Võ có vũ khí

Gồm 18 môn tương ứng với 18 món binh khí: côn, kiếm, đao, thương, giáo, kích, xà mâu, đinh ba, bồ cào, thiết bản, song tô, song xỉ, song câu, bút, phủ (búa), chuỳ, cung tên, lăn khiên.


1- Côn (roi): làm bằng gỗ, tre, mây, cũng có khi làm bằng kim loại, chia làm trường côn và đoản côn. Trường côn là roi dài gồm hai thứ là roi đấu (trường tiên) dài khoảng 3m và roi chiến (trung bình tiên) dài khoảng 1,5m. Roi đấu dùng để đánh trên ngựa. Roi chiến dùng để đánh dưới đất. Đoản côn là roi ngắn.

Còn có một loại côn nữa là côn nhị khúc, làm bằng hai thanh gỗ cứng hoặc kim loại dài bằng nhau, nối với nhau bởi một sợi dây dài tết bằng tóc người hoặc bằng lông đuôi ngựa. Loại côn này gọn, mạnh, thích hợp cho lối đánh gần, có thể đổi tay phải tay trái tùy ý. Khi đánh dùng một thanh làm trụ, đánh bằng thanh kia, phóng ra thu về, biến hoá linh hoạt.

2- Kiếm: gồm chuôi kiếm, lưỡi kiếm và bao kiếm. Phần lưỡi dài, phiến dẹt, bề rộng chừng 3 - 4cm, cạnh mảnh và cực bén, rèn bằng kim loại tốt như sắt, thép, hợp kim. Phần cán (chuôi) bằng gỗ, có khi cán cũng được đúc bằng kim loại hoặc mạ vàng, chạm trỗ rất đẹp. Vỏ kiếm được chế tạo cũng bằng kim loại mỏng và cứng, dùng để bao ngoài lưỡi kiếm, một đầu kín một đầu hở khi gài vào ăn khớp với cổ chuôi kiếm.

Kiếm thuộc hàng vũ khí thanh nhã, sang trọng, được rèn theo yêu cầu của người sử dụng. Thường phải đảm bảo ba yếu tố: sắc bén, đẹp, có độ nặng, độ dài phù hợp với sức vóc người cầm. Kiếm lệnh là kiếm chỉ huy, lược trận, phân biệt với kiếm trận ở chỗ kiếm lệnh lưỡi cong, còn kiếm trận lưỡi thẳng. Lại tùy theo độ dài ngắn mà phân thành trường kiếm và đoản kiếm. Trường kiếm độ dài xê dịch trong khoảng 1,2m đến 1,5m, có thể giao tranh trên mặt đất hoặc trên ngựa đều tiện lợi. Đoản kiếm là kiếm ngắn, từ chuôi đến ngọn dài chừng năm, bảy tấc, thích hợp với lối đánh cận chiến, giáp chiến. Thường con nhà võ chỉ tuốt kiếm khỏi bao khi giao đấu. Trong giao đấu, vỏ kiếm cũng là một vũ khí để đánh, đỡ, gạt, hất rất lợi hại. Tuy vậy, cũng có không ít những thanh kiếm để trần.

Thời chống Pháp trở về trước, kiếm là môn binh khí rất phổ biến trong võ thuật Bình Định. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chuyên đánh song kiếm. Ở Bảo tàng Quang Trung hiện còn lưu bức tranh Bà cưỡi voi trận, tay cầm song kiếm, uy phong lẫm liệt.

3- Đao: có cán bằng gỗ cứng, lưỡi đao càng về phía trước càng to bản, được vát hơi cong dần về phía mũi. Về chủng loại có đơn đao, song đao, đại đao, phác đao. Đại đao là vũ khí nặng, cán dài. Người sử dụng đại đao phải có sức vóc hơn người. Triều Tây Sơn có bốn người nổi tiếng về đại đao là Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Đặng Văn Long. Đặc biệt là Võ Văn Dũng, tài sử đao của ông được Nguyễn Nhạc khen ngợi: “Phá sơn trung tặc dị, thắng Văn Dũng đao nan” nghĩa là Phá giặc trong núi dễ, thắng ngọn đao Văn Dũng mới khó.

4- Thương: là vũ khí dài, cán làm bằng gỗ cứng, ở đầu có mũi hình thoi nhọn ở đầu đúc bằng sắt. Cách dùng côn và thương về căn bản giống nhau, nhưng côn thiên về đả, tức đánh xuống, còn thương thiên về đâm.

