luyện khá bài bản. Đầu tiên là những lời nói chuẩn bị sẵn khi có người quan tâm hỏi han, đại loại như “quê miền Trung”, “cha mất, mẹ bệnh nặng, em thơ dại”. Sau là đến các động tác. Quỳ lạy như cặp chị em kia cũng là một cách; gí sát thân mình tiều tụy hôi hám vào người khác để xin theo kiểu “khủng bố” như người đàn bà trên đường Lý Tự Trọng dạy “đệ tử” cũng là một cách; một chiêu khác nữa là “bám dai như đỉa” cũng được ăn mày lớn, ăn mày bé áp dụng.

    Trong số đám trẻ vẫn ngày qua ngày lê la đầu đường xó chợ xin tiền hiện nay, phần đông không phải vì cuộc sống khốn cùng thúc đẩy mà trót rơi vào tay tổ chức “kinh doanh ăn mày” và trở thành “thợ” xin chuyên nghiệp. Chúng đã bị tước đoạt đi tính tự ái, lòng tự trọng và tình người ngay khi bước chân vào đường ăn mày. Đổi lại, chúng được dạy để trở nên chai lì, độc ác và góp tay đày đọa lẫn nhau.

    Một bé trai độ 12 tuổi dẫn đường cho ông già mù “hoạt động” ở chợ Tân Định không tiếc lời mắng nhiếc mỗi khi ông không theo. Người ta mắng nó hỗn xược thì nó ngược ngạo đáp: “Không nhanh chân dùng mánh khóe để xin cho được nhiều thì chết cả lũ.” Hay như con bé chừng 13 tuổi vẫn hàng ngày đem “em nó” (chưa đầy năm) phơi nắng ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai. Khi đèn đỏ, xe cộ dừng lại liền đưa tay cấu mạnh vào mông “đứa em” cho khóc thét lên gây sự chú ý của người đi đường.

    Cuộc sống chỉ còn lại một điều thật sự có ý nghĩa với chúng, một thứ ý nghĩa khủng khiếp chính là gương mặt hung tợn và những trận đòn của người lớn chờ đón mỗi khi chúng trở về tay không hoặc với số tiền ít ỏi sau một ngày đi xin.

    Khai thác tình thương của người giàu lòng trắc ẩn, một số kẻ nhẫn tâm tìm mua, thuê trẻ con rồi bắt ép chúng đi xin tiền. Cũng có những ả giang hồ, bụi đời chuyên đẻ con rồi cho người khác thuê bế đi ăn xin. Bà Tư bán trái cây ở chợ Bến Thành cho biết, có những người coi đây như một nghề kiếm ăn thường nhật. Trẻ em được thuê để bế thường chỉ 2 tuổi trở lại, càng ít tháng càng tốt thì người ta mới thương; trẻ lớn hơn phải trực tiếp cầm ca đi xin. Thông thường giá thuê một trẻ khoảng trên dưới 10.000 đồng/ngày. Bọn này làm ăn rất khéo, thay đổi địa bàn liên tục để tránh bị để ý.

    Cũng tại chợ Bến Thành, người ta còn bắt gặp một hình ảnh thật thương tâm khác: đứa trẻ độ chừng 10 tuổi có gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ thật đáng yêu với cái miệng luôn cười cầm ca nhựa lẽo đẽo theo một ông già đi xin ăn. “Bửu bối” của em là cặp mắt mù với con ngươi bị chọc lòi lồ lộ ra ngoài. Những ai gặp em đều không đành lòng trước sự độc ác ghê gớm của những kẻ đã cố dùng em như một công cụ để kiếm tiền.

    Sự độc ác của đám người “kinh doanh ăn mày” không dừng lại ở đó, họ còn khai thác cả những hài nhi vừa lọt lòng được chừng vài tháng. Ở khu vực Thị Nghè - Hàng Xanh có một người đàn bà rất trẻ, ngày cũng như đêm gió sương mưa nắng mặc kệ, thị mang trên tay đứa bé đỏ hỏn dắt theo ba đứa trẻ vài tuổi ốm tong teo, ghẻ lở lê la các quán ăn để xin tiền “mua sữa cho con”. Nhiều phụ nữ không kiềm được phẫn nộ đã lên tiếng chửi thẳng thị là “bất nhân”. Không “làm ăn” được, thị đã sang địa bàn khác.

    Bọn người “kinh doanh ăn mày” thường nhắm tới trẻ em ở vùng quê nghèo. Cuộc sống cùng quẫn dễ khiến các bậc cha mẹ nhanh chóng gật đầu, giao con cho người khác đưa lên thành phố vì tin rằng “giàu nhà quê cũng không bằng ngồi lê thành phố”.

    Và không phải cứ sinh ra trong gia đình giàu có là thoát được “phận ăn mày”. Mới đây, một gia đình ở Bình Thạnh bị thất lạc đứa con trai nhỏ. Cả nhà mất ăn mất ngủ, đăng tin tìm trẻ lạc, báo chưa kịp đăng thì may mắn cho họ, trong lúc cả nhà đổ xô đi tìm khắp nơi trong thành phố chợt thấy cậu con trai bé bỏng được cưng chiều bấy lâu đang lem luốc gặm trái cóc cùng đám ăn xin ở chợ Bà Chiểu...

    Tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu các giải pháp về tình trạng trẻ em lang thang đường phố tại TP HCM”, nhóm thực hiện cho biết TP HCM có số lượng trẻ lang thang kiếm sống nhiều nhất so với các tỉnh, thành khác. Chỉ số tăng cơ học trẻ lang thang kiếm sống tại thành phố từ năm 1997 tăng bình quân 6%/năm. Có rất nhiều nghề như đánh giày, bán báo, bán vé số... nhưng không ít trẻ buộc phải “chọn” nghề ăn xin do bị người lớn ép, nếu không sẽ bị hành hạ, đánh đập không thương tiếc.

    TP HCM thực hiện chương trình hồi gia mỗi năm được khoảng 500 em, nhưng số trẻ lang thang tới thành phố luôn cao gấp đôi số trẻ hồi gia. Theo thống kê vào năm 2003, TP HCM có 8.570 trẻ lang thang kiếm sống thì 70% là từ các tỉnh, thành khác đến. Các nhà khoa học, nhà quản lý đều cho rằng thời gian tới số trẻ lang thang xin ăn trên đường phố tại TP HCM rất khó giảm và có thể biến tướng sang nhiều hoạt động khác. Thực tế số trẻ này chỉ giảm trong từng đợt tập trung của thành phố nhưng sau đó tăng lại hoặc có thể không giảm mà dạt sang các quận vùng ven.

