Bình Định xưa nay vẫn được xem là cái nôi của võ học VN, bao gồm cả võ thuật lẫn võ y. Trong chén thuốc nơi đây không chỉ là những phương thuốc chữa bệnh bí truyền mà phảng phất đâu đó còn là cả một nét văn hóa đặc thù của miền đất Võ. Nói như một vị võ sư nơi đây, trong võ có y, trong y có võ. Võ y Bình Định luôn tồn tại và phát triển song hành cùng võ thuật.

Thứ thuốc “để đầu giường”

Thuốc võ cổ truyền có tác dụng đối với mọi chấn thương, trật đả nhằm phục hồi các chức năng tạng phủ, kinh lạc, gân xương và làm hàn gắn các sang chấn như gãy xương, bong gân, trật khớp... Đã từ lâu, với tác dụng rộng rãi của mình, thuốc võ còn trở thành thứ thuốc quen thuộc trong tủ thuốc của không ít gia đình.

Có không ít người cho rằng thuốc võ chỉ là một phân môn “chấn thương, trật đả” trong Đông y. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu thì không hề đúng như vậy. Có thể thấy rằng nguồn nguyên liệu lẫn vật dẫn thuốc chủ yếu mà các võ sư Bình Định vẫn thường sử dụng lâu nay có nguồn gốc từ trong dân gian. Không ở đâu có thể có vật dẫn thuốc bằng cơm nếp, gà con, thép nung đỏ… như các võ sư Bình Định đã áp dụng trong võ y của mình. Thêm vào đó, khi đi vào dân gian với sự linh hoạt và mềm dẻo đáng kinh ngạc, mỗi võ sư và trường phái võ thuật đều xây dựng cho mình những bài thuốc võ đặc thù lẫn cách gia – giảm rất riêng. Chính điều này khiến cho võ y Bình Định dù phát triển rất rộng rãi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nét kỳ bí và độc đáo.

Giới VĐV, HLV thể thao chuyên nghiệp ở Bình Định không ai không biết đến anh Nguyễn Đăng Sơn, một y sư được truyền thụ nhiều bài thuốc võ độc đáo từ người cha Nguyễn Quế nổi danh của mình. Trong rất nhiều năm qua, anh luôn là người “đồng hành” cùng các ca chấn thương của VĐV, cầu thủ Bình Định. Mỗi khi bị trật khớp, đọng máu bầm cần hoạt huyết, tiêu ứ sau những trận đấu căng thẳng, các cầu thủ đội Bình Định lại tìm đến anh Sơn để chữa trị. Thi đấu cho đội Bình Định, những cầu thủ ngoại như Nirut, Sarayoot cũng bị mê hoặc bởi những công năng của thứ thuốc bí truyền trên đất Võ. Sau cái lần được chính HLV Dương Ngọc Hùng “chỉ điểm” khi bị dính một chấn thương lật cổ chân, Sarayoot được anh Sơn làm thuốc võ và chỉ sau 3 ngày anh có thể chạy hùng hục ở V-League. Từ đó, chàng tiền đạo người Thái này học tập các đồng đội, kê luôn lọ thuốc võ trên đầu giường, sau mỗi buổi tập lại lôi ra xoa xoa, bóp bóp để hoạt huyết, tiêu ứ.

Danh sách VĐV, cầu thủ được anh Sơn chữa trị bằng thuốc võ còn rất nhiều. Minh Quang đứng vững trong khung gỗ đến ngày hôm nay cũng nhờ những thang thuốc võ của anh Sơn. Cựu thủ môn Văn Phụng (Cảng Sài Gòn) từng bị gãy xương thuyền ngón tay hồi năm 2001, các bác sĩ Tây y đều lắc đầu nhưng anh Sơn cũng chữa khỏi cho thủ môn này và giúp anh có thể đứng vững trong khung gỗ, cùng các đồng đội lên ngôi VĐQG 2002.

Tuy nhiên, những chấn thương của các cầu thủ kể trên chỉ như là... ghẻ ngứa so với các trường hợp mà các võ sư khác điều trị thành công cho những bệnh nhân gãy xương, vẹo cột sống. Thậm chí có trường hợp như bà Dương Thị Bốn (Tây Xuân, Tây Sơn) bị xe bò cán nát xương ống quyển, vì tuổi già sức yếu, các bác sĩ Tây y không dám tiến hành mổ sắp xương. Khi được mời đến tận nhà trị thương, võ sư Phan Thọ cẩn thận nắn, sắp từng mẩu xương nhỏ sau đó dùng vải bó chặt hỗn hợp thuốc võ vào ống chân, hàng ngày lấy rượu mạnh đổ vào và cứ 10 ngày thay băng một lần. Đến nay, dù đã 83 tuổi nhưng bà Bốn vẫn đi lại bình thường.

