Võ Bình Định - gìn giữ của báu - Kỳ 1: Giữ chiêu pháp đặc thù


Lão võ sư Phan Thọ luyện quyền cho võ sinh lớp buổi tối tại sân võ nhà ông- Ảnh: H.V.Mỹ

TT- Được đặt móng từ những lớp cư dân Đại Việt từ Đàng Ngoài đến khai mở vùng đất được xem là phiên trấn địa đầu vào cuối thế kỷ 15, võ Bình Định từ đó không ngừng phát triển. Đến vương triều Tây Sơn (1778-1802), nền võ thuật Bình Định được coi đã đạt đến đỉnh cao của phát triển.

Được duy trì gần như xuyên suốt thời gian, võ Bình Định bây giờ được xem là di sản văn hóa độc đáo không chỉ của người Bình Định. Phải gìn giữ ra sao cho phải đạo? Câu hỏi thật nhiều trăn trở.

Cơn mưa chiều vẫn không làm các bạn trẻ quanh xã Bình Nghi, Bình Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bỏ qua buổi học võ mà với họ “quý và cần không khác những con chữ”. Với họ, giờ đây còn được chính những vị võ sư trưởng lão trong vùng truyền dạy võ nghệ là một may mắn lớn.

Những lão võ sư còn lại

7 giờ tối, sân nhà lão võ sư Phan Thọ ở làng Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi) đã gần kín chỗ khi hơn 30 võ sinh trong vùng đến tập luyện. Lão võ sư Thọ, 84 tuổi, cầm côn múa mẫu cho một số võ sinh múa theo. “Mỗi bài tập thầy chỉ bày vài ba buổi đầu. Tiếp theo chúng em sẽ tự luyện tập, chỗ nào sai sót sẽ có lớp anh chị chỉnh sửa cho. Cũng như học văn, học võ quan trọng là học ở bạn bè, ở lớp anh chị” - võ sinh Từ Thị Oanh, đang là học sinh lớp 11, nói.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng - phó tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có hơn 100 võ đường (sân võ) dạy võ cổ truyền Bình Định do các võ sư, huấn luyện viên đảm trách. Tất cả huyện, thị trong tỉnh đều có chi hội võ thuật cổ truyền, ở những huyện miền núi thì có câu lạc bộ võ thuật cổ truyền.

Theo võ sư trẻ Phan Thanh Sơn, cách làng Kiên Mỹ - quê hương của Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) - chỉ chừng 7km về hướng đông, xã Bình Nghi có đến năm sân võ, những võ sư chủ sân như anh đều là môn đệ của lão sư Phan Thọ - một chưởng môn phái nổi danh của đất Tây Sơn mà tiêu biểu là về quyền thuật được gọi quyền An Vinh (quê hương của nữ đại đô đốc Tây Sơn Bùi Thị Xuân).

Nhưng không chỉ với đường quyền nổi tiếng, lão sư Thọ còn được xem là vị võ sư duy nhất còn lại của đất võ Bình Định thông thuộc 18 môn (loại) binh khí (roi, siêu, kiếm, đao, thương, kích...). “Võ Tây Sơn - Bình Định hùng mạnh là nhờ người xưa biết đưa võ cổ truyền của các dân tộc thiểu số vùng cao thêm vào” - võ sư Thọ nói.

Sân võ của lão võ sư 70 tuổi Hồ Sừng ở làng Hòa Mỹ (xã Bình Thuận) liên thông với sân võ của võ sư Hồ Văn Bé - con trai thứ của ông - bởi hai nhà nằm kề nhau. Võ sư Sừng nắm ngọn ngành về môn phái võ Thuận Truyền mà ông cha mình có công vun đắp. Lão sư Sừng kể chính ông bà cố của ông - ông Hồ Triêm và bà Lê Thị Quỳnh Hà - đã chấn hưng nền võ Thuận Truyền.

Theo nhiều người trong vùng, có lẽ nỗ lực chấn hưng miền võ Thuận Truyền của bà Quỳnh Hà với lời truyền tụng lưu lại đã luôn lôi cuốn phái nữ trong vùng theo học võ thuật. “Từ nhỏ, nghe câu ca dao Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định đi roi đi quyền, em đã muốn học võ rồi. Đến khi biết nguồn gốc ngọn roi nổi tiếng của Thuận Truyền, em lại càng chăm luyện tập” - Phạm Thị Nhượng, học sinh lớp 10 ở làng Hòa Mỹ, từng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi võ thuật cấp tỉnh, quốc gia, nói. Cũng như võ sư Sừng bày tỏ: “Bởi vậy, mỗi khi thắp hương trước tổ đường, nghĩ về bà Quỳnh Hà, cha con tui thấy nặng ơn bà lắm”.

