Người chết sống lại sau sáu giờ

Thứ ba, 20/07/2010 06:34

(CATP) Anh thanh niên được bệnh viện xác định ung thư giai đoạn cuối nên về nhà chờ lo hậu sự. Sau khi đã tắt thở, gia đình chuẩn bị tẩn liệm thì anh ngồi dậy xin thuốc hút, uống nước, nói chuyện với người thân và tiếp tục sống đến một tháng sau đó.




Vợ anh Hùng bên di ảnh chồng


PHÁT HIỆN BỆNH THÌ ĐÃ MUỘN
Anh Nguyễn Thanh Hùng (SN 1973, phường 2, TP. Tân An) là con thứ hai trong gia đình có năm anh em. Do nhà nghèo, mẹ mua bán ve chai anh em đều sống bằng lao động phổ thông. Nhiều năm làm thợ hồ, tiền lương không được bao nhiêu, anh Hùng cùng ba người em trai quyết định lên Q12, TPHCM tham gia xây dựng ở các công trình mong sớm đổi đời. Hết giờ lao động anh em ngồi lại với nhau tìm đến rượu để giải sầu. Năm 2001, anh quen và kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Nam (SN 1972, tạm trú Bà Rịa-Vũng Tàu) sống bằng nghề bán vé số. Hai năm sau lần lượt hai bé trai ra đời, cuộc sống càng thêm khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn quyết chí làm ăn.

Trung tuần tháng 4-2010, trong một lần đi làm về khi anh em tụ hợp đầy đủ tại khu nhà trọ ở Q12, mua rượu về lai rai, vừa uống được một ly anh Hùng than đau ở vùng bụng và có hiện tượng nôn ói. Ban đầu tưởng anh kiếm chuyện từ chối nhậu, ai cũng ép tiếp tục vào bàn. Đến lúc nhìn thấy gương mặt nhợt nhạt, trán đổ mồ hôi mọi người mới tin. Hôm sau, khi đến bệnh viện khám, siêu âm xong, bác sĩ cho biết anh Hùng bị ung thư túi mật giai đoạn cuối, có dấu hiệu di căn sang một số bộ phận khác trong cơ thể!

NGƯỜI CHẾT SỐNG DẬY
Bà Nguyễn Thị Kim (SN 1954), mẹ ruột anh Hùng hàng ngày thức khuya dậy sớm quảy gánh đi mua ve chai ở cách nhà hàng chục cây số kiếm tiền thuốc thang cho con. Chị Nam hàng ngày với xấp vé số qua các ngã đường của Vũng Tàu bán gởi tiền về phụ chồng vượt qua cơn hoạn nạn.

17 giờ ngày 14-6-2010, sau bữa cơm chiều, bà Kim thấy con nằm im không cử động, tưởng con ngủ nên kéo mền định đắp thì phát hiện anh Hùng đã tắt thở từ lúc nào. Nghe tiếng mẹ khóc, chị Nga - em anh Hùng chạy vào sờ lên miệng, mũi thì thấy anh không còn thở, da bắt đầu tái nhợt.

Anh Hùng được đưa lên bộ ván và che lại bằng một chiếc mền, trên bụng để một nải chuối, trên đầu cúng hột vịt, chờ người thân (vợ anh ở Vũng Tàu) về nhìn mặt lần cuối.
Hơn 23 giờ, cả gia đình ngồi bàn việc tổ chức và lo hỏa táng, do nhà quá chật mọi người ngồi xung quanh thi thể của anh để nói chuyện. Riêng anh Trí (em trai anh Hùng) ngồi cạnh bên, tay để lên tấm chăn đắp thi thể anh. Chợt thấy động đậy, bàn tay anh Hùng chạm vào tay anh lay nhẹ. Dù mất bình tĩnh nhưng anh Trí vẫn không dám kêu và tiếp tục quan sát. Bất chợt anh Hùng ho mạnh, nải chuối trên bụng rơi xuống, rồi anh từ từ ngồi dậy mở mắt nhìn xung quanh. Thấy nhang đèn cháy đỏ trên bàn thờ, quan tài kề bên, hiên nhà dựng trại, anh rất ngạc nhiên. Sau khi xin em trai thuốc hút, nghe mọi người kể lại mọi việc, anh Hùng mới biết là mình vừa chết và sống lại.

Anh Hùng trở lại cuộc sống thường ngày, ăn uống ít nhưng mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Cứ như thế, anh Hùng sống được đến ngày 15-7 vừa qua mới qua đời.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Ngày 20-7, qua trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết: “Chết lâm sàng là một trong những trạng thái kỳ lạ hiếm gặp ở con người, song lại là một trong những vấn đề ẩn chứa nhiều điều bí mật, các nhà khoa học luôn muốn khám phá, tìm hiểu”. Đó là hiện tượng tim bệnh nhân đã ngừng đập, não không có tín hiệu hoạt động, song không có nghĩa là người đó đã bị chết, mà đó chính là một trạng thái thứ ba của con người ngoài trạng thái sống và chết. Ở trạng thái chết lâm sàng này, các tế bào trong cơ thể con người vẫn còn sống.
Việc đưa người chết lâm sàng “sống lại” bằng kích thích rung tim và sưởi ấm cơ thể được xem là cách tốt nhất. Song không ít trường hợp, những người sống sót được sau khi tim ngừng đập đã mắc phải một số chấn thương não bộ. Tất nhiên là những ca chấn thương não bộ nghiêm trọng hầu như không thể sống sót lâu. Trường hợp anh Hùng, nếu đúng như lời gia đình kể lại thì có nhiều khả năng là do gia đình đốt nhang đèn và phủ chăn kính, làm cơ thể ấm lại các mạch máu lưu thông bình thường, não bộ hoạt động trở lại.