Từ chú bé mồ côi nghèo trở thành chủ võ đường đông môn sinh nhất nước

Một quãng đời lặn trải, nếm đủ mùi tủi nhục của một đứa trẻ nghèo, Ngọc Hoà đã biết vươn lên trong cuộc sống, chọn nghiệp võ làm cuộc mưu sinh. Nhưng chỉ có thế thôi thì không có gì để nói, đối với Hoà nghiệp võ còn là con đường giúp đời, giúp người….
Báo An Ninh THẾ GỚI
Tuổi thơ không êm đềm
Vì lý do riêng, bố mẹ bỏ nhau từ khi Hoà còn nhỏ tuổi. Một mình mẹ nuôi 4 anh em Hoà sống ở vùng núi cằn khô Tân Kỳ, Nghệ An. Lam lũ quanh năm mới đủ ăn nói gì đến chuyện anh em Hoà có được tấm áo mới khi Tết đến. Hoàn cảnh buộc Hoà phải lao vào làm đủ mọi việc để giúp mẹ, từ chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp việc đồng áng. Có bữa ăn chỉ mấy củ khoai, thương em, Hoà chia hết phần cho các em và trốn ra bãi đất trống sau nhà tập võ. Mẹ Hoà biết được nhưng cũng đành chịu, thương con bà cũng chẳng có đủ tiền cho nó đi học võ. Có hôm sang nhà hàng xóm thấy đang mở "băng chưởng", Hoà say sưa đứng xem quên luôn cả việc chăn trâu, tối về mẹ mắng cho một trận nhớ đời….. Năm 1989, Hoà lên lớp 10, mẹ của cậu do vất vả nuôi con lại ăn uống kham khổ nên đã đổ cơn bạo bệnh và ra đi khi chưa đầy tuổi 50. Ông trời dường như một lần nữa lại thử sức anh. Nhìn bầy em nheo nhóc đang trông mong vào anh cả, Hoà gạt nước mắt, tạm gác chuyện học, trước mắt phải lo cho các em cái ăn. [....]
Ra Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của người quen, Hoà có chỗ ở nhờ một thời gian. Nhưng không thể sống mãi bằng sự cưu mang. Gửi đứa em sang trại trẻ mồ côi Đông Anh, Hoà sắm một bộ đồ nghề vá xe và tự làm nuôi thân. Lúc đã quen với đường đi lối lại, Hoà chuyển sang làm tiếp thị nước khoáng Kim Bôi. Trầy trật trong cuộc sống mà đồng tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao, lại nhớ 2 đứa em ở quê. Vừa chân ướt chân ráo về quê, thì nhận được tin, người ta làm thủ tục cho đứa em út đi làm con nuôi người nước ngoài. Tình anh em trỗi dậy, sướng khổ anh em phải có nhau, Hoà quay ra Hà Nội đón em về.

Trải qua quãng đời trầy trật, Hoà nghĩ muốn làm người anh cả cho các em noi theo và nhìn vào thì không bằng cung cách làm lụng vất vả nơi đầu đường xó chợ mà phải quyết chí học.

Tạo dựng nghiệp võ

Quay trở lại trường cũ, nhờ sự cảm thông và giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, Hoà được nhận vào học. Cái may cho anh là có thầy hiệu phó Trần Đình Năm hiểu được ước muốn tốt đẹp của anh, đã "đỡ đầu" anh mở CLB võ thuật ngay tại Trường cấp III Lê Lợi, huyện Tân Kỳ. Năm 1994, CLB võ karate Trường cấp III….. ra đời. Sự ra đời của một CLB võ thuật vào lúc đó không phải là điều giản đơn. Vì, thời gian đó ở địa phương trong cả nước rộ lên phong trào học võ. Ở nhiều nơi có khi do thầy làm điều gì đó hệ lụy hoặc trò ra đánh người tùm lum, tác động của các lò võ là tiếng xấu nhiều hơn điều tốt. Đặc biệt ở Tân Kỳ quê anh, liên quan đến lò võ của một người đi trước là chuyện không hay dính dáng đến việc phạm pháp của thầy. Thấu hiểu được điều này, Hoà càng ra sức học để không phụ lòng tin của thầy hiệu phó khi đặt cả danh dự, niềm tin vào anh.

Năm1995, Hoà nhận được giấy báo đậu vào khoa Luật trường ĐH KHXH & NV Hà Nội. Để có tiền ăn học, Hoà phải làm đủ thứ từ rửa bát thuê, làm phụ hồ, đến nắm than tổ ong, trông xe thuê….[....] Vừa học, Hoà vừa được nhận vào Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Hà Nội. Có lòng say mê, lại được các thầy dạy bảo tận tình chu đáo, Hoà đã sớm trưởng thành. Anh dần mở rộng các CLB ở Hà Nội dưới cái tên Võ Đường Ngọc Hòa.

