Khi lễ phép bị coi là "chảnh"

Thầy cô vào lớp, nhiều SV “chả thèm” đứng lên chào. Những bạn lễ phép đứng dậy thì nghe phía sau thì thầm: “Thằng này muốn làm nổi”, “Chảnh quá hà!"...Hiện tượng này được bạn đọc Nguyễn Minh Tùng ở ĐH Cần Thơ phản ánh trong bài viết dưới đây.


SV ngày càng tự tin... Ảnh minh họa: An Bang

Đã ít dần những tiếng "thưa thầy, thưa cô..."

Còn bây giờ thì SV rất tự tin, mạnh dạn trong lời nói, trao đổi, tiếp xúc với thầy cô rất tự nhiên. Còn thầy cô cũng rất thoải mái khi tiếp xúc với SV.

Nhưng một bộ phận không nhỏ SV bây giờ dường như không còn để ý đến chữ “lễ” trên giảng đường.

Những tiếng: dạ, vâng, dạ thưa, thưa thầy, thưa cô... dường như đã ít đi và thay vào đó là những tiếng “trỗng”, những câu nói leo, những câu không đủ chủ vị.

“Ổng khó quá trời hà!”, “bả dễ lắm mày ơi!”... là câu cửa miệng của nhiều SV. Có rất nhiều bạn dùng biệt danh: “tiến sĩ gây mê”, “sát thủ hàng đầu”,…khi nói về thầy cô.

Có SV đang nói chuyện cùng bạn bè, nhìn thấy thầy cô bước vào lớp thì chỉ quay sang nhìn rồi nói chuyện tiếp. Nếu thầy cô khó tính bắt phải chào thì đứng dậy nhưng rất miễn cưỡng.

Có hôm, thầy cô đang giảng bài mà phòng học như "chợ vỡ”, SV ra vào tự do. Có SV còn “hiên ngang” bước ra khỏi lớp trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

SV bây giờ mắc một căn bệnh “nan y” khó điều trị, đó là bệnh ngủ. Ngủ mọi lúc mọi nơi, vào lớp “mặc thầy thầy giảng, mặc em em ngủ”, có khi còn “ngáy” khiến cả lớp chú ý.

Trong khi đó, một số SV khác thì "tỉnh queo" nghe điện thoại. Thậm chí, cố tình cài những nhạc chuông "lạ" khiến người nghe giật mình.

Lễ phép: "Chảnh"

Khi thầy cô vào lớp, nhiều SV “chả thèm” đứng lên chào, có những bạn lễ phép đứng dậy chào thầy cô thì nghe phía sau có những tiếng thì thầm: “Thằng này muốn làm nổi”, “Chảnh quá hà!”...

Ở bậc phổ thông, trước khi thầy cô vào lớp thì lớp học sạch sẽ, bàn ghế ngay ngắn, bảng đen được lau chùi, bông bảng được thấm nước. Còn vào đại học, SV không quét dọn nhưng cũng chẳng giữ vệ sinh chung, vất lung tung nào là vỏ bánh kẹo, chai nhựa, giấy bút,… dù có thùng đựng rác trước mỗi lớp.

Đa số thầy cô vào lớp phải tự lau bảng, tự đi lấy phấn còn SV ngồi ở dưới để “nói chuyện”. Chỉ khi nào thầy cô nói sẽ cộng điểm thưởng thì các bạn mới làm. Tại sao lại như vậy? Một phần là do thầy cô “hơi dễ”, nhưng phần lớn là do ý thức quá kém của SV. Họ cho rằng đó không phải là công việc của bản thân.

Thực ra, cũng có bạn hăng hái nhận làm nhưng được một vài lần rồi nản vì bị bạn bè dị nghị: “Nó muốn lấy lòng thầy cô”, “Nó muốn làm nổi đó mà”,...

Cuối giờ, SV ùa ra về, còn thầy phải ở lại trong lớp lúi cúi thu dọn dụng cụ giảng dạy. Cũng rất muốn ở lại phụ giúp thầy nhưng lại sợ “bị nói” nên lại thôi.

Gặp thầy cô các bạn hoặc tránh mặt, hoặc lờ đi thay vì cúi đầu chào. Chỉ một cái cúi đầu cũng đủ để thể hiện lời chào và sự kính trọng, lễ phép của chúng ta đối với thầy cô.

Còn rất nhiều những điều nhỏ nhặt phản ánh hành vi thiếu văn hoá, vô tổ chức của SV mà trong bài viết nhỏ này không thể nêu hết, song rõ ràng là môi trường văn hoá học đường đang xuống cấp.

Phải chăng bậc đại học không dạy môn đạo đức? Phải chăng càng học cao chúng ta càng “thoáng hóa” chữ lễ nghĩa? Phải chăng chữ "lễ" nghĩa tỉ lệ nghịch với độ tuổi? Nên chăng ở ngay trong trường và trên giảng đường vẫn nêu cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Câu trả lời chính là ở bản thân mỗi chúng ta.