Có thể nhận thấy, để thuốc võ phát huy hết tác dụng, nhất thiết phải có rượu. Mà phải là rượu cực mạnh vốn chỉ tìm được trên đất Bình Định. Có lẽ không ở đâu ngoài vùng đất cho ra thứ rượu thơm ngon, nặng “đô” này thuốc võ mới có khả năng phát huy tối đa tác dụng của mình.

Từ võ nghiệp đến y nghiệp

Võ sư Phan Thọ kể lại: “Hồi đó tui với ông Hà Trọng Sơn cùng mười võ sư khác từ Bình Định đi đánh “liếp” ở Sài Gòn Chợ Lớn trong 6 ngày 6 đêm, hạ không biết bao nhiêu đối thủ nhưng mình mẩy ê ẩm, tay chân tê rần đau nhức. Khi ấy, nếu bỏ cuộc thì hổ danh đất võ Bình Định lắm. Cũng may, anh em ai cũng đem theo mấy thang thuốc võ nên mới nhanh chóng phục hồi được sức lực. Lúc ấy mà không có thuốc võ thì anh em không ai chịu nổi”.

Có lẽ không một ai trong số võ sư Bình Định có dụng tâm đi học thuốc võ để làm thầy thuốc. Tuy nhiên, theo lời lão võ sư Trần Dần thì “người học võ nhất thiết phải biết thuốc võ”. Không hiểu cái lệ này có từ đời nào nhưng quả thực người luyện võ chân truyền không ai không được thầy truyền cho các bài thuốc phòng thân.

Võ sư Phan Thọ cho biết thêm: “Hai mươi năm tầm sư học đạo hết thầy này đến thầy khác, ngoài chuyện nỗ lực tột bực trong võ thuật thì hàng ngày tui đều phải cắp thùng theo các thầy đi làm thuốc. Mỗi thầy truyền cho một ít nên cũng biết chút đỉnh thuốc võ phòng thân”. Có lẽ nhờ vậy mà bên cạnh một võ nghiệp lẫy lừng, người khắp các vùng trong và ngoài tỉnh Bình Định ai cũng biết đến tài trị thương của võ sư Phan Thọ. Nhà ông không ngày nào ngớt người đến nhờ chữa các bệnh ngoại thương, trật đả. Từ chỗ là một người đam mê võ thuật, đến nay ông “kiêm” luôn nhiệm vụ làm thuốc cứu người.

Có thể dễ dàng kể ra không ít võ sư dùng thuốc võ trị bệnh mãi rồi được người đời phong cho hai chữ “lương y” trang trọng. Thậm chí, có không ít người võ nghiệp của họ bị lu mờ so với y nghiệp xuất sắc của mình như võ sư Trần Dần ở Tây Sơn với hàng loạt các bài thuốc Nam thần diệu nức danh, võ sư Đoàn Ngọc Ánh ở Phù Cát với 3 đời làm nghề thuốc võ gia truyền, võ sư Thích Huyền Ấn ở Qui Nhơn…

Của riêng còn lại chút này...

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài viết, chính tác giả cũng bất ngờ khi không tìm thấy bất cứ một tư liệu khoa học hay một công trình nghiên cứu nào về thuốc võ Bình Định. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Khôi, nguyên giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, “Thuốc võ rất hay và độc đáo, nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên chúng tôi chưa thể có một đề tài nghiên cứu nào xứng tầm để có thể hệ thống lại toàn bộ nền võ y Bình Định”.

Theo các võ sư, việc truyền nghề lại cho lớp võ sinh trẻ đã rất khó khăn chứ chưa nói đến điều kiện hành nghề của số môn sinh này. Võ sư Tuấn Khanh đã cố công truyền bài thuốc chữa bệnh quý giá bằng thép nóng cho rất nhiều học trò nhưng hầu như tất cả các môn sinh đều không theo nổi vì mức độ khắc nghiệt của nó. Hay như võ sư Phan Thọ truyền dạy cách trị thương bằng thuốc võ cho hàng trăm môn sinh nhưng chỉ vỏn vẹn có 3 người thành công. Điều đáng buồn hơn nữa là anh Nguyễn Văn Bình, người học trò tâm đắc nhất của ông, có khả năng trị bệnh tương đương với thầy hiện nay lại đang làm… thợ hồ ở TPHCM.