    (Theo Công An TP HCM)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  2. #2
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Phá đường dây bắt trẻ ăn xin



    Hai kẻ chăn dắt trẻ đi ăn xin


    Vào lúc 23h ngày 20/9, công an quận 8 (TP HCM) đã đột kích vào dãy phòng trọ số 911/16 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8, giải thoát cho 16 cháu bé.

    Sau khi lập biên bản, các cháu bé từ 11 đến 14 tuổi đã được các chú công an chở về Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, để liên hệ với gia đình. Những kẻ chăn dắt là Nguyễn Thị Ngọc, 36 tuổi và Đỗ Văn Xuyên, 42 tuổi, cùng quê Thanh Hóa được mời về trụ sở công an quận 8 làm việc.

    Ngọc khai vợ chồng cô ta đến thuê tại quận 8 từ tháng 8/2006, đến tháng 4 năm nay mới thực sự hoạt động chăn dắt trẻ. Trước đây, chị ta cho các con gái là Oanh, Loan và con rể tên Cường "chăn dắt".

    Qua điều tra, chồng của Ngọc là Phạm Ngọc Minh, 45 tuổi, quê Thanh Hóa, chứ không phải Xuyên. Minh có hai tiền án và một tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Hắn từng phải ngồi tù tổng cộng 49 tháng và bị phạt 36 tháng cải tạo tập trung.

    Trong tù, hắn nghĩ ra nhiều chiêu kiếm sống quái đản nhưng cách mà hắn thấy “hợp” nhất là cùng vợ con dụ những đứa bé có hoàn cảnh nghèo khổ ở quê vào TP HCM làm nghề ăn xin để chúng sống bám vào.

    Lần ra quân này, công an không bắt được Minh (do hắn đã về quê) nhưng chính Minh mới là tay trùm ma mãnh trong đường dây nuôi trẻ ăn xin này. Minh thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, anh ta từng thuê nhà tại rất nhiều quận trong TP HCM. Tại phường 5, quận 8, vợ chồng Ngọc - Minh hoạt động khá kín đáo.

    Để những người sống quanh không phát hiện, trước khi lũ nhỏ ra khỏi nhà Minh đều buộc chúng phải cầm trên tay dăm tờ vé số để ngụy trang. Minh thuê nhà gần bến xe là để tiện bề đi lại cho những đứa trẻ mà hắn chăn dắt.

    Mỗi sáng bắt đầu từ 6h, các em đã phải leo lên xe buýt trong bộ dạng cáu bẩn để đi ra khắp các quận trong TP nhưng chủ yếu nhất là các quận 5, 10.

    Mỗi ngày, một em phải đóng cho ông trùm 200.000 đồng. Nếu không đạt “định mức”, các em bị đánh bằng roi sắt, có khi bị túm đầu đập vào tường đau buốt. Khi kiểm tra phòng, công an đã phát hiện trong phòng trùm Minh có một chiếc roi điện bằng nhôm bọc nhựa và 3 roi sắt.

    Thấy Minh làm ăn khấm khá, Đỗ Văn Xuyên (bạn cùng quê với Minh) cũng tập tễnh vào nghề bất lương này. Tuy nhiên, hắn mới bắt mấy đứa trẻ đi ăn xin được một tháng thì bị bắt phát hiện.

    Theo tường trình của các bé bị bắt đi ăn xin, Nhung có bố mất vì tai nạn giao thông, chị mất vì bệnh tim còn mẹ luôn ốm yếu. Hai chị em Lê Thị Trang, Lê Thị Sáng không khá gì hơn, luôn bị những trận đòn roi vì không xin đủ tiền.

    Các em viết trong bản tường trình: “Bác Ngọc bảo chúng con phải xin được 400.000 đồng... Ngày nào không dư thì bị chửi và đánh bằng roi sắt. Em con là Trang bị chị Oanh (con gái trùm Minh) đánh bầm tím... Bây giờ, con muốn về với bố mẹ”.

    Theo Công An TP HCM
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  3. #3
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Giải cứu 21 người già, trẻ em bị ép buộc đi ăn xin

    Các tay "anh chị" dùng vũ lực ép họ đi ăn xin khắp nơi ở TP HCM. Nếu mỗi ngày một người (kể cả trẻ em) không cống nộp 200.000 đồng sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.

    Đêm 20/9, cơ quan chức năng quận 8, TP HCM, kiểm tra căn nhà ở khu vực đường Tạ Quang Bửu, giải cứu 21 người già và trẻ em (đa số ở miền Bắc) đang bị "giam cầm".

    Các nạn nhân đều khai, hằng ngày bị các tay "anh chị" ép đi ăn xin, mang tiền về nộp cho chúng.

    Hiện, cơ quan công an bắt 2 "trùm" chăn dắt số người trên là Đỗ Văn Xuyên và Nguyễn Thị Ngọc (đều ngụ tỉnh Thanh Hoá). Phòng Lao động thương binh xã hội, UBND quận 8 đang lập hồ sơ với 21 nạn nhân để có biện pháp giúp đỡ đưa về quê sinh sống.

    (Theo Lao Động)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  4. #4
    Tham gia ngày
    Aug 2007
    Đến từ
    Rạch Giá_KG
    Tuổi
    31
    Bài gởi
    1,495
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Không còn gì để có thể nhận xét....

  5. #5
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Màn kịch ăn xin

    Hình ảnh những bà lão, em bé nhếch nhác xin ăn trên đường phố TP HCM đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng đằng sau những số phận cùng khổ này là gì? Phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo dấu vết và một sự thật được phơi bày tàn nhẫn...

    Từ nhiều tháng qua, người dân khu vực cầu Đỏ, đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh (TP HCM) ngạc nhiên khi tờ mờ sáng thấy trong một căn nhà trọ ven dòng kênh đen xuất hiện những đứa trẻ quần áo cáu bẩn, mũ đội lụp xụp, các cụ già tay bị tay gậy lũ lượt ra đi và đến tối mịt mới lục tục kéo về.

    Có khi đi bộ, lắm lúc có xe của “người nhà” đưa rước. Họ khá đông, khoảng 30 người và đều nói giọng miền Bắc.

    Một chiều mưa lất phất, bám theo chân hai cô bé nhỏ xíu của nhóm người cơ nhỡ này. Họ được “người nhà” đưa đến bên hông bến xe miền Đông.

    Qua theo dõi nhiều ngày, mới biết khoảng một tháng một lần, vợ Minh từ Thanh Hóa vào gặp chồng và cùng nhau đi đổi tiền. Những tờ tiền lẻ ăn xin 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng được đem đổi thành tiền 50.000 đồng mới cứng và được xếp thành cục to tướng, sau đó chuyển về quê nhà. Có lần còn nghe Minh khoe với những đồng nghiệp trong khi ngà ngà say rượu: “Mỗi ngày trừ các khoản chi phí cơm nước cho khoảng 30 “nhân viên”, tao bỏ túi không dưới 1 triệu đồng”.