Những ngày tháng anh đi mở lớp dạy võ, đến đâu cũng bị từ chối. Lý do thật đơn giản, trước đây cũng đã từng có người mở lò võ rầm rộ, nhưng khi thu tiền xong thì lặn mất tăm. Mở lớp dạy võ ở Hà Nội đã khó, về quê còn khó hơn. Công an xã thì ra lệnh giải tán lò võ, ông Trưởng phòng Văn hoá huyện Tân Kỳ lo ngại lặp lại chuyện trước đây, tuyên bố: "Vĩnh viễn không bao giờ có karate trên đất Tân Kỳ". Sau này, nhắc lại chuyện đó, ông cười: "Nói thì nói vậy, nhưng thấy làm tốt thì cho mở chứ sao". Năm 1998, thầy trò Ngọc hoà tự túc kinh phí đi thi giải Karate cấp tỉnh.Vào Vinh, mấy thầy trò miền núi đi thi võ lại đi chân trần, không có dép, không có điều kiện thuê nhà phải căng bạt ăn ngủ dưới chân núi Quyết. Cô Đề nhà ở ngay dưới chân núi thấy cảnh như vậy, thương tình cho ngủ nhờ. Có lẽ hình ảnh ấy là niềm tin để đến năm 1999, Hoà có được giấy phép mở lớp võ ở Nhà Văn hoá Tân Kỳ. Khởi dựng nghiệp võ trong cảnh không ít kẻ với cái tâm hẹp đã để lại bao điều tai tiếng, Hoà nghĩ trước hết để thuyết phục người khác là phải tạo lập niềm tin. Khó khăn cũng dần qua đi, anh chỉ chuyên về việc dạy võ còn học phí anh để cho bộ phận khác làm. Niềm tin là sức sống mãnh liệt nhất của Võ Đường Ngọc Hoà, và cũng chính nó đã tạo dựng cho anh một nghiệp võ ở 16 CLB (13 CLB ở Nghệ An và 3 CLB ở Hà Nội).

Đến nay, Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh có phong trào karate đứng đầu cả nước. Trong đó lò võ Ngọc Hoà đã đóng góp phần không nhỏ. Bận rộn, nhưng để động viên tinh thần các em, trong các giải thi đấu anh đều dành thời gian đưa các em đi thi. Năm 2001, tại giải Karate Hà Nội mở rộng, các học trò của Hoà giành được 2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Năm 2002, tại giải Cúp các CLB mạnh là 1 HCV, 4 HCĐ…Thành tích khiêm tốn nhưng đó là những nỗ lực bước đầu đáng ghi nhận, hé mở khả năng về việc đào tạo các VĐV trình độ cao trong tương lai.
Hoà đang xúc tiến mở rộng võ đường ra nhiều tỉnh thành khác. Đối với anh học võ còn là rèn luyện bản lĩnh đạo đức và nhân cách văn hoá. Với hơn 30 HLV và trợ giáo giảng dạy của võ đường, anh luôn thân tình, cùng nhau chia sẻ khó khăn, thuận lợi. Chính điều này đã tạo thành sức mạnh kết dính trách nhiệm và ý thức rèn luyện. Một điều đáng ghi nhận nữa là chưa có một trò nào của Hoà làm điều gì để lại tai tiếng không hay. Chắc Hoà phải có một bí quyết nào chăng? Chẳng có bí quyết nào cả, mình phải gương mẫu, và cố gắng răn dạy các em, càng học võ lại càng phải biết mình, lấy sự cư kính làm đầu - Hoà trả lời.
Không quên cái thời "ngày xưa" ấy…..
Thật ra cũng chưa xa, vì năm nay Hoà mới bước vào tuổi 30, gọi là "ngày xưa", vì nhiều người khi đã thành danh thì hay quên cái thuở hàn vi. Nhưng đối với Hoà thì không, anh đã tiết kiệm chi tiêu mua 14 xe đạp, một xe máy để tặng các học trò nghèo của mình ở quê, một xe máy để tặng một bạn có hoàn cảnh neo đơn ở Hà Nội. Năm 1999, trước cảnh lũ lụt ở miền Trung, thầy trò võ đường đã quyên góp được 14 triệu đồng. Hoà cùng một trợ giáo của mình rong ruổi trên chiếc Cúp 81 từ Hà Nội vào Hương Trà (Huế) trao trực tiếp cho các em học trò nghèo. Món quà tuy không lớn so với những mất mát của trẻ em vùng lũ nhưng đó là món quà của tấm lòng và sự đồng cảm. Mua được căn nhà nhỏ ở Phùng Khoang, cảm thông với các em có hoàn cảnh khó khăn, Hoà mở rộng lòng đón 8 môn sinh về ở. Bản thân anh chỉ dành cho mình một phòng nhỏ mà 3/4 diện tích được dùng để sách và thuốc phục vụ cho việc học và dạy võ. Trong căn phòng của mình, anh cẩn thận lưu giữ hàng trăm kỷ vật do các học trò tặng, nhiều nhất là thơ, truyện ngắn, có khi là con sò, con ốc, khúc côn, cái sáo…Hoà rất chăm đọc sách và yêu thích văn học. Quyển sách đầu tay của anh nói về lịch sử môn phái karatedo, quá trình du nhập vào Việt Nam được Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin in và phát hành. Hoà cho biết, anh đang tập hợp các bài thơ, truyện ngắn (sưu tầm được cũng như của các học trò viết) có chủ đề liên quan đến võ thuật, hy vọng một thời gian ngắn có thể ra mắt bạn đọc.
Chắc có bạn đọc chưa từng gặp sẽ hình dung Hoà là một con người cao to. Không, gặp anh nhiều người sẽ bất ngờ, anh chỉ cao nhỉnh 1m60, nặng chưa đầy 50 kg…nhưng điều quan trọng không phải ở chiều cao và sức nặng cũng như chuyên môn võ thuật. Tiếp xúc với Hoà mới hay anh có sức hút khá mạnh. Chỉ gặp anh trong thời gian ngắn tìm hiểu thông tin cho bài báo này, trước khi kết thúc bài viết, tôi đến tìm Hoà tại nhà anh ở Hà Nội xin được làm một môn sinh, nhưng không gặp anh. Hoà đang làm thanh tra chuyên trách, uỷ viên BCH Liên đoàn võ thuật Nghệ An kiêm HLV trưởng Đội karate tỉnh, thời gian này anh phải chuyên tâm cho Đội chuẩn bị tham gia Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 11 tới.