Đường quyền danh tiếng


Võ sư Lâm Ngọc Phú, trưởng môn phái An Thái - Bình Định, luyện quyền cho các võ sinh - Ảnh: H.V.Mỹ

Những võ sinh ở lớp học với lão võ sư Lâm Ngọc Phú ở làng An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) có nhiều trình độ khác nhau, tất cả đều cần mẫn luyện tập, răm rắp theo từng thao tác mẫu của thầy. “Chỉ còn chưa đầy tuần nữa em phải vào học ở Đại học Kinh tế TP.HCM. Được thầy Phú dạy, em thấy võ thuật rất có ý nghĩa, nhất là môn quyền An Thái” - Lê Văn Thắng, nhà ở xã Bình Nghi kề bên, nói. Quyền An Thái từ lâu nổi tiếng là “đặc sản” trong nền võ cổ truyền Bình Định.

Theo lão sư Phú (74 tuổi), “ông tổ” quyền An Thái chính là Hoa kiều Diệp Trường Phát - thường được quen gọi là Tàu Sáu. “Tuy học thầy Tàu Sáu nhưng ông cha mình biết kết hợp với nhiều phái võ cổ truyền khác nên bài bản của mình có phần phong phú, đa dạng hơn. Nhờ vậy trong mấy cuộc thi võ cổ truyền Bình Định mới đây, người làng võ An Thái đoạt được giải cao ở các môn lăn khiên, múa song kích, bởi đây là những môn của võ Thiếu Lâm mà An Thái học được”, võ sư Phú nói.

Đỉnh cao nền võ thuật cổ truyền Bình Định chính là sự xuất hiện của Tây Sơn tam kiệt với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vang dội lịch sử. Tây Sơn hạ đạo (nay là huyện Tây Sơn) là nơi sinh ra Tây Sơn tam kiệt, còn vùng đất An Nhơn liền kề bên dưới lại là nơi truyền thụ cho họ thao lược để làm nên nghiệp lớn. Được đặt móng từ những lớp di dân mở đất phương Nam từ cuối thế kỷ 15, đến thời Tây Sơn khởi nghĩa võ Bình Định đã phát triển rất cao, đến mức nhiều phụ nữ cũng rất giỏi võ nghệ.

Theo võ sư Phú, người dân trong vùng truyền nhau rằng hai anh em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng - đại đô đốc nhà Tây Sơn, từng là môn sinh của vợ chồng võ sư Đinh Văn Nhưng (có thân phụ từ tỉnh Ninh Bình vào) ở làng Thanh Liêm, xã Nhơn An, cạnh xã Nhơn Phúc. Và trước ngày phất cờ khởi nghiệp, ba anh em Nhạc - Lữ - Huệ cùng một số bằng hữu - sau đều trở thành danh tướng Tây Sơn - còn được vị thầy đồ kiêm võ sư Trương Văn Hiến, từ Đàng Ngoài vào ở làng An Thái, truyền dạy cho văn chương, thao lược.

Cũng như một ít sân võ khác ở Bình Định, bên cạnh lớp đêm, sân võ của lão võ sư Trương Văn Vịnh ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) còn có lớp vào lúc tinh mơ. “Tụi em thức dậy ôn bài từ 4 giờ rồi đến đây luyện tập chừng hơn một giờ là về đi học” - Nguyễn Tấn Sang, học sinh lớp 11, ở làng Vinh Quang kề bên, nói. Ở tuổi 74, tuy gầy nhưng võ sư Vịnh trông rất năng động, khỏe khoắn bởi sự nhanh nhạy và vẻ sắc sảo của ánh mắt. Võ Bình Định đã được người nhiều nơi học và tiếng tăm cũng được truyền đi, cả đến nước ngoài.

Thật đáng phấn khích, võ sư Vịnh nói thêm phần thưởng cao quý mà ông cũng như người đất võ Bình Định có được là việc ông cùng ba võ sư trẻ Bình Định được mời dự Đại lễ Quán khí đạo châu Âu lần 4 tại Ý và Romania cuối tháng 10-2007. Với hai bài biểu diễn quyền và côn điêu luyện của mình, ông đã được ban tổ chức đại lễ tặng bằng tri ân với danh vị “đại danh sư”. “Hai màn biểu diễn quyền, roi của tui được khen ngợi chính là nhờ những cái riêng từ quyền thuật của phái võ miền hạ nguồn này trong cái chung của nền võ Bình Định. Cũng chính nhờ vậy mà tui tuy có tuổi tác vẫn còn diễn xuất tốt những tinh hoa của quyền thuật được truyền lại nơi vùng đất này”, võ sư Vịnh nói.

HUỲNH VĂN MỸ
(Trích Tuổi Trẻ on line)


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...4&ChannelID=89