    Vừa đến nơi, cô bé nhỏ nhất bắt đầu quỳ run rẩy dưới chân cột đèn giao thông, chắp tay lạy khách qua đường mỗi khi có đèn đỏ. Quỳ hơn 10 phút, môi cô bé bắt đầu tím lại và người run lên. Chẳng biết vì lạnh hay do “lập trình” mà cô bé bắt đầu khóc nấc...

    Cách đó không xa, cô bé nhỉnh hơn một chút cũng quỳ trước một quán ăn, khách ngồi trong quán ăn uống, còn bé quỳ ngoài mưa chắp tay lạy, những đồng tiền lần lượt được chìa ra... Từ phía xa xa, một cô gái ngồi trong quán nước quan sát nhất cử nhất động hai cô bé ăn xin.

    Khi cơn mưa vừa dứt, cô gái ngoắc hai cô bé ăn xin lại, chúng tự động trút ngược túi tiền vào tay “cô chủ”. Nhận tiền xong, cả ba gọi một chiếc xe ôm chở tất cả qua đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM). Đến ngã tư Ung Văn Khiêm - D2, kịch bản “cô bé quỳ giữa cơn mưa” lại bắt đầu....

    Ngày hôm sau, cũng từ ngôi nhà trọ bên cầu Đỏ, một người đàn ông chở một bà cụ trạc 80 tuổi trên chiếc Dream Trung Quốc chạy xuống bến xe miền Đông, rồi bất ngờ trở ngược lại hướng cầu Đỏ, đến trước Trường tiểu học Trí Đức (Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh) thì tấp vào lề đường.

    Bà cụ xuống xe, cặm cụi chống gậy từng bước nặng nhọc đến cây xăng 127 Nơ Trang Long ngửa nón ra xin.

    Bà cụ cho biết: “Tôi tên Bàng, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà nghèo lắm, nợ nần tùm lum, có anh Minh cùng quê đưa tiền cho tôi trả nợ và bảo tôi theo anh vào miền Nam tìm việc”.

    “Cụ nợ bao nhiêu?”, “500.000 đồng! Tôi muốn về lắm nhưng sợ anh Minh không cho”. Cũng như bà cụ, những đứa trẻ ăn xin đều sợ sệt khi nhắc tới cái tên “anh Minh” hay “chú Minh”.

    Đứa bé tên T. khi được hỏi đã rụt rè và trả lời trong nước mắt: “Chú Minh tới nhà đưa cho mẹ trước 500.000 đồng, rồi bảo cho con theo vào miền Nam bán vé số, nhưng vào đây con lại bị bắt đi ăn xin. Con rất muốn về nhà nhưng chú Minh không cho, bảo hợp đồng ký với mẹ con đến hết tháng tám chú Minh mới cho về...”.

    D. cùng tuổi với T. nhưng đã qua tay nhiều “ông chú cùng quê ”. Em cho biết: “Ngày trước ông Thành ở Quảng Thái, Quảng Xương đưa em vào và đưa về Vũng Tàu ăn xin. Ông hứa sẽ gửi về quê cho mẹ em 400.000 đồng/tháng nhưng thật ra chẳng có đồng nào. Mấy tháng sau ông chuyển em qua ông Minh, cũng đều đi ăn xin trên đường chứ không bán vé số gì hết”.

    Cứ vào 22h30 mỗi đêm, căn phòng trọ nhỏ bé chứa gần 30 người lại trở nên chật chội hơn với người đàn ông cao lớn khoảng 40 tuổi bắt đầu “quy trình xem xét” nguồn thu từng người một.

    Đó là Minh, người “chăn dắt” bọn trẻ và bà lão từ xứ Thanh xa xôi vào đây hành nghề ăn mày! Minh và hai cô con gái bắt đầu đếm mớ tiền lẻ nhăn nhúm. Những gương mặt “cái bang” lặng lẽ ngồi nhìn.

    Đếm xong, người đàn ông nhặt ra mấy đồng tiền lẻ rồi ngoắc từng đứa trẻ lại. Mỗi đứa trẻ được “thưởng” 2.000-5.000 đồng tùy theo “năng suất làm việc” trong ngày. Bọn trẻ rụt rè nhận tiền với ánh mắt đầy vẻ biết ơn, rồi nhét vào những con heo đất để trên kệ gỗ.

    Còn người đàn ông mở khóa chiếc rương to và cất những xấp bạc vào trong khóa cẩn thận. Gần nửa đêm lũ trẻ và bà cụ ăn mày mới được ăn cơm.

    Buổi sáng, khi những người ăn xin cất bước ra đi cũng là lúc “chú Minh” thư thả rít thuốc lào một cách sảng khoái và chốc chốc lại “alô” với chiếc điện thoại di động.

    Không chỉ ông Minh “chăn dắt” ăn xin, có hàng chục người khác như Yên, Hoàng, Dân, Sáu... cũng là những “ông trùm” trong mạng lưới kinh doanh ăn mày. Mỗi “ông trùm” hùng cứ một nơi, một địa bàn nhất định ở quận 5, quận 6, Bình Dương... mà “quy luật” hoạt động không khác gì các băng nhóm xã hội đen.

    Một đêm, một nhóm thanh niên mặt mày hung tợn, tay cầm mã tấu chạy xe gắn máy vào đập cửa ầm ầm căn phòng trọ của tên Minh: “Thằng Minh đâu ra đây. Sáu "Cầy" đây. Sao mày cho lính sang làm ăn trên đất của tao? Mai mày ra đường là tao chém ngay”.

    Thế nhưng sau khi dàn xếp ổn thỏa, phân chia lại địa bàn, chuyển nhượng, sang tay những người ăn mày khốn khổ là bọn họ lại tổ chức chè chén bù khú liền tù tì với rượu thịt tuôn trào như suối, sống “đế vương” bằng chính đồng tiền của “đàn cừu” mang về.

    (theo Việt Báo)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  6. #6
    Tham gia ngày
    Oct 2007
    Tuổi
    37
    Bài gởi
    354
    Thanks
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Default

    Khách du lịch sợ “cái bang”

    “Tôi đã đi du lịch ở rất nhiều nơi, cả trong nước và ngoài nước, nhưng chưa ở đâu có đội ngũ ăn xin “hùng hậu” như ở thành phố Huế! Trẻ có, già có, phụ nữ có, đàn ông có, người tàn tật có mà người không tật bệnh gì cũng có…!” - anh Tuấn, một du khách Hà Nội ngán ngẩm trước thực trạng “cái bang” ở TP Huế.


    Nếu bạn đã một lần đến TP Huế, bạn sẽ thấy hễ bước ra khỏi nhà là gặp ngay ăn mày! Đội ngũ này có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố. Từ nhà hàng, khách sạn sang trọng đến những quán cơm, quán cà phê bình dân, ở cửa các siêu thị, trên đường phố,...