5- Giáo: là loại vũ khí dài khoảng 2 - 2,5m bằng một loại tre đực đặc ruột có đầu vót nhọn bịt kim loại, dùng trong trận mạc. Cách đánh như côn, nhưng lợi thế hơn ở chỗ có mũi nhọn để đâm. Tương truyền đây là vũ khí đắc dụng của nghĩa binh Mai Xuân Thưởng, vì vùng nông thôn Bình Định rất sẵn tre.

6- Kích: là vũ khí dài, cán bằng gỗ cứng hoặc đúc bằng kim loại nặng. Phương thiên hoạ kích có một mũi nhọn ở giữa giống ngọn giáo, hai bên là hai vành đao lưỡi liềm day lưng vào nhau. Bán thiên kích thì chỉ có mũi nhọn với một vành đao lưỡi liềm. Kích nặng ở đầu nên sử dụng không được linh động như thương.

7- Xà mâu: là loại vũ khí dài, nhọn, phần trên cùng đúc kim loại uốn khúc như hình rắn.

8- Đinh ba: Là loại vũ khí cán dài, một đầu tra lưỡi sắt có ba răng nhọn xỉa thẳng về trước. Đinh ba vận dụng các chiêu thức của côn, thiên về phóng, đâm, xóc.

9- Bồ cào: Cũng là vũ khí cán dài, một đầu tra lưỡi sắt hình răng lược, giống như cái cào cỏ ở nông thôn Bình Định. Bồ cào cũng vận dụng chiêu thức của côn nhưng lại thiên về đập, giật.

10- Thiết bản: là một thanh kim loại vuông cạnh, dài chừng 1m, tiện dụng ở chỗ gọn gàng, con nhà võ có thể giắt bên hông hoặc sau lưng khi di chuyển.

11- Song tô: là hai lưỡi dao thép to bản, ở cán cầm có phần bảo vệ tay. Thích hợp đánh cận chiến.

12- Song xỉ: Song xỉ là vũ khí dùng cho hai tay, gồm hai thanh sắt dài, hai đầu nhọn như lưỡi dao găm, phần thân bo theo cánh tay từ chỏ ra bàn tay, phía chỏ có dây da quấn vào bắp tay, phía trước có đai sắt để luồn bàn tay vào cầm cho chắc. Đặc điểm riêng của song xỉ là gọn, sắc, mạnh, thích hợp lối đánh gần, đòi hỏi người sử dụng phải tinh mắt, giỏi quyền cước, di chuyển mau lẹ.

13- Song câu: là vũ khí đôi gồm các phần câu, phần hộ thủ, phần lưỡi được đúc liền nhau. Phần câu cong như rựa quéo, để móc, hãm vũ khí hoặc một số vùng trên cơ thể địch thủ như cổ, vai, cổ tay, cổ chân, bắp đùi, hông... Phần thân giống như lưỡi kiếm. Chuôi cầm được bọc vải, da hoặc gỗ, có một lưỡi liềm để bảo vệ tay, gọi là phần hộ thủ. Song câu được sử dụng biến ảo linh hoạt, thích hợp lối đánh vừa công vừa thủ.

14- Bút: Đúc bằng kim loại nặng, dài khoảng 5-7 tấc, phần cán tròn, đặc ruột, phần ngọn hình búp sen, cuối cán có sợi dây để buộc vào cổ tay người sử dụng, sau khi phóng ra có thể thu về. Dùng đôi gọi là song bút, dùng đơn gọi là độc bút.

15- Búa (phủ): Búa là loại vũ khí gần giống với rìu chặt cây của tiều phu. Cán búa làm bằng gỗ cứng dài chừng một cánh tay. Lưỡi búa đúc hoặc rèn bằng sắt, thép tốt, rất nặng. Búa đơn gọi là độc phủ, búa đôi gọi là song phủ. Những chiếc búa đặc biệt trên sống còn được chạm đầu hổ hay đầu rồng rất tinh vi, gọi là hổ đầu phủ hoặc long đầu phủ. Chiêu thức của búa gồm các đòn ngắn, mạnh, trực diện, khả năng sát thương kẻ địch rất lớn, thích hợp với lối đánh thấp, cận chiến, trên bộ. Người sử dụng búa phải có sức lực hơn người, thân pháp cực kỳ mau lẹ.