Một võ sư đã ngoại bát tuần trăn trở: “Võ học chúng ta đã đạt được một vài thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy nhưng còn thuốc võ đang ngày càng mất đi vì lớp trẻ bây giờ không ai chịu khó học. Chúng ta phải có biện pháp bảo tồn phù hợp sao cho võ tới đâu thì thuốc tới đó mới được gọi là thành công. Tinh thông võ nghệ mà không am tường thuốc võ thì coi như bỏ”.

“Cuối 1998, có một đoàn võ sư Hàn Quốc sang Việt Nam thi đấu biểu diễn và họ có nhờ người dẫn đến tìm tui tỉ thí võ nghệ. Việc tỉ đấu trong võ thuật là chuyện bình thường, nhưng thấy phía bạn có vẻ “hăng” quá nên tui không đồng ý giao đấu. Thế là một võ sư trong đoàn sấn tới dùng các thế đá cực kỳ hiểm hóc để tấn công tui ngay trước sân nhà. Ban đầu tui chỉ lo né tránh, các đòn đá của võ sư Hàn Quốc cứ thế mà tung ra vùn vụt, có cú đá chẻ mạnh vào cột nhà nghe cái bụp!” – Võ sư Phan Thọ dừng lại chỉ cho chúng tôi chiếc cột nhà nứt một vệt dài rồi kể tiếp – “Bị dồn vào thế bí tui buộc lòng phải chống trả. Tui dùng chiêu “quy ẩn liên diệp”, hạ người xuống né đòn đá ngang của đối phương rồi công kích một đòn thật mạnh vào giữa xương đùi khiến võ sư nọ ngã vật ra đau đớn. Tôi lật đật chạy vô nhà trong mở tủ lấy hũ thuốc võ ngâm lâu năm ra làm thuốc cho đối thủ. Sau khi thấy thuốc võ có vẻ hiệu nghiệm, anh ta xin ở lại nhà tui gần một tháng để trị thương và mày mò học các vị ngũ trảu, sâm quy, huyết kiệt… nhưng cuối cùng không theo nổi.

Từ đó đến nay, cứ vài năm võ sư đó lại cùng mấy người nữa sang xin tui đọc để chép lại mấy cái bài thuốc võ nhưng tôi cương quyết không chịu. Bây giờ tuổi già sức yếu, tui chỉ mong Nhà nước mình mau có công tác sưu tầm bảo tồn cả võ học lẫn y học Bình Định!”

HOA KHÁNH ghi

Các bài thuốc bí truyền độc đáo

Bài thuốc trị bệnh bằng thép nóng đỏ: Trong các bài thuốc võ còn lưu truyền trong giới y sư Bình Định, phương pháp dùng thép nóng trị thương là có một không hai. Để dẫn thuốc vào cơ thể người bệnh bằng phương pháp này, người làm thuốc nhất thiết phải là võ sư đã trải qua quá trình tập luyện gian khổ và am hiểu cơ thể con người. Để thực hiện bài thuốc này cần có 2 tô thuốc võ. Tô thứ nhất gồm các vị: gừng giã nhỏ, rượu, mã tiền, bạch chỉ… trộn chung với nhau và ngâm rượu mạnh nhiều ngày. Tô thứ 2 là một hỗn hợp thuốc võ màu đen, đặc sánh gồm các vị: lưu hội, nhị trà, huyết kiệt… có tác dụng kích thích lưu thông máu, liền xương.

Bàn chân của võ sư là vật dẫn thuốc trực tiếp vào cơ thể người bệnh. Sau mỗi tiếng “xèo” khi người làm thuốc áp gan bàn chân lên tấm thép nóng đỏ, rồi áp mạnh lên vết thương người bệnh, những ai được tận mục sở thị cái phương pháp bí truyền độc đáo kia không khỏi rùng mình ớn lạnh, nhưng cũng không khỏi khâm phục khi những vết thương nhanh chóng trở nên lành lặn chỉ sau dăm bữa.


Y sư Tuấn Khanh đang trị thương - Ảnh: KHÁNH VINH

Bài thuốc đốt vết thương bằng rượu và thuốc võ: Võ sư Tuấn Khanh ở Tây Sơn còn có một phương cách trị thuốc “độc dị” hơn nữa. Mỗi khi bệnh nhân bị ngoại thương với những vết thương nhỏ nhưng tác động của chấn thương rất sâu trong cơ thể khiến máu bầm tích tụ, ông thường dùng phương pháp đốt thuốc vô cùng hiệu quả. Các vị thuốc mạnh như mã tiền, lưu hội... được trộn chung với lá thuốc Nam thành một hỗn hợp đặc sánh trét xung quanh miệng vết thương. Sau đó, rượu mạnh 45 - 55 độ được đổ vào và đốt cháy để cho hơi thuốc dẫn nhập vào bên trong làm tan máu bầm, hàn gắn vết thương.