    Trên đường Lý Thường Kiệt thường xuyên có một ông cụ dắt chiếc xe đạp “thủng xăm” vừa đi thảm thiết nói: “Xe cụ hỏng mà nhà mãi tận Hương Trà (cách TP Huế khoảng 15km - PV) làm ơn cho cụ vài đồng bạc lẻ để sửa xe về”. Nhiều người thương cụ cho tiền, nhưng đến tối hôm sau, vẫn thấy cụ... dắt chiếc xe đạp hỏng. Cụ cứ “hỏng xe” liên miên như thế, ngày này qua ngày khác, đến nỗi ai hay đi qua đoạn đường đó đã thành quen.

    Nhưng kiểu xin của cụ già này vẫn còn “lịch sự” chán. Nhiều người thực hiện kiểu “khổ nhục kế”, xông thẳng vào nhà hàng, đến thẳng bàn ăn của khách, chìa ra cơ thể nhớp nhúa, bẩn thỉu, thậm chí lở loét của mình. Du khách không thể không cho tiền, mà có cho rồi cũng chẳng thể ăn được nữa.

    Các quán cà phê, mỗi buổi tối có khi phải “tiếp” hàng chục lượt ăn xin. Người ăn mày còn đông hơn người vào quán uống nước. Có khi khách vừa bước vào đã bị đội quân này vây lấy, ai dại dột cho tiền một người thì sẽ bị cả chục người khác bám theo đòi “công bằng”.

    Anh Thành, chủ một quán cà phê, cho biết: “Quán chủ yếu dành cho khách nước ngoài nên có thuê bảo vệ ngăn đội quân ăn xin. Nhưng không hiểu sao chúng vẫn vào được, khiến lượng khách đến quán ngày càng giảm”.

    Một trong những nơi tập trung đông ăn xin nhất có lẽ là các khu chợ, nơi có nhiều du khách đến mua sắm. Tại chợ Đông Ba luôn thường trực khoảng vài chục người ăn xin, họ “thầu” cả khu chợ. Khách vừa bước vào chợ đã có mấy đứa trẻ vây quanh với thân hình thảm hại, rách rưới. Bước lên cầu thang trong chợ có ngay 2 ăn mày ngồi án ngữ hai bên, không để ai “thoát”. Tình trạng này cũng diễn ra ở các chợ An Cựu, chợ Phước Vĩnh, chợ Hai Bà Trưng…

    Trong khi đó, tại các trụ sở ngân hàng, bưu điện trung tâm, thấp thoáng bóng dáng những người “mẹ” trẻ dắt “con” đi ăn xin. Những đứa trẻ thậm chí còn đỏ hỏn cũng bị đem ra làm công cụ kêu gọi lòng thương của mọi người.

    Nhiều đứa trẻ kéo nhau cả đoàn đi ăn xin, hết kể khổ chúng lại van nài, có đứa còn quỳ xuống lạy khách rồi ngửa tay xin tiền. Nhiều du khách, người dân biết là bị lừa nhưng trong cảnh đó không thể làm ngơ.

    Đội quân “cái bang” này có tổ chức rất chặt chẽ. Chúng tập trung, phân chia địa điểm, khu vực “làm ăn” rất rõ ràng. Cứ cuối ngày chúng lại họp nhau lại để chia thành quả “lao động”, người chịu trách nhiệm chia là người đứng đầu tổ chức. Mỗi thành viên của tổ chức cũng phải đóng quỹ đàng hoàng, ai muốn “làm ăn riêng” sẽ bị “xử lý”.

    Tuy nhiên, cũng có không ít kẻ ăn xin hành nghề riêng mà không cần sự giám sát. Họ thường hoạt động vào ban đêm khi mà “tổ chức ăn xin” đã nghỉ và ở những địa điểm không ai ngờ tới!

    TP Huế là một địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhưng dù rất yêu cảnh quan nơi đây, nhiều du khách vẫn một đi không trở lại bởi họ đã có ấn tượng quá xấu về một Huế với hàng trăm kẻ ăn mày liều lĩnh, thô lỗ, lì lợm, luôn làm phiền du khách ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Còn đâu “Huế đẹp Huế thơ” khi khắp nơi chỉ thấy toàn ăn xin bẩn thỉu, rách rưới, lở loét, thê lương!

    “Đi du lịch mà theo sau luôn có cả một đội quân “áo giẻ”, lúc nào cũng vây lấy làm cho tôi và gia đình không thấy thoải mái tí nào. Có lẽ lần sau gia đình tôi sẽ đi du lịch ở nơi khác!” - anh Hải, một khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh nói.

    Bá Mạnh

    Việt Báo (Theo_Dân trí)
    Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở

  7. #7
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default

    Ngồi xe lăn vẫn bị ép ra giữa đường xin tiền

    Cậu bé tàn tật gục đầu trên xe lăn dưới cái nắng hanh hao cuối thu, trước mặt là chiếc nắp nhựa đựng vài nghìn lẻ. Bên kia ngã tư, 2 cụ già lưng còng bị 2 đứa bé gái lôi xềnh xệch giữa dòng xe cộ để xin tiền.

    Từ nhiều ngày nay, tại khu vực ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà - Tây Sơn (TP. Hà Nội) xuất hiện một chiếc xe lăn. Trên đó là một cậu bé mặc chiếc áo trắng kiểu đồng phục học sinh, trên tay áo có phù hiệu “Trường PTCS Tô Vĩnh Diện” màu xanh dương luôn gục đầu vào thành xe.

    Phía trước chiếc xe lăn có đặt một chiếc nắp nhựa trắng, bên trong có vài tờ tiền lẻ nên nhìn qua ai cũng có thể biết cậu bé ngồi trên xe lăn dưới nắng chang chang đó để xin tiền người đi đường. Nhưng người ta tuyệt nhiên không thấy cậu bé đó mở miệng hay có bất cứ hành động nào để xin tiền mà chỉ cam chịu gục đầu, ngồi yên.


    Cậu bé tàn tận gục đầu cam chịu trên xe lăn, trước mặt là cái nắp nhựa để xin tiền

    Thỉnh thoảng, từ một quán nước phía trong vườn hoa trước cổng ĐH Thủy lợi, một cậu nhóc khoảng 11 tuổi, mặc chiếc áo phông sọc vàng chạy về phía chiếc xe lăn, nhanh tay nhặt những đồng tiền mới được người đi đường bỏ vào trong nắp nhựa, đút tọt vào túi quần rồi lại chạy về phía vườn hoa nghịch tiếp.