16- Chuỳ: là loại vũ khí có tay cầm ở giữa là một thanh gỗ cứng hoặc kim loại, hai đầu là hai khối kim loại (sắt, thép, đồng) đặc ruột hình thuẫn hoặc hình tròn, ngoài mặt đúc nổi gai lục giác hoặc xẻ cạnh khế. Bề ngang có đường kính chừng 10 – 15cm. Chuỳ cũng có chùy đơn và chuỳ đôi.

17- Cung tên: Cung đầu tiên là công cụ săn bắn, sau mới thành vũ khí chiến đấu. Thân cung và hai cánh cung làm bằng gỗ cứng, có khi là gốc tre lâu năm. Giữa thân cung có rãnh lắp tên. Đầu hai cánh cung được khoét lỗ tròn hoặc đính khuy sắt để căng dây cung. Dây cung thường làm bằng gân trâu hoặc một loại sợi đặc biệt dẻo và cứng, có tính đàn hồi cao, khi kéo mạnh sẽ làm cánh cung cong lại, tạo sức bật đẩy mũi tên bay xa. Tên làm bằng gỗ cứng hoặc tre già, mũi vót nhọn. Về sau, người ta bịt kim loại ở đầu mũi tên hoặc đúc tên sắt, tên đồng để tăng hiệu lực, xuyên thủng được vật cứng.

Môn bắn cung phải qua nhiều giai đoạn tập luyện: giương cung, nhắm đích, quỳ bắn, đứng bắn, dưới đất, trên ngựa. Mục tiêu bắn cũng đa dạng: từ gần tới xa, từ diện đến điểm, từ cố định đến di động. Lại được dạy các mánh khóe đánh lừa kẻ địch như giương đông kích tây, giương nam kích bắc v.v. Người bắn cung giỏi có thể bắn chim đang bay, hoặc còn nói trước được mình sẽ bắn rơi con thứ mấy trong đàn. Nổi danh về bắn cung ở Tây Sơn xưa từng có La Xuân Kiều, Đặng Xuân Phong, Lý Văn Bưu.

18- Lăn khiên: Khiên là một tấm chắn bằng gỗ hoặc đan bằng cật tre, mây, dùng để đỡ gạt trong khi giao chiến, nhất là trong đánh trận, công thành. Nghĩa quân Tây Sơn rất thành thạo môn lăn khiên - một tay cầm khiên để hứng tên bắn từ xa hoặc đỡ gươm giáo khi đánh xáp lá cà, trong khi tay kia sử dụng một vũ khí khác để tấn công kẻ địch.

Ngoài ra ở vùng Bình Định còn thông dụng các loại vũ khí như rựa quéo, lao, đòn xóc, nạng, ná, khăn xéo, dù. Rựa quéo giống như cái rựa thường, sống rựa dày, lưỡi dài và to bản có mấu quéo lại ở đầu để giật, kéo. Chỉ khác rựa thường ở chỗ cán rất dài, vừa là công cụ lao động, vừa là một đoản côn khi cần. Lao cấu tạo như giáo nhưng ngắn hơn, thân lao dài chừng 1,2 - 1,5 m, dùng để phóng tầm xa, phổ biến trong săn bắn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Khăn xéo là vật tùy thân của người Bình Định xưa, làm bằng vải ta, thường vắt trên vai, dùng để chặm mồ hôi, lau mặt, che nắng; trong tay con nhà võ, nó trở thành một ngọn “nhuyễn tiên” lợi hại. Dù (hay ô) là vật dụng che nắng mưa khi đi đường, gặp khi bất trắc nó trở thành vũ khí lợi hại, có thể đâm kẻ địch bằng mũi như một ngọn giáo ngắn; có thể quật, đập, đả như côn; lại có thể móc cổ giật cho kẻ địch té nhào.

2- Võ tay không (quyền thuật)

Bao gồm tất cả các môn võ không trang bị vũ khí, chỉ dùng tay chân, chia làm cương quyền và nhu quyền, với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm đòn công và đòn thủ. Những bài cương quyền dùng sức mạnh với mục đích tấn công áp đảo, đè bẹp đối phương nhanh. Nhu quyền hay miên quyền thể hiện những động tác thoạt nhìn mềm mại, bay bướm nhưng khi phát kình thì uy lực rất lớn. Nguyễn Lữ tự biết thể chất mình yếu ớt nên đã chọn miên quyền để luyện công, như ông từng viết trong lời thiệu bài Hùng kê quyền: “Nhu cương cường nhược tận kỳ trung”, nghĩa là mềm, cứng, mạnh, yếu đều đưa hết ra dùng.

