Những đứa trẻ thiếu vắng tình thương


Cha mẹ ly hôn, con trẻ phải chịu nhiều mất mát, thiệt thòi. Không ít em lâm vào cảnh bất hạnh khi vô tình bị chính cha mẹ ruột của mình “đẩy” ra ngoài đường...

TUỔI THƠ BUỒN TỦI

Khi T mới lên 5 tuổi thì cha mẹ em đã “đường ai nấy đi”. T là đứa con gái duy nhất, theo nguyện vọng của mẹ, tòa xử cho em về sống với mẹ. Nhưng những năm tháng em được mẹ quan tâm, chăm sóc không nhiều. Hai năm sau, mẹ T tiếp tục “đi bước nữa” với người đàn ông khác ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), em được mẹ đưa về sống với bà ngoại. Mới hơn 10 tuổi đầu, nhưng trong đôi mắt đen tròn của cô bé luôn đượm buồn.

Thời gian đầu khi mẹ cưới chồng khác, hầu như ngày nào T cũng khóc vì buồn và sợ. Bà ngoại 65 tuổi, nhưng lại đau ốm liên miên. Vì thế, T phải tự học cách chăm sóc mình, học cách đi chợ, nấu cơm. Mong ước được sống bên cạnh cha mẹ như những bạn bè đồng trang lứa khác, bây giờ với T chỉ là mơ ước. Em nói, lúc nào cũng muốn được ở bên mẹ, nhưng người cha dượng không chấp nhận. Vì theo lời ông, thấy T là ông lại nhớ đến cha T và ông không thể nào chịu được cảnh vợ lại nghĩ đến hình bóng người đàn ông khác trong ngôi nhà mình. Những lần về thăm con, lần nào ra đi, mẹ T cũng khóc và nói có lỗi với em, còn ngoại thì ôm chặt đứa cháu nhỏ vào lòng nghẹn ngào.

*. Còn cậu bé M không những thiếu vắng tình thương của cha mẹ, mà còn phải chịu cảnh đối xử hà khắc của người mẹ kế. Sau khi ly hôn, mẹ M trở về quê ngoại ở Bình Định sinh sống, còn cha thì cưới vợ khác. Và cũng bắt đầu từ đây, những chuỗi ngày vất vả, buồn tủi bao quanh cậu bé. Với lý do, gia đình khó khăn, mẹ kế bảo M nghỉ học để phụ giúp việc nhà. Vì hiền lành và chưa quen việc, một ngày rảo khắp nơi ở TP Tuy Hòa với xấp vé số trên tay, may mắn lắm M cũng chỉ kiếm 30.000 đồng tiền lời. Còn những ngày khác, em không bán được bao nhiêu. Những hôm như vậy, em luôn bị mẹ kế đay nghiến, chì chiết, nói là lười biếng, vô tích sự, không biết kiếm tiền, có lúc em còn bị đánh đòn. Buồn tủi, oán giận mẹ kế vô cùng, nhưng cậu bé không biết bày tỏ với ai, vì mẹ ở xa, còn cha thì đi nuôi tôm thuê ở tận huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa). Mà chưa chắc M nói ra, cha đã tin chuyện này, vì trước giờ, ông luôn nghe theo lời mẹ kế.

TƯƠNG LAI MỊT MÙ

Từ khi mẹ sinh em bé, hơn một năm nay T không được gặp lại mẹ. Ngoại nói, thời gian này chắc là mẹ không rảnh để đến thăm T, vì còn phải chăm sóc con nhỏ. Nghe vậy, tự nhiên T lại muốn khóc vì tủi thân.

*. Bây giờ, T đang học lớp 4, nhưng thời gian tới không biết em có thể đi học tiếp được nữa hay không khi tiền mua sách vở, bút mực mỗi năm một nhiều. Mà tiền mẹ gửi về cho hai bà cháu đã hết từ lâu. Còn cha, từ khi bỏ mẹ con em ra đi với người phụ nữ khác đến nay, chẳng có lấy một dòng tin tức thăm hỏi đứa con gái ruột thịt của mình!

*. Còn M, mỗi ngày một lo lắng khi sống cùng người mẹ kế cay nghiệt. Chịu không thấu cách đối xử hà khắc của bà, M bỏ nhà đi vào TP Hồ Chí Minh. Nghe đâu vào trong đó, em cũng đi bán vé số cho một người quen. Tuy rất vất vả vì một mình mưu sinh nơi xứ người, nhưng em thấy vẫn còn dễ chịu hơn khi phải chịu cảnh chửi mắng, đánh đập của người mẹ kế vô lương tâm. Nhưng có một điều thật đau lòng là không ai biết được tương lai của em như thế nào, khi con đường phía trước là những chuỗi ngày đầy gian nan, vất vả và có không ít cạm bẫy.

Không chỉ có T, M mà còn nhiều những đứa trẻ khác lớn lên trong cảnh gia đình không hạnh phúc, thường chịu nhiều tổn thương nặng nề về vật chất lẫn tinh thần, không gì có thể bù đắp. Đó là chưa kể có em còn bị kẻ xấu lợi dụng, sa vào tệ nạn xã hội. Các em phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi sống trong cảnh thiếu vắng tình thương, chăm sóc của cha mẹ. Vì thế, một khi hôn nhân không hạnh phúc rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé, các bậc cha mẹ dù đường ai nấy đi cũng không thể đổ thừa cho hoàn cảnh mà “bỏ quên” trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái mình. Bởi con trẻ hoàn toàn vô tội!

NGỌC DUNG
(theo Báo Phú Yên)