    Ở góc ngã tư đối diện, 1 bà cụ già lưng còng lập cập bước theo một cô bé cũng chỉ khoảng 11 - 12 tuổi, tay run run chìa chiếc nón ra trước mặt để xin tiền những người đang dừng đèn đỏ. Mỗi khi bà cụ đi chậm, con bé cáu kỉnh quay lại, túm tay lôi bà già xềnh xệch qua đường, bất chấp dòng xe cộ đông đúc đang lao tới.

    Và tại khu vực vườn hoa trước cửa trường ĐH Công đoàn, một cụ ông rất già với chiếc mũ lưỡi trai rách trên tay cũng phải vất vả mới theo kịp “cô cháu gái” khoảng 15 tuổi, mặc quần bò ống côn đang bước phăm phăm phía trước.

    Đến trước mỗi ghế đá, cô cháu gái chỉ khoanh tay đứng nhìn, còn ông cụ run run chìa chiếc mũ ra: “Cô chú cho tui xin mấy đồng ăn cơm”, nghe rất tội nghiệp!


    "Cai em" dắt bà lão còng đi xin tiền ở ngã tư Chùa Bộc

    17h, khu vực ngã tư trở nên cực kì chật chội bởi hàng ngàn phương tiện từ khắp các hướng dồn về. Len lỏi giữa dòng người, chiếc xe lăn lúc tấp dưới cột đèn tín hiệu phía đường Thái Hà, thoắt cái lại xuất hiện ở vườn hoa phía đường Chùa Bộc.

    Cậu bé ngồi trên xe lăn vẫn cam chịu gục đầu vào thành xe, mặc kệ cho thằng bé mặc áo sọc vàng đẩy đến đâu thì đẩy.

    Có lúc mệt, thằng bé áo sọc lại để mặc cậu bé tàn tật cùng chiếc xe lăn ngồi một góc để cắp chiếc nắp nhựa chạy loăng quăng xin tiền những người đang dừng xe chờ đèn đỏ. Thấy phóng viên lại gần chụp ảnh, thằng bé áo sọc chạy lại gần và hất hàm vẻ rất ngổ ngáo: “Ai cho chú chụp ảnh anh cháu?”, rồi vội đẩy chiếc xe lăn về phía đường Chùa Bộc.


    Từ nhiều ngày nay, 2 anh em cậu bé tàn tật chỉ đi xin tiền ở các ngã tư đông người

    Chị H., người bán hàng nước ở khu vực vườn hoa phía trước ĐH Thủy lợi tiết lộ: “Thằng cu đẩy xe là em trai thằng bé ngồi xe lăn đấy! Mấy ngày nay thằng em toàn đẩy xe đưa thằng anh ra ngã tư, rồi chạy đi xin tiền. Rồi một ngày 3 cữ, có một bà già nhận là mẹ của 2 thằng đó ra lấy tiền về".

    "Ban đầu, tôi cũng tưởng bà ta là mẹ thật, đến hôm 2 thằng bé kia không xin đủ tiền, thế là bà ấy mắng và đánh. Tội nghiệp, thằng nhỏ ngồi trên xe lăn có nói được câu nào đâu mà bị đánh tới tấp. Vừa đánh, bà ta vừa quát: “Lũ ăn hại, đã phải nuôi ăn, nuôi ở chúng mày, tháng nào cũng gửi tiền về cho bố mẹ chúng mày mà giờ chúng mày mải chơi, không kiếm tiền à?" - chị H. nói tiếp.

    Ông Th., người làm nghề hàn nhựa xe máy gần đó góp chuyện: “Bà già ấy cũng chỉ là người làm thuê cho “cai” thôi”. Rồi chỉ tay về phía 2 đứa con gái đang dắt 2 cụ già đi xin tiền, ông Th. nói: “Đấy, 2 con bé kia mới đúng là “quản lý” đấy. Nhỏ thế mà gớm mặt, có hôm tôi thấy 2 chị em nó xúm vào đánh bà già trông 2 thằng cu kia vì tội “dám ăn bớt tiền!”. Chúng còn đánh cả 2 ông bà già mà chúng nó dắt đi xin tiền vì tội “lười xin” nữa”.

    Và phóng viên đã được “thưởng thức” cái sự gớm mặt của 2 “cai nhí” khi lại gần, đưa máy ảnh lên chụp cảnh 2 "cai" này dắt 2 cụ già đi xin tiền quanh khu vực vườn hoa phía trước ĐH Thủy lợi.

    Mở đầu bằng những cái lườm nguýt, sau là chửi cạnh khóe, thấy người viết bài vẫn cười cười, đứa lớn hơn tiến lại gần hơn, 2 tay vỗ bành bạch vào mặt vào hông quát: “Mày chụp cái gì mà chụp, bà mày chém phanh mặt mày ra bây giờ”.


    2 "cai nhí" dắt ông lão ăn xin bỏ đi sau khi đã chán chửi bới, dọa dẫm phóng viên

    Thấy chửi vẫn chưa ăn thua gì, “cai chị” quay lại, gọi thêm “cai em” đến, rồi nhặt mấy viên gạch nhỏ ném rào rào về phía hàng nước mà phóng viên đang ngồi.

    Chưa đã, “cai chị” rút điện thoại đi động trong túi ra, gọi cho ai đó kể lể chuyện: “Nó dám chụp ảnh bọn con”. Nhưng rồi đợi mãi không thấy “cứu viện” đến, 2 “mẹ mìn nhí” có vẻ chán chửi rồi nên kéo cả 2 cụ già và 2 anh em cậu bé ngồi trên xe lăn bỏ đi nơi khác.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 “cai nhí” này hiện đang sống cùng bố mẹ - những “cai” đích thực tại một căn nhà thuê giá 1,2 triệu đồng/ tháng ở khu vực ngõ 70 đường Nguyễn Trãi.

    Còn những nhân công “ăn xin” thì được ở tại một căn nhà nằm sát bờ sông Tô Lịch, đối diện chợ Ngã Tư Sở. Phụ trách việc ăn uống, giặt giũ của các “ăn xin thuê” đều giao cho người đàn bà nhận 2 anh em cậu bé tàn tật phụ trách.


    "Cai chị" thường ngồi ghế đá để quan sát "nhân công" làm việc

    Đây là nơi có "xóm ăn mày" và rất nhiều cai ăn mày mà chúng tôi đã có loạt bài điều tra cách đây không lâu. Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng nuôi người già, trẻ em, người tàn tật rồi bắt đi xin tiền đang công khai xuất hiện trở lại với nhiều thủ đoạn thách thức pháp luật hơn.

    Theo Gia Linh

  8. #8
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default

    Miền Tây:
    “Cái bang” hành nghề tấp nập


    Những đoàn “cái bang” đang lang thang khắp các tỉnh miền Tây, giở đủ mọi chiêu thức đánh vào lòng thương người của cư dân nông thôn. Tệ hơn, nếu không xin được gì thì “đệ tử cái bang” ra tay!