Quyền lợi hại ở chỗ có thể không để dấu tích bên ngoài nhưng lại gây chấn thương mạnh bên trong, nếu đánh vào các yếu huyệt có thể làm đối phương chết ngay hoặc mang trọng bệnh mà không tìm ra người biết cách giải huyệt thì không cứu chữa được.

Những thế quyền tinh hoa của Bình Định, Tây Sơn được đúc kết thành các bài thảo bộ nhằm giúp người tập luyện nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh từng chiêu thức. Đất Bình Định có các bài quyền nổi tiếng như Thần Đồng, Ngọc Trản, Lão Mai, Lão Hổ... Ngoài ra, các võ sư tiền nhân còn nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên, sáng tạo thành những bài hình tượng quyền như Ngũ cầm quyền (long, hổ, báo, xà, hạc), Linh miêu hý thử, Kim xà xuất động, Kim báo quyền, Mãnh hổ xuất sơn...

Trong diễn võ, so tài, các tay quyền thường thi triển các chiêu thức vừa đầy uy lực vừa đẹp mắt, tuân theo các bài bản mẫu mực cốt để phô trương tuyệt học, công phu vi diệu. Trong chiến đấu chuyện bài bản không còn là quan trọng, mà mục đích chính là áp đảo, thậm chí sát thương đối thủ để giành phần thắng nhanh nhất.

3- Nhạc võ Tây Sơn

Tương truyền Tây Sơn tam kiệt đặt ra nhạc võ để luyện quân và khiển trận. Trong luyện tập, tiếng trống sẽ giúp người đánh võ không bị lạc chiêu thức. Trong giáp chiến, tiếng trống không chỉ là hiệu lệnh giục giã ba quân mà còn là chiến thuật tâm công đánh vào tâm lý của quân thù, góp phần làm nên thắng lợi.

Dàn nhạc võ Tây Sơn xưa gồm mười sáu trống chiến, ngoài ra còn có tù và, kèn, chiêng, phèng la… là những nhạc cụ hỗ trợ. Trống chiến là linh hồn của nhạc võ. Khi đánh trống, hai bàn tay cầm dùi trống của nghệ nhân phụ trách mười hai chiếc, bốn chiếc còn lại đánh bằng hai gót chân và hai khuỷu tay.

Dàn nhạc võ Tây Sơn ngày nay vẫn gồm đủ trống chiến, kèn bóp (hay kèn xô-na), chiêng, phèng la, nhưng chỉ còn mười hai trống, tượng trưng cho thập nhị địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...), xếp thành ba bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài (Thiên - Địa - Nhân).

Nhạc võ Tây Sơn có hai phần: nhạc và võ. Phần nhạc được phối âm dựa trên tiết tấu chủ đạo của trống chiến trên nền âm cổ truyền, chia thành ba hồi: xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn. Tiếng trống cất lên, hồn thiêng sông núi vọng về trong tiếng gió lướt, tiếng quân đi, tiếng vó ngựa thần tốc trên đường thiên lý. Khúc công thành dập dồn vang dội như nước vỡ bờ, vun vút tên bắn gươm khua, hừng hực voi gầm ngựa hí. Từ cao điểm, chợt điệu nhạc trầm xuống như lời tưởng niệm vong hồn tử sĩ rồi chuyển sang khúc khải hoàn tươi vui rộn rã. Phần võ là thủ pháp đánh trống, thực chất gồm những thế võ liên hoàn. Người đánh trống ngày nay dẫu có nhập hồn vào nhạc võ thế nào, cũng chỉ là nghệ nhân biểu diễn một bộ môn nghệ thuật, nhưng ngày xưa người đánh trống trận phải là người vừa am hiểu võ thuật binh pháp, vừa nhạy bén nắm bắt ý đồ của người chỉ huy để truyền đạt chính xác mệnh lệnh qua điệu trống. Động tác đánh trống, bộ pháp di chuyển cũng là một nghệ thuật tự vệ và đôi dùi trống là vũ khí, vì người đánh trống trận ngày xưa phải vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ tiếng trống, để nhạc võ điều binh khiển trận không bị ngắt quãng. Tuy nhiên, người lính đánh trống và dàn trống trận của anh ta thường được bố trí ở trung quân, luôn được bảo vệ và hỗ trợ bởi một toán quân thiện chiến, khả năng đơn thân chiến đấu rất ít khi xảy ra.