    Một ngày đầu tháng 8.2008, anh Đức K., phóng viên thường trú của báo N. tại đồng bằng sông Cửu Long, đang chạy xe gắn máy qua cầu Mỹ Thuận thì một người đàn ông ăn mặc bảnh bao, chạy chiếc Wave mới cáu cạnh kè theo bắt chuyện. Bất ngờ, người đàn ông xa lạ nói: “Chú là chủ sà lan ở Bạc Liêu, làm ăn khắp các tỉnh miền Tây, đang trên đường về giải quyết việc nhà nhưng… hết tiền. Cháu có lòng hảo tâm cho chú xin 100.000 đồng đổ xăng”.

    Thấy anh K. làm thinh, người đàn ông lạ tiếp tục kè sát, nài nỉ suốt đoạn đường gần 5km, buộc lòng anh K. phải dừng xe móc bóp đưa 100.000 đồng, ông ta mới chịu rồ ga chạy mất. Khi vừa thoáng nhìn thấy bảng số xe của ông chủ sà lan, anh K. biết mình bị lừa: đó là bảng đăng ký ở Vĩnh Long.

    Xin xỏ cũng có hình dong

    Trò kè xe xin tiền trên quốc lộ 1A chỉ là một trong những chiêu thức xin tiền của những “cái bang cao cấp” (ăn mặc bảnh bao, có xe gắn máy). Ông Hải, chủ một vựa trái cây ở Cái Bè (Tiền Giang) cho biết hàng ngày uống cà phê ở nhiều quán dọc quốc lộ 1A từ Hoà Khánh đến

    An Hữu, ông thường thấy một người đàn ông tướng tá ngon lành, áo sơ mi bỏ trong thùng, đeo kính trắng, tay xách cặp da, bộ mặt đau khổ lân la xin tiền với lý do: nhà xa, lỡ độ đường, hết tiền về xe, xin giúp đỡ. “Chỉ cần xin được 10 người/ngày, mỗi người cho 10.000 đồng thì vị cái bang này sống khoẻ”, ông Hải nói.

    Những “đệ tử cái bang” bây giờ đổ xô về vùng nông thôn xin xỏ vì cho rằng cư dân nông thôn dễ động lòng trắc ẩn trước những lời cầu xin, kể lể hoàn cảnh thương tâm. Ông Trương Văn Gắng ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, Cái Bè kể rằng cứ vài bữa lại thấy một đoàn phụ nữ, trẻ em ăn mặc rách rưới bồng bế nhau vào từng nhà xin tiền, xin gạo, ai cho gì cũng lấy. “Họ nói ở quê họ khổ quá, đói quá, không có công ăn việc làm nên phải đùm túm nhau đi xin ăn. Nhưng tui thấy ai nấy đều mạnh khoẻ, mập mạp và… rất lì, xin không cho thì nhất quyết không đi”, ông Gắng nói.


    Trong khi đó, ông Trần Văn Lập ở ấp An Hiệp, xã Đông Hoà Hiệp cho biết hiện nay ở các xóm, ấp có tình trạng những nhóm người lạ đầu cạo trọc, mặc đồ tu hành vào từng nhà yêu cầu gia chủ mua nhang đèn để… góp công quả cho nhà chùa, không mua không đi. Một ốp nhang 10 cây nhỏ như chiếc đũa họ bán giá 10.000 đồng, mắc gấp 20 lần bó nhang ngoài chợ nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Cao thủ hơn, có những nhóm người mặc cà sa đến từng nhà xin bố thí, cho gạo không lấy, chỉ nhận tiền, gia chủ nào không cho thì bị những ông “sư hổ mang” này chửi bới, nguyền rủa không tiếc lời.

    Xin không cho thì… chôm

    Những nạn nhân của “cái bang miệt đồng” đều có chung nhận xét: các nhóm “đệ tử cái bang” mà họ gặp có giọng nói trọ trẹ rất khó nghe, không phải người địa phương; còn những “sư hổ mang” thì chỉ nói chung chung: tu ở chùa trên Châu Đốc, Thất Sơn (An Giang).

    Những nhóm đệ tử cái bang này sẵn sàng chôm nếu gia chủ không bố thí. Ông Út Bài ở ấp An Bình, xã An Cư, huyện Cái Bè kể: “Cách đây mấy hôm, một nhóm cái bang chừng 11 – 12 tuổi vô nhà xin tiền gạo nhưng tui không cho. Thấy cả bọn kéo đi, tui ra vườn hái rau. Lúc quay vô nhà thì nồi canh khổ qua hầm đang hâm trên bếp bị đổ xuống đất ráo trọi, cái nồi nhôm mất tiêu”. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Tám, một “thổ địa” ở chợ chuyên doanh lúa gạo Bà Đắc cho biết, khu vực này có gần chục nhóm cái bang tuổi từ 11 đến 15 chuyên len lỏi trong các nhà máy xay xát, lau bóng, các vựa gạo để xin gạo nấu cơm ăn. Nhưng chỉ cần mọi người sơ sẩy chút xíu vào giờ nghỉ trưa hoặc giao ca là những “cái bang nhí” này ra tay chôm gạo. “Tụi nó đều là con nít, có bắt được tại trận cũng huề cả làng”, ông Tám khẳng định.

    Cư dân chợ gạo Bà Đắc cho biết cứ năm bữa, nửa tháng lại có những nhóm “cái bang” từ khắp nơi lại tụ về các xóm nhà trọ ở khu vực Rạch Miễu (ấp An Thiện, xã An Cư) gần chợ gạo thuê phòng. Ban ngày tất cả tung ra đi làm ăn từ tờ mờ sáng, đến tối mịt tụ về kiểm điểm “chiến lợi phẩm”: tiền thì chia nhau, gạo đem bán lại, nồi niêu, xoong chảo chôm được thì mang ra các vựa phế liệu bán ve chai. Sau đó, dân cái bang bày trận “chén thù chén tạc”, cãi vã, gây gổ thâu đêm suốt sáng.

    “Dân chúng nhiều lần có ý kiến với công an địa phương nhưng mọi chuyện vẫn không được cải thiện”, ông Út Bài nói.

    Theo Hùng Anh- Nguyễn Phấn

  9. #9
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default

    Cái bang đất Hà thành

    Nhiều “đệ tử cái bang” ở đất Hà thành liên kết lại thành băng nhóm hoạt động có tổ chức, nâng nghề hành khất lên thành kỹ nghệ, dưới sự điều hành của một số kẻ chăn dắt tự xưng là “bố, mẹ”. Sau nhiều ngày đeo bám, phóng viên Đất Việt đã tận mắt chứng kiến tình cảnh của nhiều đứa trẻ bị bóc lột thậm tệ sức lao động.

    “Con” què nuôi “mẹ” chơi lô, đề

    Ngôi nhà nằm bên sông Tô Lịch, đoạn Cầu Mới - Ngã Tư Sở có cánh cổng sắt đóng im ỉm và một con chó to đùng xích sau cửa. Chiếc xe lăn của cậu bé bại liệt nằm chình ình ngay lối vào, nhưng người đàn bà ra mở thoạt đầu vẫn lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi hỏi thăm về bọn trẻ.


    Phát hiện bị theo dõi, tiểu cái bang bỏ xe lăn, nhặt gạch ném về phía phóng viên, miệng chửi rủa không ngớt. Ảnh: Đức Long

    Trong vai nhân viên công tác xã hội, phóng viên được biết, bà ta tên Thanh (người Thanh Hóa), tự nhận là “mẹ” của bọn trẻ. Bà Thanh thuê ngôi nhà này với lý do để thuận tiện “chữa bệnh” cho “đứa con lớn” bị động kinh, bại liệt. “Do tiền thuê nhà, ăn uống tốn kém nên tôi mới đành cho con ra đường để ăn xin, chứ mẹ nào muốn thế””, bà Thanh liến thoắng khi được hỏi về chuyện bọn trẻ đi ăn xin.

    Nhưng màn kịch đó nhanh chóng được người dân tại đây vạch trần. Bà Thanh không nghề nghiệp, chỉ ở nhà chơi cờ bạc và “nghiên cứu” lô, đề. Không chỉ có hai “đứa con”, bà Thanh còn có đến 4 - 5 đứa, tùy từng thời điểm. “Mụ ấy như phù thủy! Hôm nào bọn trẻ chỉ xin được ít tiền là hôm ấy cả xóm đau đầu vì mụ chửi mắng ầm ĩ”, một người dân tại đây nói và cho biết thêm: Có hôm trở trời, thằng bé bại liệt lại lên cơn động kinh, gào thét, vật vã cả đêm. Bảo cho nó uống thuốc thì mụ ấy bảo cho ăn hàng ngày là tốt lắm rồi. Có hôm bọn trẻ xin được nhiều tiền, mụ Thanh còn cao hứng khoe ngoài hàng nước: “Đúng là lộc thật, một thằng què bằng mấy thằng lành!”.

    Trưa 5/4, hai “đứa con” của bà Thanh phát hiện ra chúng tôi theo dõi và chụp ảnh cảnh chúng xin tiền tại Ngã Tư Sở. Đứa em lập tức cúi xuống nhặt gạch, đá ném tới tấp vào chúng tôi, miệng chửi rủa không ngớt.

    Không bán được thì…móc túi

    Bé Q. lau vội nước mắt sau cái tát nảy lửa của “mẹ”. Nguyên do chỉ vì em mải mê xem chú rùa con bị mắc lưỡi câu nên không kịp bám theo một đoàn khách du lịch nước ngoài tại khu vực đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm).

    Cô bé gầy tong teo, tay cầm một xấp ảnh lưu niệm, tay cầm hộp đựng kẹo cao su kể bằng giọng già dặn: ”Không được vào đền để bán hàng nên phải chặn khách từ ngoài”. Hỏi bảo nhiêu tuổi, bị đánh có đau không, Q phẩy tay, đáp gọn lỏn: “8 tuổi, ngày nào chẳng ăn đòn!”. Nói rồi cô bé chìa ra hộp kẹo cao su: “Cô mua cho cháu đi! Đứng đây lâu mà không bán được, “mẹ” cháu chửi chết”.


    Chưa đầy 10 tuổi, đứa trẻ này đã bị đẩy ra đường để chèo kéo khách mua hàng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Đức Long

    Theo tay chỉ của cô bé, chúng tôi thấy hai người đàn bà ngoài 40 tuổi, ăn mặc xoàng xĩnh, cắp túi to trông như khách quê ra phố. “Thế ai là mẹ cháu?”. Q hất hàm: “Ai chả là mẹ”. Được “huấn luyện” khá kỹ nhưng mới chỉ là cô bé 8 tuổi nên sau một hồi “trả hết bài đã học” như: “Cháu đi bán hàng giúp mẹ một tý ngày chủ nhật để lấy tiền đóng học” và “Mẹ thương cháu lắm”, cô bé mới thành thật kể: “Nhà cháu ở bãi Phúc Tân, đông người lắm, đông các “bố”, “mẹ” và các anh chị em. Đi bán ảnh và kẹo cao su có cháu, chị T. (11 tuổi), anh H. (10 tuổi) và mấy anh nữa lớn tuổi hơn.

    Nhưng các anh ấy không bán ảnh mấy đâu, chỉ đợi bọn cháu kéo tay cho khách chú ý mua hàng là móc túi thôi. “Bố” bảo các anh ấy làm thế”. “Mấy em bé kia có ở cùng nhà với cháu không?”, chỉ tay vào hai bé trai khoảng 2 - 3 tuổi đang được hai người phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi bế đi bán ảnh và kẹo, tôi hỏi. Cô bé gật đầu: “Có! Nhưng chúng nó hay khóc lắm nên cũng hay bị ăn đòn như cháu”.

    Ăn mày xài di động, thu tiền triệu

    “Q. ơi, m. cái con này, vừa đây lại biến đi đâu rồi, khách kìa!”, nghe tiếng gọi từ “mẹ”, Q. đứng vụt dậy, thoắt cái đã trèo qua bờ tường rồi lao vụt tới nhóm khách nước ngoài vừa đi tới.

    20h, “cả nhà” Q. tụ tập đông đủ tại một quán nước chè vỉa hè nằm sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện với cửa hàng quần áo thời trang trên đường Đinh Tiên Hoàng. 5 “mẹ”, 2 “bố”, 9 đứa “con” xì xụp ăn uống ngay trên nền đất. Chưa đầy 20 phút sau, Q. và các anh em lại tiếp tục “công việc”. “Bố” T., người mà Q. bảo “to nhất trong nhà” một tay xỉa răng, tay kia áp chiếc điện thoại vào tai để…nghe nhạc. Bố T. kè kè cái túi vải nhỏ bên hông, đấy là tài sản mà các “mẹ” thu từ các con rồi nộp cho “bố”.

    22h30, khu vực hồ Hoàn Kiếm đã vắng bóng người dạo chơi, bố T. hạ lệnh thu quân. Một người lái xe ôm ở khu vực hồ chép miệng xót xa: “Chúng nó ngồi không cả ngày, bắt bọn trẻ con quần quật từ 8h đến 22h, thu tiền triệu, đấy là chưa kể những thứ ăn cắp được”.