Nhạc võ Tây Sơn bây giờ đã trở thành một di sản văn hoá độc đáo, một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong các kỳ tế lễ ở Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung, nhất là trong các dịp quan trọng như lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, lễ kỵ Tây Sơn Tam kiệt, lễ kỷ niệm sinh nhật, lễ giỗ Quang Trung hoàng đế, lễ cúng từ đường Bùi Thị Xuân, lễ cúng từ đường Võ Văn Dũng, lễ giỗ tổ tại các làng võ. Tại Bảo tàng Quang Trung có một đội nhạc võ chuyên biểu diễn trống trận để phục vụ các lễ tiết và phục vụ du khách.

4- Kỳ võ:

Kỳ võ là phép dùng cờ lệnh để điều khiển trận đánh theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Cũng như người cử nhạc võ, người sử dụng kỳ võ phải giỏi võ thuật lẫn binh pháp. Múa cờ không đơn thuần là phất cờ, mà còn là một nghệ thuật đòi hỏi cả sức mạnh lẫn sự uyển chuyển trong thân pháp của người thực hiện.

Trên chiến trường, nơi xảy ra cuộc chiến một mất một còn giữa hai bên với bao nhiêu giáo mác cung tên, người lính cầm cờ trong tay không tấc sắt. Thế nhưng người lính cầm cờ là mục tiêu dễ nhận thấy nhất và cũng là mục tiêu mà kẻ thù muốn triệt hạ nhanh để áp đảo tinh thần phe đối địch. Sự hiện diện của người cầm cờ có quan hệ mật thiết với cả cánh quân. Lá cờ phất phới tung bay trong gió tượng trưng cho Hồn nước. Trừ khi bị trúng tên đạn, còn nếu bị tấn công theo kiểu xáp chiến thì người cầm cờ có thể dùng cờ làm vũ khí- rút cán tre làm côn, còn lá cờ dệt bằng sợi bông vải hay sợi thao càn khi cần có thể nắm chéo vung ra giật về như một nhuyễn tiên.

5- Y thuật:

Giới võ học nghiên cứu rất kỹ khoa học về thân thể con người, từ xương cốt, cơ bắp, lục phủ ngũ tạng, hệ thống các huyệt đạo. Chính vì vậy mà người nắm chắc võ lý, võ thuật thường hiểu kỹ về y thuật.

Hầu hết các võ sư đều biết các bài thuốc chữa trật gân, sai khớp, gãy xương. Phổ biến là những võ sư biết thuốc để tự chữa cho mình, cho người nhà và học trò. Có những trường hợp các võ sư chuyên tâm nghiên cứu sâu về y thuật để hành nghề như Hương kiểm Mỹ, Bầu Năm, Trần Dần ở An Vinh. Hương kiểm Mỹ giỏi về thuật bó xương, nhiều ca gãy xương hiểm hóc tới đâu qua tay ông cũng khỏi. Ông Bầu Năm giỏi về mổ xẻ, đã vá môi cho Hương kiểm Cáo khi ông này đấu đài đánh đối phương sụt sườn mỡ, còn mình bị sứt môi. Hiện nay nổi tiếng về thuật bó xương ở Thuận Nhứt có ông Mai Súng. Nhiều bác sĩ ngoại khoa nghe đồn về ông đã tìm tới nơi để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Y thuật trong làng võ bị chi phối bởi các quy tắc và kinh nghiệm gia truyền, đại thể thì giống nhau nhưng trong nghe, khám, chẩn, bốc có sự khác nhau từ khả năng cảm ứng, điều trị đến gia giảm vị thuốc, lượng thuốc. Dược liệu cũng xoay vần thuốc nam, thuốc bắc, các bài thuốc địa phương kết hợp với việc ứng dụng các bài thuốc trong và ngoài nước và các phương thức day, nắn, bóp, bấm huyệt, châm cứu… Công phu nghiên cứu kiến thức võ thuật và y thuật, cũng như sự tinh tế và mẫn cảm của từng ông thầy võ đã quyết định thành công và danh tiếng của họ.