    Lê Vũ
    Theo báo Đất Việt

  10. #10
    Tham gia ngày
    Apr 2007
    Đến từ
    West Valley
    Bài gởi
    1,195
    Thanks
    10
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Blog Entries
    2

    Default

    Chân dung 'trưởng lão cái bang' Hà Thành


    Những kẻ chăn dắt cắt cử một số “trưởng lão” có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ hoạt động kiếm ăn của bọn trẻ ăn mày. Có khi các “trưởng lão” tay bế con nhỏ, tay ngửa xin tiền, nhưng cũng có lúc thảnh thơi trên ghế đá, bấm điện thoại di động rất sành điệu.

    Sau nhiều ngày đeo bám, chúng tôi bắt gặp những kẻ thực sự điều hành băng nhóm ăn mày, bán dạo (kẹo cao su, quạt giấy, ảnh lưu niệm…) tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nơi thực sự được xem là mảnh đất “màu mỡ” của cái bang Hà thành.

    Giáp mặt đội quân "chăn dắt"

    Cứ sau khoảng một giờ, các “trưởng lão” lại tập trung tại một quán nước bên gốc đa, cạnh tượng đài cảm tử quân trên đường Đinh Tiên Hoàng, để kiểm “chiến lợi phẩm” của lũ trẻ.


    'Mẹ' bế 'con' đi bán hàng lưu niệm.

    Ở đó luôn có hai người đàn ông luôn xùm xụp mũ lưỡi trai và một người đàn bà béo tốt đẫy đà, thực chất là các “bang chủ”, trực tiếp điều hành cả mạng lưới “cái bang”. Đám này thay phiên nhau lượn vè vè khắp khu vực hồ Hoàn Kiếm để theo dõi nhất cử, nhất động của các “tiểu cái bang”.

    Anh T., thợ chụp ảnh dạo khu vực này, cho biết: “Trước đây, bọn này làm ăn ngang nhiên lắm, ngồi trên ghế đá ở góc đền Ngọc Sơn thu tiền và chỉ đạo bọn trẻ. Từ đợt công an truy quét, chúng mới chuyển sang bên kia đường ngồi giám sát vì vẫn sợ bọn trẻ ăn bớt tiền”. Cũng theo anh T, bọn trẻ ăn mày, bán dạo được giao khoán mỗi ngày phải kiếm được một khoản tiền nhất định nếu không sẽ gặp “rắc rối” với đám chăn dắt.


    Hai 'mẹ' (trái) vừa 'buôn dưa lê', vừa bấm điện thoại nhoanh nhoách.

    Để kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi tìm gặp cô bé 8 tuổi tên Q. thuộc băng nhóm “cái bang” hồ Hoàn Kiếm. Q. cho biết, mỗi ngày em phải bán được ít nhất là 10 bộ ảnh (15.000 đồng một bộ) và 10 phong kẹo cao su (5.000 đồng một phong). Tính sơ sơ, với cả chục “đứa con” và 5, 6 “bà mẹ” (thường trực bế theo một đứa trẻ nhỏ) vừa xin tiền, bán quạt giấy, ảnh lưu niệm và kẹo cao su, các “trưởng lão” ngồi bên đường kia thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.

    Khoảng 18h30 ngày 6/4, chúng tôi đã chứng kiến cảnh các “tiểu cái bang” lũ lượt về quán nước gốc đa để nộp “chiến lợi phẩm” cho các “trưởng lão”. Dường như những đứa trẻ kiếm được kha khá nên khuôn mặt của các “bang chủ”, “trưởng lão” cũng giãn ra!

    Tranh giành lãnh địa

    Trong băng nhóm này có một cặp “bố con” chuyên đi xin ăn trước sảnh Nhà hát múa rối Thăng Long, nơi tập trung rất đông khách nước ngoài và các quán ăn uống dọc phố Cầu Gỗ.


    'Gia đình cái bang' tụ tập ngay bên Hồ Hoàn Kiếm để kiểm 'chiến lợi phẩm'.

    Khoảng 20h30, len lỏi trong đoàn khách nước ngoài đi ra từ Nhà hát múa rối Thăng Long, bỏ tờ 20.000 vào chiếc mũ cối của người đàn ông bế đứa con nhỏ, chúng tôi hỏi: “Khuya khoắt thế này, sao anh còn đưa cháu ra đây?”. Gạt mái tóc bù xù dài quá vai, người đàn ông tự giới thiệu quê Hưng Yên trả lời tỉnh bơ: “Em cố làm thêm tý, mai thêm tiền mua sữa cho con”.

    Chứng kiến câu chuyện của chúng tôi, một người dân sống gần đó bĩu môi: “Bố con gì, bọn chủ giao thằng bé cho nó địu đi xin tiền đấy. Thằng này nghiện oặt ra, cho mấy bi thuốc thì bảo gì nó cũng làm”.


    Một 'bố' (trái) tranh thủ ăn trưa tại điểm giám sát.

    Cách đây gần hai tháng, khi bắt đầu đeo bám các nhóm cái bang, chúng tôi đã gặp Minh, 10 tuổi, trú tại bãi Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, một “tiểu cái bang” chuyên bán dạo kẹo cao su xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Minh cho biết, sau một ngày bán dạo kẹo cao su quanh bờ hồ, “bố” thường đến đón mấy anh em cậu vào lúc nửa đêm tại đầu phố Mã Mây. “Nếu nhìn thấy bố cháu đón, người ta sẽ không mua kẹo cho nữa”.

    Nhưng suốt một tuần qua không thấy bóng dáng Minh tại khu vực này. Ông chủ quán nước chè bên cửa hàng kem Thủy Tạ cho biết: “Dịp rằm tháng giêng có trận đánh nhau ầm ĩ để tranh đất làm ăn. Sau đó, mấy đứa trẻ bán hàng quen mặt bỗng bỏ đi biệt tăm, nhường chỗ cho những đứa mới”.


    Hai người này là những 'trùm' chăn dắn nhóm 'cái bang', theo những người bán hàng quanh khu vực. Ảnh: Đức Long.

    Vừa rồi, chúng tôi tình cờ gặp Minh đang bán kẹo cao su tại ngã tư Hàng Dầu - Cầu Gỗ. Hỏi tại sao dạo này không còn bán kẹo ở quanh hồ, Minh đáp lý nhí: “Cháu thấy bố uống rượu rồi bảo với mẹ là chúng nó đánh, không được bán ở đây vào ban ngày. Đêm bố mới chở chúng cháu ra bán, nhưng bán được ít lắm nên cháu bị chửi và ăn đòn nhiều hơn”.

    Thật khó cầm được nước mắt khi phải chứng kiến những đứa trẻ như Minh sớm lấm lem bụi đời và bị bóc lột thậm tệ sức lao động.

    Lê Vũ
    Theo báo Đất Việt

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts